Sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả hoạt động của UBND cấp xã

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu qủa hoạt động của Uỷ ban nhân dân cấp xã ở nước ta trong giai đoạn hiện nay (Trang 33 - 35)

3.2.1. Do yêu cầu phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi sự đổi mới tương ứng trong toàn bộ hệ thông chính trị. Hoạt động của UBND cấp xã có hiệu quả thì quyền dân chủ của nhân dân mới được đảm bảo và dược thực hiện một cách nghiêm túc

UBND cấp xã là cấp gần dân nhất và được giao trọng trách quản lý một số lượng khá đông dân cư trên địa bàn cả nước. Vì vậy, hoàn thiện dân chủ là một vấn đề vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Khi người dân làm chủ thì sức sản xuất được giải phóng, khai thác và huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, từ đó người dân có điều kiện tăng thu nhập và cải thiện đời sống, nhân dân sẽ trực tiếp tham gia giám sát hoạt động quản lý hành chính nhà nước của UBND cấp xã.

Đứng trước tình hình đó, một yêu cầu đặt ra cho UBND cấp xã là phải xây dựng và kiện toàn lại bộ máy thực sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả để hoàn thành nhiệm vụ thay mặt Nhà nước quản lý tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội và dân cư trên địa bàn.

3.2.2. Do yêu cầu cải cách nền hành chính quốc gia nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại. Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước trong đó có UBND cấp xã là một yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay

Thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã có nhiều chủ trương về cải cách hành chính và luôn xác định cải cách hành chính là một khâu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới để phát triển đất nước. Để thực hiện tốt được nhiệm vụ, các cấp, các ngành cần phải hành động một cách cụ thể, thống nhất và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. UBND cấp xã, với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước ở xã, phường, thị trấn, thường xưyên tiếp xúc

trực tiếp với nhân dân, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nên cần phải không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bằng chính chất lượng công việc và cách thức làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện nay, đảm bảo cung cấp cho nhân dân một dịch vụ hành chính công tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của một nền hành chính hiện đại trong giai đoạn hiện nay.

3.2.3. Trước sự tác động của nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hoá cần phải đổi mới tổ chức, hoạt động, cơ chế quản lý của các cấp chính quyền trong đó có UBND cấp xã để hạn chế những mặt trái của nền kinh tế thị trường

Từ khi Việt Nam đã trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO, nền kinh tế nước ta đã có sự thay đổi đáng kể cả về lượng và chất. Đó là nhờ có sự tác động lớn từ phía Nhà nước với những chính sách đầu tư, ưu đãi thích hợp trong từng giai đoạn tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân phát huy tiềm năng vốn có của mình. Nền kinh tế của chúng ta không còn bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà đã từng bước hội nhập với nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên nền kinh tế thị trường với những mặt trái của nó như các tệ nạn xã hội, chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, lối sống thực dụng đã và đang tác động mạnh tới đời sống nhân dân. Nếu không có sự ngăn chặn kịp thời nó có thể sẽ làm băng hoại dần truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái ở mỗi làng quê, phố xóm ở Việt Nam.

Quá trình đô thị hoá cũng đẩy một lực lượng lao động chủ yếu từ nông thôn ra thành thị mong tìm được việc làm, khiến cho lực lượng lao động ở nông thôn giảm dần và gây nên tình trạng lộn xộn, mất ổn định về an ninh trật tự ở khu vực thành thị.

Đứng trước tình hình đó, UBND xã, phường, thị trấn cần phải có sự phối hợp với các các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể liên quan để làm tốt công tác quản lý mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn, ngăn chặn hoặc giải quyết kịp thời những mâu thuẫn có thể phát sinh.

3.2.4. Do sự phát triển của khoa học, công nghệ đã tác động mạnh mẽ tới tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội đặc biệt trong lĩnh vực quản lý

Khi các phương pháp và phương tiện quản lý truyền thống đã tỏ ra lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình mới thì việc nắm bắt kịp thời các thông tin là nhiệm vụ quan trọng của tất cả các cơ quan nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Vì thông tin là căn cứ để quyết định và tổ chức thực hiện quyết định có hiệu quả. Điều này đòi hỏi bản thân bộ máy quản lý hành chính phải được tổ chức một cách tinh gọn. Nếu bộ máy cồng kềnh, nhiều nấc trung gian thì lượng thông tin sẽ không được xử lý kịp thời. Mặt khác, sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ đã cho ra đời hàng loạt các phương tiện quản lý hiện đại thay thế cho các phương tiện quản lý thủ công, tiết kiệm thời gian và công sức của người quản lý. Song cũng đòi hỏi người vận hành nó phải có trình độ, được đào tạo chuyên sâu thì mới có thể sử dụng và phát huy được những ưu việt của nó trong quá trình tiến hành quản lý. Cách duy nhất là tự đổi mới mình của chính bộ máy hành chính nhà nước dưới các góc độ: bộ máy tổ chức, con người, cơ sở vất chất… nhằm đạt được hiệu quả cao trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Đó cũng chính là đòi hỏi khách quan, vừa cấp thiết, vừa cơ bản không thể trì hoãn đối với UBND cấp xã trong giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu qủa hoạt động của Uỷ ban nhân dân cấp xã ở nước ta trong giai đoạn hiện nay (Trang 33 - 35)