Bổ sung các khoản mục dòng thu kinh tế khi phân tích.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống công cụ phân tích hiệu quả kinh tế tài chính dự án tại EVN (Trang 52 - 56)

I. HOÀN THIỆN CÔNG CỤ PHÂN TÍCH HIỆU QUẢ KINH TẾ

1. Bổ sung các khoản mục dòng thu kinh tế khi phân tích.

Một là: Lượng ngoại tệ tiết kiệm được hàng năm do không phải nhập khẩu điện năng với giá cao từ nước ngoài nếu dự án đi vào hoạt động.

Lượng ngoại tệ tiết kiệm được do không phải nhập khẩu sẽ được tính toán như sau:

- Sản lượng điện năng dự kiến mua từ nước ngoài được giảm hàng năm nếu dự án đi vào hoạt động.

- Giá bán điện của nhà máy đ/kWh (hoặc USD/kWh). - Giá mua điện từ nước ngoài (USD/kWh)

- Chênh lệch giữa giá phải mua và giá bán.

- Ngoại tệ tiết kiệm được: chênh lệch giữa giá mua và giá bán x sản lượng điện dự kiến mua ngoài được giảm.

Theo số liệu báo cáo của EVN, trong năm 2005, nhu cầu cầu sử dụng điện bình quân ngày của cả nước là 150 triệu kWh/ ngày tức khoản 45,5 tỷ kWh/năm, trong khi khả năng cung cấp tối đa của tất cả các nhà máy điện là 45 tỷ kWh/năm, như vậy trong năm 2005, cả nước thiếu điện ước khoản 500 triệu kWh, dự kiến trong các năm tới tình trạng thiếu điện vẫn diễn ra như hiện nay thậm chí còn nghiêm trọng hơn do đa phần các nhà máy đều trong giai đoạn mới xây dựng. Để giải quyết tình thế, EVN đã nhâp khẩu từ Trung Quốc là 400 triệu kWh, dự kiến năm 2006 tăng lên 600 triệu kWh.

Trở lại, dự án Thủy điện Sơn La, nếu dự án đi vào hoạt thì hàng năm sẽ hòa vào lưới điện Quốc gia 2400 MW tương đương 9,5 tỷ kWh, góp phần giải quyết áp lực thiếu điện trong thời gian tới mà theo dự kiến đến năm 2015 trở đi sản lượng điện bị thiếu nếu không xây dựng thêm nhà máy điện nào là khoản 10 tỷ kWh/năm.

Như vậy, nếu toàn bộ sản lượng điện hàng năm thiếu hụt là 10 tỷ kWh được giải quyết bằng biện pháp nhập khẩu thì hàng năm chúng ta phải tiêu tốn một lượng ngoại tệ 7000 tỷ đồng tương đương 450 triệu USD. Nếu so sánh giữa giá điện mua ngoài và giá bán điện của các nhà máy thì hàng năm chúng ta thiệt hại 10 tỷ kWh x(0,06 -0,04) = 200 triệu USD.

Khi Thủy điện Sơn La hoạt động thì lượng ngoại tệ sẽ tiết kiệm được hàng năm do không phải nhập khẩu điện năng với giá cao dự kiến sẽ là:

+ Sản lượng điện phát ra hàng năm: 9,5 tỷ kWh

+ Giá mua điện từ Trung quốc: 0,06 USD/kWh

+ Ngoại tệ tiết kiệm được do không nhập khẩu/năm: 190 triệu USD tương đương 3000 tỷ đồng, lượng ngoại tệ này bằng ½ doanh thu bán điện hàng năm của nhà máy. Đây là một khoản mục dòng thu rất lớn, nếu không được tính vào dòng thu thì sai lệch trong phân tích và thẩm định hiệu quả dự án là rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư. Cụ thể, nếu tính lượng ngoại tệ tiết kiệm được hàng năm vào giá trị dòng thu thì hiện giá của giá trị dòng thu tăng từ lên 14.069 tỷ đồng.

Hai là: Giá trị thiệt hại do phải ngừng cung cấp điện 1 kWh cho nền kinh tế quốc dân sẽ được giảm hàng năm nếu dự án đi vào hoạt động.

Giá trị thiệt hại do ngừng cấp điện 1 kWh là tổng giá trị thiệt hại cho các ngành kinh tế quốc dân, cho sinh hoạt tiêu dùng phải gánh chịu do không có điện để sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.

Các nguyên nhân do ngừng cấp điện bao gồm các nguyên nhân khách quan và chủ quan như: mưa giông, bảo lụt gây sự cố điện, các sự cố điện do thiết bị, do quá tải và đặc biệt là do thiếu điện phải cắt điện luân phiên từ khu vực này đến khu vực khác như từng diễn ra trong năm 2005.

Trong thời gian qua, do vị thế độc quyền còn cao nên ngành điện chưa quan tâm đến khoản thiệt hại do ngừng cấp điện gây ra, nên cũng chưa có số liệu thống kê giá trị thiệt hại gây ra hàng năm cho nền kinh tế là bao nhiêu. Tuy nhiên, phương pháp tính giá trị thiệt hại do ngừng cấp điện cũng không quá phức tạp và được tính toán như sau:

- Thống kê lại thời gian ngừng cấp điện trong các khu vực phải cắt điện để giải quyết tình trạng thiếu nguồn, sa thải lưới do không thể đủ cung suất cung cấp.

- Trên cơ sở sản lượng điện tiêu thụ bình quân của khu vực phải chịu cắt điện, tính sản lượng điện bị mất do ngừng cấp điện.

- Định kỳ hàng tháng, quý, năm tổng hợp số liệu báo cáo tổng sản lượng bị mất do ngừng cấp điện.

- Giá trị thiệt hại do ngừng cấp điện 1 kWh hiện nay đang được Bộ Công nghiệp ước lượng là khoản 15-20 lần giá bán điện 1 kWh. (để có số liệu chính xác, các đơn vị trực thuộc EVN dễ dàng có thể đề nghị các đơn vị sử dụng điện hổ trợ thống kê giá trị thiệt hại)

Diễn biến 6 tháng đầu năm 2006, cho thấy việc đảm bảo cung cấp điện đầy đủ và ổn định trong giai đoạn này là rất khó khăn, ngành điện đang bước vào năm 2006 với sự căng thẳng về thiếu điện trầm trọng hơn rất nhiều so với con số khoảng 500 triệu kWh của năm 2005 và con số đáng sợ của lượng điện thiếu hụt như dự báo sẽ là khoảng 800 triệu-1 tỷ kWh.

Giá trị thiệt hại do ngừng cấp điện trong năm 2006 ước tính: 15 lần x 0,8 tỷ kWh x 625 đ/kWh = 7.500 tỷ đồng bằng 1/3 tổng doanh thu ngành điện tạo ra trong năm.

Dự kiến, đến năm 2015 trở đi, nếu chúng ta không xây dựng Nhà máy điện Sơn La, mà sửa chữa, đại tu các nhà máy hiện có để huy động tối đa công suất phát của các nhà máy, và tiếp tục nhập khẩu điện từ Trung Quốc thì chúng ta cũng phải ngừng cấp điện bình quân mỗi năm 500 triệu kWh.

Như vậy, nếu Thủy điện Sơn La đi vào hoạt thì hàng năm sẽ góp phần làm giảm thiệt hại do ngừng cấp điện mỗi năm là 15 lần x 500 triệu kWh x 625 đ/kWh = 4.687 tỷ đồng gần bằng doanh thu bán điện của nhà máy.

Ba là: Lợi ích hàng năm từ các nguồn lợi thuỷ hải sản đem lợi do ngăn sông đắp đập, tích luỹ nước trong các hồ chứa, lợi ích chống hạn, chống lũ cũng cần tính toán vào dòng thu kinh tế của dự án.

Chúng ta biết rằng, muốn xây dựng một nhà máy Thủy điện, cần phải xây dựng một hồ chứa nước, phải ngăn sông, đấp đập trên các dòng sông, do vậy đây là điều kiện rất tốt để phát triển các nguồn lợi thủy hải sản và ngăn chặn lũ lụt. Ví dụ, để xây dựng Thủy điện Sơn La, chúng ta phải xây dựng tuyến đập có chiều cao lớn nhất là 138,1 mét, chiều dài theo đỉnh là 1.043,75 mét, diện tích hồ chứa là 224 km2 với tổng dung tích phòng lũ là 9,26 tỷ m3

Việc xác định các lợi ích hàng năm từ các nguồn lợi thủy hải sản đem lại sẽ căn cứ vào thu nhập từ việc bán thủy hải sản khai thác được hàng năm sau khi trừ đi các chi phí phát sinh.

Ví dụ khi Thủy điện Sơn La đi vào hoạt động thì hàng năm thu được 1 tỷ đồng tiền bán các nguồn lợi thủy hải sản. Riêng đối với khoản lợi ích từ phòng chống lụt thì ước tính hàng năm giảm thiệt hại cho 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên khoản 150 tỷ đồng. Đây là khoản mục góp phần cải thiện nguồn thu cho dự án và nâng cao mức sống người dân địa phương.

Bốn là: Các lợi ích kinh tế khác mà dự án mang lai như: Tác động tích cực đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, phát triển kết cấu hạ tầng, giải quyết xóa đói giảm nghèo cũng cần phải tiên lượng để đưa vào phân tích và đánh giá.

Trong năm 2005, nhờ có dự án thủy điện Sơn La mà Huyện Mường La thay đổi mọi mặt, tăng trưởng kinh tế đạt 17,3% (vượt xa so với kế hoạch 9,1%). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2,2 triệu đồng/người năm 2000 lên trên 4 triệu đồng/người năm 2005. 12/16 xã, thị trấn đã có điện lưới quốc gia, Mường La ngày trước như một cô sơn nữ mộc mạc, e ấp giấu mình trong tĩnh lặng của núi rừng Tây Bắc, bỗng chốc đã hóa thành một cô gái đẹp hiện đại như ở miền xuôi.

Ngoài ra, nhờ có dự án thủy điện Sơn La ngành mà công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, nông sản, lâm sản, chú trọng chế biến xuất khẩu, một số cơ sở công nghiệp lớn theo tuyến đường 18 gắn với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã và đang được hình thành và phát triển, các tuyến đường nâng cấp đường trục từ Hà Nội đi các tỉnh biên giới, các tuyến đường vành đai biên giới và các đường nhánh cũng đã hình thành.

Tóm lại, qua phân tích các yếu tố dòng thu kinh tế bổ sung trên, chúng ta thấy rằng tầm ảnh hướng của các dự án ngành điện đối với nền kinh tế, đối với xã hội là rất lớn. Đặc biệt là đối với một số dự án Thủy điện lớn thì tầm ảnh hưởng càng lớn hơn, ví dụ giá trị thiệt hại do ngừng cấp điện cao hơn gấp nhiều lần so với giá bán 1 kWh, do vậy nếu chúng ta bỏ qua các yếu tố dòng thu kinh tế trên thì kết quả thẩm định dự án sẽ thật sự không có ý nghĩa kinh tế, nó chỉ đơn thuần có ý nghĩa về mặt tài chính.

Từ những cơ sở phân tích đó, việc nghiên cứu và bổ sung các khoản mục dòng thu kinh tế trên để phân tích và thẩm định dự án là yêu cầu cấp thiết.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hệ thống công cụ phân tích hiệu quả kinh tế tài chính dự án tại EVN (Trang 52 - 56)