“GIẢNG NGHĨA” PHONG KIỀU DẠ BẠC TRONG SGK PT Cũng như Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, thật khó để xác định thời điểm

Một phần của tài liệu tìm hiểu quá trình tiếp nhận và diễn dịch Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế ở Việt Nam theo từng giai đoạn khác nhau (Trang 27 - 34)

Cũng như Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, thật khó để xác định thời điểm chính xác tác phẩm Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế được giới thiệu tại Việt Nam. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa biết được đích xác Phong Kiều dạ bạc đến Việt Nam từ lúc nào trên tư liệu chữ Hán, chỉ biết rằng vào những

năm đầu của thế kỷ XX đã có bản diễn Nôm của tác phẩm này và sau đó được in trong quyển Trong 99 chóp núi (Tân Việt, Hà Nội, 1942), tư liệu do Nguyễn Quảng Tuân cung cấp trên Tạp chí Hán Nôm số 1/2002.

Cho đến nay, bản dịch thành công nhất được cho là của thi sĩ- gạch nối của hai thế kỷ- Tản Đà. Tản Đà dịch thơ Đường nhiều và phần lớn đều lồng vào đó được cái tài, cái tình của một cây bút phóng túng, bay bổng, đồng cảm sâu sắc với thơ cổ điển xưa. Phong Kiều dạ bạc cũng được thi nhân dịch với phong thái đó:

Trăng tà tiếng quạ kêu sương

Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

(Thơ Đường - Nguyễn Quảng Tuân biên soạn, NXB Văn học 2003) Các dịch giả khi đi vào dịch Phong Kiều dạ bạc cũng đã cố gắng để dịch sát nguyên tác, giữ được cái “thần”, cái “nhã” của bài thơ. Tuy nhiên ngay trong câu chữ của nguyên tác cũng đã tạo nhiều làn sóng tranh luận khác nhau. Lấy ví dụ với câu: “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền” cũng có nhiều bản dịch khác nhau:

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

(Tản Đà)

Tiếng chuông đưa đến bến đò canh khuya

(Ngô Tất Tố)

Đêm Cô- Tô vẳng tiếng chuông

(Trần Trọng San)

Có lẽ chính bởi những tranh luận xoay quanh văn bản tác phẩm như vậy mà Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế được lựa chọn vào chương trình PTTH muộn hơn Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị. Bản thân tác phẩm được giới thiệu ở Việt Nam cũng muộn hơn so với Tỳ bà hành. Nếu như ngay từ những năm đầu tiên khi thơ Đường được đưa vào giảng dạy trong chương trình, Tỳ

bà hành đã được tuyển chọn vào giảng dạy chính thức thì mãi đến năm 2001, Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế mới được các nhà biên soạn đưa vào SGK

PT lớp 7.

Trong SGK Ngữ văn 7 (bộ SGK thí điểm), tập 1, Nguyễn Khắc Phi tổng chủ biên, NXB GD năm 2001, Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế được đưa vào phần Đọc thêm. Người soạn sách đã trích dẫn tác phẩm với phần Phiên âm chữ Hán, Dịch nghĩaDịch thơ (bản dịch được ghi rõ do Tản Đà dịch, rút từ tập Thơ Đường, tập 1, NXB Văn học, 1987). Phần Chú thích giải nghĩa “(1) Phong Kiều: địa danh ở phía Tây thành Cô Tô (thuộc thành phố Tô Châu, Giang Châu ngày nay)” và “(2) Trương Kế: sống khoảng giữa thế kỷ VIII, người Tương Châu, tỉnh Hồ Bắc, đỗ tiến sĩ, có làm chức quan nhỏ. Thơ thường tả phong cảnh là chủ yếu.”[1, 126]. Vì là phần đọc thêm nên người biên soạn sách đã không soạn phần Hướng dẫn học bài hay những chú thích kỹ càng hơn về câu chữ trong thi phẩm. Bài thơ chỉ có 28 chữ nhưng sự tranh cãi về chúng lại không hề ít ỏi, ngay chính các cách dịch từ trước đến nay cũng có nhiều người hiểu rất khác nhau. Có lẽ bởi vậy mà khi biên soạn, lựa chọn Phong Kiều dạ bạc vào chương trình, những nhà biên soạn cũng hiểu rất rõ điều đó. Vì vậy, họ đã trích dịch cho học sinh bản dịch thành công nhất ở nước ta, đồng thời cũng cung cấp đầy đủ phiên âm chữ Hán cũng như dịch nghĩa, điều đó sẽ gợi mở khả năng “đọc” chủ động hơn ở độc giả. Dù chỉ là đọc thêm nhưng việc lựa chọn Phong Kiều dạ bạc vào chương trình SGK PT giới thiệu đến học sinh đã chứng tỏ sức sống tiềm tàng cũng như những dư âm lan tỏa mạnh mẽ của tác phẩm này bên cạnh rất nhiều những áng thơ bay bổng khác của Đường thi.

Sách Ngữ văn 7 tập 1, năm 2006 và năm 2008 do Nguyễn Khắc Phi tổng chủ biên (NXB GD) vẫn giữ Phong Kiều dạ bạc vào chương trình SGK PT. Nằm trong phần Đọc thêm, các soạn giả đã trích dịch tương đối giống với SGK năm 2001 đã đưa. Cũng với phần Phiên âm, Dịch nghĩa, Dịch thơ. Song bản dịch chỉ khác ở hai chữ cuối cùng của văn bản: “Hàn Sơn” và được ghi chú là do “K. D dịch (Thơ Đường, tập 1, NXB Văn học, Hà Nội, 1987)” [2, 112- 113 ]. (Bản dịch trước đây trong SGK Ngữ văn 7 năm 2001 khác ở hai chữ cuối là “Hàn San” và được ghi là Tản Đà dịch, rút từ Thơ Đường, NXB Văn Học, Hà Nội, 1987- tr.126). Điểm khác biệt này thể hiện sự thay đổi trong quan niệm, tư tưởng cũng như trong quá trình khảo sát, nghiên cứu của những người biên soạn SGK PT. Ở quyển sách này, bên cạnh có chú thích ở chân trang về địa điểm “Phong Kiều” và tác giả “Trương Kế”, soạn giả đã đưa thêm phần Gợi ý thưởng thức. Đây có thể coi là những định hướng cơ bản, nhằm giúp học sinh có những kiến thức nhất định khi tìm hiểu tác phẩm dù phần gợi ý này không dài. Chúng tôi muốn trích phần Gợi ý thưởng thức

ra để có hình dung dễ hơn về cách “giảng nghĩa” trong SGK PT:

“Bài thơ thể hiện một cách sinh động cảm nhận qua những điều nghe thấy, nhìn thấy của một khách xa quê đang thao thức không ngủ trong đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều.

Nếu K. D. đã rất tài hoa và hết sức sáng tạo trong việc dịch hai câu thơ đầu thì có thể nói đã không thành công trong việc dịch hai câu thơ sau, khi biến chủ thể vốn là tiếng chuông thành chủ thế là chiếc thuyền của lữ khách. Trương Kế đã kết hợp hai thủ pháp nghệ thuật truyền thống của thơ Đường là dùng động để tả tĩnhmượn âm thanh để truyền hình ảnh. Câu thơ dịch của K. D. đã làm nhòa mất sự ngân vang, lan tỏa của tiếng chuông trong đêm yên tĩnh.” [2, 113].

Việc in nghiêng những phần chữ quan trọng trong phần gợi ý của biên soạn sách đã khéo léo mở hướng cho học sinh cũng như giáo viên trong quá trình phân tích, bình giảng bài thơ tứ tuyệt này. Mới chỉ bước đầu chạm nhẹ vào tư tưởng của tác phẩm, gợi mở những ý chung nhất về nghệ thuật và có

hướng so sánh giữa bản dịch với nguyên tác nhưng nó đã là chìa khóa giúp học sinh tự “đọc” và cảm nhận, ngấm sâu cho riêng mình. Nằm trong số những tác phẩm đọc thêm, do vậy việc học và giảng dạy Phong Kiều dạ bạc ở trên lớp không có. Sách trích dẫn và chú giải không nhiều. Điều này đã khiến cho việc tiếp nhận tác phẩm đối với độc giả không phải là điều đơn giản. Bài thơ ngắn ngủi, tưởng chừng dễ hiểu nhưng ẩn sâu trong đó là nhiều vấn đề mà đến hôm nay vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi trong giới phê bình- nghiên cứu. Trong bộ SGK Ngữ văn 7 không có thêm lời phân tích nào sâu hơn về văn bản này. Chỉ duy nhất trong Để học tốt Ngữ văn 7 (NXB Thanh Niên do Trần Văn Sáu và Đặng Văn Khương biên soạn, 2007) có xuất hiện việc so sánh Đêm đỗ thuyền ở Phong Kiều với bài Rằm tháng giêng trong bài Ôn tập tác phẩm trữ tình (tiếp theo). Thao tác so sánh được gợi ý cho học sinh bằng một vài gạch đầu dòng ngắn gọn, mang tính chất định hướng là chính:

“- Cảnh vật: ít nhiều có nét tương đồng.

- Tình cảm: Nếu Đêm đỗ thuyền ở Phong Kiều là tâm tình của khách xa quê thao thức thì Rằm tháng giêng là tình yêu thiên nhiên gắn liền với lòng yêu nước, tâm hồn nghệ sĩ hòa hợp thống nhất với cốt cách của người chiến sĩ, của vị lãnh tụ.”(tr 122- 123).

Như thế, so với Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, tần số xuất hiện được chọn giảng dạy trong chương trình PT của Phong Kiều dạ bạc ít hơn, chỉ có 1 lần. Đây là tác phẩm mới được đưa vào chương trình nhằm tạo nên một luồng sinh khí mới cho Đường thi trong nhà trường PT. Tuy vậy, nó cũng chứng tỏ được vị trí của mình trong số rất nhiều bài thơ Đường cùng thời khác khi vượt lên được tất cả số đó, chinh phục người biên soạn để được lựa chọn vào chương trình SGK PT chuẩn mực. Điều này cũng cho ta thấy sự đánh giá rất cao của những người biên soạn khi chọn Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế để giới thiệu cho học sinh. Bởi trong chương trình PT, thơ Đường được giới thiệu không nhiều, chỉ là những áng thơ tiêu biểu và có sức sống lâu bền nhất trong lịch sử thơ ca Trung Quốc cũng như ở Việt Nam. Họ đã tiếp nhận, cảm

nhận nó, sống với nó và khi biên soạn SGK đã không ngần ngại đưa tác phẩm này vào chương trình. Trương Kế không phải một nhà thơ tiêu biểu của Đường thi nhưng Phong Kiều dạ bạc là một trong số ít những tác phẩm chiến thắng được thời gian để tồn tại mãi trong lòng người đọc. Đối với người Việt Nam, bài thơ từ lâu đã trở nên quen thuộc mà ai ai cũng có thể ngâm, đọc và vận dụng sáng tạo trong thơ văn mình. Bởi vậy, việc lựa chọn đưa vào chương trình tác phầm này là quan điểm đúng đắn và thể hiện sự am hiểu Đường thi của những người biên soạn.

Trong Thơ Đường ở trường PT do Hồ Sĩ Hiệp biên soạn năm 1995 (sđd), trong số những thi phẩm được chọn phân tích ở chương trình THCS không có Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế nhưng phần cuối sách có trích dẫn bài viết Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa- Trương Vĩnh Hằng, Giác ngộ, 1992 (tr 163- 164). Bài viết có thể được coi là một nguồn tư liệu mới cho học sinh và giáo viên trong quá trình “đọc” tác phẩm khi đưa ra một quan điểm khác về nội dung tư tưởng của nó. Từ chỗ nêu lên hoàn cảnh xã hội đen tối của kinh thành Trường An chìm trong khói lửa mịt mù, loạn An Lộc Sơn, tác giả đã diễn câu từ của bài thơ theo hướng u ám như vậy. Bài thơ “chứa đựng muôn vàn uẩn sự”. Những uẩn sự ấy hiển hiện thông qua những chi tiết dày đặc trong tác phẩm. Ấy là trăng lặn- tượng trưng cho xã hội xuống dốc, tiếng quạ kêu là của con người rên siết lầm than, màn sương gợi nên sự tối tăm, trăng chiếu, lửa chài tựa những bóng ma trơi vất vưởng lang thang trong đêm tối. Cây bàng ven sông rì rào điệp khúc ai oán, thành Cô Tô say giấc triền miên. Nổi lên tất cả là âm hưởng “nhặt khoan” của tiếng chuông chủa đã xoa dịu nỗi trầm tư của “kẻ thất thời bôn tẩu”. Cùng với việc đưa ra một quan điểm mới về nội dung tư tưởng, người viết còn đưa thêm chi tiết chùa Hàn San là một địa danh bên cầu Tây Phong, thuộc tỉnh Giang Tô. Như vậy, dù không định hướng cho học sinh cách “đọc” nhưng việc người biên soạn đưa ra tư liệu bài viết của Trương Vĩnh Hằng đã phần nào giúp học sinh tiếp cận thêm với những “xôn xao” xung quanh thi phẩm này, tạo cái nhìn đa chiều để đánh giá tác phẩm được toàn diện hơn.

Thơ Đường trong nhà trường của Trần Ngọc Hưởng xuất bản năm 2004 (sđd) phân tích toàn bộ những tác phẩm trong chương trình Ngữ văn PT, kể cả những tác phẩm đọc thêm, trong đó có Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế. Bài thơ được trích dẫn giới thiệu với Nguyên bản chữ Hán, Phiên âm, Dịch nghĩaDịch thơ (bản dịch được ghi của Tản Đà) và có chú thích chân trang về địa danh Phong Kiều. Tiếp đến là phần Gợi ý thưởng thức của người biên soạn dành cho học sinh tham khảo. Phần Gợi ý thưởng thức đưa ra hai ý kiến của Nguyễn Xuân Nam và của Nguyễn Khắc Phi. Đây cũng là những định hướng cho học sinh trong quá trình “đọc” văn bản tác phẩm. Nguyễn Xuân Nam và Nguyễn Khắc Phi đều là những người am tường sâu sắc thơ Đường nói riêng cũng như thơ ca Trung Quốc nói chung. Trước khi đến với độc giả, họ cũng như đa số những nhà biên soạn sách đều đã trải qua quá trình “đọc” tác phẩm. Hoạt động đọc của họ lại hướng về số đông những độc giả rất khác nhau, đặc trưng trong nhà trường. Có lẽ bởi vậy mà hoạt động “đọc” của họ cũng mang những đặc thù riêng khác với dịch giả hay giới nghiên cứu, phê bình dù chung quy lại đây đều là những “siêu độc giả”, đọc với tầm chuyên biệt thẩm mỹ cao.

Nguyễn Xuân Nam đã giúp bạn đọc vẽ nên một bức tranh sống động về khung cảnh trong Phong Kiều dạ bạc: “Một cảnh buồn: trăng tà, sương tỏa, cây dọc bờ song cũng đen đen mờ mờ. Một vài đốm lửa thuyền chài leo lét càng làm cảnh buồn tối thêm. Và cảnh rất vắng lặng: Có vắng lặng mới nghe rõ tiếng quạ kêu, mới phân biệt tiếng chuông từng chùa trong một vùng nhiều chùa. Giữa cảnh buồn vắng mênh mông ấy là con người chơ vơ giữa những danh thắng: Cô Tô là nơi ở của vua Ngô và Tây Thi ngày xưa. Chùa Hàn Sơn, bến Phong Kiều đều là những cảnh đẹp nổi tiếng của Tô Châu. Bài thơ gợi ta nhiều liên tưởng, suy tưởng đẹp. Trong bài thơ có họa. Tôi đã xem hai bức tranh màu vẽ cảnh “Phong Kiều dạ bạc”.

Chỉ tiếc tiếng chuông ngân nga, trong đêm tĩnh mịch bức tranh không thể nào thể hiện được. Độc giả Việt nam rất quen thuộc bài thơ này. Các nhân vật, nhà thơ thường nhắc đến:

Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng (Quách Tấn)

Hồ Dzếnh cũng nhắc đến giọng ngâm: Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

trong Chân trời cũ.” [17, 23].

Người biên soạn cũng trích dẫn ý kiến của Nguyễn Khắc Phi một cách ngắn gọn nhưng nổi lên những quan điểm chính nhất: “1. Chú ý sự chuyển đổi nhịp điệu ở các câu thơ. Câu 1 không thể đọc hiểu một mạch mà phải ngắt làm ba vì có 3 cụm chủ vị. Ngược lại 2 câu cuối gần như phải đọc liền hơi vì nghĩa gắn chặt vào nhau. Chính vì kết cấu ngữ pháp gắn bó như vậy nên có người cho rằng 2 câu này đã diễn tả một cách tài tình sự vang vọng lan tỏa của tiếng chuông chùa trong đêm vắng.

2. Hai câu đầu dịch khá hay song 2 câu sau dịch không đạt: Ở nguyên bản chủ thể là tiếng chuông, ở bản dịch đã chuyển du khách thành chủ thể.” [17, 23- 24].

Như vậy, trong SGK PT, Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế chưa được giảng dạy trong chương trình chính. Có nhiều nguyên nhân để những người biên soạn sách cân nhắc trong việc tuyển lựa nó vào giảng chính hay Đọc thêm, đọc thêm bắt buộc. Một trong những lí do ấy có thể kể tới việc tiép nhận văn bản văn học này đến nay còn khá nhiều tranh luận dù câu chữ hết sức ngắn ngủi. Đọc một bài thơ Đường, nhất là tứ tuyệt, chúng ta luôn phải lắng nghe âm vang của nó, tưởng tượng ra những đường nét và màu sắc của nó để có thể cảm nhận hình tượng chung của bài thơ chứ không dựa vào những chi tiết ngôn ngữ cụ thể của bài thơ. Cái ma lực của

Phong Kiều dạ bạc chủ yếu là bắt nguồn từ nghệ thuật miêu tả và biểu

hiện tuyệt vời của nó. Nếu như hai câu đầu “đứt đoạn”, “dày đặc” tư liệu, hình ảnh thì hai câu thơ sau lại “liên tục” mà “thưa thoáng”. Những nhà biên soạn SGK hầu hết khi hướng cách “đọc” cho học sinh đều chỉ ra văn bản dịch chưa thành công ở hai câu thơ sau và chất tịch mịch, u hoài của cảnh vật cũng như cái tĩnh lặng trong hồn người. Từ đó, độc giả có những cảm nhận riêng cho mình, tự tìm ra những nốt nhạc đồng điệu ẩn trong câu chữ. Tuy nhiên, việc gợi ý tìm hiểu Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế

trong SGK PT còn quá ít ỏi, bởi thế, việc tiếp nhận thấu đáo văn bản này vẫn là một việc không dễ dàng, ngay cả đối với những nhà biên soạn sách

Một phần của tài liệu tìm hiểu quá trình tiếp nhận và diễn dịch Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế ở Việt Nam theo từng giai đoạn khác nhau (Trang 27 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(73 trang)
w