Nga và các nước Đông Âu

Một phần của tài liệu Giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam (Trang 25 - 28)

IV. Kinh nghiệm về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước trong khu vực

2. Nga và các nước Đông Âu

Sau chiến tranh thế giới thứ II, một loạt các nước XHCN ở Đông Âu ra đời và các nước này đã nhanh chóng xây dựng nền kinh tế kế hoạch tập trung theo mô hình Xô Viết, dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Công cuộc quốc hữu hóa cuối những năm 40 và đầu những năm 50 của thế kỉ XX ở các nước Đông Âu đã hình thành khu vực kinh tế nhà nước rộng lớn, trong đó xí nghiệp quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, chiếm từ 87-97% sản xuất công nghiệp, và đóng góp tới 70% thu nhập quốc dân. Trong suốt thập kỉ 50-60 của thế kỉ XX, cơ chế kế hoạch hóa tập trung và sự hợp tác giữa các nước XHCN có tác dụng tích cực, các nước XHCN đã thu được những thành tựu to lớn. Bước sang thập kỉ 70, đặc biệt là thập kỉ 80, các nước Đông Âu ngày càng gặp nhiều khó khăn và họ đã tìm kiếm nhiều biện pháp cải tiến cơ chế quản lý theo hướng thị trường như nâng cao vai trò tự chủ của các xí

nghiệp sản xuất, sử dụng các đòn bẩy kinh tế kích thích sản xuất… Tuy nhiên, do các biện pháp cải cách không triệt để nên không đem lại kết quả như mong đợi, nền kinh tế các nước XHCN Đông Âu càng lâm vào khủng hoảng trầm trọng dẫn tới sự sụp đổ của CNXH ở các nước này vào những năm cuối thập kỉ 80 đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX.

Sau khi thay đổi thể chế chính trị, các nước Đông Âu bắt tay ngay vào công cuộc cải cách triệt để trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Mục tiêu quan trọng là xây dựng nền kinh tế thị trường và hội nhập và liên minh Châu Âu.Từ nền kinh tế kế hoạch tập trung cao độ chuyển sang nền kinh tế thị trường với nhiệm vụ trọng tâm, then chốt được xác định là tư nhân hóa, cải cách các doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, hội nhập vào liên minh Châu Âu cũng đòi hỏi phải cải cách doanh nghiệp nhà nước, xây dựng nền kinh tế thị trường có khả năng cạnh tranh theo tiêu chuẩn hội nhập “ Copenhaghen”. Ở Liên minh Châu Âu khu vực kinh tế tư nhân chiếm tới 85% GDP thì ở các nền kinh tế kế hoạch tập trung Đông Âu, kinh tế nhà nước chiếm hơn 70% GDP trong giai đoạn đầu chuyển đổi. Hơn nữa, ở hầu hết các nước này, xí nghiệp quốc doanh được coi là những trọng tâm của bộ máy quyền lực chính trị còn khu vực kinh tế tư nhân rất yếu kém.

Việc chuyển từ chế độ kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường không chỉ bao gồm việc cải cách cơ cấu sở hữu, đa dạng hóa sở hữu, chuyển quyền sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân mà còn bao gồm những chính sách phi điều tiết hóa quản lý kinh tế và tự do hóa kinh tế. Trong các nước có nền kinh tế tập trung, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước có nghĩa là “ thị trường hóa nền kinh tế tập trung ”.

Nhìn chung việc tư nhân hóa ở các nước này dựa trên các quan điểm sau: - Tư nhân hóa được coi là quá trình tạo tiền đề cho việc tạo dựng nền kinh tế thị trường và đi liền đó là phát triển thể chế dân chủ nghị viện. Tư nhân hóa sẽ trực tiếp tạo ra các chủ thể kinh tế đủ mạnh, có thể kinh doanh độc lập, giảm tối đa sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào các công việc kinh doanh.

- Tư nhân hóa giúp cho việc giải quyết mâu thuẫn giữa quan hệ sở hữu cũ với quan hệ thị trường. Trong việc sở hữu tài sản, các cá nhân đều có quyền bình đẳng trong chiếm hữu và sử dụng các tài sản thuộc về mình. Sự khẳng định bằng luật pháp này là cơ sở của các quan hệ trao đổi trong nền kinh tế thị trường. Trong việc hình thành chế độ trách nhiệm, các doanh nghiệp nhà nước với tư cách là chủ thể kinh doanh độc lập tự chủ sẽ phải chịu trách nhiệm đối với quá trình sản xuất kinh doanh. Trong việc tạo

động lực cho nền kinh tế thì chính quan hệ cung cầu của thị trường tác động lên các doanh nghiệp thông qua cạnh tranh.

- Tư nhân hóa không có nghĩa là xóa bỏ càng nhanh càng tốt sở hữu nhà nước mà chỉ là sự rút lui của sở hữu nhà nước khỏi các lĩnh vực không cần thiết, tập trung vào các lĩnh vực có thể kém hiệu quả hơn nhưng thực sự cần thiết cho quốc kế dân sinh mà tư nhân không thể hoặc không muốn làm.

- Quá trình tư nhân hóa được thực hiện trên cơ sở hệ quan điểm phát triển, có nghĩa là với các loại hình sở hữu đã được tạo ra sẽ tiến hành cải biến hệ thống quản lý dựa trên huy động nguồn lao động là chủ yếu sang quản lý theo các phương pháp kinh tế dựa vào huy động nguồn vốn và tăng năng suất, chất lượng hiệu quả.

- Tư nhân hóa không nhằm mục tiêu đơn thuần chuyển giao tài sản từ tay nhà nước vào tay tư nhân. Điều quan trọng hơn là thông qua đó nền kinh tế có thể huy động thêm các nguồn lực bổ sung cực kỳ quan trọng và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Do đó chính sách tạo lập, phát triển nguồn vốn được thực hiện cùng với quá trình tư nhân hóa là cực kỳ quan trọng.

Trong quá trình phấn đấu gia nhập liên minh Châu Âu, liên kết vào thị trường thống nhất EU, cả nhà nước và doanh nghiệp của các nước Đông Âu đều phải tuân thủ các luật chơi chung, phải chịu được áp lực cạnh tranh trong thị trường thống nhất. Chính sách cạnh tranh là nội dung trọng tâm của thị trường thống nhất, nhằm đảm bảo tự do cạnh tranh bình đẳng trong lưu thông hàng hóa, dịch vụ, sức lao động và vốn, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Những nội dung cơ bản của nó là chống độc quyền, lạm dụng vị trí độc quyền, kiểm soát hỗ trợ nhà nước, kiểm soát hoạt động kinh doanh của các độc quyền nhà nước, thúc đẩy tự do kinh doanh thông qua việc xóa bỏ rào cản thể chế, tự do hóa các lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước. Mặc dù có những khác biệt về mức độ phát triển kinh tế cũng như nền tảng cạnh tranh giữa các nước, vẫn phải đảm bảo cho các doanh nghiệp cũng như các cơ quan hoạt động theo cùng một chính sách cạnh tranh áp dụng cho toàn thể cộng đồng. Việc mở cửa, tự do hóa các thị trường thuộc độc quyền nhà nước trước đây như vận tải, năng lượng, bưu chính viễn thông… trong điều kiện các nền kinh tế chuyển đổi đương nhiên sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với các nền kinh tế thị trường phát triển trong EU. Đẩy mạnh tư nhân hóa, cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực độc quyền nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, giảm bớt sự bảo hộ, tuân thủ luật cạnh tranh, luật chống độc quyền của EU cũng là một nội dung quan trọng trong cải cách doanh nghiệp nhà nước ở các nước Đông Âu.

Như vậy tư nhân hóa vừa là mục tiêu vừa là nội dung quan trọng của cải cách doanh nghiệp nhà nước trong quá trình chuyển đổi kinh tế thị trường ở các nước Đông Âu.

Một phần của tài liệu Giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(70 trang)
w