- Xây dựng các định mức về vốn một cách cụ thể và khoa học dựa trên các điều kiện thực tế của Công ty và tình hình biến động của môi trường.
2.3. Tổ chức tốt quá trình thi công công trình:
Với đặc thù riêng biệt của ngành xây lắp thì việc đảm bảo đầy đủ về nội dung và các giai đoạn của quá trình sản xuất xây dựng cũng góp phần làm hạ giá thành sản phẩm. Cụ thể là để hoàn thành thi công một công trình Công ty cần đảm bảo thực hiện theo ba giai đoạn sau:
Giai đoạn chuẩn bị xây dựng: ngay sau khi nhận được thông tin về đấu thầu hay mời thầu một công trình, Công ty phải tiến hành lập phương án tổ chức thi công công trình để tham gia đấu thầu. Sau khi thắng thầu, công ty mới thật sự bước vào giai đoạn chuẩn bị xây dựng. Trong giai đoạn này, VIETRACIMEX HÀ NỘI cần thực hiện các giai đoạn như: tiến hành ký kết hợp đồng xây dựng chính thức với bên giao thầu, tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ, tổ chức thi công và nghiên cứu khả năng hạ giá thành hơn nữa, tiến hành ký kết hợp đồng với các tổ chức nhận thầu phụ, nếu cần. Chuẩn bị ký hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị và máy móc xây dựng (có thể thuê máy xây dựng) có liên quan đến nhiệm vụ của nhà thầu xây dựng. Tiến hành thủ tục mở rộng công trường bao gồm việc đăng ký với cơ quan công an về công trường, xuất trình giấy phép xây dựng và giấy phép đã đăng ký hành nghề xây dựng, tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình tạm phục vụ thi công.
Giai đoạn xây dựng: đây là giai đoạn cơ bản trực tiếp xây dựng công trình tính từ khi khởi công đến khi hoàn tất công việc xây lắp cuối cùng. Chất lượng công trình phụ thuộc vào trình độ trang thiết bị kỹ thuật và năng lực tổ chức của đội ngũ cán bộ quản lý kỹ thuật, trình độ tay nghề và ý thức trách nhiệm của đội ngũ công nhân, chất lượng vật tư, sự phù hợp đồng bộ của máy móc thiết bị và dụng cụ thi công, điều kiện thi công công trình (mặt bằng thiết kế). Giai đoạn này công ty phải căn cứ vào thiết kế bản vẽ thi công và thiết kế tổ chức thi công để phối hợp con người với máy móc thiết bị và đối tượng lao động theo trình tự nhất định về thời gian (tiến độ thi công) và sơ đồ di chuyển theo mặt bằng thi công nhằm đảm bảo việc thực hiện dự án thiết kế một cách tốt nhất. VIETRACIMEX HÀ NỘI là tổ chức nhận thầu chính, nên phải tổ chức phối hợp với các nhà thầu phụ trên công trường. Những công việc chính của công ty trong giai đoạn này là tổ chức thực hiện xây lắp, đảm bảo chất lượng xây dựng, cùng tổ chức giám sát của bên giao thầu tiến hành nghiệm thu từng phần, nhất là đối với công trình ngầm.
Giai đoạn vận hành thử, nghiệm thu bàn giao công trình: sau khi hoàn tất công tác thi công xây lắp công trình, Công ty phải làm đủ thủ tục để nghiệm thu bàn giao công trình để đưa công trình vào khai thác và sử dụng. Công ty phải tiếp tục bảo hành công trình theo quy chế quản lý đầu tư xây dựng, khi bàn giao công trình, công ty phải giao hồ sơ hoàn thành công trình và những vấn đề có liên quan. Hồ sơ xây dựng của công trình phải được tổ chức lưu giữ, công ty phải làm thủ tục kết thúc công trình, hoàn lại đất đai cho thuê tạm và thực hiện trách nhiệm bảo hành công trình theo quy định của nhà nước.
Mỗi loại công tác xây dựng, mỗi công trình xây dựng, tùy tính chất, đặc điểm, điều kiện thi công xây dựng mà công ty cần phải áp dụng những biện pháp, những phương pháp xây dựng thích hợp nhằm đảm bảo tính tối ưu, tính hiệu quả kinh tế, năng suất lao động và an toàn.
2.4. Sử dụng các trang thiết bị và công nghệ hiện đại
Đất nước ngày càng phát triển, nhu cầu về số lượng và chất lượng sản phẩm xây lắp càng ngày càng tăng đòi hỏi các công ty xây lắp nói chung và Vietracimnex nói riêng muốn đảm nhiệm thi công được các công trình lớn và hiện đại phải sử dụng các trang thiết bị và công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hiện nay.
Công nghệ xây dựng hầm
- Công nghệ TBM(Tunnel Boring Machine)
TBM là thiết bị đào và làm đường hầm bằng phương pháp nghiền nát đá, hoàn toàn không gây nổ, công nghệ của Italy. Đầu máy có đường kính 5,5m, nặng 450 tấn được lắp 37 mũi khoan làm bằng hợp kim đặc biệt gọi là "black diamond", có thể đâm thủng những lớp đá cực cứng.
Cùng với việc đào không khoan nổ và vận chuyển vật liệu đá đào ra ngoài bằng băng chuyền, thiết bị này đồng thời còn lắp dựng bê tông đúc sẵn vỏ đường hầm. Nghĩa là máy đi đến đâu đường hầm được hoàn thiện ngay đến đó. Công nghệ TBM khắc phục hoàn toàn tình trạng sang chấn địa chất dẫn đến sự cố sập hầm dễ mắc phải do áp dụng phương pháp khoan nổ trước đây. Ngoài ra, công nghệ này còn bảo đảm các vấn đề về môi sinh, môi trường.
Với công nghệ TBM, việc đào hầm thi công các công trình thuỷ lợi trở nên dễ dàng, an toàn hơn rất nhiều. Công nghệ này đã được áp dụng lần đầu tiên ở nước ta tại công trình Thủy Điện Đại Ninh (Bình Thuận).
- Phương pháp NATM:
Phương pháp NATM là thành quả nghiên cứu của tập thể các kỹ sư người Áo qua một thời gian dài thi công hàng nghìn kilômét hầm trong nước và trên thế giới. Nó bao gồm các trình tự, biện pháp thi công và xử lý khối đá trên vòm hầm sao cho đá và đất xung quanh hầm được liên kết thành kết cấu vòm chống đỡ, do đó việc liên kết này tự bản thân nó sẽ trở thành một phần
kết cấu chống đỡ hầm. Các nguyên tắc cơ bản của phương pháp là: kết cấu của hầm là tổ hợp của đá núi và hầm. Hầm chủ yếu được chống đỡ bằng khối đá xung quanh. Hệ thống chống đỡ của hầm phải có độ mềm dẻo, phù hợp và phải được thi công kịp thời để ngăn chặn biến dạng bất lợi và duy trì cường độ của khối đá. Mặt cắt của hầm phải có dạng tròn để tránh sự tập trung ứng suất bất lợi. Trong quá trình thi công phải thường xuyên quan trắc biến dạng của khối đá để quyết định kết cấu chống đỡ và phương pháp thi công. Kết cấu tổ hợp của khối đá với kết cấu chống đỡ phải được hình thành trước khi thi công lớp bêtông vỏ hầm. Lớp bêtông vỏ hầm chỉ làm tăng thêm hệ số an toàn cho hầm.
Các nguyên tắc này được đưa ra với mục đích hạn chế sự biến dạng tối đa của đất đá xung quanh hầm, duy trì sự ổn định vốn có của nó, từ đó tận dụng được khả năng chống đỡ tự thân của khối đất đá dưới tác động của trọng lượng đất đá phía trên và trọng lượng bản thân khối đất đá trong quá trình thi công cũng như khai thác. Trong quá trình thiết kế và thi công luôn phải đảm bảo việc tuân thủ các nguyên tắc này.
Phương pháp NATM đã có những đổi mới trong thiết kế và thi công công trình hầm. Từ đó, có những cải thiện đáng kể về kết cấu vỏ hầm, phương pháp và trình tự gia cố vỏ hầm hợp lý hơn, kích thước kết cấu vỏ hầm giảm hơn so với các phương pháp thông thường và dễ điều chỉnh trong quá trình thi công. Phương pháp này đã tận dụng được thành quả của các công nghệ thi công hầm như: các công nghệ đào phá đá bằng các thiết bị khoan, phương pháp khoan nổ, bê tông phun, neo đá... Ưu điểm nổi trội của phương pháp NATM so với các phương pháp thông thường là: có thể ứng dụng trong phạm vi rộng các điều kiện địa chất, thích ứng một cách linh hoạt trong mọi loại hình địa chất, hiệu quả kinh tế cao do sử dụng các biện pháp chống đỡ thích
hợp, dễ dàng phối hợp với phương pháp TBM (Tunel Boring Method), đầu tư ít và thu hồi vốn nhanh.