II. Các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển dịch lao động theo ngành
1. Nhóm giải pháp về kinh tế xã hội
1.1. Tăng cường đầu tư mở rộng quy mô các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nghiệp
Phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với phát triển đô thị, trung tâm thương mại dịch vụ. Phát triển công nghiệp gắn với phát triển các đô thị nhỏ ở nông thôn, các doanh nghiệp vệ tinh bên cạnh các cụm công nghiệp để tận dụng lao động giải quyết việc làm cho cư dân thành phố, thị xã, thị tứ vào các ngành tận dụng phế liệu, phế thải, cung cấp nguyên liệu, gia công hoặc dịch vụ khác. Xây dựng và phát triển thêm cụm công nghiệp ở Thanh Sơn, Thanh Thủy, Tam Nông. Công nghiệp chế biến nông lâm sản ở Đoan Hùng, Thanh Ba, Hạ Hòa. Ngoài ra chú trọng phát triển trung tâm công nghiệp ở các trung tâm cụm xã miền núi.
Khu công nghiệp ở Phú Thọ đã góp phần thu hút vốn đầu tư vào tỉnh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá thành phố Việt Trì, khu vực Trung Hà và các vùng phụ cận. Hoạt động của các khu công nghiệp đang từng bước góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo chiều hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, phát triển lực lượng sản xuất, đưa Phú Thọ cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.
1.2. Phát triển các ngành thương mại dịch vụ
Tập trung phát triển du lịch lấy Đền Hùng – Việt Trì làm tâm điểm để phát triển đến các điểm du lịch khác như Đầm Ao Châu, Vườn Quốc gia Xuân Sơn, nước khoáng nóng Thanh Thuỷ, … Phát huy lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, văn hoá tâm linh, xây dựng Việt Trì thành Thành phố lễ hội hướng về cội nguồn, mang nét đặc trưng của cả nước. Là trung tâm kinh tế, thương mại, vận tải, xuất nhập khẩu hàng hoá, tín dụng, ngân hàng, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao của vùng, cầu nối giữa các tỉnh phía bắc với các trung tâm kinh tế, thương mại lớn ở miền Bắc và cả nước.
Mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ thương mại, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin liên lạc, điện, nước…đáp ứng được các yêu cầu của sản xuất kinh doanh và đời sống trên tất cả các địa bàn từ thành thị đến nông thôn, miền núi:
- Đẩy mạnh tiến độ đầu tư hoàn thành trung tâm thương mại Việt Trì, trung tâm thương mại thị xã Phú Thọ để làm tốt chức năng đầu mối giao lưu hàng hoá ra vào tỉnh và của vùng miền núi phía Bắc
- Hình thành nhanh các trung tâm thương mại huyện để thu mua hàng hoá sản xuất ra của huyện đưa đến các trung tâm lớn tiêu thụ, kể cả xuất khẩu ra nước ngoài và cung ứng kịp thời cần cho sản xuất, đời sống của huyện.
- Phát triển nhanh chợ mạng lưới chợ đầu mối và mạng lưới chợ nông thôn, bình quân cứ một xã có 1 chợ và cứ 4- 5 xã có 1 chợ lớn tiện cho nhân dân mua bán hàng hoá không phải đi xa ảnh hưởng đến sản xuất.
Đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu qua điểm thông quan của tỉnh, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đầu tư.Tăng cường mối quan hệ giữa các cấp, các ngành của tỉnh với các Tổng Công ty và các doanh nghiệp để xuất khẩu hàng nông sản thực phẩm, hàng thủ nông mỹ nghệ. Nâng dần tỷ lệ hàng
xuất khẩu qua chế biến, có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao.
1.3. Nâng cao năng suất trong nông nghiệp
Nâng cao suất lao động trong nông nghiệp là một trong các giải pháp thúc đẩy chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp nông thôn sang các khu vực khác. Để nâng cao năng suất nông nghiệp trong giai đoạn tới tỉnh cần:
Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ của kỹ thuật, các công nghệ sản xuất mới đặc biệt là tiến bộ sinh học về ưu thế lai đó là các giống lúa lai, ngô lai, lợn lai…Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, nâng cao trình độ thâm canh; đưa nhanh các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất
Tăng cường chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình nông nghiệp trọng điểm. Chủ động thực hiện các phương án phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ an toàn sản xuất.
Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho nông dân, góp phần thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm của người nông dân.