Ông Đào Văn Nhạc là con thứ năm của cụ Thư và cụ Điều.
Ông sinh năm 1914 (tuổi Giáp Dần), và mất ngày 26 tháng 5 năm Canh Thìn (2000), lúc 6 giờ sáng tại số nhà 4 phố Yên Ninh, Hà Nội, thọ 87 tuổi). An táng tại nghĩa trang Văn Điển.
Vợ: Bà Nguyễn Thị Vy, sinh năm 1913 (Quý Sửu) và mất ngày 17 tháng Chạp năm Quý Tỵ (1954) tại số nhà 4 phố Yên Ninh, Hà Nội, thọ 42 tuổi, phần mộ hiện nay tại gò thứ 10 nghĩa trang thôn Vĩnh Khang, xã Vân Nam.
Ông bà sinh được 5 người con:
1. Đào Thị Minh Đức sinh năm 1937 2. Đào Đình Tứ sinh năm 1940 3. Đào Ngọc Hải sinh năm 1943 4. Đào Trọng Hậu sinh năm 1946 5. Đào Trọng Hiếu sinh năm 1948.
Ông Nhạc thuở nhỏ học ở trường làng, là một học sinh nhanh khỏe, hay nghịch, tự xưng biệt hiệu là "trâu rừng" để hãnh diện sức mạnh của mình với bạn bè.
Ông ưa hoạt động đá bóng và là cầu thủ tin cậy của đội bóng học sinh sau này. Đỗ sơ học yếu lược, ông xuống Phùng trọ học, tiếp các lớp trên rồi cùng ông Nhã lên Bắc Giang ở với ông Điển để học lớp nhất và thi tốt nghiệp tiểu học.
Năm 1933, nhờ ông Điển xin cho đi dạy học hương sư, ông được cử về làm giáo viên dạy ở trường Vân Cốc, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đến năm 1939, ông thôi dạy học về tìm việc ở Hà Nội. Lúc này ông Nhã cũng đã ra Hà Nội và làm việc ở phòng thuế chợ Sở Đốc Lý Hà Nội, thuê nhà ở phố Jambert (bây giờ là Nguyễn Trường Tộ), ông Đường cũng từ nhà quê ra làm gia sư cho chủ xưởng Vinh Thành ở phố hàng Bạc, ông Nhạc được sự động viên khuyến khích của anh em và sự giúp đỡ của bạn bè (có ông Tám làm công an cảnh sát) đã tin tuyển lựa làm công an cảnh sát ở Hà Nội thuê
nhà riêng ở ngõ phố Jambert gần nhà ông Nhã. Lúc đầu ông làm việc ở phố hàng Trống, sau làm ở các trạm C.A phố hàng Đậu, chợ Gạo.
Năm 1945, ông tham gia tổ chức cảnh sát cứu quốc của Mặt trận Việt Minh nên sau tổng khởi nghĩa 8-1945, ông vẫn ở lực lượng cảnh sát của chính quyền cách mạng thành phố Hà Nội. Khi toàn quốc kháng chiến (12-1946) gia đình ông sơ tán về quê Vĩnh Khang, Vân Cốc. Khi giặc Pháp chiến Sơn Tây, gia đình tản cư sang xã Hồng Châu ở nhờ nhà ông Thuổi là anh còn bá còn dì (cụ Y là chị cụ Điều) rồi tản cư xuống vùng chợ Lồ, năm 1949 giặc càn quét cả hai bờ sông Hồng, bà Nhạc và các con hồi cư về làng, ông Nhạc đi tìm cơ quan cũ để công tác. Ông được điều về làm công an ở Bắc Giang, đóng ở Nhã Nam. Có tinh thần trách nhiệm và khả năng nghiệp vụ, một thời gian sau ông được đề bạt làm trưởng đồn. Năm 1954 khi được tin bà Vy mất ở Hà Nội, ông đã tổ chức đón các con lên Bắc Giang (Nhờ bà Lý Di chị bà Vy vào Hà Nội cùng cô Tân em gái đang ở Hà Nội đưa các cháu ra) đến ở nhờ gia đình bà Thông (bên họ ngoại) ở Tiên Lục.
Trước hoàn cảnh khó khăn mới, đông con nhỏ, ông đã báo cáo với lãnh đạo tỉnh xin được chuyển công tác trở về ngành giáo dục. Được chấp nhận nguyện vọng, ông về dạy và làm Hiệu trưởng trường tiểu học Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, rồi làm hiệu trưởng trường Thọ Xương, trường Tiên Lục, có thời gian về làm trợ lý Phòng Giáo dục, rồi giáo viên trường cấp 2 Yên Sơn (Lạng Giang). ông về nghỉ hưu năm 1974 sau 20 năm dạy học, tuổi đời 60, trở về ngôi nhà cũ số 4 phố Yên Ninh Hà Nội.
Ông Nhạc là một người rất có nghị lực khắc phục khó khăn. Trong kháng chiến chống Pháp, gia đình ly tán, ông tin tưởng vào bà Vy đảm đang nuôi con nhỏ sống trong vùng tạm chiếm, ông ra sức hoàn thành công tác. Khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông ở trong hoàn cảnh một mình vừa công tác vừa "gà trống nuôi con", ông đã nuôi dạy các con trưởng thành đến nơi đến chốn. Khi về hưu ông vẫn tự lực trong cuộc sống mọi mặt, ít đòi hỏi ở các con. Cho đến năm 2000, tuổi cao sức yếu, ông đã từ trần lúc 6 giờ ngày 27-6-2000 tức ngày 26 tháng 5 Canh Thìn, thọ 87 tuổi.
- Trong quá trình kháng chiến và công tác, ông Nhạc đã được Nhà nước tặng thưởng.
1. Huy cương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất 2. Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng
Vợ: Bà Nguyễn Thị Vi thường gọi theo tên chồng, Bà Nhạc.
-Bà Vy quê ở Bắc Giang - nghề nghiệp chính là buôn bán nhỏ (người làng Cung Nhượng huyện Việt Yên). Không có vốn làm ăn lớn, nhưng Bà không nề hà bất cứ buôn bán gì từ gánh rau, gánh gạo tấm vải, bộ quần áo để kiếm sống hàng ngày. Từ ở tỉnh nhỏ về sống ở Thủ đô, bà sớm thích nghi với tầng lớp lao động nghèo buôn bán nhỏ, chịu khó chắt chiu, tần tảo đảm bảo cuộc sống gia đình ổn định.
Với bản chất lao động, tính tình luôn vui vẻ hòa nhã, bà quan hệ rộng rãi có nhiều bạn bè tốt buôn bán làm ăn với nhau rất đoàn kết, tổ chức thành phường họ giúp nhau vay vốn kinh doanh (Bà cầm cái họ nhiều năm), dần dần tích lũy tiết kiệm, ông bà mua được nhà riêng số 4 phố Yên Ninh năm 1945.
Khi tản cư kháng chiến về quê gia đình ông bà gồm 3 con và một người giúp việc (gọi là U Hậu) tổng cộng 6 người. (U Hậu được mướn về khi đẻ Hậu, bà Nhạc không có sữa phải nuôi bộ, năm 1945 Báo Vui sống tổ chức thi bé khỏe bé ngoan, Hậu được giải 3). Bà vẫn quang gánh trên vai, tản cư đến đâu, chạy chợ đến đấy. Khi hồi cư về Hà Nội, bà lại tiếp tục công việc buôn bán nhỏ, nuôi các con ở nhà số 4 phố Yên Ninh. Năm 1954, mắc bệnh hiểm nghèo. Bà đã tạ thế ngày 17 tháng chạp (Quý Tỵ) thọ 42 tuổi. Phần mộ hiện nay ở gò thứ 10 thôn Vĩnh Khang, Vân Nam.