I. Quá trình hình thành và phát triển của công ty TNHH 1 thành viên Cảng Hải Phòng
1. Sơ lược về quá trình hình thành và phát triển Cảng Hải Phòng
Cảng Hải Phòng là cảng có lưu lượng hàng hóa thông qua lớn nhất miền Bắc. Thông qua Cảng Hải Phòng, hàng hoá xuất nhập khẩu của 17 tỉnh phía Bắc và hàng quá cảnh của Bắc Lào và Nam Trung Quốc... đã đến với thị trường các nước và ngược lại.
Cảng Hải Phòng được hình thành từ năm 1876 do thực dân Pháp xây dựng. Quy mô của Cảng vào thời kì đầu rất đơn giản, cơ sở vật chất chỉ bao gồm hệ thống 6 kho, hệ thống 6 cầu tầu có kết cấu trụ sắt mặt gỗ với tổng chiều dài 1640 m, và chiều rộng bến tàu bằng gỗ rộng 10m. Việc vận chuyển hàng hóa trong thời kì này chủ yếu bằng ô tô, máy kéo, xe ba gác, các loại hàng được xếp lên bằng cần cẩu. Trong những năm 1895- 1898 thực dân Pháp đã có kế hoạch chính thức xây dựng Cảng Hải Phòng. Cảng lúc này đã có 170m cầu tầu và hai cụm kho.
Ngày 13/5/1955 Hải Phòng được hoàn toàn giải phóng, Cảng Hải Phòng được ta tiếp quản và được tiến hành khôi phục, sửa chữa mở rộng Cảng. Tại thời điểm đó, Cảng Hải Phòng đã có 7 bến tàu với chiều dài 1042 m, 8 kho 29000m2 diện tích bãi và khả năng thông qua 2 triệu tấn/năm.
Trước yêu cầu phát triển kinh tế thời kì mới, Cảng đã dần được chú trọng đầu tư nâng cấp. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, từ cuối thập niên 60, hệ thống cầu cảng đã được xây dựng để đón nhận những loại tàu có trọng tải tới 10.000 DWT cập cảng, các hệ thống cần trục chân đế có sức nâng từ 5-16 tấn, cần trục nổi có sức nâng 90 tấn, hàng trăm xe vận chuyển các loại, hàng ngàn tấn xà lan biển cùng với các xưởng tương đối hiện đại.
Với nhu cầu phát triển kinh tế, thuận tiện hơn cho việc lưu thông hàng hóa, năm 1962 Bộ giao thông Vận tải đã giao nhiệm vụ thiết kế mở rộng Cảng Hải Phòng với yêu cầu đặt ra đến năm 1965 lượng hàng hóa thông qua Cảng phải đạt 3.400.000 tấn/ năm và đến 1970, phải có khả năng thông qua được 4.6 triệu tấn/ năm.
Tính đến năm 1981, khi công việc xây dựng được hoàn thành thì tổng chiều dài cầu tầu đã lên tới 1800 km, kho chung chuyển đạt tới 670.730 m2 và kho chứa hàng 39.000 m2,nâng cao khả năng trung chuyển của cảng 4,6 triệu – 8 triệu tấn/ năm. Do lưu lượng hàng hóa ngày càng tăng theo sự phát triển của nền kinh tế, hàng năm Cảng phải đầu tư một khoản chi phí lớn vào việc nạo vét luồng, lạch bình quân tới 3 triện m3/năm.
Từ năm 1990 đến 1996, Cảng đã đầu tư xây dựng mua sắm thêm thiết bị xếp dỡ có sức nâng đến 42 tấn, tập trung vào các khu vực xếp dỡ hàng container. Đồng thời nâng cấp hệ thống phương tiện vận tải thủy phục vụ chuyển tải, hỗ trợ tàu và hệ thống thông tin liên lạc.
Ngày 11/03/1993, Bộ Giao thông vận tải ra quyết định số 376/TCCB- LĐ về việc thành lập doanh nghiệp Cảng Hải Phòng thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Cảng Hải Phòng đã tự đổi mới mình, tổ chức lại theo hướng chuyên môn hóa, thành lập các xí nghiệp xếp dỡ container, xí nghiệp xếp dỡ hàng rời, hàng bao, hàng sắt thép, thiết bị. Công nghệ xếp dỡ hàng cũng đã được thay đổi cho phù hợp với xu thế phát triển phương thức vận chuyển hàng container ở các Cảng biển hiện đại trên thế giới. Cảng đã chú trọng đầu tư vào khu vực làm hàng container như nâng cấp, mở rộng hệ thống bãi chứa hàng, trang bị các loại
cần cẩu bờ cà các loại cần trục giàn cầu tầu, cần trục giàn bờ hiện đại, xe nâng hàng có sức nâng 42 tấn, xây dựng kho CFS, đồng thời nâng cấp hệ thống cầu bến, các phương tiện vận tải thủy phục vụ chuyển tải và tàu hỗ trợ, hệ thống mạng máy vi tính và thông tin liên lạc phục vụ quản lí và điều hành sản xuất.
Từ năm 1997, Cảng khẩn trương triển khai dự án cải tạo và nâng cấp Cảng Hải Phòng theo QĐ 442/ TTG ngày 31/7/1996 của Thủ tướng Chính phủ bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản nhằm xây dựng bến mới xếp dỡ hàng hóa vào loại hiện đại nhất Đông nam Á và cải tạo các bến cũ làm sản lượng tăng lên. Sản lượng thông qua Cảng có thể lên tới 10.000 triệu tấn hàng năm vào những năm đầu thế kỉ 21, trong đó số lượng container có thể đạt tới 250.000 TEU/ năm. Tính đến năm 2000, Cảng đã có chiều dài 2500 m, trong đó có 5 bến xếp dỡ container dài 800m, với hệ thống dàn cẩu và cần cẩu bờ có sức nâng đến 40 tấn và hàng ngàn mét vuông bãi để đáp ứng tốc độ tăng trưởng hàng xuất nhập khẩu sẽ tăng nhiều lần sau năm 2000.
Từ ngày 1/6/2008 Cảng chuyển đổi mô hình tổ chức doanh nghiệp từ doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên nhằm nâng cao tính tự chủ, sáng tạo hơn trong công tác quản lí hoạt động của Cảng, giảm bớt sự phụ thuộc vào Nhà nước và tổng công ty trong các quyết định đầu tư xây dựng của Cảng, nâng cao tính chủ động hơn cho Cảng Hải Phòng.
Cảng Hải Phòng đã được Cục Hàng hải- Bộ giao thông vận tải cấp giấy chứng nhận cảng biển phù hợp với các quy định tại chương XI-2 và phần A của Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển ( ISPS Code).