ở nước Nga trước kia, các hình thức hợp tác xã trong nông nghiệp phát triển chủ yếu vào những năm cuối thế kỷ XIX, các hợp tác xã đều do nông dân tự nguyện lập nên và được hình thành chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ cho sản xuất, tín dụng và tiêu thụ sản phẩm.
Sau Cách mạng Tháng Mười, Nhà nước thực hiện chính sách người cày có ruộng, nền nông nghiệp nước Nga vào thời điểm đó cơ bản là sản xuất cá thể. Chỉ ít năm sau dưới sự chỉ đạo của chính quyền Xô viết, mạng lưới hợp tác xã được tổ chức rộng rãi với nhận thức rằng: hợp tác hóa - tập thể hóa càng nhanh thì càng sớm có chủ nghĩa xã hội, hơn thế nữa còn muốn dẹp bỏ nhanh sản xuất tiểu nông thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp Nhà nước. Từ tư tưởng tả khuynh dẫn đến áp dụng phương pháp cưỡng chế để tổ chức hợp tác xã, sản xuất nông nghiệp giảm sút. Khi có chính sách kinh tế mới (NEP) và những tư tưởng về hợp tác hóa của Lênin, nước Nga đã nhanh chóng thoát ra khỏi khủng
hoảng trong thời kỳ 1921 - 1928 và hợp tác hóa phát triển mạnh với nhiều hình thức và nội dung phong phú.
Sau khi Lênin mất, dần dần tư tưởng hợp tác hóa của Lênin bị lãng quên, đến năm 1929 lại có chủ trương phát triển hợp tác xã với khẩu hiệu "xem ai nhanh hơn" "ai không vào nông trang tập thể là kẻ thù của chính quyền Xô viết". Hàng triệu nông dân đã bị cưỡng bức vào nông trang tập thể và mô hình này đã tồn tại trên nửa thế kỷ.
Từ những năm 80 của thế kỷ này Liên Xô đã tiến hành cải tổ, trong nông nghiệp đã được áp dụng các hình thức khoán và cho thuê lâu dài đến người lao động có quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh; nhiều nông trang lớn nhưng làm ăn thua lỗ được tổ chức lại thành hợp tác xã sản xuất và dịch vụ quy mô nhỏ, hình thành các nông trại gia đình với các quy mô và lĩnh vực hoạt động khác nhau.