VỚI HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO Ở LẠNG SƠN HIỆN NAY
Cùng với việc nêu ra các giải pháp nói trên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo trong thời gian tới, tác giả mạnh dạn đưa ra một số kiến nghị như sau:
3.3.1. Đối với Trung ương
Một là, Trung ương cần tập trung xây dựng hệ thống pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo. Từ ngày thành lập nước đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản về công tác tôn giáo và liên quan đến tôn giáo. Trong số này có một số văn bản quan trọng, như: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đến lần thứ X; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới; Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 2/7/1998 của Ban Chấp hành Trung ương Về công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị định số 26/NĐ-CP ngày 19/4/1999 của Chính phủ Về các hoạt động tôn giáo; các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992; gần đây nhất là Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo…
Những văn bản trên chỉ rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo của công dân, đồng thời đề ra những chính sách, biện pháp quản lý các hoạt động tôn giáo.
Tuy nhiên do ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau, nên các văn bản có sự trùng lặp, do vậy nên cần thiết phải rà soát lại, xác định những văn bản phù hợp, bãi bỏ những văn bản mà trên thực tế không còn tác dụng. Hiện nay Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo là văn bản luật có tính pháp lý cao nhất trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta. Nhưng trong quá trình thực hiện, nhiều vấn đề được cụ thể hóa để tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân tôn giáo lợi dụng để hoạt động tôn giáo trái phép, như: một số giáo phận đã tự ý chia tách giáo xứ, nâng họ lên xứ, phong chức, thuyên chuyển linh mục, tu sĩ, xuất cảnh ra nước ngoài không có ý kiến của cấp có thẩm quyền…[7, tr.6].
Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về tôn giáo, trong thời gian tới Nhà nước cần tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về tôn giáo, tiến tới xây dựng Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có giá trị pháp lý cao. Luật về Tín ngưỡng, tôn giáo phải thể hiện bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, cụ thể hóa toàn diện các lĩnh vực tôn giáo, qua đó tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo của chính quyền các cấp.
Hai là, đề nghị Trung ương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đề án nghiên cứu, khảo sát về tôn giáo, qua đó làm cơ sở quyết định những giải pháp, chính sách quản lý cho phù hợp trên các vấn đề sau: Vấn đề các tổ chức tôn giáo chưa được công nhận tư cách pháp nhân; về các tổ chức tập hợp quần chúng của tôn giáo; quản lý dòng tu của Công giáo; việc các tôn giáo tham gia các hoạt động y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo; đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo; công tác tổ chức quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO) liên quan đến tôn giáo đang hoạt động ở Việt Nam…
Ba là, hiện nay ở các xã, phường, thị trấn có đông tín đồ các tôn giáo, Chính phủ nên nghiên cứu xây dựng đề án tổ chức làm công tác tôn giáo trực thuộc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, hoặc có phân công một cán bộ chuyên trách theo dõi công tác tôn giáo. Khắc phục tình trạng phân công một ủy viên Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn kiêm nhiệm như hiện nay theo qui định ở Điều 2 khoản 4 Nghị định 22/ 2004/ NĐ- CP Về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp.
Bốn là, Chính phủ cần quan tâm giải quyết kinh phí hoạt động cho công tác tôn giáo. Khắc phục tình trạng kinh phí dành cho công tác tôn giáo rất khó khăn, hạn hẹp như hiện nay. Nên bố trí một khoản kinh phí đặc biệt để chi cho việc tranh thủ các chức sắc tôn giáo, cho
đội ngũ cốt cán ở cơ sở. Cần có định biên cụ thể về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách tôn giáo của chính quyền các cấp và có chính sách đãi ngộ riêng đối với cán bộ làm công tác tôn giáo.
3.3.2. Đối với Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng sơn
Một là, công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, do vậy trong thời gian tới các cấp ủy đảng cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo đối với công tác tôn giáo. Hàng năm tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết về công tác tôn giáo, qua đó để rút kinh nghiệm về công tác tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở.
Hai là, để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo và phù hợp với nhiệm vụ, khối lượng công việc và yêu cầu thực tiễn ở Lạng Sơn, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh cho thành lập ngay cơ quan tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo theo mô hình: Ban Tôn giáo, có con dấu và tài khoản riêng.
Ba là, kiện toàn lại các Ban quản lý đền, chùa, đảm bảo sự định hướng, chỉ đạo của chính quyền các cấp, đồng thời có đại diện chính quyền cơ sở trực tiếp tham gia Ban quản lý. Đã đến lúc cần phải kiểm tra, giám sát được các nguồn thu, chi tại các đền, chùa để tránh tình trạng khiếu kiện về nguồn thu chi tại các cơ sở này như hiện nay. Đề ra cơ chế phù hợp, qui định cụ thể việc sử dụng các nguồn thu, nhất là phục vụ công tác từ thiện hoặc quĩ phúc lợi xã hội.
Bốn là, Uỷ ban nhân dân tỉnh cần tăng cường công tác trao đổi thông tin về tình hình tôn giáo, công tác tôn giáo ở địa phương với Ban Tôn giáo Chính phủ, trên cơ sở đó tranh thủ ý kiến chỉ đạo kịp thời và tiếp tục bổ sung các nội dung phối hợp cho hiệu quả.
Năm là, hiện nay trên địa bàn Lạng Sơn, các tôn giáo đang đẩy mạnh việc tuyên truyền phát triển đạo, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa vùng dân tộc thiểu số. Do vậy đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cơ quan ban ngành hữu quan tiếp tục có các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao dân trí, giác ngộ ý thức chính trị, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc; tăng cường xây dựng củng cố tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể; quan tâm xây dựng lực lượng cốt cán ở vùng đồng bào dân tộc có đạo để thu hút quần chúng tích cực tham gia các phong trào cách mạng.
Sáu là, hàng năm mở các lớp tập huấn, trang bị kiến thức pháp luật cũng như kiến thức chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ chuyên trách và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là các xã, phường, thị trấn có nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Bảy là, các cấp ủy đảng, chính quyền cần chú ý đến công tác động viên và khen thưởng kịp thời các chức sắc tôn giáo hành đạo theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có nhiều thành tích tham gia phong trào cách mạng của địa phương. Đồng thời có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn các hành vi truyền đạo trái pháp luật và kích động bà con giáo dân làm mất ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
3.3.3. Đối với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội và các ngành chức năng của tỉnh có liên quan đến tôn giáo
Một là, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp là cơ quan tập hợp lực lượng toàn dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn Đảng, toàn dân vào thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Do vậy Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cần qui tụ, liên kết các tổ chức chính trị, xã hội, các tầng lớp nhân dân, trong đó có các tổ chức, cá nhân tôn giáo, đoàn kết thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hai là, các tổ chức chính trị, xã hội cần quan tâm nhiều đến hội viên, đoàn viên là tín đồ các tôn giáo, vận động họ thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động. Thông qua các phong trào thi đua, vận động tín đồ gia nhập vào các đoàn thể, đồng thời chọn ra những hội viên, đoàn viên ưu tú điển hình giới thiệu cho Đảng.
Ba là, các cơ quan chức năng như: Sở Tài nguyên - Môi trường tiến hành khoanh vùng, đo đạc lập hồ sơ đất đai từng cơ sở thờ tự, tiến tới cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho từng cơ sở thờ tự theo qui định của pháp luật hiện hành. Để tránh tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai của cơ sở thờ tự như hiện nay.
Sở Xây dựng sau khi cấp phép xây dựng các cơ sở thờ tự của các tôn giáo cần thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thi công để các công trình kiến trúc tôn giáo đúng với thiết kế, qui hoạch đã được duyệt.
Ngành Văn hóa - Thông tin cần tăng cường công tác bảo tồn, bảo tàng các giá trị văn hóa, lịch sử của các công trình tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn.
Đoàn Kiểm tra liên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội các cấp cần thường xuyên theo định kỳ tiến hành các đợt kiểm tra hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội trên địa bàn, qua đó phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, trái pháp luật, đồng thời phát huy được những giá trị tốt đẹp của các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống, góp phần giữ gìn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Cơ quan An ninh chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tiến hành các hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, lôi kéo, kích động quần chúng tín đồ tham gia các hoạt động đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc
Để công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo có hiệu quả cao cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trong công tác tôn giáo. Đối với những vùng giáp ranh thường xuyên phải trao đổi thông tin về tình hình hoạt động tôn giáo, quan tâm đến hoạt động của chức sắc các tôn giáo.
KẾT LUẬN
Tôn giáo là một thực thể xã hội, luôn gắn liền với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và là nhu cầu tâm linh, tinh thần của một bộ phận nhân dân. Tôn giáo luôn là vấn đề nhạy cảm và hết sức phức tạp, nó vừa liên quan đến nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng tín đồ, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự an toàn xã hội và an ninh của Quốc gia. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, nước ta đang tiến hành đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế, song song với quá trình ấy các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang đẩy mạnh lợi dụng tôn giáo để thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình” chống chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo là một trong những công tác có tính cấp bách trong giai đoạn hiện nay, làm tốt công tác này sẽ góp phần đưa hoạt động tôn giáo đi vào ổn định, đúng pháp luật, loại bỏ những âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch.
Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Lạng Sơn đã đạt những kết quả quan trọng. Có được những kết quả đó là do cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đã dựa trên những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề tôn giáo và quản lý
nhà nước đối với hoạt động tôn giáo. Qua đó đã khắc phục được quan niệm phiến diện về tôn giáo trong đội ngũ cán bộ đảng viên.
Chính sách về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước đã được Lạng Sơn quán triệt và thực hiện nghiêm túc, tạo được sự đồng thuận, thống nhất của quần chúng tín đồ, chức sắc các tôn giáo với công tác quản lý của chính quyền địa phương.
Các dự án phát triển kinh tế, xã hội trong vùng tôn giáo tập trung được chính quyền, các cơ quan ban ngành ở cấp tỉnh và huyện quan tâm thực hiện có hiệu quả, do vậy đời sống vật chất và tinh thần của quần chúng tín đồ, đặc biệt trong vùng dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt. Quần chúng tín đồ, chức sắc các tôn giáo tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, phấn khởi tham gia xây dựng cuộc sống mới “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần vào sự thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước.
Tuy nhiên công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Lạng Sơn thời gian vừa qua còn bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Do đó trong thời gian tới tỉnh cần phải quan tâm giải quyết một số vấn đề tồn tại cả về nội dung chính sách cũng như hình thức quản lý sao cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Từ những yêu cầu trên, luận văn đã mạnh dạn đưa ra một số giải pháp và kiến nghị cụ thể đối với công tác quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo ở tỉnh Lạng Sơn, qua đó nhằm phát huy những thành tựu và khắc phục những hạn chế của công tác này ở địa phương.
Với yêu cầu như vậy, hy vọng rằng luận văn sẽ góp một phần nhỏ bé để cùng các cơ quan chức năng của Lạng Sơn làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh./.