1 ĐHTN Sơn danh
3.1.2. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá
Ngôn ngữ ra đời, biến đổi, phát triển trong văn hoá, cùng với văn hoá. Mối quan hệ mật thiết giữa ngôn ngữ và văn hoá đã được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định. Đ.A. Silichep cho rằng “văn hoá không tồn tại ngoài ngôn ngữ” [Dẫn theo 29, tr. 46]. Ngôn ngữ vừa là yếu tố quan trọng hàng đầu trong cấu trúc văn hoá vừa là một phương tiện để phát triển các thành tố khác trong văn hoá. Tác giả Nguyễn Đức Tồn đã khái quát mối quan hệ ngôn ngữ văn hoá như sau:
Ngôn ngữ còn là phương tiện tất yếu và là điều kiện cho sự nảy sinh, phát triển và hoạt động của những thành tố khác trong văn hoá. Ngôn ngữ là một trong những thành tố đặc trưng nhất của bất cứ nền văn hoá nào. Chính trong ngôn ngữ đặc điểm của một nền văn hoá dân tộc được lưu giữ lại rõ ràng nhất [29, tr. 47].
Rõ ràng ngôn ngữ “lưu giữ” những đặc điểm của một nền văn hoá dân tộc ở mọi cấp độ của nó trong đó có từ và nghĩa của từ. Địa danh là một bộ phận của từ vựng, được xuất phát từ từ vựng và mang đầy đủ những đặc điểm của từ vựng. Không những vậy địa danh luôn giải thích được lí do có mặt của nó; nó gắn bó mật thiết với môi trường đã tạo ra và sử dụng nó. Địa danh mang tính bảo lưu cao, dù đối tượng định danh không còn, địa danh vẫn có thể tồn tại và thực hiện được chức năng của mình. Do vậy, có thể khẳng định rằng nếu “trong ngôn ngữ đặc điểm của một nền văn hoá dân tộc được lưu giữ lại rõ ràng nhất” thì địa danh chính là một trong những cánh cửa để từ đó người ta bước vào tìm hiểu đặc điểm văn hoá.
Trong thời gian gần đây đã có khá nhiều đề tài nghiên cứu địa danh dưới góc độ ngôn ngữ - văn hoá và đã có được những thành công nhất định. Đó là một hướng đi đúng và cần thiết. Đi theo hướng đó cũng chính là một trong những mục đích nghiên cứu của luận văn mà chúng tôi đặt ra cho mình trong chương 3 này.
Trong luận văn chúng tôi hiểu khái niệm ngôn ngữ văn hoá theo cách hiểu ở bình diện rộng “đó là sự phản ánh những yếu tố, những biểu hiện, những đặc điểm của văn hoá vật thể và phi vật thể trong ngôn ngữ, thông qua ngôn ngữ” [15, tr. 137].
Vậy những yêú tố, biểu hiện, đặc điểm của văn hoá được phản ánh vào trong địa danh thông qua phương tiện nào? Về vấn đề này W.Humboldt đã chỉ ra rằng “ngôn ngữ và văn hoá gắn bó qua lại thông qua nghĩa của những dấu hiệu ngôn ngữ” [Dẫn theo 30, tr. 87]. Trong phạm vi địa danh,
những dấu hiệu ngôn ngữ chính là các yếu tố từ ngữ cấu tạo nên nó. Nghĩa của những yếu tố cấu tạo địa danh chính là nghĩa biểu niệm. Tìm hiểu đặc trưng văn hoá trong địa danh là tìm hiểu nghĩa biểu niệm. Thông qua nghĩa biểu niệm của các yếu tố cấu tạo địa danh chỉ ra các yếu tố, biểu hiện, đặc điểm của văn hoá được phản ánh trong hệ thống địa danh đó.
Hệ thống địa danh huyện Định Hoá với 1506 địa danh trong đó có tới 1478 địa danh có nghĩa (chiếm 98.14% trong tổng số địa danh) đã phản ánh đặc trưng văn hoá địa danh huyện Định Hoá ở cả hai dạng tồn tại : di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể, trên cả ba phương diện văn hoá gắn bó với đời sống con người là phương diện văn hoá sản xuất, phương diện văn hoá sinh hoạt, phương diện văn hoá vũ trang. Đồng thời, trên địa bàn huyện Định Hoá, với hai dân tộc có nguồn gốc lâu đời, có ảnh hưởng lớn là dân tộc Tày và dân tộc Kinh, những đặc điểm văn hoá và giao lưu văn hoá cũng được phản ánh rõ nét trong địa danh.