Chức năng tham gia biểu thị hành động ngôn từ

Một phần của tài liệu Quán ngữ tình thái Tiếng Việt (Trang 60 - 63)

Chương 2: ĐẶC ĐIỂM CỦA QUÁN NGỮ TÌNH

2.2.2.2. Chức năng tham gia biểu thị hành động ngôn từ

Những năm gần đây, vấn đề câu trong giao tiếp được giới Việt ngữ học quan tâm với tên gọi là phát ngôn. Các mục đích của phát ngôn thời gian gần đây được các nhà ngôn ngữ học đặc biệt quan tâm và khảo sát chúng một cách tương đối hệ thống bởi lí thuyết hành động ngôn từ

(speech acts).

Ngữ dụng học chỉ ra rằng nói năng cũng là một loại hành động tương tự như các hành động vật lí khác. Theo J.L.Austin [13, tr.238-349] hành động ngôn từ gồm ba loại lớn: hành động tạo lời, hành động tại lời và hành động mượn lời. Trong đó, hành động tại lời là những hành động mà người nói thực hiện ngay khi nói năng. Nói cách khác, khi ta nói một câu nghĩa là tư duy lô gích xác lập một mệnh đề và đồng thời ta cũng đã thực hiện một hành động giao tiếp nhất định (mệnh đề được tình thái hoá). Các hành động được thực hiện bằng phương tiện ngôn ngữ khi nói được gọi là hành động tại lời (hay còn được gọi là hành động ngôn trung). Có rất nhiều hành động tại lời như trình bày, miêu tả, giải thích, minh hoạ, khẳng định, loan báo, minh chứng, đánh giá, phủ định, trả lời, biện luận,… Nội dung của hành động tại lời được biểu hiện trong lời nói. Lời nói luôn thể hiện suy nghĩ, nhận định, đánh giá, thái độ, tình cảm của người nói. Có thể thấy rằng, với tư cách là phương tiện giao tiếp giữa người nói (viết) và người nghe (đọc), phát ngôn luôn tồn tại trong cơ chế hoạt động của giao tiếp liên nhân. Trong đó, các đối tượng giao tiếp có thể sử dụng những dấu hiệu tình thái là trợ từ, thán từ, các tiểu từ tình thái cuối câu hay các QNTT. QNTT không giống như các loại khác trong hệ thống ngữ cố định (mặc dầu chúng tạm thời được xếp vào đó). Vì thế, đối tượng mà chúng tôi đang khảo sát không phải với tư cách là loại đơn vị ngôn ngữ trong hệ thống (trạng thái tĩnh) mà là đơn vị đang làm chức năng của thực tiễn giao tiếp lời nói. Qua phân tích cách dùng

của QNTT tiếng Việt trên cơ sở ngữ liệu hiện có, chúng tôi thấy lớp từ này có khả năng tham gia biểu thị một số loại hành động ngôn từ khác nhau khá sinh động và phong phú. Tuy nhiên, trong điều kiện hạn hẹp của luận văn, chúng tôi chỉ khảo sát cách diễn đạt tình thái cảm thán và nghi vấn. Các cách diễn đạt này không chỉ để tiếp nhận câu trả lời mà còn có giá trị khẳng định, phủ định hoặc trách mắng. Và tình thái cảm thán là hành động ngôn từ dùng để thể hiện cảm xúc, tình cảm, thái độ của người nói đối với một người, một vật hay một sự kiện nào đó. Để thấy rõ chức năng tham gia biểu thị mục đích phát ngôn của các QNTT, cụ thể là tạo tình thái hành động nghi vấn và cảm thán, có thể xét các ví dụ sau:

(72) Ở cái cảnh của chúng ta lúc này, hạnh phúc chỉ là một cái chăn quá hẹp. Người này có thì người kia bị hở. Đâu phải tôi muốn tệ? Nhưng biết làm sao được? Ai bảo cuộc đời cứ khắt khe vậy?

(Tuyển tập Nam Cao, tr.49) (73) Nhưng bỗng hắn hơi ngần ngại, biết đâu cái lão cáo già này nó lại chả lừa hắn vào nhà rồi lôi thôi.

(Tuyển tập Nam Cao, tr.28) (74) Nhưng thói đời, tre già măng mọc, có bao giờ hết những

thằng du côn?

(Tuyển tập Nam Cao, tr.29) (75) Chẳng lẽcháu bà đành không có vợ?

(Tuyển tập Nam Cao, tr.76) (76) Thứ ngạc nhiên:

- Công mỗi tháng có hai đồng.

- Chứ còn gì ? Cơm nuôi, quần áo chủ may mà.

(77) Oanh có một mình, y đang mải miết viết gì. Thấy Thứ lên, y xếp cả vào ngăn kéo (…).

- Cô lại viết thư cho ông Đích chứ gì ?

(Tuyển tập Nam Cao, tr.262) (78) Tôi cố đưa mắt mờ vì mưa, mờ cả vì tâm trạng của mình lúc ấy, cố tìm lấy một người hay một vật. Không lẽ nào giặc đã qua mà người ta không trở lại ?

(Tuyển tập truyện ngắn II, tr.346) (79) - Em hãy nói cho anh biết: em hay lui tới nhà ai ? Làm gì ? Anh cần biết để giúp đỡ em.

- Làm tra hỏi như quan toà thế ? Ai cũng có bạn. Anh cũng có tự do.

(Tuyển tập Nam Cao, tập 2, tr.24) (80) Chưa bao giờ tôi đi bộ như thế này. Phải chăng đây là bước đầu cuộc sống mới của tôi ?

(Tuyển tập Nam Cao, tập 1, tr.15) (81) Chàng đã thất bại ba lần. Lần thứ tư sao lại chẳng là một thắng cuộc?

(Tuyển tập truyện ngắn I, tr.157) Dễ dàng nhận thấy là trong các phát ngôn trên, dù có hình thức là nghi vấn nhưng những QNTT ai bảo, biết đâu, có bao giờ, chẳng lẽ, chứ

còn gì nữa, chớ gì, chứ gì, không lẽ nào, làm gì mà P thế, phải chăng, sao lại chẳng,… lại biểu thị nhiều cung bậc tình thái khác nhau như bác bỏ, phỏng đoán, khẳng định, nghi vấn, hoài nghi, … Điều đó cho thấy khả năng tham gia biểu thị các ý nghĩa hàm ẩn của các QNTT TV. Khả năng này cũng góp phần lí giải tại sao người Việt thường sử dụng QNTT trong giao tiếp. Chúng không chỉ giàu sắc thái chủ quan và tính khẩu ngữ tự nhiên mà còn là đơn vị góp phần làm phong phú thêm cách diễn đạt tư

tưởng, tình cảm bằng ngôn từ trong giao tiếp. Nhận thấy vai trò tham gia biểu thị mục đích phát ngôn của lớp từ này, Nguyễn Thị Lương[69, tr.32-35] đã bổ sung một số chức năng thể hiện tình thái hành động ngôn từ của các QN tiếng Việt như sau:

- Đánh dấu hành động phỏng đoán, giả định: có lẽ, chưa biết chừng, biết đâu, chắc hẳn,…

- Đánh dấu hành động phủ định bác bỏ: nào phải, nào có, nào

đâu, đâu có,…

- Đánh dấu hành động phản đối, can ngăn: tội gì mà, phải vạ, chả

phải tội, hơi sức đâu, sức mấy, việc gì,…

- Đánh dấu hành động chấp nhận, chấp thuận, thừa nhận thôi

được, đã đành, hèn gì, chả trách, phải đấy,…

- Đánh dấu hành động cảm thán: nhờ trời, ấy chết, rõ khổ, tiếc thay, biết nhường nào,…

- Đánh dấu hành động cảnh báo, nhắc nhở: không khéo, kẻo nữa, ngộ như,…

- Đánh dấu hành động đưa đẩy, rào đón: nói khí không phải, nói trộm bóng vía, nói bỏ ngoài tai, của đáng tội,…

Một phần của tài liệu Quán ngữ tình thái Tiếng Việt (Trang 60 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)