Bắt đầu từđời Trần Dụ Tông, triều Trần đã dần mất hết các vị hiền thần lương đống: Chu An từ chức; Phạm Sư Mạnh, Lê Quát cho đến các quan trong tôn thất như Trần Nguyên Trác, Trần Nguyên Đán… đều bất lực, không thể can gián nhà vua. Vua không lo nước thương dân mà chỉ biết xa xỉ hưởng lạc. Bọn tiểu nhân thì đắc chí thao túng. Đất nước lại đứng trước sự dòm ngó đe dọa của vua Champa ở phương Nam, nhà Minh ở phương Bắc... Người thấm thía sớm hơn cả sự suy vi của triều đại nhà Trần có lẽ là Chu An, sau đó là Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, Lê Quát, Đặng Dung…
Đối với Chu An, mặc dù thời gian ông ở ẩn dạy học nhiều hơn thời gian ông làm quan nhưng có lẽ, cũng như Nguyễn Trãi sau này, ông luôn bị ràng buộc trong mâu thuẫn lớn giữa hành và tàng. Ông hành vì nhiệt tình với
dân với nước. Ông tàng không hẳn vì núi non hùng vĩ, cảnh sắc tươi đẹp mà chủ yếu là ở chân núi Phượng Hoàng là nơi ông có thể lánh xa đế đô nhuốm đầy ô trọc. Có một Chu An quyết liệt và nghiêm khắc qua Thất trảm sớ, lại có một Chu An thâm trầm, điềm đạm qua những vần thơ chứa đầy tâm tư sâu nặng trước viễn cảnh điêu linh của đất nước. Và khi đi tìm sự vận động thời gian trong thơ ông, ta luôn gặp một thời khắc đặc biệt, chúng xuất hiện gần như thường trực. Đó là khoảng giao thời giữa chiều và tối. Khoảng thời gian ấy trong thơ ông cũng góp phần thể hiện khá rõ nét tâm tư sâu thẳm của Chu An trước thế sự và cuộc đời:
Tà dương đạm mạt bản khê minh.
(Bóng chiều nhạt dọi tới ánh sáng nửa lòng khe.) (Linh Sơn tạp hứng)
Sơn yêu nhất mạt tịch dương hoành. (Một vệt bóng chiều vắt ngang sườn núi)
(Thanh Lương giang)
Thủy nguyệt kiều biên lộng tịch huy.
(Trăng nước bên cầu đùa giỡn ánh chiều hôm.) (Miết trì)
Tà nhật ngâm tàn hồng đạm đạm, Mộ thiên vọng đoạn bích du du.
(Thơđã tàn, mặt trời xế bóng, ánh hồng nhàn nhạt, Trông suốt trời chiều, màu biếc mênh mông.)
(Giang Đình tác) Tùng thâm thu tỏa nhật tương tịch.
(Cây tùng cây thu khóa kín trời sắp về chiều.) (Vọng Thái Lăng )
Trong số mười hai bài thơ còn lại, Chu An có tám bài đề cập đến thời gian. Trong tám bài ấy, có năm bài ông viết về khoảng thời gian trời chiều. Ắt
hẳn đó không phải là con số mang tính ngẫu nhiên. Đây là những bài thơ ông viết trong thời kì quy ẩn, lúc dường như đã trở nên rất xa so với ngày ông dâng Thất trảm sớ. Tiếng nói quyết liệt của ông đã bị phủ nhận, bị quên lãng. Và bây giờ, qua những vần thơ chứa đầy tâm tư này là một Chu An cô đơn và bất lực. Trời chiều không bao giờ là sự bắt đầu. Nó là điểm kết thúc một ngày dài, cũng là lúc sự sống tạm lắng đi cái sắc thái rộn ràng. Hình ảnh tà dương
đạm mạt, nhất mạt tịch dương hoành, tịch huy, tà nhật, hồng đạm đạm, nhật tương tịch… bộc lộ rõ sự buồn thương, tiêu tán, cô đơn. Hơn thế, nó còn là sự ảm đạm và lặng lẽ đến nao lòng. Con người trước thời khắc ấy ắt hẳn sẽ cảm thấy trống trải và cô quạnh biết nhường nào. Mặt khác, hình ảnh bóng chiều trong Thanh Lương giang không xuất hiện với một trạng thái bình yên, vững chãi mà chênh vênh, mất thăng bằng, đó là hình ảnh bóng chiều vắt ngang sườn núi. Một cảm giác bất an bao trùm lấy câu thơ khi nó gợi ra một thời gian sắp kết thúc và một không gian rất rộng, rất cao nhưng tạo vật trong đó lại thiếu sự tương giao lẫn nhau, chúng là các thực thể riêng biệt, tách rời, xô đẩy nhau. Phải chăng, cũng giống như Chu An đã cố gắng hòa mình vào thiên nhiên để không còn vướng bận thế sự nhưng chỉ gặp cõi lòng mình với nỗi cô đơn ngập tràn?
Thời gian trong thơ Chu An không chỉ duy nhất có thời điểm về chiều. Thảng đâu đó có ngày, có đêm. Tuy nhiên, chúng vẫn là dòng thời gian lụi tàn, buồn bã. Trong Nguyệt tịch bộ Tiên Du sơn tùng kính, Chu An có lẽ cũng không cảm nhận sự vật theo con mắt thông thường của người đời. Đêm trăng mà ông chỉ thấy:
Triều hồi giang địch quýnh, Cô thôn đạm ái mê.
(Nước triều xuống, tiếng sáo ở bên sông xa vẳng, Xóm vắng mờ trong làn khói nhạt.)
Còn trong Sơ hạthì:
Sơn vũ liêu liêu trú mộng hồi.
(Nhà trên núi vắng vẻ vừa tỉnh giấc mộng ban ngày.)
Chớm hạ cũng không phải là thời điểm mang đến niềm hi vọng cho nhà thơ. Vì thế, nó vẫn mang cái vẻ hoang lạnh và cô độc giống như những câu thơ viết về buổi chiều.
Chỉ với một số ít câu thơ có hình ảnh thời gian như trên, có lẽ chưa thể hiểu thật trọn vẹn về con người Chu An. Tuy nhiên những câu thơ ấy đã cho thấy cái nhìn đầy ưu tư và cõi lòng xót xa thầm lặng của nhà thơ trước sự suy vi của triều đại. Nguyễn Phạm Hùng gọi đó là “cảm giác về sự mất cân đối của trạng thái tâm hồn” trước cuộc đời. [ 33, tr.167].
Đọc thơ Chu An, ta thấm thía kiểu thời gian nhuốm đầy sự cô độc và bất lực. Đọc thơ Trần Nguyên Đán, ta lại gặp hai dòng thời gian chảy song song: một dòng thời gian cụ thể với những mất mùa đói kém; một dòng thời gian tâm trạng đầy phiền muộn lo âu. Tất nhiên, bên cạnh đó, cả Chu An và Trần Nguyên Đán còn có những bài họa thơ vua có đề cập đến thời gian, tuy nhiên, nó không thật tiêu biểu cho phong cách thơ của họ, lại nặng tính trau chuốt và có phần khoa trương, công thức. Trần Nguyên Đán có những bài thơ chân thực và sâu sắc hơn nhiều khi ông đối diện với cuộc đời, với thiên nhiên và với chính bản thân mình.
Trước hết, thơ Trần Nguyên Đán thể hiện dòng thời gian hiện thực với cuộc sống lầm than, khổ cực của muôn dân bằng một tâm trạng đau xót:
Niên lai hạ hạn hạn thu lâm,
Hòa cảo miêu thương hại chuyển thâm. (Năm nay mùa hè bị hạn, mùa thu bị lụt,
Lúa khô mạ thối, tai họa càng nhiều.) (Nhâm Dần niên lục nguyệt tác)
Nhưng nhiều hơn cả trong thơ Trần Nguyên Đán là những dòng viết về thời gian tâm trạng với nhiều lo lắng và dằn vặt vì tuổi già, vì bất lực không thể cứu đời… Dòng thời gian ấy trôi đi thật chậm chạp và nặng nề:
Nhất khứ bất hồi nhàn tuế hoa.
(Thời gian nhàn phí một đi không trở lại.) (Cửu nguyệt tam thập dạ hữu cảm )
- Lão lai vạn sự phó du nhiên.
(Già rồi, muôn việc phó mặc thời gian dài dằng dặc.) - Tửu trệ sầu tràng dạ bất miên.
(Rượu đọng trong dạ sầu, đêm không ngủđược) (Lão lai)
Thập niên chính tỉnh phụ thu đăng.
(Mười năm lo việc chính sự, phụ với ngọn đèn mùa thu.) (Sơn trung khiển hứng)
- Trần khởi ty phân tuế nguyệt liêu. (Bụi nổi, tơ rối năm tháng đi qua.)
(Đề Phả Lại sơn đại minh tự dụng Thiều bảo Trương công vận)
- Nam lục thôi triều tuế bất lưu.
(Thời tiết chuyển nhanh, năm tháng không dừng lại.)
(Đáp Lương Giang nạp ngôn bệnh trung)
Trần ai lục thập tải, Hồi thủ quý hoàng quan.
(Sáu mươi năm sống trong cõi trần,
Ngoảnh lại luống thẹn với người đội mũ vàng.)
(Đề Huyền Thiên Quán)
Phù thế niên hoa thôi bạch phát.
(Cõi đời bồng bềnh , năm tháng thôi thúc tóc bạc.)
Tam phần đầu bạch thốn tâm đan.
(Ba phần tóc trên đầu đã bạc, vẫn tấc lòng son.)
(Mậu thân chính nguyệt tác)
Trong thơ Thiền, các nhà thơ tỏ ra bình thản trước sự vận động của thời gian vì nắm rõ quy luật của nó. Về cơ bản, họ vẫn đến với cuộc đời bằng cõi lòng rộng mở và sống trọn vẹn hết mình với giây phút thực tại. Đến Trần Nguyên Đán, quan niệm này đã thay đổi hoàn toàn. Ông đếm nhịp thời gian bằng con mắt uể oải và chán nản. Ông thấy thời gian đời người dài dằng dặc, cho nên sự tồn tại của con người trong cuộc đời là một gánh nặng. Biết thời gian đi không bao giờ trở lại nhưng nếu nhà thơ Thiền ý thức được điều đó để sống có ý nghĩa hơn ở hiện tại thì Trần Nguyên Đán gọi đó là nhàn tuế hoa
(thời gian nhàn phí). Hình như nhịp thời gian ấy càng trở nên nặng nề hơn khi tác giả phó mặc cho nó trôi đi mang tuổi già đến, để tấm thân cảm nhận ngày một rõ hơn sự vô vị của cuộc đời. Thời gian trôi đi trong thơ Trần Nguyên Đán gắn liền với hình ảnh bạch phát (đầu bạc), còn tâm thế con người thì phó du nhiên (mặc kệ thời gian đằng đẵng), dạ bất miên (không ngủ được), quý hoàng quan (thẹn với người đội mũ vàng)… Thơ Trần Nguyên Đán gần như đã vắng bóng niềm vui, sự hi vọng. Mặc kệ thời gian trôi, tác giả cảm thấy trong dòng chảy ấy một sự chán chường bất tận. Có những khoảnh khắc đêm thu trong trẻo trong thơ Thiền khiến con người không ngủ được vì thời khắc ấy thật ý vị và đáng sống. Còn với Chu An, Trần Nguyên Đán, thời khắc về đêm chỉ khiến họ thấy rõ hơn sự cô đơn, bất lực. Chu An dù sao cũng không phải tôn thất nhà Trần. Ông bước chân ra khỏi triều đình, về chân núi Phượng Hoàng với một sự thanh thản và tự nguyện. Còn Trần Nguyên Đán, có lẽ ông thấm thía hơn cả con đường suy thoái của triều đại mà không cách gì cưỡng nỗi. Ông là một thành viên quan trọng của giềng mối đó nhưng không làm được gì cả, dù vẫn giữ tấm lòng son nhưng nó cũng chẳng giúp ích được cho
đời nữa rồi. Có những đêm không ngủ vì rượu sầu đọng thành giọt trong tâm tư, và cũng có những đêm không ngủ chỉđểđếm nhịp thời gian vô nghĩa đang trôi đi:
- Thương phong dạ tĩnh chuyển sưu sưu. (Gió thu trong đêm vắng lặng thổi vi vu.)
- Trần duyên tu hướng thụy trung hưu. (Duyên nợ cuộc đời, ngủ đi là xong hết.)
(Dạ thâm ngẫu tác)
Quan xá thu sương lậu chuyển trì.
(Chốn quan xá trong sương thu, giọt đồng hồ nhỏ chậm)
(Bất mị)
Có lẽ, tác giả cũng muốn quên hết sự đời trong giấc ngủ vùi nhưng không được, đành ngồi nhìn thời gian cứ lặng lẽ và nặng nề trôi đi. Thời gian thực đã bị chìm khuất, lu mờ bởi dòng thời gian tâm trạng u hoài buồn bã. Dòng thời gian ấy tiếp tục được tái hiện trong thơ Nguyễn Phi Khanh, Lê Quát, Đặng Dung…
Xuân trong thơ Nguyễn Phi Khanh là xuân hàn với cái âm u chật hẹp của không gian, cái chán chường bất lực của con người:
- Ngưng vận mạc mạc lộ trầm trầm, Nhưỡng tác dư hàn thập nhật âm.
(Mây đọng ùn ùn khắp nơi, móc sa mù mịt,
Gây nên trận rét cuối mùa xuân, kéo dài mười ngày âm u.)
- Thương xuân vô ngữ cách hoa cầm.
(Chim bên kia hoa, thương tiếc đời xuân nên lặng tiếng.)
- Thế sự du du chính bão khâm.
(Việc đời dằng dặc, ngồi ôm chăn suy nghĩ.)
Mùa xuân với trận rét kéo dài hơn mười ngày âm u là thời gian thực. Thường thì thi nhân hay cảm nhận về mùa xuân với sự sống tràn đầy, ít nhất cũng là niềm bâng khuâng nhớ tiếc khi ở thời điểm hiện tại mà lo sợ sự sống ấy sẽ lụi tàn trong nay mai. Còn Nguyễn Phi Khanh thì không. Xuân trong thơ ông gắn liền với cái dữ dội bất thường. Ngay cả tiếng chim hót cũng ngừng bặt. Trong không gian và thời gian ấy hiện lên chân dung một con người ngồi bất động mà trong lòng lại chất chứa biết bao nhiêu nghĩ suy và âu lo. Cũng giống Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh thấy thời gian đời người dài dằng dặc với cái rét mướt và im lìm sự sống, dù cho đó đang là ngày xuân. Không chỉ có Xuân hàn, Nguyễn Phi Khanh còn có một xuân tàn trong
Chu trung ngẫu thành:
Tiêu tiêu lữ mấn thương xuân mộ, Cảnh cảnh cô hoài khiếp chướng phân.
(Mái tóc tha hương bơ phờ, thương cho xuân muộn, Canh cánh nỗi lòng cô đơn, thêm ghê sộ lam chướng.)
Chân dung Nguyễn Phi Khanh trong Xuân hàn là chân dung một con người nặng lòng suy tư trăn trở trước thế sự. Còn trong Chu Trung tức sự, ông hiện lên với nỗi tiếc xuân và thương cho sự cô đơn lẻ loi của mình trong cảnh tuổi già tha hương. Ngày xuân đã thế. Ngày thu cũng không bình yên chút nào:
- Tàn mộng sơ sơ tỉnh hiểu chung, Nhật hàm thu ảnh sạ song lung.
(Xa xa chuông sớm tỉnh giấc mộng tàn, Mặt trời đượm ánh thu rọi vào song cửa.)
- Đình ngoại tảo sầu khan lạc diệp, Thiên biên sái lệ sổ chinh hồng. Ô hô! Thếđạo hà như ngã?
Tam phủ di biên phú Đại đông!
(Nhìn xem lá rụng ngoài sân như quét sầu, Lại đếm chim hồng bay trên trời mà nhỏ lệ. Than ôi! Cuộc đời như vậy ta biết tính sao đây? Ba lần vỗ vào sách cũ mà ngâm thơĐại đông.
(Thu nhật hiểu khởi hữu cảm)
Nhật hàm thu ảnh không phải là hình ảnh gợi được sự tươi sáng. Bên cạnh đó, tiếng chuông sớm cũng có vẻ như lạc lõng, cô đơn. Hai hình ảnh lạc diệp và chinh hồng đánh dấu nhịp thời gian đang vận động theo chiều tịnh tiến. Nó không mang lại điều gì tốt đẹp ngoài sầu tủi và buồn bã cho con người. Tiếng chuông đầu bài thơ có vẻ như xuất hiện nhanh và bất ngờ nhưng nhịp thời gian trong toàn bài vẫn là nhịp trôi nặng nề, chậm chạp và buồn bã.
Nguyệt sắc vô nhân cánh vô lại,
Thu lai dạ dạ tổng quan tình.
(Ánh trăng không người lại càng trơ trọi,
Mùa thu đến, đêm đêm vẫn vướng vất trong lòng.)
(Thu dạ)
Vẫn là thời điểm thường gặp trong thơ Thiền, đó là đêm trăng mùa thu. Thế nhưng nếu trăng thu trong thơ Thiền khơi mở sự trong trẻo vô biên trong lòng người và cảnh vật thì trong thơ Nguyễn Phi Khanh, ánh trăng chỉ soi rõ hơn thân phận cô đơn của con người, đêm thu chỉ khiến cho tấc lòng nhà thơ thêm bối rối hơn mà thôi.
Có lúc, Nguyễn Phi Khanh nhìn lại cuộc đời, thấy chuyện công danh xa cách ngàn dặm, đời người thì như một giấc mộng thoáng qua, nhưng quan niệm này không đồng nhất với quan niệm trong thơ Thiền vì cái nhàn trong Thiền là cái nhàn toàn tâm toàn ý, còn với Nguyễn Phi Khanh, cái nhàn được gọi tên cốt để trấn an, còn gốc rễ sâu xa vẫn là tấc lòng chưa bao giờ yên ổn:
- Hồi thủ trần ai lộ cách thiên.
(Ngoảnh lại chốn bụi bặm, xa cách ngàn dặm.)
- Bách niên phù thế nhân giai mộng, Bán nhật thâu nhàn ngã diệc tiên.
(Cuộc phù thế trăm năm, người người đều như mộng, Trộm cái nhàn nửa ngày, ta cũng là tiên.)
(Du Côn Sơn)
Có lẽ, Nguyễn Phi Khanh thấy cuộc đời và công danh như một giấc mộng phù du vì cuối cùng, kẻ mang biết bao nhiêu mơ ước và hoài bão như Trần Nguyên Đán, như ông đều bị vỡ mộng, đều không ngăn được dòng thác suy thoái đang tàn phá giềng mối của một triều đại oanh liệt như triều Trần. Nhận thức được điều đó, Nguyễn Phi Khanh càng cảm thấy nuối tiếc và thấm thía sự bất lực hơn lúc nào hết. Cũng cùng tấc lòng như Nguyễn Phi Khanh, Lê Quát có Thư hoài:
Niên lai thế sự dữ tâm vi,
Nhật vọng gia sơn phú Thức vi. Thủy quốc thiên hàn kinh tuế mộ, Mộc lan hoa lão vũ phi phi.
(Mấy năm nay, việc đời trái với lòng mình, Ngày ngày trông về quê hương đọc thơ Thức vi. Bên bến nước, trời trở lạnh, giật mình năm sắp hết, Hoa mộc lan già đi trong lúc mưa bay lất phất.)
Thư hoài phản ánh một dòng thời gian chở đầy những chán nản, già cỗi và lụi tàn. Sự đời trôi đi không như mong muốn, con người sống nơi đất khách lại không nguôi nhớ về quê hương. Thời gian hiện tại xen lẫn với dòng thời gian hoài niệm. Không gian ảm đạm, vắng vẻ. Không gian và thời gian ấy làm cho lời thơ trở thành tiếng thở dài buồn bã, ngậm ngùi, thiếu vắng
niềm vui sống. Con người sống giữa cuộc đời mà hình như không cảm thấy có thời khắc nào là đáng sống, là quan trọng đối với mình. Bởi thế mà nhà thơ nhìn cuộc đời cũng bằng một con mắt thờ ơ và nhạt nhẽo vì nó chỉ đánh dấu rằng con người ngày càng có nhiều hơn những tháng ngày vô nghĩa lý sống trong cô đơn và nhớ tiếc. Thư hoài của Lê Quát thể hiện nỗi thương nhớ quê hương qua điển tích phú Thúc vi. Còn với Đặng Dung qua Cảm hoài, nỗi bi phẫn là do nhà thơ ý thức được mình sinh ra không gặp thời, ý thức được sự mâu thuẫn giữa yêu cầu phải sống và cống hiến với giới hạn của đời người:
- Thế sự du du nại lão hà.
(Việc đời dằng dặc biết làm sao tuổi già này.)
- Quốc thù vị báo đầu tiên bạch, Kỷđộ Long tuyền đái nguyệt ma.
(Nợ nước chưa trả mà đầu đã sớm bạc,
Bao phen mang gươm Long tuyền mài dưới bóng trăng.)