Trong cơ chế tài chính hiện hành, Công ty vẫn còn can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên trong hầu hết các lĩnh vực như: vốn kinh doanh, đầu tư, điều hòa vốn, khấu hao, nhượng bán, thanh lý tài sản, doanh thu, chi chí, lợi nhuận,… Các đơn vị không có quyền tự quyết và còn lệ thuộc quá nhiều vào Công ty.
Giải quyết vấn đề quản lý tài chính suy đến cùng là giải quyết những mối quan hệ kinh tế trong lĩnh vực tài chính nhằm tạo điều kiện cho toàn tổ hợp phát triển một cách có hiệu quả. Qua phân tích một số vấn đề tồn tại ở Chương II cho thấy, việc tăng cường, mở rộng quyền tự chủ tài chính cho các công ty con là một đòi hỏi tất yếu. Cùng với việc đề cao tính tự chủ trong kinh doanh của các công ty con, cơ chế tài chính phải thể hiện rõ quyền lợi và nghĩa vụ của công ty mẹ với các công ty con và ngược lại.
3.2.1.3 Cơ chế tài chính phải tạo môi trường tài chính lành mạnh, bình đẳng cho các đơn vị trong mô hình
Trong mô hình công ty mẹ – công ty con, công ty mẹ và các công ty con đều là các pháp nhân độc lập, bình đẳng, có quyền và nghĩa vụ như nhau trước pháp luật. Vì vậy, cơ chế tài chính không nên tạo ra bất cứ một ưu đãi nào cho công ty mẹ hoặc công ty con, kể cả trong hoạt động tạo lập vốn, đầu tư sử dụng vốn, phân phối kết quả kinh doanh nhằm tạo ra sự bình đẳng và xóa bỏ tâm lý ỷ lại làm mất đi động lực cạnh tranh cho quá trình phát triển của các công ty con.
Trên cơ sở đảm bảo sự bình đẳng, ổn định và minh bạch về môi trường tài chính mà thúc đẩy sự hợp tác và cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty con trong tổ hợp, tạo điều kiện cho từng doanh nghiệp thành viên cũng như toàn tổ hợp phát triển.