người cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh
Những nội dung cơ bản trong hoạt động lãnh đạo ở cấp tỉnh đã phân tích ở trên (1.2.1) cũng đồng thời thể hiện được những yêu cầu về năng lực tư duy lãnh đạo của người cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh. Đó là sự nắm bắt sâu sắc của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm của Đảng, dựa vào hệ thống lý luận ấy mà cụ thể hóa các chính sách vào địa phương. Đồng thời, trong lãnh đạo, người cán bộ chủ chốt cấp tỉnh còn phải thu nhận kịp thời những thông tin từ đời sống thực tiễn, xử lý các thông tin ấy một cách nhanh chóng chính xác. Trên những cơ sở ấy mà vận dụng cái chung một cách đúng đắn chính xác cho những lĩnh vực cụ thể ở địa bàn tỉnh. Đó chính là năng lực vận dụng sáng tạo cái chung vào cái riêng. Cũng trong quá trình lãnh đạo yêu cầu về năng lực tư duy lý luận của người cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh còn thể hiện ở năng lực tư duy về con người, hiểu biết về con người để thu hút tập hợp họ, động viên, lôi cuốn họ để họ hoạt động tích cực. Lãnh đạo ở cấp tỉnh vừa mang tính định hướng chung vừa mang tính thực
tiễn cụ thể, cho nên trong quá trình hoạt động của mình, người cán bộ lãnh đạo còn phải có năng lực tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm để có cơ sở hình thành các giải pháp cho việc giải quyết các vấn đề ở quá trình thực tiễn tiếp theo.
Để đạt được những mục đích, yêu cầu nội dung của hoạt động lãnh đạo một cách hiệu quả nhất, để có được năng lực tư duy lãnh đạo nhất định, người cán bộ lãnh đạo nói chung, cấp tỉnh nói riêng phải có không chỉ phẩm chất đạo đức cách mạng mà cả năng lực tư duy lý luận nhất định. "Vì lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi" [43, tr. 233-234]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Vì kém lý luận nên gặp mọi việc không biết xem xét rõ, cân nhắc cho đúng, xử lý cho khéo, không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại" [43, tr. 234].
Năng lực tư duy lý luận là vũ khí sắc bén nhất trong hoạt động lãnh đạo của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh. Năng lực ấy được thể hiện ở khả năng nắm bắt được bản chất, linh hồn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước... trong quan hệ với nhiệm vụ của mình; ở khả năng nắm bắt vấn đề thực tiễn trên địa bàn mình phụ trách và ở khả năng đề ra phương hướng tối ưu để giải quyết vấn đề đó. Như vậy tổng hợp những biểu hiện ấy, có thể diễn đạt năng lực tư duy lý luận người cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh biểu hiện ở những vấn đề sau:
Một là, năng lực xác lập tri thức. Đó là khả năng tiếp nhận số lượng và chất lượng tri thức lý luận để hình thành thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho hoạt động lãnh đạo cũng như những kiến thức cần thiết phục vụ cho hoạt động đó. Cụ thể hơn, đó là khả năng tiếp thu lý luận, đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, khả năng phát hiện những vấn đề mới, khả năng tổng kết thực tiễn và học tập kinh nghiệm thực tiễn.
Hai là, năng lực xác lập quan hệ giữa các tri thức. Đó là khả năng liên kết các loại tri thức ở các lĩnh vực, các ngành nghề chuyên môn khác nhau thành một tổng thể ở mức độ khái quát cao, bao quát nhiều vấn đề trên nhiều lĩnh vực và phạm vi rộng lớn. Đồng thời, cũng phân định được tính đặc thù giữa các loại tri thức. Từ đó, khi vận dụng vào thực
tiễn vừa phải bảo đảm nhìn nhận vấn đề trong tính nhiều mặt như một chỉnh thể, vừa phải bảo đảm sự phù hợp với địa bàn tỉnh.
Ba là, năng lực hiện thực hóa tri thức. Đây là khả năng biến những tri thức đã lĩnh hội được thành các chủ trương, chương trình, kế hoạch hành động làm biến đổi trực tiếp hiện thực. Điều này thể hiện khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn, liên hệ giữa lý luận với thực tiễn vận dụng cái chung một cách đúng đắn cho từng tình huống cụ thể. Đó là năng lực vận dụng, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng một cách thiết thực, sáng tạo trên địa bàn tỉnh mà mình phụ trách.
Bốn là, năng lực phát triển tri thức. Đó là khả năng phát triển những tri thức cho phù hợp hơn nữa với sự phát triển của thực tiễn. Đây là thể hiện khả năng tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh. Họ vừa vận dụng sáng tạo tri thức vào thực tiễn. Vừa đề xuất, tổng kết những vấn đề nảy sinh từ địa phương kiến nghị lên Trung ương để góp phần bổ sung, phát triển hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách.
Như vậy, năng lực tư duy lý luận của người cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh có giá trị định hướng cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của họ. Chất liệu trực tiếp tạo nên năng lực đó là những tri thức lý luận tiếp thu từ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và từ sự trải nghiệm trong hoạt động thực tiễn của chính người cán bộ. Nội dung của năng lực ấy thể hiện trước hết ở năng lực phản ánh những vấn đề bản chất, tìm ra mâu thuẫn, phát hiện những cái mới; ở khả năng tư duy khoa học trong sử dụng các hình thức và phương pháp tư duy để hình thành tri thức mới làm cơ sở cho việc giải quyết những vấn đề thực tiễn nảy sinh ở địa phương.
Như đã trình bày ở trên, năng lực tư duy lý luận là khả năng tư duy khoa học về những vấn đề chung, tổng thể, toàn vẹn nắm bắt đối tượng trong tính chỉnh thể của sự tồn tại, vận động và phát triển. Đó là khả năng sáng tạo trong sử dụng các khái niệm, phạm trù để phân tích, so sánh, tổng hợp, trừu tượng hóa, khái quát hóa đem lại những tri thức mang tính chính xác, sâu sắc, hệ thống, phù hợp với tính quy định vốn có của hiện thực khách quan. Hơn nữa, năng lực tư duy lý luận còn có sức mạnh đưa lý luận vào cuộc sống, cụ thể
hóa lý luận, dựa vào lý luận mà xây dựng các giải pháp, các phương án giải quyết các vấn đề của thực tiễn một cách tối ưu. Với những đặc trưng cơ bản đó, rõ ràng năng lực tư duy lý luận đóng vai trò hết sức to lớn, là một trong những phương tiện quan trọng nhất đảm bảo cho hoạt động lãnh đạo đạt hiệu quả tối ưu.
Dưới đây xin đề cập đến vai trò chủ yếu của năng lực tư duy lý luận đối với hoạt động của người cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
- Năng lực tư duy lý luận giúp người cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh nâng cao khả năng nhận thức chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tiếp thu những tri thức khoa học khác.
Thực tế chỉ rõ, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh thường xuyên va chạm với những vấn đề vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn. Cho nên, họ phải hiểu rõ và nắm được thực chất bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở đó mà hình thành năng lực định hướng đúng đắn và phương pháp luận khoa học cho nhận thức và hoạt động thực tiễn của họ. Nhận thức không đúng bản chất khoa học cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đã là một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động lãnh đạo của cán bộ kém hiệu quả. Hơn nữa, việc học tập, nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhuần nhuyễn cả về phương pháp và nội dung lại góp phần nâng cao năng lực tư duy lý luận.
Năng lực tư duy lý luận giúp cho việc nhận thức sâu sắc lý luận chung cũng như đường lối của Đảng, đồng thời giúp người cán bộ lãnh đạo truyền đạt, triển khai lại cho đối tượng lãnh đạo của mình nắm được thực chất các vấn đề. Nhận thức càng sâu sắc thì hành động càng hiệu quả do vậy công việc lãnh đạo cũng sẽ hiệu quả hơn. Như vậy, năng lực tư duy lý luận đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị tích lũy các tri thức cho hoạt động lãnh đạo.
- Năng lực tư duy lý luận giúp người cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh nâng cao năng lực nhận thức thực tiễn và vận dụng sáng tạo lý luận, đường lối của Đảng, pháp luật
của Nhà nước trong việc đề ra những nghị quyết, chủ trương, chính sách cụ thể trên địa bàn tỉnh mà mình phụ trách.
Nhờ có năng lực tư duy lý luận, người cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh phát hiện bản chất vấn đề thông qua nhiều hiện tượng phức tạp ngẫu nhiên, phát hiện các mối liên hệ mang tính quy luật cũng như xu hướng và phương thức vận động biến đổi của các sự vật, hiện tượng đặc biệt là những hiện tượng xã hội. Từ đó giúp người cán bộ lãnh đạo có được những chủ trương, nghị quyết đúng đắn khoa học, phù hợp với thực tiễn địa phương. Năng lực tư duy lý luận còn giúp người cán bộ lãnh đạo có thể thâm nhập sâu vào sự vật hiện tượng, phát hiện ra mâu thuẫn, tìm ra những vấn đề mới, những mâu thuẫn mới nảy sinh cần giải quyết; giúp họ so sánh để phân biệt cái giống và khác nhau, cái đúng cái sai; giúp họ từ những vấn đề riêng lẻ khái quát tìm ra những đặc tính chung, những nguyên nhân cơ bản, chủ yếu cũng như nắm bắt vấn đề trong chỉnh thể, hệ thống v.v... Trên cơ sở đó hoạt động lãnh đạo của họ mới thiết thực, hiệu quả.
Năng lực tư duy lý luận tạo khả năng vận dụng lý luận một cách sáng tạo vào thực tiễn, vận dụng cái chung một cách đúng đắn cho những lĩnh vực, những phạm vi cụ thể. Đó là năng lực cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng một cách thiết thực, sáng tạo. Năng lực này rất quan trọng đối với người lãnh đạo cấp tỉnh. Bởi nhiệm vụ chính trị cơ bản nhất của người lãnh đạo cấp tỉnh là xây dựng được những phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp cơ bản cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xuất phát từ thực tế địa phương, từ đường lối của Đảng mà xây dựng các mục tiêu, mô hình, các chương trình hành động cũng như những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy mà người lãnh đạo cấp tỉnh kết hợp được lý luận và thực tiễn trong một quy trình lãnh đạo thống nhất, góp phần vào việc xây dựng đường lối của Đảng. Trong điều kiện đổi mới ở nước ta hiện nay, năng lực tư duy lý luận giúp người cán bộ nâng cao khả năng nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo mô hình mới, phát huy sáng kiến, phát hiện cái mới tạo điều kiện cho cái mới phát triển.
Đúng như đồng chí Nguyễn Văn Linh đã viết: "Có nhận thức đúng và sâu mới làm đúng và làm có hiệu quả. Do đó muốn đổi mới trong cuộc sống trước hết phải đổi mới
trong tư duy. Nói đến tư duy là nói đến trình độ nắm bắt các quy luật khách quan, nói đến việc suy nghĩ theo đòi hỏi của các quy luật đó và áp dụng phù hợp với điều kiện của đất nước, nói đến quá trình sáng tạo và đề xuất các ý kiến mới, nói đến việc tìm tòi các biện pháp có hiệu quả cho hành động. Điều này phải chống chủ nghĩa kinh nghiệm hời hợt trong nhận thức, chống suy nghĩ chủ quan, bảo thủ, giáo điều, chống tách rời giữa lý luận và thực tiễn" [32, tr. 10].
- Năng lực tư duy lý luận giúp người cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh nâng cao năng lực xử lý thông tin để trên cơ sở đó ra được các quyết định đúng, chính xác, kịp thời.
Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của thông tin có ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Nhờ có thông tin, người cán bộ lãnh đạo có thể tự điều chỉnh mình, tự khắc phục, tránh được một số khâu mò mẫm khi chưa có được sự hướng dẫn, chỉ đạo của lý luận. Nhờ đó, có thể học hỏi lẫn nhau giữa các vùng, các dân tộc, các tỉnh bạn tránh lặp lại thất bại, sai lầm trong chỉ đạo thực tiễn.
Năng lực tư duy lý luận giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo nói chung, cấp tỉnh nói riêng phân tích, xử lý thông tin, kịp thời bổ sung, điều chỉnh những quyết định lãnh đạo cho đúng đắn hơn, hoàn chỉnh hơn, phù hợp hơn với thực tiễn. Vì vậy có thể nói, nếu xử lý thông tin tốt sẽ góp phần quan trọng làm cho việc chỉ đạo thực tiễn tốt hơn, hiệu quả hơn. Từ đó, thực tiễn cũng lại cung cấp nhiều thông tin, dữ liệu kịp thời và phong phú hơn cho sự khái quát lý luận.
- Năng lực tư duy lý luận giúp cho người cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh nâng cao khả năng nắm bắt, đánh giá tình hình thực tiễn, tìm ra nguyên nhân của thành công và thất bại, đúc rút bài học kinh nghiệm, định hướng cho hoạt động nhận thức và thực tiễn tiếp theo. Do vậy năng lực tư duy lý luận có tác dụng giúp họ nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn.
Năng lực tổng kết thực tiễn được thể hiện ở khả năng nắm bắt vấn đề thực tiễn cần tổng kết; khả năng phân tích, tổng hợp, chắt lọc những thông tin cơ bản, chủ yếu của vấn đề, đúc rút bài học góp phần xây dựng đường lối, bổ sung phát triển lý luận. Để đạt được những yêu cầu này cần phải có sự hỗ trợ của năng lực tư duy lý luận. Bởi vì, năng lực đó
giúp người cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh có khả năng định hướng công tác tổng kết thực tiễn, biết sử dụng những phương pháp tư duy khoa học để phát hiện kịp thời cái mới, cái tiến bộ, tìm ra những mâu thuẫn phát sinh trong thực tiễn để xây dựng các phương án khuyến khích, nâng đỡ cái mới tiến bộ, giải quyết mâu thuẫn một cách tối ưu nhất.
Hơn nữa, không phải cứ có nhiều kinh nghiệm thực tiễn là khái quát được thành lý luận đúng. Đó mới chỉ là điều kiện cần cho khái quát lý luận. Muốn khái quát kinh nghiệm thực tiễn thành lý luận thì phải có năng lực tư duy lý luận, có lý luận.
Chỉ trên cơ sở lý luận khoa học và phương pháp tư duy biện chứng duy vật, hoạt động tổng kết thực tiễn của người cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh mới đảm bảo được tính khách quan, khoa học và tính mục đích đúng đắn. Tức là bảo đảm cho những bài học, những kết luận rút ra mang tính lý luận khoa học, có giá trị chỉ đạo cho hoạt động thực tiễn tiếp theo cũng như điều chỉnh, bổ sung phát triển lý luận, đường lối chủ trương của Đảng nói chung và những phương hướng, giải pháp ở mỗi tỉnh nói riêng.
- Năng lực tư duy lý luận giúp người cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh nâng cao năng lực phân tích, tổng hợp, khái quát trong nhận thức và góp phần nâng cao năng lực