Loại hình doanh nghiệp nhà nước

Một phần của tài liệu Giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam (Trang 34 - 36)

I. Tổng quan về doanh nghiệp nhà nước Việt Nam 1 Số lượng doanh nghiệp nhà nước

3. Loại hình doanh nghiệp nhà nước

Doanh nghiệp nhà nước đã tồn tại phổ biến từ lâu trong nền kinh tế ở nước ta. Tuy vậy mãi đến năm 1995, mới có những nỗ lực đầu tiên đầu tiên để “công ty hóa” về mặt ý niệm đối với doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể là theo luật doanh nghiệp nhà nước năm 1995, doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý, hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động công ích nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội do nhà nước giao. Cũng theo luật này, doanh nghiệp nhà nước tồn tại dưới các hình thức: doanh nghiệp độc lập, tổng công ty, doanh nghiệp thành viên của tổng công ty. Và theo luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 thì doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, phần góp vốn chi phối được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

So sánh khái niệm doanh nghiệp nhà nước theo Luật doanh nghiệp 1995 với khái niệm luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 thì có một số thay đổi: có nội dung rộng hơn, bao gồm không chỉ doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước, mà cả doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần hay có phần góp vốn chi phối; loại hình doanh nghiệp cũng đa dạng hơn, bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; không xác định mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp nhà nước là thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội do nhà nước giao; và cuối cùng là không còn khái niệm doanh nghiệp công ích. Tuy vậy, có thể nói, phần lớn các doanh nghiệp nhà nước cho đến nay vẫn chưa thực sự là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần với đầy đủ những thuộc tính của chúng.

Trong giai đoạn trước tháng 7-2006, khái niệm “doanh nghiệp” được định nghĩa khác nhau trong các văn bản pháp luật khác nhau, và được áp dụng phân biệt theo thành phần kinh tế. Trong khi doanh nghiệp do tư nhân trong nước sở hữu lấy mục tiêu sinh lợi làm tiêu chí đặc trưng hàng đầu, doanh nghiệp trong khu vực kinh tế nước ngoài và khu vực kinh tế nhà nước chủ yếu dựa vào tiêu chí sở hữu. Thậm chí lợi nhuận không được coi là mục tiêu chủ yếu của doanh nghiệp nhà nước.

Về loại hình doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân trong nước được lựa chọn cả bốn loại là đặc trưng phổ biến trong kinh tế thị trường; còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ có duy nhất công ty trách nhiệm hữu hạn. Loại hình doanh nghiệp trong khu vực kinh tế nhà nước nhìn chung không tương thích với các loại hình doanh nghiệp của nền kinh tế thị trường. Sau năm 2003, doanh nghiệp nhà nước mới bắt đầu sử dụng loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Bản chất và nội dung của cùng một loại hình doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhau là không giống nhau. Ví dụ, việc các bên hay các thành viên phải chịu rủi ro tương ứng với tỷ lệ góp vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là khá xa lạ với đặc điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn nói chung và công ty trách nhiệm hữu hạn của khu vực kinh tế tư nhân trong nước nói riêng. Các loại hình khác của doanh nghiệp nhà nước như tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập…không được định nghĩa rõ về bản chất và các dấu hiệu pháp lý đặc trưng.

Nói tóm lại trước tháng 7-2006, khái niệm “doanh nghiệp” được phân biệt theo thành phần kinh tế; và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau thì không giống nhau về bản chất, về loại hình doanh nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân trong nước về cơ bản là có bước phát triển vượt trội so với các thành phần kinh tế khác.

Vào những năm 2005-2006, áp lực và yêu cầu gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO ngày càng gia tăng; và việc gia nhập WTO cũng đã ngày càng trở nên bức thiết. Một khuôn khổ pháp lý thống nhất về đầu tư và thương mại, bình đẳng, không phân biệt đối xử và phù hợp với các nguyên tắc thương mại quốc tế là một trong những điều kiện không thể thiếu để nước ta có thể gia nhập WTO. Vì vậy, hàng loạt luật có liên quan đã phải được ban hành mới hoặc bổ sung, sửa đổi, trong số đó có các luật về đầu tư và doanh nghiệp. Luật doanh nghiệp 2005 ra đời và có hiệu lực từ ngày 1-7-2006; thay thế luật doanh nghiệp 2000, cùng với luật năm 2003 và các qui định về doanh nghiệp của luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Như vậy tháng 7-2006 lần đầu tiên chúng ta có một luật doanh nghiệp duy nhất, áp dụng thống nhất và không phân biệt đối xử đối với tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu; người trong nước và người nước ngoài có quyền tự lựa chọn bất kỳ loại hình nào trong 4 loại hình doanh nghiệp do luật qui định: Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Cũng từ thời điểm đó không có hiện tượng “đồng sang, dị mộng” khi nói và viết về doanh nghiệp. Khái niệm doanh nghiệp, bản chất và thuộc tính của các loại hình doanh nghiệp đã được qui định, được hiểu và áp dụng một cách thống nhất.

Một phần của tài liệu Giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(70 trang)
w