Cũng giống như mỗi cá thể, công ty hoạt động trong một môi trường chung thì tất nhiên sẽ chịu ảnh hưởng – những mặt tích cực và những mặt hạn chế mà môi trường đó đem lại.
Nguyên nhân từ phía chủ đầu tư.
Chủ đầu tư đóng vai trò là người ra đề thi, vậy mà nhiều khi “ đề thi “ không rõ ràng, thông tin mập mờ, không minh bạch, không cụ thể khiến cho công ty làm bài – lập Hồ sơ dự thầu không tốt, thiếu căn cứ để lập… Đặc biệt trong một số trường hợp việc đấu thầu chỉ là mang tính hình thức, chiếu lệ ( thường xảy ra với những dự án sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước ). Nhiều cơ quan , địa phương lạm dụng hình thức chỉ định thầu phê duyệt cho gói thầu cho cả một dự án lớn, nếu thấy việc này thực hiện khó khăn bởi dư luận thì họ lại sử dụng thủ thuật chia nhỏ gói thầu, bán thầu làm giảm cạnh tranh trong đấu thầu …Bên cạnh đó cũng có trường hợp năng lực của chủ đầu tư yếu kém trong việc xây dựng dự toán quá thấp gây khó khăn cho việc xét kết quả trúng thầu. Đôi khí còn xảy ra tình trạng thiếu thống nhất giữa tiêu chuẩn đánh giá Hồ sơ dự thầu và yêu cầu được nêu trong Hồ sơ mời thầu gây ra sự khó khăn trong đánh giá, không đảm bảo tính công bằng.
Nguyên nhân từ đối thủ cạnh tranh.
Khi Việt Nam gia nhập WTO đã đem lại nhiều cơ hội và cũng mang đến những thách thức không nhỏ trong khi đó thị trường xây dựng trong nước đang có sức hút rât lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Mới thành lập, công ty còn đang cần phải nỗ lực rất lớn để cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, chứ thực sự chưa thể chở thành đối thủ của các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay nhiều dự án lớn trong ngành xây dựng của Việt Nam đều do các nhà thầu nước ngoài trúng thầu và thực hiện, họ có kinh nghiệm, kỹ thuật cao, máy móc hiện đại, nguồn nhân lực có trình độ, lại có tiềm lực tài chính hùng mạnh… tất cả đã khiến nó trở thành đối thủ đáng gờm của bất kỳ công ty trong nước nào.
Hệ thống đấu thầu của Việt Nam nhìn chung đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư công. Với việc ban hành Luật Đấu thầu và nghị định hướng dẫn kèm theo, có thể thấy đây là các văn bản pháp lý bảo đảm sự minh bạch trong hoạt động đấu thầu như: Yêu cầu các chủ đầu tư và nhà thầu khi tham gia đấu thầu phải công bố các gói thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng, công bố thông tin đơn vị thắng thầu... Việc công bố thông tin công khai sẽ mang lại sự minh bạch và là điểm tích cực trong luật của Việt Nam.
Tuy nhiên vẫn còn hạn chế lớn nhất trong hoạt động đấu thầu tại Việt Nam là nếu nhà thầu chào giá cao hơn mức giá dự toán của dự án thì chắc chắn nhà thầu đó sẽ không trúng thầu. Nhưng trong thực tế, nhiều khi giá dự toán mà chủ đầu tư đưa ra không phải lúc nào cũng chính xác vì phải dựa trên định mức do Bộ Tài chính ban hành, mà định mức này chưa theo kịp giá thị trường. Hạn chế thứ hai là tình trạng đấu thầu không bình đẳng, đó là các doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên hơn doanh nghiệp tư nhân tại các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Hạn chế thứ ba là theo quy định, thời gian dành cho nhà thầu để chuẩn bị hồ sơ thầu rất ngắn, chỉ có 15 ngày, thậm chí là 10 ngày, kể cả đối với các dự án, công trình lớn. Đối với các công trình lớn, đòi hỏi các nhà thầu có thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu kỹ lưỡng, do đó quy định thời gian như vậy là chưa hợp lý. Còn một quy định nữa là hiện nay nếu chỉ có 3 nhà thầu tham gia đấu thầu một dự án sẽ không được mở thầu. Lợi dụng quy định này, các nhà thầu tìm cách thông thầu để tổ chức cuộc đấu thầu giả bằng cách móc nối với công ty quen biết tham gia đấu thầu, tạo cạnh tranh giả tạo.