QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỆN

Một phần của tài liệu PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH CỦA EVN (Trang 45 - 46)

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 26/5/1999 đề ra nhiệm vụ củng cố và nâng cao hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh của các Tổng công ty, thực hiện tích tụ và tập trung vốn, chuyên môn hoá sâu và hợp tác hoá rộng, làm nền tảng cho việc chuyển đổi về chất từ TCT NN sang TĐKT mạnh; đẩy nhanh tiến trình xoá bỏ chế độ bộ chủ quản, cấp hành chính chủ quản và sự phân biệt doanh nghiệp Trung ương, doanh nghiệp địa phương vv...

Trên cơ sở đánh giá những thành tựu mà ngành Điện Việt Nam đã giành được, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, thách thức đặt ra đối với ngành Điện, Bộ Chính trị đã khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước là: “Từng bước hình thành thị trường điện cạnh tranh trong nước, đa dạng hoá phương thức đầu tư và kinh doanh điện, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia, không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Nhà nước chỉ giữ độc quyền khâu truyền tải điện, xây dựng và vận hành các nhà máy thuỷ điện lớn, các nhà máy điện nguyên tử”. Từ quan điểm và mục tiêu đó, Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới là: “Nghiên cứu xây dựng đầy đủ các khuôn khổ pháp lý, các điều kiện để sớm hình thành thị trường điện lực cạnh tranh”.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba (tháng 9/2001) của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã xác định: “Hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các TCT NN... Thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế trong một số lĩnh vực có đủ điều kiện, có thế mạnh, có khả năng phát triển để cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả như dầu khí, viễn thông, điện lực,...”.

Luật Ðiện lực vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực vào ngày 01/7/2005, được xây dựng để điều chỉnh toàn bộ các mối quan hệ trong các hoạt động điện lực. Luật Ðiện lực theo đuổi việc hình thành thị trường phát điện cạnh tranh ở Việt Nam. Ðiều này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tổng hợp cho toàn xã hội như tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng trong khâu phát điện giữa các đơn vị phát điện thuộc mọi thành phần kinh tế. Sức ép cạnh tranh sẽ buộc các doanh

nghiệp phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Việc hình thành thị trường điện cạnh tranh sẽ làm tăng lợi nhuận và tạo điều kiện để tái đầu tư cho các công ty phát điện, giảm sức ép phải tăng giá điện và nguồn nhiên liệu dùng điện cũng được hưởng lợi ích gián tiếp từ thị trường phát điện cạnh tranh. Thị trường điện lực cạnh tranh sẽ được xây dựng và thực hiện thành ba giai đoạn như sau:

* Giai đoạn 1: Thị trường phát điện cạnh tranh đây là giai đoạn đầu tiên đưa cạnh tranh vào khâu phát điện. Các công ty phát điện sẽ phải cạnh tranh để bán điện cho EVN. Để tăng mức độ cạnh tranh, tạo sự lựa chọn cho các công ty phát điện, EVN dự kiến sẽ cho phép các công ty phát điện ngoài EVN được bán điện trực tiếp cho cụm các khách hàng tiêu thụ điện trên một khu vực địa lý hành chính. EVN sẽ cho các công ty này thuê lưới truyền tải, phân phối và chỉ phải trả EVN chi phí quản lý, đầu tư lưới truyền tải, phân phối.

* Giai đoạn 2: Thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Đưa cạnh tranh vào khâu phát điện ở mức cao hơn, các công ty điện lực và các khách hàng mua điện lớn tham gia mua điện trên thị trường và được quyền lựa chọn nhà cung cấp của mình.

* Giai đoạn 3: Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Đây là giai đoạn phát triển cao nhất của mô hình thị trường điện cạnh tranh. Ngoài các công ty phát điện, các công ty phân phối bán lẻ đều phải cạnh tranh để bán điện. Tất cả các khách hàng mua điện kể cả các khách hàng mua điện trực tiếp từ lưới truyền tải, phân phối đều được quyền tự do lựa chọn người bán.

Việc xây dựng thị trường điện lực cạnh tranh phải theo từng bước của lộ trình khá dài. Trước mắt, Việt Nam chỉ có thể triển thực hiện ở giai đoạn 1 đó là thị trường phát điện cạnh tranh.

Một phần của tài liệu PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH CỦA EVN (Trang 45 - 46)