Đào Văn Đường (191 5 1952)

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Nhà có gia phả như Nước có quốc sử pptx (Trang 55 - 59)

Ông Đào Văn Đường sinh năm ất Mão (1915), là con cả của cụ Thư và cụ Lộc (cụ bà hai), mất ngày 15 tháng 5 Nhâm Thìn (1952), thọ 38 tuổi, vợ là: Bùi Thị Thụ sinh năm Quý Sửu (1913), hiệu diệu Thái, mất 22 tháng 6 năm Nhâm Thân (1992), thọ 80 tuổi.

Phần mộ hiện nay của ông bà tại gò thứ 10 thôn Vĩnh Khang, xã Vân Nam. Ông Bà sinh được 2 người con:

1. Con gái: Đào Thị Hợi sinh năm 1947 2. Con trai: Đào Văn Thìn sinh năm 1952.

Ông Đường thuở nhỏ học trường làng, thi sơ học yếu lược xong, xuống Phùng học tiếp cùng ông Nhạc, đến lớp nhất được ông Điển đưa lên Bắc Giang ở cùng để thi tốt nghiệp. Khi ông Điển mất, ông Đường về quê ở với gia đình. Năm 1935 cụ Thư dịch bộ sách thuốc của Hải Thượng Lãn Ông ra chữ quốc ngữ cho ông Đường chép và dạy ông Đường học làm thuốc. Chẳng bao lâu ông đã biết hành nghề, vừa bốc thuốc ở nhà khi cụ Thư đi vắng, vừa ra ngồi chợ Bãi bán thuốc những phiên chợ (ngày 3, 5, 8 là phiên chợ). Năm 1938 ông ra Hà Nội tìm việc. Được ông Nhã giúp đỡ giới thiệu, ông làm gia sư kiêm thư ký cho nhà chủ Vinh Thành ở phố hàng Bạc mở xưởng cơ khí sản xuất sửa chữa và bán đồ sắt.

Sau ông cũng xin được tuyển làm nhân viên ngành thuế chợ của Sở Đốc Lý Hà Nội, cùng cơ quan với ông Nhã, ông thôi việc của nhà Vinh Thành và về ở cùng gia đình ông Nhã.

Từ 1941 ông Đài ra Hà Nội học lên trung học, ông Đường đảm bảo giúp đỡ được tiền ăn hàng tháng đóng cho bà Nhã. Đến tháng 3-1945 Nhật đảo chính Pháp, ông Đường mất việc làm chuyển nghề đi buôn đường. Ông vào Vinh mua đường chờ tàu hỏa ra Hà Nội bán. Cuối 1946 chuyến hàng cuối cùng về đến Hà Nội chưa kịp bán thì xảy ra toàn quốc kháng chiến (12-1946), ông phải thuê thuyền chở ngược sông Hồng về quê Vĩnh Khang xếp hàng vào nhà ông Nhạc (vườn Đức Hợi ở bây giờ) để bán dần.

Sức khỏe thời kỳ này của ông gặp khó khăn vì bệnh đau dạ dày. Ông làm việc ở gia đình và có tham gia dạy học Bình dân học vụ ở làng (dạy trưa hoặc tối).

Năm 1950, giặc Pháp và lính ngụy từ bốt Kim lũ nống ra càn quét xã Vân Cốc, ông Đường bị địch bắt cùng với nhiều người dân làng, đưa về bốt Kim Lũ rồi dồn xuống bốt Phùng. Số người bị bắt cũng đông, mục đích của chúng càn bắt để uy hiếp, chúng dùng chỉ điểm (là người địa phương) để nhận dạng tìm Việt cộng và để vòi tiền

hối lộ rồi tha, ông Đường do ít nhiều biết tiếng Pháp, chúng dùng làm thông ngôn được đi lại tự do. Lợi dụng thời cơ sơ hở đáp ôtô về Hà Nội, tìm đến nhà ông Nhã đã hồi cư về ở 43 cửa Bắc để ở lại giúp việc. Ông Nhã trông nom cửa hàng và các công việc (Năm 1951 làm nhà 130 Quan Thánh và các việc gia đình khác). Sau ông xin làm việc tại phòng thuế chợ Đồng Xuân vẫn ở cùng gia đình ông Nhã. Năm 1952 ông bị đau dạ dày nặng và ốm, điều trị tài nhà hàng ngày có anh Sửu con ông Tòng Tiến, làm y tá ở bệnh viện Bạch Mai đến tiêm giúp thuốc men. Sauông vào điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, nhưng bệnh tình trầm trọng, không qua khỏi và ông đã từ tràn tại bệnh viện ngày 15 tháng 5 âm lịch (Nhâm Thìn). Thi hài ông được đưa về chôn cất tại nghĩa trang quê nhà (gò thứ 10 - thôn Vĩnh Khang), gia đình thương tiếc ông, đã mời thầy cúng về nhà lập đàn cúng lễ 3 ngày.

Bà Đường: Bùi Thị Thụ, sinh năm 1913

Bà Đường (vợ ông Đường, gọi theo tên chồng), tên khai sinh là Bùi Thị Thụ, người cùng làng Vĩnh Khang, con gái cụ Đoàn Gừng họ Bùi. Do tục lệ có tảo hôn, bà Đường về làm dâu khoảng 15 tuổi.

Xuất thân từ một gia đình có nề nếp gia phong thời xưa, bà Đường là một phụ nữ rất đảm đang chung thủy. Là dâu trưởng đồng thời là lao động chính trong gia đình cụ Lộc, bà rất chủ động lo toan mọi công việc và thực chất đã đảm đương quán xuyến mọi việc của gia đình thay cụ Lộc từ rất sớm (khoảng ngoài 30 tuổi). Trong lao động sản xuất việc đồng áng ở làng, không bao giờ thua chị kém em về năng suất, bà hay nói "thua trời một vạn, không bằng thua bạn một ly", hoặc "người ta làm được, mình cũng phải làm được". Bà đã dìu dắt các em và con gái thành người làm ăn chăm chỉ có kế hoạch. Làng xóm rất ca ngợi và quý mến Bà. Trong gia đình, đối xử với cha mẹ, anh trên em dưới không bao giờ có điều tiếng gì, bà thường nói "một sự nhịn là chín sự lành", "một lời siết cạnh, chín nghìn roi song", bà hay ví von và biết rất nhiều ca dao tục ngữ. Bà thuộc lòng truyện Kiều, Lục Vân Tiên, đọc vanh vách chứng tỏ bà rất thông minh, học truyền khẩu chứ cũng không biết chữ. Mãi đến 1939 - 1940 bà mới học chữ quốc ngữ tại nhà, vào buổi tối cùng với các em là bà Nháy, bà Tân, do ông Đài hướng dẫn bắt đầu từ A, B, C... nhưng cuối cùng, khi ông Đài ra Hà Nội học, bà cũng chỉ biết

đọc chậm đánh vần, và viết chưa thạo, vì buổi tối ăn cơm muộn, còn ít thời gian học tập. Bà còn biết đánh đàn bầu rất hay (đàn làm bằng một đoạn ống nứa, căng 1 sợi dây thép nhỏ), đêm khuya sáng trăng, có tiếng đàn bầu thánh thót của bà thêm vui nhà và các em rất thích nghe.

Trong quan hệ gia đình, bà luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người lúc khó khăn hoặc khi cần thiết như đã nuôi cháu Thanh con ông bà Sinh mấy năm, vừa là giúp đỡ anh chị đông con khó khăn kinh tế, vừa là giải quyết tình cảm tâm lý nuôi cháu cho vui vì bà Đường muộn con, (khéo các cụ nói: "như tre ấm búi", nuôi con sẽ đẻ con). Được khoảng ba bốn năm sau thì ông bà sinh đón cháu Thanh về. Năm 1961, bà nuôi cháu Chung con bà Tân để giúp đỡ bà Tân thu xếp công việc gia đình riêng. Năm 1965 - 1966, có chiến tranh phá hoại miền Bắc, Hà Nội sơ tán, các cháu con ông Giáp, chị Đức về quê được bà trông nom giúp đỡ.

Đối với hàng xóm láng giềng, quan hệ đối xử bà rất trọng tình nghĩa, không bao giờ to tiếng với ai. Làm công tác hòa giải bà rất có uy tín giải quyết các vụ việc góp phần xây dựng tình đoàn kết xóm làng, được nhiều người quý mến.

Về gia đình riêng bà sinh con muộn. Người con trai đầu lòng tên là Đào Đức Đạt, ra đời được mấy tháng thì mất. Mãi đến tuổi 34 và 39 (sau hơn 10 năm) mới sinh thêm con gái là Đào Thị Hợi (sinh năm 1947) và con trai là Đào Văn Thìn (sinh năm 1952).

Ông Đường mất sớm (1952) lúc con trai mới được ít tháng, mẹ già lại đau ốm luôn các em nhỏ, một mình bà đã rất vững tay chèo, thờ chồng, nuôi con, trông nom vườn tược cho các anh và em đi kháng chiến ở xa (ông Nhạc, ông Đài đi bộ đội) đảm bảo sản xuất trồng trọt lương thực ngoài bờ sông. Mãi đến 1958, ông Đài ở bộ đội bắt đầu có chế độ lương, mới hàng tháng gửi cho bà thêm để góp phần trách nhiệm nuôi dưỡng cụ Lộc, đồng thời sức lao động gia đình được tăng hơn, (thêm bà Đài mới cưới, các em lớn dần tuổi). Bà hết lòng chăm sóc con cái, nuôi ăn học đến nơi đến chốn và trưởng thành như ngày nay. Bà là chủ gia đình thật sự thay cụ Lộc được các cụ tin cậy và các anh em trong gia đình quý mến.

Về già, hết tuổi lao động, bà chuyển khẩu ra Hà Nội ở với vợ chồng anh Thìn, chị Quý tại khu tập thể trường Đại học Thương mại Hà Nội. Từ 1990, bà lâm bệnh, được các con chăm sóc tận tình, chu đáo, nhưng không qua khỏi và tạ thế ngày 22 tháng 6 năm Nhâm thân (1992), được chôn cất ở nghĩa trang xã Mai Dịch, huyện Từ Liêm. Đến 1996, cải táng, hài cốt bà được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà gò thứ 10, thôn Vĩnh Khang xã Vân Nam.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Nhà có gia phả như Nước có quốc sử pptx (Trang 55 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)