Một vài giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất cho nông dân

Một phần của tài liệu SỞ HỮU VÀ SỬ DỤNG RUỘNG ĐẤT Ở HUYỆN PHÚ BÌNH, TỈNH THÁI NGUYÊN (TỪ 1997 ĐẾN 2008) (Trang 98 - 110)

đất cho nông dân

Những thành tựu của kinh tế nông nghiệp ở Phú Bình trong thời gian qua là một thực tế không thể phủ nhận do tác động của chính sách đổi mới trong quan hệ sở hữu và sử dụng ruộng đất mang lại. Tuy nhiên, thực trạng ruộng đất cũng như tình hình nông nghiệp, nông thôn ở Phú Bình trong những năm gần đây đã và đang đặt ra những vấn đề cần được giải quyết thoả đáng và kịp thời. Xuất phát từ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; huyện Phú Bình cần đề ra những biện pháp phù hợp để có thể nâng cao hiệu quả sử dụng ruộng đất, ổn định kinh tế và chăm lo cho đời sống nhân dân. Trong bối cảnh chung của nền nông nghiệp toàn tỉnh Thái Nguyên, những năm tiếp theo huyện cần quan tâm đến những vấn đề chính là: sử dụng hợp lý qũy đất theo quan điểm sinh thái và phát triển bền vững; trong quá trình khai thác và sử dụng hợp lý quỹ đất phải luôn luôn coi trọng cả ba mặt (hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường); khai thác triệt để quỹ đất, sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm vừa để đảm bảo an ninh lương thực, vừa tăng thu nhập cho người dân, vừa đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện mục tiêu

phát triển kinh tế trong huyện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa… cải tạo và mở rộng diện tích đất nông-lâm nghiệp, phủ xanh đất trống đồi trọc; khai thác đất dốc hợp lý để tạo ra những vùng nguyên liệu có giá trị trong tương lai, phục vụ cho phát triển công nghiệp và dịch vụ của huyện; xác định hệ thống cây trồng vật nuôi thích hợp nhằm không ngừng nâng cao giá trị sản lượng hàng hoá, đáp ứng nhu cầu xã hội và xuất khẩu. Dành một số quỹ đất thích hợp cho việc xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng. Đầu tư nâng cấp xây dựng thị trấn, các khu dân cư nông thôn phù hợp với yêu cầu phát triển. Đất xây dựng các công trình văn hoá, phúc lợi ở địa phương (nhà văn hoá, trạm xá…) cần nghiên cứu kĩ cho phù hợp với vị trí, quỹ đất và quy mô dân số của mỗi xã. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất, kịp thời điều chỉnh những bất hợp lý trong sử dụng đất, hạn chế tối đa việc chuyển đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lương thực, đất cây công nghiệp sang sử dụng vào các mục đích khác…

Để khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, trong những năm gần đây, nông dân huyện Phú Bình và một số huyện khác đã dùng biện pháp dồn điền đổi thửa. Theo cách này thì số lượng ruộng của mỗi hộ gia đình vẫn giữ nguyên nhưng quy về một

mối ở một xứ nhất định; số thửa ruộng sẽ ít đi nhưng số sào là không thay đổi. Song quá trình dồn điền đổi thửa ở Phú Bình diễn ra còn chậm và gặp nhiều khó khăn bởi tâm lý “an phận thủ thường” đã ăn sâu vào tiềm thức của đa số nông dân. Mặt khác, chất lượng ruộng đất lại tốt xấu khác nhau, có chân ruộng trũng, có chân ruộng cao, có xứ đồng gần, có xứ đồng xa… Không người nông dân nào muốn đổi lấy ruộng xấu. Tuy nhiên, tại Phú Bình đã có một số nông dân ghép ruộng của mình lấy phần ruộng trũng để đào ao, thả cá, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng một vụ lúa, nuôi một vụ cá. Thực tế cho thấy việc dồn điền đổi thửa để xây dựng các trang trại theo mô hình VAC (vườn, ao, chuồng) là rất hợp lý. Nó không chỉ góp phần khai thác triệt để tiềm năng đất đai mà còn đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao thu nhập. Do đó trước mắt, nông dân Phú Bình nên áp dụng giải pháp dồn điền đổi thửa để khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ, tạo điều kiện tích tụ và tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá.

Là một huyện bán sơn địa nên diện tích đất đồi gò ở Phú Bình tương đối lớn. Đó là điều kiện rất thuận lợi để huyện có thể

phát triển các loại cây trồng hàng năm, nhất là đậu tương, lạc… đây là những loại cây đem lại giá trị kinh tế cao và có khả năng xuất khẩu. Tuy nhiên, như ở phần trước đã trình bày, loại cây trồng này còn chưa được quan tâm đúng mức. Một trong những giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng này là xây dựng hệ thống giao thông thuỷ lợi đồng bộ để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho nông nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu đưa những giống cây mới có năng suất cao, chất lượng tốt cho phù hợp với thổ nhưỡng ở Phú Bình vào sản xuất, xây dựng chế độ luân canh hợp lý.

Trong những năm gần đây, người dân Phú Bình đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lấy gỗ sang tập trung trồng cây ăn quả và đã có nhiều loại nổi tiếng. Tuy nhiên người nông dân vẫn đứng trước nỗi lo mất giá khi được mùa. Chính vì vậy, huyện Phú Bình cần phải xây dựng được những quy hoạch mang tính chiến lược, tính toán được đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo thu nhập cho người nông dân.

Trước nhu cầu đất chuyên dùng và đất ở có xu hướng ngày một tăng lên, huyện Phú bình cần phải có những biện pháp nhằm sử dụng đất tiết kiệm trên nguyên tắc hạn chế đến mức

thấp nhất việc chuyển từ đất nông nghiệp sang mục đích phi nông nghiệp. Mặt khác, để có được nền kinh tế phát triển thì cơ sở hạ tầng hiện nay sẽ thay đổi, hệ thống giao thông thuỷ lợi sẽ được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới. Sức ép lớn trong việc dành quỹ đất để nâng cấp, cải tạo, mở rộng các tuyến đường hiện có và xây dựng các tuyến đường từ trục, lộ đến các đường trong khu dân cư, công trình thuỷ lợi, hệ thống mương máng, hồ đập trong thời gian tới sẽ yêu cầu quỹ đất rất lớn và không tránh khỏi lấy vào đất nông nghiệp. Thực tế đó đòi hỏi các cấp chính quyền phải xây dựng được những chính sách quy hoạch hợp lý để tránh tình trạng xâm lấn đất nông nghiệp một cách tự do.

Cũng như nhiều địa bàn khác trong tỉnh Thái Nguyên, trong những năm trở lại đây do tác động của cơ chế thị trường hiện tượng tập trung, tích tụ ruộng đất ở huyện Phú Bình đã xuất hiện và ngày một gia tăng. Xét về mặt khách quan thì xu hướng này đã phản ánh đúng xu thế phát triển tất yếu của nền kinh tế thị trường. Song xét về lâu dài, mua bán, tích tụ ruộng đất một cách tự do sẽ gây nên khó khăn cho nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất đai. Do vậy các cấp chính quyền từ phạm vi nhà nước đến tỉnh Thái Nguyên và trực tiếp là huyện Phú Bình cần

có những chính sách và biện pháp cụ thể, kiên quyết hơn để có thể kiểm soát được sự biến động của đất đai nói chung, ruộng đất nói riêng góp phần đưa nông nghiệp ở huyện Phú Bình phát triển bền vững, toàn diện trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Hiện nay, khoa học kĩ thuật tiên tiến cùng công nghệ hiện đại đang có xu hướng mở rộng ra nhiều ngành nghề, nhằm tăng năng suất chất lượng và giảm bớt lao động thủ công. Ngành nông nghiệp cũng đang được quan tâm đầu tư máy móc và các trang thiết bị hiện đại để sử dụng trong sản xuất. Do đó huyện Phú Bình cũng cần quan tâm, tận dụng sự phát triển của khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó cần kết hợp được “bốn nhà”: nhà nông, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà tiêu dùng nhằm đưa những sản phẩm từ nông nghiệp ra với thị trường và tạo được thương hiệu. Những giải pháp lâu dài đó sẽ tạo điều kiện cho nền nông nghiệp huyện Phú Bình phát triển theo hướng tích cực, góp phần vào nền kinh tế hàng hoá của địa phương.

Trong những năm từ 1997-2008, ở Phú Bình tồn tại hai hình thức sở hữu chủ yếu về ruộng đất là sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Hai hình thức sở hữu này bên cạnh những mặt tích cực còn tồn tại những mặt hạn chế nhất định cần phải khắc phục. Phương thức khai thác và sử dụng trong giai đoạn này cũng có sự chuyển biến rõ rệt theo hướng đẩy mạnh thâm canh, mạnh dạn đầu tư khoa học, kỹ thuật, đưa những giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào canh tác nhằm khai thác tốt hơn thế mạnh, tiềm năng đất nông nghiệp của huyện.

Cũng như nhiều địa bàn khác trên tỉnh Thái Nguyên, trong những năm gần đây, tại huyện Phú Bình, phương thức khai thác và sử dụng ruộng đất còn tồn tại nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Đó là tình trạng manh mún của ruộng đất dưới tác động của chính sách khoán ruộng theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ chính trị, đó là tình trạng để lãng phí tiềm năng đất nông nghiệp, tình trạng tích tụ ruộng đất một cách tự do đang có xu hướng gia tăng… Thực trạng này đã và đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp cần được xem xét và giải quyết kịp thời, nhằm đưa nền nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng kinh tế hàng hoá có tính chất bền vững.

KẾT LUẬN

Từ xa xưa đất đai đã là nguồn tài sản vô giá, đặc biệt đối với một nước mà nông nghiệp luôn đóng vai trò chính như ở nước ta. Nằm trong khu vực châu thổ sông Hồng, các cư dân ở đây đã sớm biết đến nền nông nghiệp trồng lúa nước. Phú Bình từ lâu đã giữ vị trí quan trọng về mặt chính trị và kinh tế, điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, nhân dân Phú Bình cần cù sáng tạo. Do đó, Phú Bình có nhiều tiềm năng để phát triển một nền nông nghiệp toàn diện.

Dưới chế độ phong kiến, đại đa số nông dân huyện Phú Bình chịu nhiều khổ cực. Do không có hoặc có rất ít ruộng đất

để canh tác mà họ phải đi lĩnh canh ruộng đất, làm thuê, làm mướn cho địa chủ. Cuộc sống vốn khó khăn lại chịu thêm tô cao, lãi nặng đã đẩy những người nông dân lao động vào tình cảnh khốn khổ, bần cùng.

Cuối thế kỉ XIX, thực dân Pháp tiến hành xâm lược và đặt ách cai trị nên nước ta, biến nước ta thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Sớm nhận thấy tiềm năng, vị trí quan trọng của Phú Bình, thực dân Pháp đã mau chóng chiếm đoạt ruộng đất của nông dân thiết lập những đồn điền lớn ngay từ khi còn chưa bình định xong tỉnh Thái Nguyên. Đồn điền không chỉ có vai trò chính là cung cấp ngày càng nhiều nguồn lợi cho giới điền chủ mà còn là biện pháp hữu hiệu để trấn áp về mặt chính trị, ổn định quá trình khai thác bóc lột. Mặc dù vậy, do sự yếu kém của công tác đầu tư và kĩ thuật sản xuất mà hầu hết các đồn điền nằm trong tình trạng lạc hậu, ngày càng trì trệ. Sự cấu kết giữa đế quốc và phong kiến chiếm đoạt ruộng đất và việc duy trì các hình thức bóc lột cổ truyền đã làm cho nông dân các dân tộc trong huyện ngày càng bần cùng hoá.

Năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời sớm nhận thức được vai trò của vấn đề ruộng đất, nông dân, nông thôn; mối

quan hệ giữa hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Trong khi tiến hành cách mạng, Đảng đã quán triệt vấn đề sâu sắc “vấn đề dân tộc thuộc địa” thực chất là vấn đề nông dân; nắm vững và giương cao ngọn cờ dân tộc dân chủ với hai khẩu hiệu chiến lược “độc lập dân tộc” và “người cày có ruộng”. Đường lối đúng đắn sáng tạo đó đã tập hợp được đông đảo nhân dân cùng các lực lượng yêu nước khác làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.

Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Đảng và Chính phủ đã từng bước thực hiện các chính sách đối với vấn đề ruộng đất. Đáng chú ý nhất là cuộc cải cách ruộng đất (1953 – 1957). Sau cuộc cải cách này, giấc mơ “người cày có ruộng” của những người nông dân đã trở thành hiện thực.

Từ năm 1958, đến đầu những năm 80, tại Phú Bình hầu hết ruộng đất đều được tập thể hoá và đặt dưới sự quản lý của hợp tác xã. Mặt tích cực của hình thức sở hữu tập thể là có thể làm nhanh, tốt các khâu thuỷ lợi, quy hoạch ruộng đất. Nhưng mặt trái của nó là sự yếu kém trong quản lý, sự mất cân bằng trong phân phối thành quả lao động. Do đó, nông dân không thiết tha

với ruộng đất, không hăng hái sản xuất, đặc biệt là không tạo ra động lực thúc đẩy sự sáng tạo của người nông dân.

Thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu cần phải khắc phục các hạn chế của mô hình hợp tác xã kiểu cũ, tìm ra những bước đi thích hợp để từng bước đưa nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển. Trước tình hình đó Đảng ta đề ra nhiều chủ trương đúng đắn. Đặc biệt là sự ra đời của Nghị quyết 10, nó đã trở thành dấu mốc đánh dấu bước chuyển biến đột phá trong nông nghiệp nông thôn nước ta. Dẫu rằng, nghị quyết này chưa khắc phục được một số tình trạng như ruộng đất manh mún, phân tán, chưa thúc đẩy phân công lao động…Nhưng ruộng đất đã được khoán gọn đến từng hộ nông dân góp phần kích thích sự sáng tạo, tự lực, tự cường của nông dân đưa sản xuất nông nghiệp ở huyện Phú Bình không ngừng phát triển.

Với những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, từ năm 1997 đến năm 2008 sản xuất nông nghiệp ở huyện Phú Bình ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực: diện tích, năng suất, sản lượng không ngừng tăng. Kéo theo đó là sự phát triển của y tế, giáo dục, văn hóa…chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng cao.

Tuy nhiên thực trạng ruộng đất ở huyện Phú Bình cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mới và phức tạp cần được xem xét và giải quyết kịp thời. Đó là tình trạng ruộng đất manh mún do chính sách giao khoán ruộng đất theo nguyên tắc “có tốt, có xấu, có xa, có gần” tạo nên. Tình trạng lãng phí tiềm năng đất đai vẫn còn tồn tại. Trong việc khai thác và sử dụng ruộng đất, việc áp dụng khoa học kĩ thuật tiến bộ của nông dân còn nhiều hạn chế… Những vấn đề nhức nhối đó đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, các ngành mà trước hết là trách nhiệm của các cơ quan xây dựng chính sách và những người thực thi chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn nhằm đẩy mạnh sự phát triển của huyện Phú Bình về mọi mặt, góp phần xây dựng một đất nước: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Một phần của tài liệu SỞ HỮU VÀ SỬ DỤNG RUỘNG ĐẤT Ở HUYỆN PHÚ BÌNH, TỈNH THÁI NGUYÊN (TỪ 1997 ĐẾN 2008) (Trang 98 - 110)