* Môi trường kinh tế:
Để ngân hàng có thể huy động được nhiều vốn, mở rộng hoạt động cho vay phục vụ cho việc phát triển kinh tế thì phải có một nền kinh tế phát triển ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng của ngân hàng. Về phương diện tổng thể, nền kinh tế ổn định sẽ tạo điều kiện cho việc nâng cao chất lượng tín dụng.
Khi nền kinh tế phát triển ổn định, lạm phát vừa phải, không có khủng hoảng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy khả năng vay mượn và trả nợ vay không bị biến động lớn. Ngân hàng không phải chịu những thiệt hại do mất giá của đồng tiền, tránh được chất lượng tín dụng giảm, thấp.
Chu kỳ kinh tế có tác động không nhỏ đến hoạt động tín dụng, nếu thời kỳ kinh tế hưng thịnh, sản xuất kinh doanh được mở rộng dẫn đến nhu cầu vốn tăng, hiệu quả tín dụng cũng tăng lên, giảm bớt rủi ro tín dụng nhưng cũng không loại trừ trường hợp do chạy đua trong sản xuất kinh doanh, nạn đầu cơ tích trữ làm cho nhu cầu tín dụng tăng lên quá cao và có nhiều TCTD thực hiện. Những khoản này cũng có thể khó được hoàn trả nếu sự phát triển sản xuất kinh doanh không có kế hoạch hoặc phát triển sản xuất kinh doanh vượt quá quy mô của khách hàng cả về vốn cũng như khả năng quản lý. Mặt khác, trong thời kỳ nền kinh tế suy thoái, sản xuất trì trệ, kinh doanh bị thua lỗ, nhu cầu vốn tín dụng giảm và nếu vốn tín dụng được thực hiện thì cũng khó có thể sử dụng hiệu quả. Trong thời kỳ này, tình trạng thiểu phát kéo dài sản phẩm sản xuất ra vượt quá nhu cầu của nền kinh tế cũng như nguyên nhân dẫn đến đình trệ trong sản xuất kinh doanh do sản lượng sản phẩm tồn kho khó tiêu thụ, hoạt động tín dụng gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa do cạnh tranh trong lĩnh vực tiền tệ sẽ dẫn đến việc các ngân hàng nới lỏng các điều kiện cho vay để thu hút khách hàng. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng.
Hơn thế nữa, trong nền kinh tế thị trường lãi suất luôn biến động. Mức độ phù hợp giữa lãi suất ngân hàng và lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Lợi tức ngân hàng thu được từ hoạt động tín dụng bị giới hạn bởi lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sử dụng vốn vay.
* Môi trường xã hội:
Khách hàng và ngân hàng thực hiện quan hệ tín dụng dựa trên cơ sở tín nhiệm giữa hai bên. Vì vậy, chất lượng tín dụng phụ thuộc vào ba nhân tố: khách hàng, khả năng của ngân hàng và sự tin tưởng lẫn nhau. Tín nhiệm là cầu nối mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng, nó là tiền đề để tạo điều kiện không ngừng cải tiến chất lượng tín dụng.
Khách hàng với tư cách vừa là người cung vốn, vừa là người cầu về vốn. Khách hàng mong muốn ở ngân hàng một mức lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản, nhanh gọn. Ngân hàng vừa là người đại diện cho bên huy động vốn, vừa là người đại diện cho bên cung cấp tín dụng. Mối quan hệ xã hội thể hiện cụ thể giữa ngân hàng và khách hàng là nhân tố không kém phần quan trọng quyết định đến quy mô và hoạt động của ngân hàng.
Sự thành công hay thất bại của một ngân hàng phụ thuộc vào việc xây dựng chính sách tín dụng. Một chính sách tín dụng đúng đắn sẽ thu hút được nhiều khách hàng, đảm bảo khả năng sinh lời từ hoạt động tín dụng trên cơ sở phân tán rủi ro, tuân thủ pháp luật, đường lối chính sách của Nhà nước và đảm bảo công bằng xã hội.
Ngoài những nhân tố trên, còn có những nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng như: đạo đức xã hội, trình độ dân trí có liên quan tới rủi ro tín dụng. Bên cạnh đó sự biến động của tình hình kinh tế, chính trị xã hội ở nước ngoài cũng có ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng.
* Môi trường pháp lý:
Pháp luật là bộ phận không thể thiếu của kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Hành lang pháp lý không phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế thì mọi hoạt động trong nền kinh tế đó không thể tiến hành trôi chảy được. Một môi trường pháp lý hoàn chỉnh tạo điều kiện tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh thuận tiện và hiệu quả, và tạo ra cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề khiếu nại khi có tranh chấp.
Môi trường pháp lý bao gồm hệ thống luật pháp đầy đủ, các văn bản của Nhà nước ban hành liên quan đến hoạt động tín dụng của ngân hàng. Nền kinh tế càng phát triển thì hệ thống các văn bản này càng phải hoàn chỉnh để bắt kịp sự phát triển đó. Hệ thống các văn bản pháp luật của hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động tín dụng nói riêng có tác động hết sức mạnh mẽ tới sự rủi ro trong hoạt động tín dụng hay bảo toàn vốn mà ngân
hàng bỏ ra, trong điều kiện các chủ thể tham gia quan hệ tín dụng tuân thủ đúng các văn bản pháp luật thì quan hệ tín dụng mới đem lại lợi ích cho các bên tham gia.
* Môi trường chính trị:
Một nền chính trị ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của ngân hàng được diễn ra an toàn và đảm bảo. Môi trường chính trị lành mạnh và ổn định tạo niềm tin cho các nhà kinh doanh an tâm mở rộng đầu tư sản xuất từ đó nguồn tín dụng ngân hàng mới là nguồn tài trợ có hiệu quả. từ đó các ngân hàng cũng yên tâm giải vốn cho nền kinh tế, không lo các rủi ro đạo đức có thể xảy ra. Nếu chính trị bất ổn, các chính sách của Nhà nước thiếu sự nhất quán và nhiều xung đột sẽ gây bất lợi đối với sự phát triển kinh tế và ảnh hưởng xấu đến hoạt động tín dụng của ngân hàng.
* Môi trường tự nhiên:
Đây là nhân tố gián tiếp ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của ngân hàng cũng như chất lượng của nền kinh tế. Việt Nam là đất nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, thiên tai hỏa hoạn, bệnh dịch thường xuyên xảy ra. Điều kiện khí hậu có ảnh hưởng lớn đến một số ngành, đặc biệt là những ngành có liên quan đến nông nghiệp, thủy sản, hàng hải,… Vì thế, việc đầu tư vào những ngành có thể dẫn đến những rủi ro do môi trường tự nhiên gây ra, làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng tín dụng ngân hàng.
* Môi trường quốc tế:
So với các NHTM Việt Nam thì các Ngân hàng nước ngoài thể hiện sự hơn hẳn về tiềm lực tài chính, trình độ quản lý và trình độ công nghệ. Muốn đứng vững trong môi trường cạnh tranh đầy gay gắt thì các NHTM Việt Nam phải khẳng định vị thế của mình trên "sân nhà". Cách nhanh nhất là nâng cao chất lượng tín dụng nhằm tạo ra đội ngũ khách hàng đông đảo và trung thành.