Trong cuộc sống của mình, con người bắt buộc phải có mối quan hệ với tự nhiên. Đối với người dân vùng núi Đông Bắc nước ta, do điều kiện sống của mình, mối quan hệ của họ đối với thế giới thiên nhiên xung quanh càng được gắn bó chặt chẽ hơn. Chính sự gắn bó đó đã làm cho con người nơi đây nảy sinh tình yêu rộng lớn, sâu
sắc đối với thiên nhiên. Con người không chỉ hòa đồng với tự nhiên, hòa mình cùng với tự nhiên mà cao hơn nữa con người còn có tình cảm sâu đậm đối với tự nhiên. Đó là một thứ tình cảm trong sáng, thuần khiết, không có sự ngăn cách giữa con người và tự nhiên. Sở dĩ con người vùng này có tình yêu rộng lớn đối với thiên nhiên, bởi vì:
- Do tự nhiên ở vùng này có những vẻ đẹp riêng của nó. Đứng trước cảnh núi rừng trùng điệp với màu xanh ngút ngàn, vô tận, con người đã thực sự rung động vẻ đẹp hùng vĩ của nó, lúc này con người đã cảm thấy mình thực sự được hòa nhập vào thế giới bao la, bất tận đó. Trước cảnh mây mờ che phủ các đỉnh núi cao, con người lại cảm thấy tâm hồn mình thật lãng mạn, thật nhẹ nhàng, thơ mộng. Tất cả những cảm giác đó đã làm nảy sinh một tình yêu bao la của con người đối với tự nhiên. Vùng này còn có nhiều cảnh sơn thủy hữu tình gắn liền với các câu chuyện cổ tích, huyền thoại như khu vực hồ Ba Bể (Bắc Kạn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Thác Mơ (Tuyên Quang),... đã tạo ra những cảm hứng tuyệt vời của con người đối với tự nhiên, nếu ai đã đến những nơi này dù chỉ một lần cũng không thể nào quên được. Sống trong cảnh quan như vậy, con người không thể thờ ơ mà với cảm hứng thẩm mỹ sâu sắc của mình con người nơi đây tất yếu phải có sự rung động thật sự trước những vẻ đẹp tuyệt vời đó. Tất cả những sự rung động đó chính là tiền đề tạo ra một tình yêu vô bờ bến của con người vùng này đối với thiên nhiên.
- Qua thực tiễn cuộc sống của nhiều thế hệ đã cho con người vùng núi Đông Bắc nước ta hiểu được rằng, tự nhiên chính là cội nguồn, là một phần thân thể của họ: "con người chính là tạo vật hoàn hảo nhất của tự nhiên". Tự nhiên còn là tất cả những gì gần gũi, thân thương nhất xung quanh con người từ con sông, con suối đến những cánh rừng bạt ngàn hay những ngọn núi cao chót vót,... tự nhiên chính là nguồn của cải vật chất vô tận để nuôi sống con người. Tự nhiên và đặc biệt là rừng núi còn là nơi che chở, bảo vệ con người thoát khỏi những hiện tượng thiên tai, tránh được sự xâm lăng, càn quét của giặc ngoại xâm... Với tất cả sự hiểu biết về tính hữu ích của tự nhiên của con người nơi đây đã hình thành trong họ một tình yêu sâu sắc đối với thiên nhiên. Và tình yêu này ngày càng được phát triển, được bồi đắp ở những thế hệ tiếp theo vì con người ngày càng có sự hiểu biết về tầm quan trọng của tự nhiên nhiều hơn.
Tình yêu của con người đối với thiên nhiên đã trở thành một giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta. Đó là một thực tế đã được thừa nhận và minh chứng trong thực tiễn:
Tình yêu đó không phải gần đây mới xuất hiện mà nó đã được hình thành từ thuở con người mới khai thiên lập địa và không ngừng được bồi dưỡng, hoàn thiện ở những thời kỳ sau. Do điều kiện tự nhiên và sự hiểu biết về tự nhiên của con người ở đây có những đặc trưng riêng của nó đã làm cho tình yêu thiên nhiên của họ, một mặt luôn tồn tại cùng với thời gian, mặt khác lại có những đặc điểm riêng mang bản sắc của địa phương nơi đây.
Tình yêu thiên nhiên trước hết được thể hiện ở sự hiểu biết sâu sắc của con người về thiên nhiên, bởi vì có tấm lòng yêu thương, con người mới có sự quan tâm, chú ý tới tự nhiên, mới có nhu cầu khám phá, tìm hiểu tự nhiên. Người dân ở vùng này từ thời xa xưa đã nhận thức được tầm quan trọng của tự nhiên đối với cuộc sống của mình nên luôn tìm mọi cách tiếp cận và khám phá tự nhiên, họ đã dần dần tích lũy được những kinh nghiệm về cách ứng xử với tự nhiên cần thiết cho sinh hoạt và sản xuất. Họ đã tự xây dựng những luật tục để khai thác và sử dụng tự nhiên một cách hợp lý nhất. Ví dụ như, người Dao Đỏ ở xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì, Hà Giang) có quy định ai cố tình phát đốt nương rẫy thuộc rừng đầu nguồn thì phải chịu hình phạt rất nặng. Trước đây người phạm lỗi phải mổ một con lợn to mang đến nhà trưởng bản, và mỗi gia đình có một người đàn ông đến nhà trưởng bản để nghe ông ta công bố tội trạng của người đó. Tiếp theo, người phạm lỗi đứng trước đại diện các gia đình xin lỗi. Sau đó, mọi người ở lại ăn uống, gọi là bữa cơm tạ lỗi.
Yêu thiên nhiên, con người ở đây không chỉ biết tôn trọng tự nhiên, biết khai thác tự nhiên một cách hợp lý mà còn biết bảo vệ tự nhiên, bù đắp cho tự nhiên những phần mình đã khai thác, đã có ý thức tái tạo lại tự nhiên trong chừng mực khả năng có thể của mình vì sự phát triển của thế hệ mai sau. Chính tư tưởng này đã thể hiện rõ tính nhân văn cao cả của con người nơi đây đối với tự nhiên. Người La Hủ ở Hà Giang trong khi hái lượm cây rừng để làm thuốc đã có tập quán nếu lấy cả cây để làm thuốc
thì phải trồng lại bằng mầm hoặc củ con; nếu lấy rễ cây thì chỉ được bới lấy một đoạn rồi lấp đất lại cho cây tiếp tục sống.
Tình yêu thiên nhiên của con người vùng núi Đông Bắc còn được thể hiện ở sự cảm hứng thẩm mỹ sâu sắc của họ trước vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây. Đứng trước một tảng đá hình người vô hồn, với sự cảm nhận sâu sắc, tinh tế, với tình yêu thiên nhiên vô bờ của người dân vùng này, tảng đá đó đã được thổi linh hồn vào, đã trở thành hòn đá Vọng Phu gắn liền với truyền thuyết về nàng Tô Thị thủy chung mòn mỏi đứng đợi chồng mà hóa đá. Nó đã trở thành biểu tượng cho lòng chung thủy của con người Việt Nam. Nó còn thể hiện sự sáng tạo của con người vùng này trước sự kì vĩ của thiên nhiên. Nói đến vùng này, người ta cũng không thể quên được những khu thiên nhiên với cảnh sơn thủy hữu tình như: thác Cô Tiên (huyện Vị Xuyên, Hà Giang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), thác Bản Giốc (Cao Bằng), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên),... đã thấm sâu vào tâm hồn của con người và được thể hiện qua những áng thơ văn hay những tác phẩm nghệ thuật ca ngợi vẻ đẹp tuyệt vời của nó của hàng bao thế hệ. Tình yêu thiên nhiên và cảm xúc vô bờ của người dân nơi đây trước những cảnh đẹp của tự nhiên còn được thể hiện trong cách trang trí trang phục của họ, nhất là của phụ nữ người Dao, người Mông,... thông qua việc họ đã sáng tạo ra hàng vạn mẫu họa tiết, hoa văn hết sức phong phú phản ánh được tính đa dạng trong cuộc sống, trong thiên nhiên, biểu hiện được thế giới vũ trụ quan của con người với phong cách nghệ thuật cách điệu cao, giàu tính biểu cảm.
Cùng với tư tưởng sống hòa hợp với tự nhiên, tình yêu của con người đối với thiên nhiên đã trở thành giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta. Lòng yêu thiên nhiên của con người là một giá trị văn hóa sinh thái đã được hình thành từ lâu đời, cùng với thời gian, nó ngày càng được củng cố và nâng cao. Đến ngày nay, nó vẫn còn nguyên giá trị, vẫn còn ý nghĩa to lớn ảnh hưởng đến sự sinh tồn của chính con người. Miền núi Đông Bắc nước ta hiện nay đang đứng trước tình trạng môi trường sống bị mất cân bằng sinh thái, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác bừa bãi do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường. Điều đó đòi hỏi vùng này phải bảo tồn và phát huy một giá trị văn hóa sinh thái truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, đó
chính là tình yêu thiên nhiên của con người mà trước hết được thể hiện ở việc khai thác, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý và phải có ý thức tái tạo lại tự nhiên trong chừng mực có thể, để tạo ra một sự phát triển bền vững của vùng này nói riêng cũng như của cả nước nói chung.