thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã
Theo đánh giá chung của Vụ Chính quyền địa phương - Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ, số cán bộ chủ chốt ở xã, phường, thị trấn là bộ đội xuất ngũ và cán bộ về hưu (chiếm tỷ lệ khá đông) đã được rèn luyện thử thách nên có bản lĩnh chính trị vững vàng, lối sống trong sạch, giản dị, quan tâm chăm lo đến sự nghiệp chung. Nhưng trong đó có một bộ phận không nhỏ cán bộ chính quyền cấp xã do tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, đã có biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức: Sống xa dân, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, mất dân chủ, tham nhũng, lãng phí; lợi dụng chức quyền làm trái các nguyên tắc quản lý nhà nước; bán và sang nhượng đất trái phép, tham ô công quỹ, tiền của nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng; của các công trình, dự án của Nhà nước đầu tư cho cơ sở; thậm chí bớt xén, chia nhau tiền đóng góp của nhân dân ủng hộ người nghèo, ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai, lũ lụt... gây tổn hại đến uy tín và làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; có nơi chính quyền đối lập với dân, dân không tin vào cán bộ cơ sở, thậm chí bất bình phản ứng tập thể, gây nên những điểm nóng hết sức phức tạp.
Sự kiện phản ứng tập thể của nhân dân hơn 250 xã ở Thái Bình tháng 5/1997 cũng bắt nguồn từ sự suy thoái phẩm chất đạo đức, mà chủ yếu là quan liêu, thiếu trách nhiệm và tham nhũng của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã ở Thái Bình.
Cán bộ chính quyền cấp xã trực tiếp tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật trên địa bàn, tiếp xúc hàng ngày trực tiếp với nhân dân. Vì vậy, nhân dân trực tiếp quan sát thái độ, cử chỉ, hành vi, phong cách làm việc và phẩm chất đạo đức của cán bộ để đánh giá Nhà nước và chế độ. Sự thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã không những ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và chức năng, nhiệm vụ được giao mà còn gây bất bình phẫn nộ của quần chúng nhân dân, làm suy yếu chính quyền cách mạng. Hơn nữa các thế lực thù địch và bọn cơ hội sẽ ngay lập tức lợi dụng đả kích, vu khống, kích động gây bạo loạn, gây mất ổn định chính trị. Tình hình ở Tây Nguyên và một số điểm nóng khác là bằng chứng sinh động về tính nguy hiểm của sự suy thoái, biến chất của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã.
Như vậy, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và để khắc phục tình trạng yếu kém về trình độ, năng lực và thoái hóa biến chất - vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã trở thành yêu cầu khách quan, cấp bách.
Chương 2
Thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã của tỉnh Phú Thọ hiện nay 2.1. Một số nét về đặc điểm kinh tế - xã hội ở tỉnh Phú Thọ 2.1.1. Đặc điểm về địa lý
Phú Thọ là tỉnh miền núi phía bắc mới được tái lập và đi vào hoạt động từ tháng 1.1997 theo Nghị quyết của Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ 10. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01 tháng 4 năm 1999: Phú Thọ có tổng diện tích tự nhiên 3.465 km2; phía Bắc giáp tỉnh Yên Bái, phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình, phía Đông và Nam giáp tỉnh Vĩnh Phúc.
Phú Thọ là một tỉnh trung du, miền núi có tiềm năng về đất đai, khoáng sản, lao động. Đất đai chủ yếu là đất lâm nghiệp và đất nông nghiệp. Tính đến ngày 01-10- 2002 trong tổng số 350.634 ha đất có 89.491 ha đất nông nghiệp; 84.546 ha đất lâm nghiệp; 20.074 ha đất chuyên dùng; 6.416 ha đất ở; 150.105 ha đất chưa sử dụng.
Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi duy nhất không có đường biên giới quốc gia (kể cả đường bộ và đường biển). Nhưng Phú Thọ có vị trí địa lý quan trọng về quốc phòng. Đường quốc lộ 2 nối sáu tỉnh biên giới phía bắc với Thủ đô Hà Nội chạy ngang qua địa bàn của tỉnh với chiều dài trên 60 km. Sông Hồng, sông Đà và một số con sông khác chảy trên địa bàn tỉnh đã tạo cho Phú Thọ có một mạng lưới giao thông vô cùng thuận lợi.
Do đặc điểm trên, nên kinh tế Phú Thọ chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp xây dựng và dịch vụ. Với hệ thống đường giao thông vô cùng thuận lợi đã tạo điều kiện cho Phú Thọ phát triển mạnh về du lịch - dịch vụ. Với đặc điểm ưu đãi của một vùng đất trung du - miền núi Phú Thọ có điều kiện phát triển tất cả các ngành nghề nhưng đây cũng lại là một hạn chế của Phú Thọ. Trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi hàng hóa phải có sức cạnh tranh cao, có những mặt hàng đặc sản của địa phương mới tạo được ưu thế cạnh tranh. Nhưng ở Phú Thọ hầu như chưa có một loại sản phẩm, hàng hóa nào
đáp ứng được yêu cầu này. Do đó, mức thu nhập của người dân ở Phú Thọ thấp. Phú Thọ là một tỉnh hàng năm ngân sách nhà nước phải cấp bù khoảng 50% chi ngân sách. Phú Thọ là một tỉnh miền núi nghèo mới tái lập, nội lực kinh tế yếu, kém lợi thế cạnh tranh trong đầu tư và phát triển. Mặc dù chỉ cách Thủ đô Hà Nội 80 km, thuận lợi cả đường bộ, đường sắt và đường sông, nhưng Phú Thọ hầu như không lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Là một tỉnh trung du miền núi, khi đến Phú Thọ hầu như rất khó tìm được một địa điểm bằng phẳng, mà chủ yếu là gò đồi. Có thể nói, toàn bộ diện tích đất đai của Phú Thọ là diện tích gò đồi.