Chuyển biến sở hữu ruộng đất ở Phú Bình dưới tác dụng của khoán 10.

Một phần của tài liệu SỞ HỮU VÀ SỬ DỤNG RUỘNG ĐẤT Ở HUYỆN PHÚ BÌNH, TỈNH THÁI NGUYÊN (TỪ 1997 ĐẾN 2008) (Trang 45 - 51)

dụng của khoán 10.

Bước vào những năm thuộc thập kỷ 80 của thế kỷ XX, tình hình trên thế giới cũng như trong nước ta có nhiều chuyển biến sâu sắc.

Trên thế giới, giới cầm quyền các nước tư bản chủ nghĩa đã tìm kiếm những hình thức thích nghi mới để thoát khỏi cuộc suy thoái trầm trọng nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nhìn chung các nước tư bản chủ nghĩa đã đi vào cải tổ cơ cấu kinh tế, áp dụng những thành tựu của cách mạng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất và kinh doanh trên quy mô toàn hệ thống tư bản chủ nghĩa. Đồng thời, chủ nghĩa tư bản tìm cách thích nghi về chính trị, xã hội trước những biến động to lớn của tình hình thế giới, trước những đòi hỏi của quần chúng nhân dân (nâng cao tiền lương, mở rộng dân chủ, trợ cấp thất nghiệp, tăng giá bảo hiểm lao động và phúc lợi xã hội…). Cũng nhờ đó, các nước tư bản từng bước vượt qua được cuộc khủng hoảng vào đầu những năm 80, rồi sau đó phát triển cao hơn. Nền “ công nghiệp hóa ”

và “ hiện đại hóa ” kinh tế ở một số nước đã đạt được những thành công đáng kể, hàng loạt các nước công nghiệp mới (NICS) xuất hiện, làm sôi nổi thêm thị trường tư bản chủ nghĩa.

Trong khi các nước tư bản chủ nghĩa đã thoát khỏi khủng hoảng và từng bước đi lên thì hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa mà trước hết là Liên Xô lại chủ quan cho rằng, quan hệ xã hội chủ nghĩa đã được thiết lập vững chắc sẽ không chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chung trên toàn thế giới. Chính vì vậy Liên Xô chậm thích nghi, chậm sửa đổi cho phù hợp với tình hình. Những khiếm khuyết, thiếu sót được duy trì quá lâu càng làm cho các nước xã hội chủ nghĩa xa rời những tiến bộ, văn minh của thế giới, nhất là sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật hiện đại, đưa tới tình trạng “trượt dài” từ trì trệ đến khủng hoảng nặng nề về kinh tế - xã hội.

Tại Việt Nam, sau ngày miền Nam được giải phóng (1975), nước ta từ chỗ đồng thời phải thực hiện hai chiến lược cách mạng khác nhau ở hai miền Nam Bắc đến chỗ chỉ thực hiện một chiến lược cách mạng duy nhất trên phạm vi cả nước – chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ còn phổ biến, tiến lên xã hội chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, đó là con đường mới mẻ, đầy khó khăn thách thức đối với Việt Nam.

Trong hơn một thập niên, trải qua hai nhiệm kỳ đại hội IV và V (1976 – 1986), Đảng và nhân dân ta vừa triển khai, vừa tìm tòi, thử nghiệm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình đó, cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã đạt được những thành tựu và tiến bộ đáng kể trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Song cách mạng cũng gặp không ít những khó khăn, yếu kém. Khó khăn, yếu kém của ta trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng lớn, đưa đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng (vào cuối những năm 70 đầu những năm 80, gay gắt nhất là giữa những năm 80).

Trong bối cảnh đó, để khắc phục khó khăn, đưa đất nước vượt ra khỏi khủng hoảng thì tất yếu chúng ta phải đổi mới. Đây cũng là vấn đề phù hợp với xu thế chung của thời đại. Đáp ứng yêu cầu trên, đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI được triệu tập tại Hà Nội đã đề ra đường lối đổi mới. Theo đó quan điểm của Đảng ta là: đổi mới đất nước trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã

hội không phải là thay đổi mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội bằng những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp.

Đổi mới phải toàn diện, đồng bộ từ kinh tế, chính trị đến tư tưởng văn hóa. Đổi mới kinh tế không thể không đi đôi với đổi mới về chính trị nhưng trọng tâm là đổi mới về kinh tế. Đổi mới về kinh tế phải tích cực nhưng vững chắc, mang lại hiệu quả thực tế và không gây mất ổn định về chính trị, không làm phương hại đến toàn bộ công cuộc đổi mới.

Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng là mốc mở đầu cho sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Cùng với vấn đề đổi mới toàn diện đất nước, vấn đề đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm với việc đề ra những chủ trương đúng đắn. Những văn bản được ban hành đã tác động trực tiếp đến quan hệ ruộng đất và làm thay đổi căn bản quan hệ ruộng đất ở nước ta từ thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay.

Ngày 13/1/1981, Chỉ thị 100 CT/TW ra đời, chính thức quy định chủ trương thực hiện chế độ khoán sản phẩm cuối cùng đến tay người nông dân. Sự ra đời của chỉ thị 100 đã được coi là cái mốc mở đầu cho một quá trình đổi mới từng bước cơ chế quản lý nông nghiệp nói chung, cơ chế quản lý hợp tác xã nông nghiệp nói riêng.

Ngày 18/1/1984, Ban bí thư ban hành chỉ thị 38 CT/TW “về khuyến khích phát triển kinh tế gia đình nông dân”, trong đó; cho phép hộ gia đình nông dân tận dụng mọi nguồn đất đai mà hợp tác xã nông lâm trường chưa sử dụng hết để đưa vào sản xuất, không đánh thuế sản xuất, kinh doanh đối với kinh tế gia đình, hộ gia đình nông dân được quyền tiêu thụ sản phẩm làm ra. Chỉ thị 38 của Ban bí thư là một bước chuyển biến nhận thức của Đảng về vai trò, vị trí của kinh tế hộ gia đình nông dân. Đến lúc này, kinh tế hộ gia đình xã viên được chính thức thừa nhận là một bộ phận hợp thành kinh tế xã hội chủ nghĩa và được tạo thuận lợi để phát triển.

Ngày 5/4/1988, Bộ chính trị Trung ương Đảng đã ra nghị quyết về “đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” (gọi tắt là Nghị quyết 10) khẳng định hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ và

nền kinh tế nước ta chuyển từ trạng thái tự cấp, tự túc sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Nghị quyết 10 của Bộ chính trị đã tiến một bước dài trong việc định lại vị trí của kinh tế hộ gia đình và vai trò quyền lợi của người lao động trong quan hệ kinh tế ở nông thôn.

Trong Nghị quyết này, Bộ chính trị đã đưa ra những quan điểm mới : Hợp tác xã là đơn vị kinh tế tự chủ, tự quản, hộ gia đình xã viên là đơn vị nhận khoán với hợp tác xã. Theo tư tưởng chỉ đạo này cơ chế quản lý hợp tác xã nông nghiệp đã đổi mới trên các nội dung:

-Về quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất : giao khoán ruộng đất ổn định dài hạn trong khoảng 10 – 15 năm, chuyển nhượng, bán hóa giá trâu bò và những tài sản cố định khác mà hợp tác xã quản lý, sử dụng kém hiệu quả cho hộ xã viên.

- Về quan hệ quản lý, khẳng định một bước vai trò tự chủ của hộ xã viên, hộ được quyền tự chủ đầu tư thâm canh phát triển sản xuất theo định hướng của hợp tác xã.

- Về quan hệ phân phối: xoá bỏ chế độ hạch toán và phân phối theo công điểm, xã viên chỉ có nghĩa vụ đóng góp xây dựng

quỹ của hợp tác xã và nộp thuế cho nhà nước. Các hoạt động dịch vụ, sản xuất giữa hợp tác xã với xã viên đều thông qua quan hệ hàng hóa – tiền tệ. Hộ xã viên được hưởng trên dưới 40% sản lượng khoán.

Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã đáp ứng đúng tâm lý, nguyện vọng của đông đảo nhân dân, khơi dậy một khí thế mới, cổ vũ nhân dân bỏ vốn, bỏ sức phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn, đồng thời làm cho quan hệ sản xuất ở Phú Bình có sự chuyển biến lớn.

Một phần của tài liệu SỞ HỮU VÀ SỬ DỤNG RUỘNG ĐẤT Ở HUYỆN PHÚ BÌNH, TỈNH THÁI NGUYÊN (TỪ 1997 ĐẾN 2008) (Trang 45 - 51)