Sơn Nam chuyên khai thác về đề tài con người và đất đai vùng đồng bằng sông Cửu Long, hay nói cách khác là miệt vườn. Miệt vườn- một vùng đất rộng lớn, phì nhiêu với những nét văn hóa dân gian pha trộn giữa các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, tạo nên nền văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc.
Trong công cuộc khai phá và xây dựng miền đất mới của cư dân người Việt ở Nam bộ, dưới tác động của thiên nhiên, con người càng có ý thức cải tạo thiên nhiên. Lập vườn là công việc lao động đầy sáng tạo của những người mở đất. Khác với vườn ở đồng bằng sông Hồng, vườn ở đồng bằng Cửu Long được tập trung lại với nhau thành không gian rộng lớn với những vườn cây trái xanh mướt quanh năm trĩu quả. Sự ra đời của miệt vườn không chỉ có ý nghĩa vật chất mà còn có ý nghĩa văn hóa, thể hiện khả năng ứng xử phù hợp của con người đối với thiên nhiên. Theo nhà văn Sơn Nam, miệt vườn là “những vùng cao ráo có vườn cam, vườn quýt”, “được xây dựng trên những đất giồng, đất gò ở ven sông Tiền, sông Hậu. Từ lâu, miền Tây Nam bộ đã nổi tiếng là xứ sở xanh tươi, trù phú. Thiên nhiên nhiệt đới ưu đãi tạo nên những đặc điểm văn hóa miệt vườn vô cùng hấp dẫn. Ở miệt vườn, lập vườn là công việc lao động đầy sáng tạo của người dân nơi đây với ý thức cải tạo tự nhiên, phục vụ đời sống con người.
Một trong những yếu tố khiến truyện ngắn của Sơn Nam hấp dẫn người đọc bởi cách nhà văn đã dày công dựng lên một bức tranh thiên nhiên cảnh vật với màu sắc hiền hòa, với vẻ đẹp trù phú mà tạo hóa đã ban tặng cho nơi đây. Sơn Nam đã viết với tất cả sự say sưa và lòng tự hào của một người con Nam Bộ. “Khách đi đường ngỡ mình lạc lối trong hang, thứ hang thiên nhiên,
bất tận. Có tiếng vượn hú. Từ bên này con vượn bồng con, nắm sợi dây rau câu, lấy trớn đu mình sang nhánh ở bờ bên kia để hái trái vừng. Trái quá chát, vỏ quá dày, vượn nhăn mặt, bực tức ném mạnh. Trái vừng sa vào giữa lưới nhện giăng hờ, lơ lửng. Lưới lung linh không đứt hẳn; con nhện hoảng hốt thả sợi tơ dài sa xuống. Chợt thấy mặt nước, nó toan rút trở lên. Nhưng trễ quá rồi! Con cá bông phóng mỏ theo táp mạnh. Thằng Kìm ngỡ đó là con trăn.” [Hương rừng, tr.271]
“Cá lớn bằng cây cột nhà. Vẩy xanh, vẩy trắng thêu từng vòng ngời lên khắp thân mình. No mồi, cá lặn sát đáy, lội nhanh. Bầy cá con di chuyển theo mẹ, hàng trăm con lấm tấm như rắc cườm đầy mặt nước, mất dạng trong bóng mát đằng kia. Bờ sông im lìm, mặt nước thẩn thờ trả lại bóng dáng của cây chồi mọc sát mé bãi: bông vừng buông thả xuống từng xâu chuỗi hường, chen lấn, nối tiếp nhau như bức mành mành. Nhánh vừng khô cằn, lá vàng rụng như mất hẳn. Đôi đọt non nhú lên, mỏng mịn, chưa nhuốm được màu xanh vì thiếu nắng; ở xa trông như những cánh bướm khổng lồ đang phập phồng, ngứa ngáy, chưa đậu yên chỗ là đã muốn bay” [Hương rừng, tr.271-272]. Một cảm giác ngỡ ngàng và vô cùng thích thú đã đọng lại trong lòng người đọc bởi trước mặt họ là một bức tranh thiên nhiên thật ấn tượng và đặc sắc. Cách viết của Sơn Nam đã giúp người đọc hình dung ra mảnh đất phương Nam hiền hòa với những cảnh sắc thật đẹp và yên bình.
Đoạn văn sau miêu tả cảnh thanh bình vào thời điểm đầu tháng giêng ở một ngọn rạch: “Tháng Giêng, buổi chiều thật êm ả, nếu quên đi chuyện muỗi mòng. Mùi lúa chín từ đồng khơi đưa về nồng ấm. Nước giựt xuống thấp, cây rừng bày gốc rễ trông cao lớn hơn mọi lần. Mớ lá khô nằm đó, vàng sẫm như lót đường cho chim cò, rùa rắn. Ngọn rau muống từ giã bờ rạch, bò lên mé rừng, dây ốm tong teo nhưng dẻo dai, lá nhỏ cuốn tròn bên mấy chùm bông tím đang rũ xuống, kết trái, thứ trái nhỏ tròn như cái nút áo. Bươm bướm bay tung tăng đậu trên đó” [Biển cỏ Miền Tây, Vọc nước giỡn trăng, tr.271].
Nhà văn đã cảm nhận thật tinh tế và sâu sắc về hình ảnh thiên nhiên Nam Bộ thật đẹp, thật hiền hòa gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người nơi đây. Truyện ngắn Sơn Nam đã đưa người đọc qua nhiều vùng khác nhau của quê hương mình và dường như qua mỗi nơi nhà văn đều dừng lại để giới thiệu, để giải thích cho bạn đọc hiểu rõ hơn. Ông đưa người đọc đến với những sân chim nổi tiếng, đi qua những khu rừng tràm rừng đước bát ngát, đến với những cánh đồng lúa xanh rì, và những bãi biển đầy nắng và gió. Viết về Nam Bộ là để giới thiệu về chính quê hương xứ sở của mình và là để cho người nơi khác hiểu hơn về quê hương mình. Giống như công việc của một nhà nhiếp ảnh, Sơn Nam đã mang lại cho người đọc một bộ sưu tập đắt giá về một miền Tây giàu và đẹp, nguyên sơ và đầy sức hấp dẫn. Mỗi bức tranh là một hình ảnh vô cùng sống động. Tất cả tạo thành một tổng thể với lấp lánh những sắc màu, tràn đầy hương thơm, của quí. Ở đó có màu xanh bạt ngàn của rừng tràm, màu vàng của biển lúa, màu trắng xóa của biển nước mênh mông, màu đỏ sẫm của những dòng phù sa cùng với vô vàn những sắc màu khác của thế giới xung quanh. Ông đã đưa người đọc lướt nhẹ bàn chân trên quê hương Nam bộ bằng nghệ thuật ngôn từ.
Với ông, đẹp nhất có lẽ là những đêm rừng trăng sáng, “đom đóm bay về đậu trên nhánh tràm như họp chợ phiên. Đến mùa hoa nở, hương thơm ngào ngạt, bông kết oằn sai, mịn màng trắng tuyết. Ông ví như có một bàn tay thần nào đó rắc lên hàng vạn nhánh to nhánh nhỏ hằng hà sa số đợt bôn g gòn… Từng đàn ong bay đi hút mật, muôn ngàn hũ mật ong của trời ban xuống cho trần gian còn treo lủng lẳng như mù sương trên nửa lừng đó ” [Hương rừng ]. Đó còn là vẻ đẹp của tự nhiên của những sân chim. Rừng U Minh là nơi qui tụ hàng chục sân chim lớn nhỏ. Nào là sân Cái nước, sân Thầy Quơn, sân Thứ Nhứt, ấy là chưa kể sân ở ngoài rừng chưa ai đặt chân tới, từng vùng rộng chừng mười ngàn thước vuông. Hàng vạn con chim bay về đây làm tổ tạo thành một thế giới náo nhiệt. Chúng sinh sôi nảy nở
khắp cành cây mặt đất. Hình ảnh từng đàn chim đi tìm mồi từ Biển Hồ bay về bất ngờ bị những đàn bồ nông chực chờ tranh giành, cướp bóc tạo nên một trận chiến trên không đầy ấn tượng [Tháng chạp chim về].
Không gian sông nước và miệt vườn thân thuộc và gần gũi trong các truyện ngắn của Sơn Nam đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc. Làm được điều đó, chính tâm hồn nhà văn đã có sự gắn kết tự nhiên với đất mẹ thiêng liêng, với nơi mình sinh ra lớn lên, bao gồm cả những điều tưởng như vụn vặt, tầm thường nhất như giọng nói, món ăn, nước uống, cỏ cây... Nhận xét về điều này, Bình Nguyên Lộc, trong Lời tựa “Gốc cây, Cục đá & Ngôi
sao” của Sơn Nam, 1969 đã viết: “Sơn Nam là một tâm hồn lạc lõng trong thế giới của các cao ốc và Mercedes, trong thế giới triết hiện sinh, tranh trừu tượng và nhạc tuýt. Nhưng đó là một tâm hồn đẹp không biết bao nhiêu, đẹp cái vẻ đẹp của lọ sứ Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây [có khác lọ hoa Ý Đại Lợi ngày nay], và ít được người đời thưởng thức hơn là họ đã thưởng thức một tiểu thuyết gia chuyên viết về chuyện tình chẳng hạn. Nhưng phải nhìn nhận rằng, cái đẹp Sơn Nam bất hủ”.