Nghiên cứu văn học nước ngoài Thành tựu và hạn chế

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU VĂN HỌC VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾKỶXX (Trang 93 - 104)

Một nỗ lực góp phần quan trọng trong quá trình hiện đại hóa hoạt động nghiên cứu văn học giai đoạn này của các nhà nghiên cứu đương thời là việc tìm hiểu, nghiên cứu các tác giả, tác phẩm của văn học phương Tây, văn học Trung Quốc.

Trong giai đoạn từ 1900 đến 1930, vấn đề nghiên cứu văn học nước ngoài chỉ dừng lại

ở việc giới thiệu khái quát về tác giả hoặc tác phẩm; chẳng hạn: Phạm Quỳnh với một loạt bài giới thiệu văn học Pháp như: “Thơ ta với thơ Tây”, “Thơ Baudelaire”, “Một nhà văn tả

thực: Guy de Maupassant”, “Bàn về hý kịch Molière”…; sau này Hải Triều giới thiệu các khuynh hướng cách mạng tiến bộ trên thế giới như Maxime Gorki, Romain Rolland và Henri Barbusse; nhưng đó chỉ là những bài viết ngắn gọn về một số tác giả tiêu biểu và những nét cơ bản của một số vấn đề văn học nước ngoài.

Nguyễn Phi Hoanh, vốn là một nhà họa sĩ nhưng với lòng say mê văn học, ông đã tích cực nghiên cứu và cho ra đời tác phẩm Tolstoi. Theo như lời đề tựa của Nguyễn Duy Can: “Thấy Tolstoi có ảnh hưởng đến thanh niên ở xứ ta, ông muốn nghiên cứu về Tolstoi để chỉ

ra chỗ hại trong tư tưởng của Tolstoi”. Cuốn sách 76 trang, gồm 4 chương, nội dung chủ yếu kể về cuộc đời và những nét tư tưởng của Tolstoi. Trong đó, Nguyễn Phi Hoanh đặc biệt chú ý và phân tích những nét tư tưởng, nhất là những cái lầm “nho nhỏ” của kẻ “chỉ đường dẫn lối” (Tolstoi - DTT), bởi nếu không, biết đâu những tư tưởng ấy “thành mấy cái trở ngại to trong bước tiến hóa của xã hội” [62,tr.1].

Với vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa và văn học Trung Quốc, có thể nói đương thời

Đặng Thai Mai đã rất thành công trong việc nghiên cứu văn học Trung Quốc. Hai công trình nổi bật nhất của Đặng Thai Mai nghiên cứu về văn học Trung Quốc trong giai đoạn này phải kể đến là Lỗ Tấn (1881 - 1936) (1944) và Văn học Trung Quốc hiện đại, tạp văn

(1945).

Cuốn sách Lỗ Tấn (1881 - 1936) của Đặng Thai Mai gồm có bốn chương, lần lượt giới thiệu về Thân thế; Nhân cách Lỗ Tấn; Địa vị Lỗ Tấn trong văn học Trung Quốc và giới thiệu tác phẩm A.Q. chính truyện.

Là một học giả nghiên cứu khá sâu về các quan điểm lý luận, Đặng Thai Mai cho rằng: “Nghệ thuật tư tưởng một nhà văn cũng như kết cấu, khuynh hướng ảnh hưởng tất cả các tư

trào, phải nhận xét theo bối cảnh lịch sử mới có thể giải thích xác đáng” [105,tr.320]. Vì vậy, khi xét về thân thế Lỗ Tấn, Đặng Thai Mai sau khi giới thiệu hoàn cảnh gia đình, xã hội thời Lỗ Tấn, đã khẳng định chính hoàn cảnh ấy đã góp phần nuôi dưỡng trái tim nhân đạo của Lỗ

Tấn, làm cho tác phẩm của ông chứa chan tình yêu thương đối với những con người cùng khổ bị lường gạt, dày vò dưới những thế lực của xã hội lúc bấy giờ. Theo Đặng Thai Mai:

Nếu buồng tim nghệ sĩ không thiết tha đập nhịp thiện cảm và đồng tình với “những kẻ khốn nạn”, nếu tâm hồn nghệ sĩ không hấp thụđược những giọng thở dài, những hơi rền rĩ và lời than vãn của đại chúng, thì quyết không thể mô tả được bấy nhiêu tâm tình u uất, bấy nhiêu nét mặt đầm đìa những mồ hôi, nước mắt và máu tươi của kẻ đã bị hắt hủi bị hy sinh trong một vùng sinh hoạt quá vô tình, bấy nhiêu nhân vật

đã đội lấy cái tên tiên định như là A-Q, là Khổng Ất Kỷ… [105,tr.325].

Khi bàn về nhân cách một con người, Đặng Thai Mai cho rằng, bên cạnh việc “tìm tòi tâm lý trên những nét đặc biệt của dung nhan”, đối với trí thức là nhà văn thì phải quan tâm

đến “tài nghệ tư tưởng…, xét về cấu tạo, vềảnh hưởng và về thực chất, ngoài những đặc sắc của cá tính, của chủng tộc, còn bao hàm những tính cách điển hình và phổ biến nữa” [105,tr.344]. Trên cơ sở vừa nêu, khi tìm hiểu về nhân cách Lỗ Tấn, Đặng Thai Mai đã căn cứ vào bức chân dung của nhà văn để nhận định ông là một nhà văn giàu kinh nghiệm, tình cảm nhưng điềm đạm, thâm trầm, cho dù giận dữ, bực tức, đau đớn bao nhiêu vẫn không át

được tấm lòng bác ái và thái độ khách quan của lý tính. Và sau khi tìm hiểu về văn chương Lỗ Tấn, nhà nghiên cứu nhận xét: văn của Lỗ Tấn không có những câu rền rĩ, khóc than, không có những dấu chấm than dài dằng dặc; nhưng ẩn bên trong cái dáng vẻ lạnh lùng, thản nhiên ấy là cả một biển mênh mông tình cảm. Vì vậy, Đặng Thai Mai đã không đồng ý với ý kiến cho rằng: triết lý Lỗ Tấn là triết lý duy hận, trong tâm hồn Lỗ Tấn chỉ thấy giận, thấy ghét, mà không thấy yêu; ông khẳng định: “Lỗ không hề ghét người, không hề ghét riêng một người nào! Lỗ chỉ ghét cái “ác”. Mà đối với sự ác ta không được phép dung túng!” [105,tr.352].

Bàn về “Địa vị Lỗ Tấn trong văn học Trung Quốc”, Đặng Thai Mai tìm hiểu về nghệ

thuật của Lỗ Tấn, tinh thần tư duy của nhà văn để khẳng định vị trí của ông. Khi nghiên cứu về nghệ thuật của Lỗ Tấn, Đặng Thai Mai lưu ý không nên “lấy mấy áng văn dịch làm căn bản” bởi:

Bấy nhiêu đặc sắc là độc quyền của nguyên văn bằng Bạch Thoại. Có đọc theo giọng thì mới có thể thưởng thức được những hứng thú ấy (…) văn chương của Lỗ trong

Cuồng nhân nhật ký, A.Q chính truyện, Thương Thệ v.v… quả đã gây nên một lối

văn tả chân rất mạnh mẽ, hoặc những đoạn văn trữ tình rất ý nhị nữa. Nhiều thiên “tạp cảm” của Lỗ đã có những cú điệu thâm trầm hoặc bóng bẩy, hùng hồn hay lâm

ly, sâu xa và dồi dào, chả kém gì lối văn văn ngôn. Xét theo đại thể thì câu văn của Lỗ bao giờ cũng chú ý về sự phô diễn ý tưởng cho thấu đáo, chặt chẽ và phân minh sáng sủa. Cũng có lúc ta đọc thấy những câu văn dài dằng dặc, nhưng đem mà phân tách cho đến nơi, đến chốn, thì thấy rằng văn của Lỗ vẫn sáng sủa, mạch lạc, không có gì là nghĩa “lỡm lờ” cả. Nếu như thỉnh thoảng ta gặp một câu nói góc gách, mộc mạc hay líu lăng, là Lỗ đã muốn chép lấy những lời phác thực, chứa chan sinh khí của đời sống dân Trung Quốc [105,tr.363-364].

Đặng Thai Mai còn cho rằng, do “Tư duy của Lỗ vẫn căn bản ở những sự trạng cụ thể

trên nền sinh hoạt hằng ngày” nên “Văn chương Lỗ Tấn chú trọng về biểu hiện sự thực; sự

thực trong tâm giới, trong vật giới, trong xã hội. Tiểu thuyết của Lỗ là những bức họa tả

chân, cốt phô bày hiện tượng của nước nhà để cho độc giả tự tìm lấy con đường chân lý. Trong những bài tạp văn cũng vậy: lý luận của Lỗ Tấn vẫn căn cứở lối biện chứng xác đáng, không hề có những lối “cao đàm khoát luận” [105,tr.365]. Theo Đặng Thai Mai, những giá trị đạt được của Lỗ trong văn học là rất quan trọng, vì vậy ông cho rằng Lỗ không chỉ có địa vị trong văn học Trung Hoa, mà “nghệ thuật và tư tưởng của Lỗ cũng là đại biểu cho tư trào thế giới trong thế kỷ thứ XX”.

Giới thiệu A.Q. chính truyện - cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Lỗ Tấn ra đời năm 1921,

Đặng Thai Mai bằng ngòi bút tinh tế nhưng hóm hỉnh với vài nét phác họa đã giúp cho người

đọc nắm bắt được nội dung cũng như xã hội Trung Quốc đương thời. Chẳng hạn, giới thiệu về nhân vật A.Q, ông viết:

Thân tài va ốm yếu, gầy gò, vì rằng những ngày no say ấm áp trong đời va rất là ít ỏi cũng vì vậy nên bao nhiêu ý nghĩ của va, chỉ có thể liệng đi liệng lại trên hình ảnh những miếng ăn miếng uống… Tình cảm của AQ là một mối tâm duy rất là ấu trĩ, rất thô sơ, là một thứ “tình cảm loài cây” và cái nhân cách của va lắm lúc cũng còn chưa kiềm chế hoàn toàn được cái mà các nhà tư tưởng cao quí vẫn gọi là thú tính! Lúc ngọn gió may thổi, là da thịt va nhớ đến cái áo còn “gởi” lại nơi cối giã gạo nhà họ

Triệu. Khi con tỳ con vị cắn rứt là va mơ màng đến đĩa bánh, khẩu măng mà va ao

ước cho có tiền mà mua. Dáng điệu một mụ vú, một cô tiểu non, ám ảnh tâm hồn va, là vì trong xã hội làng Mùi, ái tình là một quả phúc mà những bọn như A.Q không nên dòm dỏđến [105,tr.372-373].

Nhà nghiên cứu cũng chỉ ra “Lời văn phổ thông, bút pháp tả chân, ấy là hai đặc sắc của văn nghệ của Lỗ Tấn”. Ông còn khẳng định, cuốn tiểu thuyết A.Q chính truyệnđã “mởđược một

kỷ nguyên mới trên nền văn học bạch thoại”. Tóm lại, dù công trình Lỗ Tấn (1944) chưa đi vào trình bày cặn kẻ mọi vấn đề về Lỗ Tấn và tác phẩm của ông, nhưng rõ ràng trong điều kiện chung về tư liệu thiếu thốn trong những năm trước 1945 thì tác phẩm này đã vượt hẳn những công trình nghiên cứu về văn học Trung Quốc đương thời. Điều này cho phép ta khẳng định, Lỗ Tấn là một công trình nghiên cứu rất thành công của Đặng Thai Mai về văn học Trung Quốc ở giai đoạn này.

Sau Lỗ Tấn, Đặng Thai Mai viết Văn học Trung Quốc hiện đại - tạp văn (1945), để

giới thiệu với bạn đọc đương thời vốn đã quen với nền văn học cổ Trung Quốc trong nhiều thế kỷ, một bộ mặt Trung Hoa khởi sắc, mới mẻ, giàu “tính cách tranh đấu”, “thông cảm nhiệt liệt, chân thật đối với đại chúng”, “khác với văn chính thống, văn hàn lâm, văn đại luận”. Công trình ra đời là một nỗ lực không nhỏ của Đặng Thai Mai đối với việc nghiên cứu văn học hiện đại Trung Quốc, bởi trước đó trong Lỗ Tấn, ông đã từng “lấy làm tiếc” vì “nhiều lẽ riêng” nên không thể giới thiệu thêm một ít tạp văn của Lỗ.

Trong “Lời nói đầu” của công trình vừa nêu, Đặng Thai Mai giới thiệu khái quát về nội dung và đề tài của tạp văn. Theo ông, nội dung của tạp văn là chú ý về tình hình sinh hoạt hiện thời của dân chúng nên nó nhắm đến hai mục đích là “đánh vào tình trạng hủ bại của xã hội cũ và kiến thiết xã hội mới”. Đề tài của tạp văn là đề tài thực tế nhưng không vì vậy mà các tác giả không chú ý về tư tưởng, nghệ thuật; ngược lại họ luôn chú trọng về việc “quan sát cho thấu đáo, lĩnh hội, mô tả cho có phương pháp”; mục đích của tạp văn là lợi ích chung của xã hội, nên văn phong của tạp văn là thứ văn “phê bình đúng đắn, có ý nghĩa xã hội và không ác cảm riêng gì với một người nào”.

Có thể nói, trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, việc nghiên cứu giới thiệu tác giả, tác phẩm văn học nước ngoài một cách chuyên sâu như Đặng Thai Mai là còn rất hiếm. Điều quan trọng hơn, thông qua sự nghiệp văn chương của Lỗ Tấn cũng như giới thiệu tạp văn của văn học Trung Quốc, Đặng Thai Mai nhằm khẳng định giá trị mẫu mực về tinh thần nhân

đạo, tính chiến đấu cũng như giá trị nghệ thuật của các tác phẩm, thể loại thuộc khuynh hướng hiện thực. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong hoàn cảnh xã hội lúc này, đã cho thấy sự đóng góp to lớn của Đặng Thai Mai không chỉ trong hoạt động nghiên cứu văn học giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.

Tóm lại, nếu những bài viết của Phạm Quỳnh về Baudelaire, Guy de Maupassant, Molière…; Hải Triều về Maxime Gorki, Romain Rolland và Henri Barbusse chỉ là những bài viết ngắn gọn mang tính chất giới thiệu thì đến Nguyễn Phi Hoanh với công trình Tolstoi,

nghiên cứu văn học nước ngoài đã có một bước tiến đáng kể, đặc biệt là Đặng Thai Mai với hai công trình về Lỗ TấnVăn học Trung Quốc hiện đại - tạp văn đã thật sự tạo nên một thành tựu đáng kể trong nghiên cứu văn học ngước ngoài. Chính bước tiến của những thành tựu này đã góp phần không nhỏ vào quá trình hiện đại hóa hoạt động nghiên cứu văn học Việt Nam.

2.2.3. Nghiên cu lý lun văn hc - Thành tu và hn chế

Văn học là một trong những hoạt động sáng tạo của con người. Con người tìm đến văn học như tìm đến chỗ dựa tinh thần, như một nỗi khát khao để thỏa mãn nhu cầu vươn tới chân - thiện - mỹ. Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải có một hệ thống lý luận chính xác, chặt chẽ về văn học để giúp nhà văn có hướng tác nghiệp không sai lệch cũng như người đọc có cách tiếp cận văn học đúng đắn.

Trước thế kỷ XX, các ý kiến bàn về văn chương nghệ thuật của các văn nhân, học giả

thời phong kiến (sau này được tập hợp trong công trình Từ trong di sản) vẫn còn mang tính tự phát. Những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, Việt Hán Văn Khảo (1918) ra đời là cuốn sách

đầu tiên trình bày ngắn gọn, súc tích quan niệm văn chương truyền thống và một số thể loại thông dụng của nó. Tuy vậy, đối với hoàn cảnh xã hội đương thời, những quan niệm về văn chương mà Phan Kế Bính đề ra là chưa phù hợp, chẳng hạn, quan niệm xem văn chương là nghề chơi phong nhã, chưa phân biệt văn chương với học thuật, với trước tác chư tử… Bàn về vấn đề văn học, các nhà nghiên cứu như Nguyễn Bá Học, Phan Bội Châu, Tản Đà, Ngô

Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng cho đến Phạm Quỳnh cũng chưa thoát khỏi quan niệm văn chương cổ điển. Chẳng hạn: Nguyễn Bá Học chủ trương văn chương phải “biết chép sự

thực”, đạt được cái hay về tình cảm, hay về lý. Ông phân biệt hai loại văn chương: “văn chương hữu dụng” gồm tiểu thuyết, ký sự, luận thuyết, diễn thuyết; còn thơ, phú, ca dao… chỉ dùng để ngâm nga, không suy ra sự thực chẳng những vô ích mà còn “không đáng một

đồng tiền kẽm”; Phạm Quỳnh thì chỉ coi trọng sách giáo khoa truyền bá sự học. Thơ, văn, tiểu thuyết tuy cũng có quyển có giá trị bổ ích cho quốc văn, nhưng đó chỉ là loại “văn chương chơi”. Tản Đà cũng thích xem văn chương là thú chơi: “Văn chương vẫn chỉ cứ là văn chương, nhất là có ích cho xã hội thời càng hay, dẫu không có ích cho ai thời cũng như

thanh kiếm, cung đàn, gởi tâm sự tới một vài tri kỷ. Còn như ai muốn có sự nghiệp, thời nên làm riêng cái sự nghiệp vĩ đại khác, không nên cầu sự nghiệp ở văn chương” (Sự nghiệp văn chương, Tản Đà). Võ Liêm Sơn có lẽ là người sớm đưa ra khái niệm văn học mang tính hiện

Ông nhận rõ thực trạng của văn học cổ điển và đề cao văn học mới “mới không chỉ ở hình thức mà cốt mới ở tư tưởng, mới không chỉ mới riêng với người mình, mà phải mới theo với thế giới” (Văn học với xã hội). Tuy nhiên, đây chỉ là một vài tư tưởng mới được giới thiệu chứ chưa thành xu thế.

Trong các quan niệm bàn về văn chương học thuật lúc bấy giờ cũng cần bàn đến “Khảo về tiểu thuyết” đăng trên Nam Phong năm 1921 của Phạm Quỳnh. Bài viết dài 40 trang, bàn về những vấn đề liên quan đến thể loại tiểu thuyết như: lý giải thuật ngữ tiếu thuyết, kết cấu tiểu thuyết, phô diễn, phân loại tiểu thuyết. Ở từng vấn đề, Phạm Quỳnh đi vào lý giải, phân tích một cách cụ thể nhằm giúp người đọc có thể sớm bước vào địa hạt sáng tác hoặc tiếp nhận văn học. Đó chính là những đóng góp xây dựng buổi đầu cho việc hình thành và phát triển văn xuôi tự sự hiện đại ở Việt Nam trong 30 năm đầu thế kỷ XX.

Sau năm 1930, các vấn đề quan niệm văn học tiếp tục được bàn bạc, trao đổi. Đặc biệt,

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU VĂN HỌC VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾKỶXX (Trang 93 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)