gần đây
Trong thời gian gần đây các Ngân hàng nước ngoài tham gia vào thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam dưới hình thức là đối tác chiến lược rất phổ biến. Lý do chính khiến các tổ chức tài chính lớn nước ngoài lại chủ yếu lựa chọn con đường trở thành đối tác chiến lược của các NHTMCP trong nước khi thâm nhập thị trường tài chính Việt Nam thường có rất nhiều nhưng chủ yếu là:
Thứ nhất, mặc dù Việt Nam đã có lộ trình mở cửa dịch vụ tài chính khi gia nhập WTO, nhưng hiện tại cánh cửa này vẫn còn hạn chế. Việc thành lập NH liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài còn gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, quy định vốn điều lệ tối thiểu, chứng minh tài sản và tiềm lực tài chính...
Thứ hai, ngay cả khi đã thành lập được các chi nhánh NH 100% vốn nước ngoài, mặc dù được đánh giá là những tổ chức làm việc chuyên nghiệp, có kinh nghiệm trong quản lý..., nhưng các ngân hàng này lại chưa thông hiểu thị trường nội địa, thói quen tiêu dùng rất khó khăn trong việc tiếp cận các khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân.
Hơn nữa, việc mở rộng mạng lưới chi nhánh cũng không dễ dàng để có thể nhanh chóng chiếm được thị phần vốn là thế mạnh của các ngân hàng nội địa.
Việc lựa chọn làm đối tác của những NHTMCP lớn là một lựa chọn chiến lược cho kế hoạch thâm nhập thị trường tài chính Việt Nam. Mục đích chính của các ngân hàng, các tổ chức tài chính nước ngoài là tận dụng mạng lưới chi nhánh và
mạng lưới khách hàng rộng khắp của các NHTMCP nội địa, qua đó vừa tiếp cận, tìm hiểu vừa có cơ hội khiến khách hàng quen thuộc với sản phẩm của mình, nắm bắt dần dần thị trường đầy tiềm năng này trước khi thâm nhập hoàn toàn. Tuy nhiên, với tiềm lực tài chính, tính chuyên nghiệp và hiện đại của mình, cũng không loại trừ khả năng các tổ chức tài chính lớn nước ngoài muốn thực hiện các vụ thâu tóm và sáp nhập các NHTMCPVN và đây đang là những bước đi đầu tiên. Trong năm 2005, HSBC (ngân hàng lớn nhất châu Âu) và ANZ (ngân hàng cung cấp tín dụng lớn thứ 3 tại Australia) đã bỏ ra tương ứng 17,3 triệu USD và 27 triệu USD để mua 10% cổ phần tại Techcombank và Sacombank.
Sacombank hiện có IFC, Dragon Capital và ANZ là 3 nhà đầu tư nước ngoài, mỗi nhà đầu tư nắm giữ 10% cổ phần.
Mặc dù vậy, không có nghĩa ANZ không thể tăng thêm phần vốn góp bởi khi Sacombank phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, ANZ có thể mua thêm và thay đổi tỷ lệ nắm giữ nếu các nhà đầu tư nước ngoài khác là IFC và Dragon Capital không mua thêm.
HSBC PLC sẽ trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam sở hữu 20% cổ phần của một ngân hàng trong nước khi nâng cổ phần sở hữu tại Techcombank từ 14,4% lên 20% với tổng giá trị 1.272 tỉ đồng (tương đương 77,1 triệu USD), HSBC muốn sử dụng Techcombank để phát triển hệ thống ATM và tín dụng tiêu dùng.
Ngày 16/7/2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho SeABank được bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là Ngân hàng Societe Generale S.A với tỷ lệ tối đa là 15% vốn điều lệ của SeaBank.
Hiện nay Deutsche Bank đang nắm giữ 10% vốn cổ phần của Habubank, Deutsche Bank mua cổ phần của Habubank nhằm để phát triển dịch vụ bán lẻ tại Việt Nam.
Thời gian vừa qua, Mirae Asset Securities có dự định muốn mua 15% cổ phần ở Ngân hàng TMCP Phương Nam.
VPBank chính thức bán thêm 5% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược Oversea-Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) (tập đoàn tài chính lớn thứ 3 tại Singapore), nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của OCBC tại VPBank đạt mức 15% vốn điều lệ.
Eximbank đã hoàn tất việc bán cổ phần cho các cổ đông chiến lược nước ngoài: bốn nhà đầu tư nước ngoài được mua 25% cổ phần của Eximbank gồm nhà đầu tư chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và người có liên quan mua 15% vốn điều lệ của Eximbank; quỹ đầu tư VOF Investment Limited được quản lý bởi VinaCapital mua 5%; Mirae Asset Exim Investment Limited thuộc tập đoàn Mirae Asset (Hàn Quốc) mua 4,5%; quỹ Mirae Asset Maps Opportunity Vietnam Equity Balanced Fund 1 (OVEBF) mua 0,5%
Trong những tháng đầu năm 2008, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam suy giảm trầm trọng nhưng Malayan Banking Berhad (MayBank) vẫn thực hiện việc mua lại 15% vốn điều lệ của ABBANK với giá gấp 4.5 lần mệnh giá. MayBank mong muốn được sở hữu thêm 5% cổ phần sau khi được pháp luật Việt Nam cho phép, để nâng tỉ lệ cổ phần sở hữu lên 20%. Maybank sẽ cử người tham gia công tác quản trị, điều hành và kiểm soát tại ABBANK.
Cathay Bank - ngân hàng nước ngoài tại Hoa kỳ đã chính thức ký vào biên bản ghi nhớ mua lại 10% vốn điều lệ của Southern Bank để trở thành nhà đầu tư chiến lược của ngân hàng cổ phần này.
BNP Paribas, hiện nắm 10% cổ phần của NHTMCP Phương Đông, BNP Paribas mong muốn tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần lên 20%. Ngày 22/2/2008 tại TPHCM, NHTMCP Phương Đông đã tổ chức buổi lễ trao sổ chứng nhận cổ phần cho Ngân hàng BNP Paribas (Pháp). Việc NHTMCP Phương Đông bán 10% vốn
điều lệ cho BNP Paribas đã được Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận. NHTMCP Phương Đông đã phát hành thêm 11.111.100 cổ phần tương đương 111,111 tỉ đồng theo mệnh giá để bán cho BNP Paribas.
Ngân hàng Standard Chartered đã đạt được thỏa thuận mua thêm cổ phần của NHTMCP Á Châu (ACB) từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC). Số lượng cụ thể là mua thêm 6,16% cổ phần và thêm 7,10% trái phiếu chuyển đổi của ACB. Với thương vụ mua bán này, vốn đầu tư của Standard Chartered vào ACB từ 8,84% cổ phần và 8,76% trái phiếu chuyển đổi được nâng lên lần lượt là 15% và 15,86%. Ngân hàng Standard Chartered được xác định là cổ đông và đối tác chiến lược của ACB kể từ tháng 7 năm 2005. Thông qua việc mua gom thêm cổ phiếu, Standard Chartered đang thể hiện rõ ràng tham vọng đầu tư lâu dài tại Việt Nam, nhất là sau khi ngân hàng này được chấp thuận nguyên tắc thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Cùng với các ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng trong nước cũng tiền hành thực hiện việc mua lại cổ phần nhằm làm niền tảng cho việc thâu tóm và sáp nhập các ngân hàng tiềm năng
Ngày 18/09/2007, tại TP.HCM trước sự chứng kiến của đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tại TP.HCM, Ngân hàng Thương mại cổ phần Gia Định vàVietcombank đã ký kết thỏa thuận đầu tư và hợp tác chiến lược. Theo đó, VCB trở thành đối tác chiến lược của GiaDinhBank với tỉ lệ đầu tư và nắm giữ 30% vốn điều lệ của GiaDinhBank (khoảng 150 tỉ đồng). Qua đó, VCB trở thành cổ đông chiến lược trong nước duy nhất của GiaDinhBank. Theo thỏa thuận đầu tư và hợp tác chiến lược với GiaDinhBank thì VCB cùng với Công ty liên doanh quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF - Công ty con của VCB) tham gia góp vốn đầu tư vào GiaDinhBank, trong đó VCB sẽ góp 11%
và VCBF là 19% trong tổng số 30% vốn điều lệ của GiaDinhBank đồng thời VCB sẽ làm đại diện ủy quyền của VCBF trong liên minh này.
KienLong Bank hiện có 2 cổ đông chiến lược là NHTMCP Á Châu (ACB) và Saigon Tourist, mỗi tổ chức sở hữu 10% cổ phần, ngoài số cổ phần được mua thêm theo tỷ lệ, cả hai tổ chức này đều ngỏ ý sẵn sàng mua thêm khi KienLongBank tăng vốn.
Ngân hàng TMCP Đại Á hiện đã mời được các nhà đầu tư lớn như NHTMCP Á Châu, Công ty D2D, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty ôtô Trường Hải trở thành cổ đông tiềm năng và chiến lược của Đại Á - bên cạnh 2 cổ đông chiến lược có trước là NH Đầu tư & Phát triển Việt Nam, Công ty Tín Nghĩa.
Ngày 22/10/2007 Vietcombank và MB ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, theo đó Vietcombank sẽ nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại MB lên tối thiếu 10% vốn điều lệ với tư cách là cổ đông chiến lược.
Thực trạng tình hình mua lại cổ phần tại các NHTMCP Việt Nam trong thời gian vừa qua cho thấy các Ngân hàng nước ngoài, các NHTMCP Việt Nam trong nước đều có các mục đích riêng của mình, không chỉ đóng vai trò là nhà đầu tư chiến lược, các ngân hàng này đều muốn tạo ra các quyền kiểm soát tại các NHTMCP mục tiêu bắt đầu bằng việc mua một tỷ lệ cổ phần sau đó sẽ thực hiện các chiến lược thâu tóm khi điều kiện thuận lợi. Do vậy, thâu tóm và sáp nhập ngân hàng đang dần dần diễn ra mang tính tất yếu khách quan và phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế quốc tế.