2.2.1. Dùng ngoại hình để khắc họa tính cách
Ngoại hình là một khái niệm nhằm chỉ toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bề ngoài của nhân vật. Đó chính là những nét về diện mạo, hình dáng, trang phục, cử chỉ, tác phong của nhân vật được biểu hiện trong tác phẩm. Chỉ bằng vài nét bút thoáng qua có tính chất chấm phá nhưng Sơn Nam đã tái hiện, dựng lên chân dung các nhân vật một cách rất rõ nét trước mắt người
đọc. Để từ chân dung đó, người đọc có thể nhìn thấu một cách sinh động, trọn vẹn tính cách nhân vật.
Tính cách nhân vật là sự thống nhất gi ữa bản chất bên trong và những biểu hiện muôn màu muôn vẻ bên ngoài như ngoại hình, thái độ cử chỉ, hành động, lời nói hằng ngày… Nhân vật của Sơn Nam cũng không nằm ngoài những yếu tố chung đó. Tuy nhiên, điều đặc biệt là qua khảo sát ba tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau chúng tôi nhận thấy trong số hơn một trăm năm mươi nhân vật được tác giả đề cập đến [không kể nhân vật có tính cách mờ nhạt] chỉ có khoảng hai mươi nhân vật được ông phác thảo vài nét về hình dáng bên ngoài. Trong đó nhiều nhân vật chỉ được ông giới thiệu chung chung như khi giới thiệu nhân vật cặp rằng Be, ông Năm xay lúa, Nguyên Hưu Henri.
Để chỉ nhân vật cặp rằng Be trong Nhứt phá sơn lâm, tác giả miêu tả “hắn mặc áo bành tô vàng, miệng ngậm ống vố ”. Khi giới thiệu về Nguyên Hưu Henri trong Anh hùng rơm, tác giả miêu tả “đó là một ông lạ mặt, người Việt Nam, mặc âu phục, tay xách cặp da, hút ống vố ”. Thậm chí người tiếng tăm lừng lẫy như ông Năm Hên trong Bắt sấu rừng U Minh hạ tác giả chỉ miêu tả gián tiếp qua lời nhận xét của những nhân vật khác trong tác phẩm: “Coi tướng của ông ghê như tướng thầy pháp” [Hương rừng Cà Mau, tập 1, tr.92]. Dường như Sơn Nam không chú trọng đến việc miêu tả ngoại hình, kể cả đối với những nhân vật vốn được tôn vinh là phái đẹp. Một cô gái ở tuổi mười tám đôi mươi như “con Lài” trong Cây Huê Xà chỉ được tác giả giới thiệu một cách ngắn gọn: “Con Lài là đứa con gái nhan sắc”. Tương tự như vậy, nhân vật “con Bảy” trong Con Bảy đưa đò, tác giả cũng chỉ miêu tả “Con Bảy có gương mặt chữ điền, đôi mắt đen lánh và vóc hình cao ráo”. Trong trường hợp Sơn Nam chú ý miêu tả ngoại hình của nhân vật thì mục đích sâu xa không phải là để khắc họa chân dung nhân vật, mà để
nhằm nói lên một ý nghĩa nào đó.Trong truyện Hương Rừng, Sơn Nam đã khá chú ý đến cốt cách, vẻ đẹp bên ngoài của nhân vật Hoàng Mai. Có thể nói, đây là nhân vật đầu tiên trong Hương rừng Cà Mau và cũng là nhân vật duy nhất trong suốt ba tập truyện được ông chú trọng đến vẻ đẹp của một cô gái vừa độ trăng tròn. Đó là hình ảnh của một cô gái thuộc dòng dõi hoàng tộc. Cô có “làn da trắng trong leo lẻo”, “mái tóc đen huyền”, “má đỏ hây hây”, “miệng chúm chím hàm tiếu”. Nét đẹp vương giả, kiêu sa ấy còn được ông tô điểm bằng thói quen chiêm ngưỡng, thưởng thức cội Hoàng Mai trước sân mỗi ngày, “trong khi cả rừng U Minh này mấy ai biết thưởng thức giống hoa vương giả, lạc loài ấy”! Tôn vinh vẻ đẹp của Hoàng Mai cùng một lúc tác giả đã đối lập với sự tiều tuỵ của cô sau những ngày nương thân chốn “rừng thiêng nước độc”. Cũng như bao nhiêu con người sinh sống ở chốn này, dòng máu hoàng tộc, quí phái của nàng không ngăn được sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Đôi bàn tay ngà ngày xưa đã rụng mất hết hồi nào, chỉ có năm cuốn vải nhỏ quấn khéo léo thay thế. Mái tóc đen huyền giờ đây chỉ cần chuyền về phía sau lưng gầy hàng chục sợi tóc thi nhau tuông xuống… lược chải đến đâu, tóc lùa đến đấy. Tuy gió bấc thổi về không lạnh lắm nhưng Hoàng Mai đòi đốt lửa để sưởi rồi giẫm chân lên than hồng mà cười. Đêm đến nàng rên khe khẽ. Hoàng Mai đã nhiễm chứng phong cùi. Chú ý đến vẻ đẹp và sự quí phái của Hoàng Mai, nói đến gia phả nhà Nguyễn, toa thuốc trường sinh mà Tằng tổ mấy đời của cô để lại, Sơn Nam muốn đề cập đến số phận mong manh bé nhỏ của con người trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Xây dựng nhân vật Hoàng Mai, tác giả tỏ ra độc đáo trong việc phản ánh cuộc sống đầy khó khăn gian khổ của người đi mở đất. Mặt khác, đó cũng là lời tố cáo chính sách áp bức bóc lột của bọn thực dân cướp nước và bè lũ tay sai. Vì trốn chạy ách áp bức bóc lột, vì không sống được ở quê nhà nên con người phải dấn thân vào chốn “thanh lâm u cốc” và phải chịu trả giá bằng sinh mạng của mình.
Nhân vật truyện ngắn Sơn Nam có diện mạo bên ngoài rất bình thường. Có thể khẳng định, viết về con người Nam Bộ nhưng Sơn Nam đã không chú trọng nhiều vào việc khắc họa ngoại hình của họ. Ông chỉ điểm qua bằng những nét vẽ thô sơ nhưng qua đó hình ảnh con người Nam Bộ lại hiện lên một cách rõ ràng và chân thực. Họ chính là những con người mang những đặc điểm và vẻ đẹp riêng của vùng đồng bằng sông nước.
Cái khó của truyện ngắn là với một dung lượng giới hạn người sáng tác phải thể hiện được trọn vẹn ý đồ nghệ thuật của mình. Chính vì thế, Sơn Nam đã lựa chọn những nét vẽ chấm phá một cách thành công để tô điểm hình ảnh về người Nam Bộ. Không cầu kỳ, tỉ mỉ mà gây được ấn tượng rất chân thực gần gũi cho người tiếp nhận. Đó cũng chính là ưu điểm của cây bút truyện ngắn này.
Ngoại hình nhân vật trong truyện Sơn Nam thường ngầm thông báo cho người đọc về hoàn cảnh sống và tính cách của họ. Người nông dân đặc trưng Nam Bộ thường được biết đến với hình ảnh bộ quần áo bà ba đen và chiếc khắn rằn. Trong một số truyện ngắn, Sơn Nam đã chú ý khắc họa ngoại hình của họ bằng một vẻ đẹp giản dị, mộc mạc. Đó là ông già Hai, người làm nghề trồng dưa ở xứ biển Hà Tiên. Sơn Nam viết: “Người được gọi là “ông già Hai” tuổi hơn năm mươi, dáng điệu ốm yếu. Tuy cách xa hàng trăm thước, tôi thấy rõ mái tóc bạc và bộ quần áo lãnh đen, lấp lánh dưới ánh nắng mai” [Mây trời và rong biển, tr.112]. Đọc truyện ngắn Hòn Cổ Tron, hình ảnh một ông già Nam bộ hiện lên qua sự miêu tả thật đặc sắc của Sơn Nam. Đó là một con người đặc trưng của Nam Bộ với “tóc búi sáu ót, gài lại bằng cọng gai kim quýt nhưng ông có một cảnh ngộ hết sức đặc biệt đó là sống một mình ở hòn, nhiều tháng liên tiếp phơi lưng trần dưới ành nắng…”. đó cũng chính là những hình ảnh quí báu để người đọc có cái nhìn ban đầu về nhân vật. Chúng ta có thể hình dung ra dáng vẻ của một ông già gân guốc, khỏe mạnh mang đậm phong cách Nam bộ [tóc dài, bới thành búi…]. Đó là một con người
thong dong, từ tốn, từng trải, dày dặn kinh nghiệm, sống gần gũi chan hòa với đất trời, một con người tự do, phóng khoáng.
Hoàn cảnh sống của nhân vật Bảy Đặng lộ rõ trong ngoại hình của anh. Cuộc sống vất vả khó khăn, ngoài thời gian làm ruộng vợ chồng Bảy Đặng còn làm nghề bắt rùa để sinh sống. Mấy năm trôi qua, cuộc sống vẫn không khá lên nổi, thậm chí Bảy Đặng còn chưa đóng được thuế thân cho nhà nước. Người nông dân Nam Bộ vật lộn với cuộc sống, bán mặt cho đất bán lưng cho trời ấy được Sơn Nam khắc họa chỉ bằng một chi tiết ngắn gọn: “Một người trạc tuổi bốn mươi, bước ra từ đám khói mù mịt, lưng đen láng mướt mồ hôi”[Cấm bắt rùa, tr.14]. Còn đây là sự nhận xét về anh thanh niên Hai Kéo, một nông dân Nam Bộ đang tuổi lao động dưới con mắt của bà đầm phô- xi-đông: “Hai Kéo vừa trẻ, vừa cao ráo, nước da đen ngăm, lồng ngực phồng lên no tròn, mặt vuông, chân mày rậm. Nếu anh ta đứng dậy, thủ bộ thì ắt giống như lực sĩ Hy Lạp”[Bà đầm Phô-xi-đông, tr.46]. Rõ ràng Hai Kéo là một thanh niên nông thôn Nam Bộ với một vẻ đẹp khỏe mạnh và lực lưỡng. Đó còn là vẻ đẹp nhân hậu của con Bảy đưa đò khi người kể chuyện nhận xét: “Con Bảy có gương mặt chữ điền, đôi mắt đen lánh và vóc người cao ráo” [Hương rừng Cà Mau, tập 1, tr.236]; vẻ đẹp mặn mà của cô Mịn mơ màng hiện lên trong tâm trí anh Tư Bình Thủy: “…nhớ đến đôi mắt của cô Mịn, đôi mắt đen như nước rừng, có đôi vì sao chiếu xuống ngời lên lấp lánh” [Nhứt phá sơn lâm, tr.129]; vẻ đẹp cao sang quý phái của cô Hoàng Mai với “làn da trằng leo lẻo”, “mái tóc đen huyền”, “má đỏ hây hây”, “miệng chúm chím hàm tiếu”[Hương rừng, tr.267],…
Ngoài ra, trong một số truyện ngắn Sơn Nam cũng chọn cách điểm qua về hình dáng, diện mạo của nhân vật làm bật lên đặc điểm bề ngoài của họ để người đọc dễ có cơ sở nắm bắt. Tác giả chỉ dành một câu để miêu tả ngoại hình của ông Năm Hên trong truyện Bắt sấu rừng U Minh Hạ. Qua lời nhận
xét của nhân vật “tôi”, ông Năm Hên có dáng vẻ “như tướng của ông thầy pháp”. Tên cặp rằng Be trong truyện Nhất phá sơn lâm với đặc điểm
“hắn mặc áo bành tô vàng, miệng ngậm ống vố”; tên Nguyen Huu Henry trong Anh hùng rơm là một “ông lạ mặt, người Việt Nam, mặc âu phục, tay xách cặp da, miệng hút ống vố”,… Các chi tiết miêu tả ngoại hình dù rất nhỏ nhưng có giá trị trong việc thể hiện tính cách nhân vật. Khi xây dựng tác phẩm, mỗi nhân vật đều có một vai trò, vị trí nhất định. Có tác giả
chú ý nhiều đến ngoại hình, có người lại đặt nặng yếu tố ngôn ngữ, với nhà văn Sơn Nam cái mà ông mong muốn người đọc chú ý đến nhiều nhất đó là tính cách nhân vật. Mỗi nhân vật, Sơn Nam chỉ dành đôi ba dòng để miêu tả ngoại hình của họ vì điều quan trọng mà nhà văn muốn nhấn mạnh đó là tính cách của con người họ.