Trong tác phẩm tự sự khi tiến hành trần thuật, nhà văn luôn có ý thức đưa các chi tiết, sự kiện, các mối quan hệ, xung đột… đến với người đọc nhằm thể
hiện một vấn đề, một tư tưởng nào đó. Các sự kiện, chi tiết, xung đột bao giờ
cũng được sắp xếp, tổ chức theo một trình tự nhất định đểđạt hiệu quả biểu hiện tối đa. Khi trần thuật, nhà văn trình bày liên tục bằng lời văn nhằm làm sống lại các chi tiết, sự kiện, xung đột, diễn biến của câu chuyện theo một cách nhìn, cách cảm nhất định. Như vậy, “trần thuật là sự thể hiện của hình tượng văn học, truyền đạt nó tới người thưởng thức. Bố cục của trần thuật là sự sắp xếp, tổ chức tương ứng giữa các phương diện khác nhau của hình tượng với các thành phần khác nhau của văn bản” [57, tr.307 - 308].
Thành phần của trần thuật thường tương ứng với thành phần của cốt truyện. Sự tương ứng này không
phải bao giờ cũng khớp với nhau một cách máy móc. Dù có liên quan đến thành phần trần thuật nhưng cốt
truyện không phải là yếu tố quyết định đến đặc điểm cấu trúc trần thuật. Không phải bao giờ thành phần của
trần thuật cũng ứng với thành phần cốt truyện, nhất là ở trường hợp truyện không có cốt truyện. Thành phần
của cốt truyện thường có tính chất năng động. Nó bao gồm các sự kiện, biến đổi và nhà văn cũng có các đoạn
tương ứng với các sự kiện đó. Ngoài ra, trong tác phẩm tự sự, trần thuật còn bao gồm các thành phần có tính
chất tĩnh tại như những đoạn miêu tả chân dung, ngoại hình nhân vật; những đoạn miêu tả phong cảnh; những
đoạn đối thoại, độc thoại; những đoạn thể hiện lời xen ngoại đề…
Các thành phần của trần thuật có thể được vận dụng, kết hợp ở những mức
độ, hình thức khác nhau. Tuỳ theo sở trường và mục đích biểu hiện của tác phẩm, nhà văn có thể tiến hành trần thuật các sự kiện diễn ra theo trình tự thời gian. Có khi để giải quyết cốt truyện, nhà văn lại linh hoạt xen kẽ các thời điểm trần thuật hay đảo ngược trình tự thời gian trần thuật. Cũng có khi, trật tự trần thuật được sắp xếp theo diễn biến tâm lý của nhân vật trong truyện… Tất cả những dạng cấu trúc trần thuật này là một phương diện góp phần tạo nên nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của nhà văn.