công của sự nghiệp đổi mới trên cả nước.
2.3.2. Một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh trong giai đoạn hiện nay đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh trong giai đoạn hiện nay
Từ thực trạng về năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh đã trình bày ở trên, cho thấy họ còn bộc lộ nhiều hạn chế. Những hạn chế đó cần phải được khắc phục kịp thời và triệt để nhằm đáp ứng những yêu cầu của sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương trong điều kiện đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để góp phần vào công việc đó, dưới giác độ nghiên cứu của luận văn, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp chủ yếu sau đây:
2.3.2.1. Trau dồi và rèn luyện phương pháp tư duy biện chứng cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh đạo chủ chốt cấp tỉnh
Muốn nâng cao năng lực tư duy lý luận cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh thì phải từng bước khắc phục được bệnh kinh nghiệm, giáo điều, chủ quan duy ý chí và nâng cao phương pháp tư duy biện chứng duy vật. Để trau dồi, rèn luyện tư duy biện chứng duy vật nhằm nâng cao năng lực tư duy lý luận trước hết cần tăng cường nghiên cứu lịch sử triết học thời trước. Bởi lẽ "tư duy lý luận chỉ là một đặc tính bẩm sinh dưới dạng năng lực của người ta mà có thôi. Năng lực ấy cần phải được phát triển hoàn thiện và muốn hoàn thiện nó thì cho tới nay, không có một cách nào khác hơn là nghiên cứu toàn bộ triết học thời trước [40, tr. 487].
Lịch sử nhân loại đã hình thành nên các phương pháp tư duy khác nhau, nhưng cho đến nay, chưa có một phương pháp nào có thể thay thế được phương pháp tư duy biện chứng duy vật. Đó là phương pháp tư duy cách mạng và khoa học nhất trong thời đại ngày nay. Phương pháp tư duy biện chứng duy vật là công cụ sắc bén giúp cho con người nhận thức đúng đắn hiện thực khách quan, đi sâu vào bản chất sự vật, phát hiện ra các qui luật vận động nội tại và chiều hướng phát triển tất yếu của nó. Nếu không học tập và rèn luyện thường xuyên phương pháp tư duy biện chứng duy vật thì chúng ta không thể nâng cao
được năng lực tư duy lý luận, sẽ không tạo được cơ sở nền tảng cho mọi hoạt động trí tuệ sáng tạo. Kinh nghiệm khoa học cũng như thực tiễn cuộc sống chứng tỏ rằng, chỉ có thực hiện tốt yêu cầu này, tư duy con người mới có khả năng đạt tới chân lý khách quan, hoạt động của con người mới được bảo đảm định hướng đúng đắn, trở nên chủ động, tự giác và đạt những kết quả nhất định. Ngược lại, nếu không nắm vững và vận dụng đúng đắn, sáng tạo phương pháp tư duy biện chứng duy vật thì không tránh khỏi sa vào phương pháp tư duy siêu hình, máy móc, chủ quan. Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta và nhiều nước xã hội chủ nghĩa trước đây đã cho thấy, khi thiếu phương pháp tư duy biện chứng duy vật, con người không thể hiểu nổi ngay chính thực tiễn mà mình đang sống, không thể phát hiện ra những điều kiện, phương tiện đã và đang có trong hiện thực để giải quyết những nhiệm vụ đặt ra và lại càng không thể nói đến nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để rút ra những gì cần thiết cho cuộc sống của mình.
Vậy rèn luyện phương pháp tư duy biện chứng duy vật bằng con đường nào? Trước hết, bằng con đường học tập, người cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh có thể rèn luyện phương pháp tư duy biện chứng. Đó là quá trình học tập, nghiên cứu các chuyên ngành khoa học Mác - Lênin và những môn khoa học liên quan; trong đó phải đặc biệt quan tâm tới lịch sử triết học và lôgíc học.
Thực tế, những cán bộ lãnh đạo của chúng ta được học tập triết học và nhất là lịch sử triết học không nhiều (như đã trình bày ở phần thực trạng), phương pháp, nội dung ít được đổi mới cho phù hợp với tình hình.
Có một thực tế là, cán bộ nào nằm trong diện được qui hoạch thì được cử đi học, có bằng rồi từ đó trở đi coi như đã hoàn thành về chương trình lý luận, không cần học tập bổ sung gì thêm nữa. Nên chăng, hàng năm cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh phải bồi dưỡng lý luận bổ sung cho phần đã tốt nghiệp trước đây của mình.
Mặt khác, muốn có được phương pháp tư duy khoa học, chúng ta còn phải chú ý đến các ngành học có liên quan đến tư duy như lôgíc học, tâm lý học, lý thuyết thông tin... ở đây có một vấn đề cần phải nhấn mạnh là: cán bộ lãnh đạo được học chương trình lịch sử triết học rất sơ sài; hơn thế nữa, trong chương trình đào tạo lý luận cao cấp ở Học viện
Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các Phân viện, người học không được học lịch sử triết học và lôgíc học - hai môn học góp phần trực tiếp vào rèn luyện, phát triển tư duy của con người. Thực tế cho thấy, nếu con người biết học tập những kinh nghiệm lịch sử thì hoạt động lý luận cũng như thực tiễn sẽ tránh được những vòng vo không cần thiết. Nghiên cứu lịch sử triết học cũng chính là nghiên cứu lịch sử phát triển của tư duy, sẽ giúp con người học tập, rèn luyện và trau dồi phương pháp tư duy khoa học, qua đây mà phát triển năng lực và trình độ tư duy của mình. Điều đó lý giải, không phải ngẫu nhiên mà những bộ óc bách khoa của mỗi thời đại đều là những nhà nghiên cứu lịch sử triết học một cách nghiêm túc, cơ bản, hệ thống và sâu sắc. Đâu phải ngẫu nhiên mà vào những tháng năm nóng bỏng của thế chiến thứ nhất, tình hình cách mạng Nga đang hết sức căng thẳng, Lênin vẫn dành thời gian đọc lại các tác phẩm của Hêghen. Tương tự như vậy, khi tình hình cách mạng đang hết sức khẩn trương để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền Hồ Chủ tịch lại bận rộn với việc dịch lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô. Đúng là sự hiểu biết về lịch sử tư tưởng và văn hóa dân tộc càng sâu bao nhiêu và sự tiếp thu những giá trị, thành tựu trí tuệ của nhân loại càng rộng bao nhiêu thì cái nền của sự khái quát thực tiễn, phát triển năng lực tư duy càng dày bấy nhiêu [53, tr. 92].
Như thế, muốn nâng cao năng lực tư duy thì phải thường xuyên học tập, tu dưỡng và rèn luyện phương pháp tư duy biện chứng. Phải nêu cao tinh thần phê phán sáng tạo, tinh thần tôn trọng sự thật, trọng thực tiễn và hiệu quả thực tế. Đồng thời, mỗi người phải khắc phục bệnh lười suy nghĩ, sự ỷ lại; phải thường xuyên rèn luyện hệ thống các thao tác cơ bản của hoạt động trí tuệ sáng tạo như so sánh, phân tích, tổng hợp, suy luận, chứng minh, bác bỏ...
Việc học tập và rèn luyện phương pháp tư duy biện chứng duy vật phải hết sức sáng tạo và biện chứng; bởi vì, bản chất của phương pháp tư duy ấy là khoa học sáng tạo và biện chứng. Nói theo cách nói của Hồ Chủ tịch là phải học "cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình" [45, tr. 292]. Nghĩa là phải học phương pháp tư duy chứ không đơn thuần là học thuộc những khái niệm phạm trù, nguyên lý của phép biện chứng duy vật.
Thực tế cho thấy, coi nhẹ việc học tập, nghiên cứu hệ thống lý luận Mác - Lênin nói chung, triết học Mác - Lênin nói riêng, hoặc là học tập, nghiên cứu theo lối chủ quan, tùy tiện, giáo điều, chắp vá thì sẽ không thể nắm được bản chất khoa học sáng tạo, linh hồn sống của phương pháp tư duy biện chứng duy vật. Trong tình hình hiện nay, đã đến lúc chúng ta cần khắc phục triệt để tình trạng học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách tùy tiện, chắp vá và thiếu hệ thống.
Kinh nghiệm cũng chỉ ra rằng, chỉ có thể nắm được bản chất, linh hồn sống của phương pháp tư duy biện chứng duy vật trên cơ sở của sự chăm chỉ học tập, nghiên cứu một cách cặn kẽ, tỉ mỉ, có hệ thống những vấn đề cơ bản trong học thuyết Mác - Lênin.
Cùng với quá trình học tập và tự học tập để thực sự có được phương pháp tư duy khoa học thì việc rèn luyện, trau dồi phương pháp tư duy biện chứng duy vật qua nghiên cứu tổng kết thực tiễn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực tư duy lý luận cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh. Qua nghiên cứu, tổng kết thực tiễn trên địa bàn được phân công, người cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh sẽ nâng cao được năng lực tư duy lý luận của mình.
Về thực chất, nghiên cứu tổng kết thực tiễn chính là quán triệt và thực hiện nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, triết học Mác - Lênin nói riêng. Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn là quá trình bằng tư duy khoa học với phương pháp duy vật biện chứng để phân tích, đánh giá, khái quát thực tiễn nhằm rút ra những bài học cho chỉ đạo hoạt động thực tiễn cũng như lý luận tiếp theo.
Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn là đòi hỏi khách quan, là nguyên tắc, là biện pháp quan trọng không thể thiếu được đối với việc học tập, trau dồi phương pháp tư duy biện chứng duy vật của người cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh. Điều đó được thể hiện trên các mặt chủ yếu sau đây:
- Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn trực tiếp góp phần hoàn thiện phương pháp tư duy biện chứng duy vật. Nếu học tập ở trường và tự học tập có vai trò hết sức quan trọng đối với việc hình thành phương pháp tư duy thì nghiên cứu tổng kết thực tiễn lại có ý nghĩa quyết định đối với việc tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi phương pháp tư duy ấy, biến nó thành
của bản thân mỗi cán bộ lãnh đạo. Điều này có tác dụng tích cực, trực tiếp nâng cao năng lực tư duy lý luận của mỗi người. Sở dĩ như vậy là vì phương pháp tư duy, dù khoa học đến đâu, tự nó cũng không quyết định được nội dung kết quả của tư duy. Được học tập phương pháp tư duy biện chứng một cách cẩn thận chu đáo nhưng mỗi người có biến nó thành phương pháp nhận nhận thức, phương pháp tư duy của mình hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Cách tốt nhất để biến những điều đã được học thành hành động có kết quả cao nhất là soi xét những điều đã học vào thực tiễn nơi mình phụ trách, cố gắng lý giải những vấn đề thực tiễn sinh động, ủng hộ cái mới, tạo điều kiện cho cái mới tích cực phát triển. Từ thực tiễn mà suy nghĩ để chỉ đạo là cách thức tốt nhất để người lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh không mắc phải bệnh giáo điều, sách vở, đồng thời dám đề đạt những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn. Qua đó mà nâng cao năng lực tư duy lý luận cho chính họ. Quá trình này phải được diễn ra liên tục không có giới hạn cuối cùng. Việc tổng kết thực tiễn ở địa phương sẽ tạo nền phát triển tư duy lý luận của cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh. Đây sẽ là những đóng góp sâu sắc, đúng đắn làm phong phú bức tranh thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay để từ đó Đảng có đường lối sát hợp hơn với tình hình.
- Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn góp phần mài sắc tư duy lý luận, làm cho nó mềm dẻo, năng động, phản ánh kịp thời và sáng tạo sự vận động, biến đổi của thực tiễn. Điều này giúp cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh không ngừng phát triển năng lực tư duy lý luận trên cơ sở khắc phục có hiệu quả một số căn bệnh trong nếp tư duy cũ.
Người cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh đòi hỏi phải có tầm nhìn bao quát, toàn diện, có khả năng khái quát các vấn đề mà thực tiễn ở tỉnh đặt ra trong tính chỉnh thể, thống nhất của những vấn đề ấy. Trên cơ sở ấy mà đề ra các chủ trương, chính sách mang tính chiến lược cho mọi mặt, mọi lĩnh vực phát triển ở địa phương. Điều này đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo tỉnh phải hòa mình vào thực tiễn, bám sát thực tiễn. Chính việc làm này giúp họ thấy rõ những ưu điểm và những thiếu sót, hạn chế trong chủ trương đường lối mà họ hoạch định, cũng chính thông qua tổng kết thực tiễn họ mới tìm ra những mâu thuẫn mới, hiện tượng, mô hình mới nảy sinh, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo định hướng hoặc giải quyết nhanh chóng kịp thời. Điều kiện đó buộc họ phải vận dụng tối đa năng lực tư duy lý luận để giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Thực tiễn mới lại tiếp tục đòi hỏi ở họ
những năng lực cao hơn. Do đó, tổ chức hoạt động thực tiễn, tổng kết thực tiễn luôn luôn là điều kiện tối ưu để họ rèn luyện nâng cao năng lực tư duy lý luận của mình và bảo đảm cho năng lực tư duy ấy không xa rời với thực tiễn địa phương, từ đó mà nâng cao được năng lực lãnh đạo dẫn đến hiệu quả cao trong hoạt động lãnh đạo của họ.
Tầm quan trọng của vấn đề là vậy, nhưng làm thế nào để cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh làm tốt công tác này?
Đây là một vấn đề lớn và khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải triển khai thường xuyên, liên tục vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài.
Cán bộ lãnh đạo tỉnh là những người đã trưởng thành từ cơ sở đi lên. Nếu không quán triệt tốt phương hướng nhiệm vụ chỉ đạo và tổng kết thực tiễn thì họ dễ đem những kinh nghiệm ở cương vị cũ ra "mài" để phục vụ cho công việc mới mà họ đảm nhiệm. Như vậy, khi thực tiễn đã vận động phát triển rồi thì những quyết định từ những căn phòng làm việc sang trọng ở trung tâm tỉnh sẽ không phù hợp với thực tế ở cơ sở nữa.
Mặt khác, khi tổng kết thực tiễn là động đến vấn đề phức tạp, cụ thể đòi hỏi chủ thể tư duy phải huy động hết khả năng hiện có của mình để giải quyết. Công việc ấy đòi hỏi mất thời gian, công sức có khi va chạm với cấp dưới, với nhân dân... đòi hỏi họ phải có nhiệt tình cách mạng, có năng lực công tác nhất định mới hoàn thành được nhiệm vụ. Đây là một trong những điều kiện tốt giúp họ phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, người cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, nếu không vi phạm kỷ luật gì, không tỏ ra quá yếu về công tác thì sẽ duy trì được cương vị hiện tại hoặc thậm chí sẽ lên cao nữa. Cơ chế này đã triệt tiêu lòng dũng cảm, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ này. Rõ ràng chúng ta chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khơi dậy ở họ năng lực làm việc để kinh tế - xã hội phát triển mạnh hơn, chắc chắn hơn lại càng không thể đòi hỏi ở họ thường xuyên tổng kết thực tiễn một cách nghiêm túc, khoa học để khái quát thành lý luận mới nhằm chỉ đạo công cuộc đổi mới thành công. Công việc này phải bắt đầu từ các tỉnh bởi vì nước ta thành phố không nhiều. Sự chuyển mình của các tỉnh sẽ là điều kiện để phát triển của cả nước.