Bài học kinh nghiệm cho tỉnh Ninh Bình

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển bền vững các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 (Trang 31 - 33)

III. Kinh nghiệm phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững 1 Kinh nghiệm của các nước trên thế giớ

3.Bài học kinh nghiệm cho tỉnh Ninh Bình

Qua phân tích và làm rõ những đặc điểm, bước đi, giải pháp trong quá trình hình thành và phát triển các khu công nghiệp khá thành công của hai nước thuộc khu vực châu Á là Nhật Bản, Thái Lan, và hai địa phương của Việt Nam là Quảng Nam và Hải Dương, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho tỉnh Ninh Bình trong việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp như sau:

Thứ nhất, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, để từ đó có sự phân công, phối hợp chặt chẽ trong việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp. Đồng thời, các khu công nghiệp cần được quy hoạch xây dựng phù hợp, đồng bộ với các khu thương mại, khu đô thị, khu dịch vụ, khu nhà ở cho công nhân, khu nhà ở cho chuyên gia... theo mô hình tổ hợp liên hoàn. Trong mô hình đó, phát triển khu công nghiệp là trọng tâm, còn các khu vệ tinh khác như (khu thương mại, đô thị, du lịch...) có vai trò quan trọng để làm tác nhân thúc đẩy và đảm bảo cho sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái của các khu công nghiệp tại địa phương.

Thứ hai, cần chú ý trong lựa chọn các phương án đầu tư, cơ cấu đầu tư trong các khu công nghiệp. Việc lựa chọn cần được cân nhắc kỹ, các phương án phải theo hướng khuyến khích phát triển, thu hút các dự án đầu tư ưu tiên cho các ngành có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, có tốc độ tăng trưởng cao và có sức lan tỏa nhanh tới các ngành kinh tế khác để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thứ ba, cần chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tốt chế độ chính sách về đất đai và quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. Công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng các khu công nghiệp cần phải có sự chỉ đạo thống nhất, kịp thời của các cấp chính quyền trong tỉnh, coi đó là một nhiệm vụ quan

trọng của các cấp chính quyền. Ngoài ra, cần chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội phục vụ cho phát triển các khu công nghiệp để thu hút đầu tư; chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư thích hợp, phối hợp nhịp nhàng cùng với các đơn vị chủ đầu tư hạ tầng tăng cường công tác xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ tư, trong quá trình lập quy hoạch, xây dựng hạ tầng, kêu gọi thu hút đầu tư phải luôn chú ý vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững các khu công nghiệp. Các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng có liên quan phải luôn chú ý, kiểm tra, giám sát tình trạng môi trường sinh thái tại của các khu công nghiệp, có những biện pháp kiên quyết, nghiêm khắc để xử lý triệt để những doanh nghiệp vi phạm cam kết bảo vệ môi trường.

Thứ năm, trong giai đoạn đầu xây dựng và hình thành, cơ sở vật chất của các khu công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, điểm xuất phát còn thấp, do đó không nên thực hiện ngay việc xã hội hóa đầu tư phát triển các khu công nghiệp. Khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp đã đạt đến một mức độ phát triển nhất định, tự thân khu công nghiệp sẽ chuyển từ sử dụng ngân sách đầu tư hạ tầng sang tìm kiếm các nguồn tài chính khác để đầu tư theo hướng xã hội hóa. Lúc đó, gánh nặng ngân sách của tỉnh để đầu tư cho hạ tầng các khu công nghiệp sẽ được giảm nhẹ nhiều lần, chỉ còn duy trì ở mức đủ để tác động, giữ quyền điều phối thực hiện định hướng, chủ trương, chính sách, đảm bảo sự phát triển khu công nghiệp theo đúng tiến độ quy hoạch và định hướng đề ra.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp phát triển bền vững các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 (Trang 31 - 33)