Các ngành dịch vụ

Một phần của tài liệu Đầu tư xây dựng cơ bản ở tỉnh Vĩnh Phúc : Thực trạng và giải pháp (Trang 61 - 64)

1. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KT-XH TRONG THỜI GIAN TỚI CỦA TỈNH VĨNH PHÚC

1.1.3.Các ngành dịch vụ

Phát triển và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, mở thêm các loại hình mới bao gồm cả dịch vụ cho sản xuất và tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của nhân dân.

Tranh thủ mọi nguồn vốn,tiềm năng sẵn có để từng bước nâng cao chất lượng của các khu du lịch, nghỉ cuối tuần như Tam Đảo, Đại Lải, Tây Thiên nhằm thu hút du khách tới tham quan. Thực hiện dịch vụ hoá và xã hội hoá các dịch vụ văn hoá, thể dục thể thao, vui chơi giải trí nhằm từng bước tăng trưởng kinh tế dịch vụ, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp không khói trong cơ cấu GDP cho tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.

Tăng khối lượng, nâng cao chất lượng và an toàn trong vận tải hành khách, hàng hoá trên cả đường bộ, đường sông. Tiếp tục hiện đại hoá thông tin liên lạc, mở rộng dịch vụ điện thoại thuê bao.

Phát triển các dịch vụ đa dạng có tiềm năng phát triển mạnh trong thời gian tới như : tài chính, ngân hàng, pháp luật, dịch vụ thông tin, tư vấn kỹ thuật công nghệ, tư vấn tìm kiếm mở rộng thị trường, tư vấn đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

1.1.4.Văn hoá - xã hội :

*Sự nghiệp y tế, chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân

Thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, lấy chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng bệnh làm trọng tâm, xã hội hoá công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, nhằm nâng cao thể lực và tuổi thọ trung bình cho nhân dân. Thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế. Bảo vệ, chăm sóc và phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, phòng chống AIDS và các bệnh xã hội khác.

Tranh thủ mọi nguồn lực tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp các bệnh viện trên địa bàn Tỉnh, huyện và trạm y tế xã. Tránh hiện tượng quá tải thiếu giường bệnh ở các bệnh viện. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chuyên sâu, tiếp tục thực hiện mua bảo hiểm y tế cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.

*Sự nghiệp giáo dục - đào tạo

Phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhằm thực hiện mục tiêu góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương; tích cực khuyến khích các hoạt động đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, trình độ tay nghề của lao

động trên địa bàn tỉnh. Có chính sách và cơ chế khuyến khích để tạo nguồn lực góp phần đắc lực vào công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh và đất nước.

Quan tâm hơn nữa vào phát triển giáo dục mầm non, tăng tỷ lệ trẻ em được chăm sóc ở các nhà trẻ, mẫu giáo. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo toàn diện. Đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trong các ngành học, cấp học. Mở rộng và nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tin học, dạy nghề.

Tăng cường cơ sở vật chất trường học, phấn đấu đến năm 2015 có 100% số phòng học phổ thông được xây dựng kiên cố, đầy đủ phương tiện phục vụ công tác dạy và học. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về mọi mặt đối với đội ngũ giáo viên các cấp. Có chính sách hỗ trợ đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn.

* Văn hoá thông tin - Thể dục thể thao

Từng bước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thông tin, thể dục thể thao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về đời sống tinh thần của nhân dân.

Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động phong trào văn hoá cơ sở, nhất là việc xây dựng gia đình, khu phố và làng văn hoá mới. Đẩy mạnh phong trào văn hoá văn nghệ quần chúng, giữ gìn các phong tục văn hoá cổ truyền đậm đà bản sắc dân tộc, hướng dẫn hoạt động lễ hội truyền thống ở các địa phương. Xây dựng và đổi mới hoạt động : phát hành sách, bảo tàng, thư viện, nhà văn hoá, thông tin lưu động phục vụ cho các vùng sâu vùng xa.

Quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ những người làm công tác văn hoá, văn nghệ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tài năng văn hoá, văn nghệ.

Thường xuyên trùng tu, bảo tồn các di tích văn hoá, di tích lịch sử và cách mạng trên địa bàn tỉnh. Từng bước nâng cao chất lượng các lĩnh vực : Phát thanh, truyền hình, báo chí theo hướng thông tin rộng rãi, đa dạng có tác dụng sâu sắc về nhiệm vụ chính trị và nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân.

* Giải quyết việc làm và chính sách xã hội

Thực hiện được mục tiêu phát triển và chuyển dịch kinh tế nêu trên sẽ là phương hướng cơ bản để giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Vì vậy phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển và mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm mới. Quan tâm đầu tư và xã hội hoá các loại hình đào tạo nghề cho người lao động nhằm tăng cường đội ngũ lao động có tay nghề, kỹ thuật. Phấn đấu đến 2015 có 60% số lao động được đào tạo nghề cơ bản, chủ động đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Thực hiện tốt chương trình quốc gia về giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo, Tỉnh phấn đấu đến năm 2015, giảm số hộ nghèo xuống còn 3,5% .

Một phần của tài liệu Đầu tư xây dựng cơ bản ở tỉnh Vĩnh Phúc : Thực trạng và giải pháp (Trang 61 - 64)