Giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam điều chỉnh quan hệ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Một phần của tài liệu Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và Công ước La Hay 1993 về bảo vệ trẻ em (Trang 51 - 57)

Pháp luật Việt Nam về vấn đề nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đã quy định tương đối đồng bộ và đầy đủ các điều kiện, trình tự, thủ tục cũng như thẩm quyền giải quyết, tạo nên khung pháp lí tương đối hoàn chỉnh điều chỉnh quan hệ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện giải quyết cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi trong những năm qua cho thấy còn không ít tồn tại, bất cập xảy ra, cả về pháp luật và về cơ chế chính sách. Trước tình hình đó, Việt Nam cần phải sớm hoàn thiện pháp luật về nuôi con nuôi, tạo cơ sở pháp lý an toàn, vững chắc và tin cậy cho việc giải quyết và quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Do vậy, Việt Nam cần phải thực hiện một số giải pháp sau đây :

Thứ nhất : Một số giải pháp đối với hồ sơ của người xin nhận con nuôi. - Chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài hoặc Cơ quan Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của nước ngoài tại Việt Nam để tìm hiểu rõ các quy định pháp luật của các nước về các giấy tờ có trong hồ sơ của Người xin nhận con nuôi để có các quy định phù hợp và chặt chẽ hơn ;

- Có thể nghiên cứu và kéo dài thời hạn của một số loại giấy tờ có trong hồ sơ của người xin nhận con nuôi. Ví dụ như : Giấy chứng nhận sức khoẻ có thể cho thời hạn là 01 năm cho phù hợp với việc khám sức khoẻ định kỳ của các nước bởi vì theo Nghị Định 68/2002/NĐ-CP của Chính phủ quy định Giấy xác nhận về tình trạng sức khoẻ của người xin nhận con nuôi và Phiếu lý lịch Tư pháp của người xin nhận con nuôi có trong hồ sơ của người xin nhận con nuôi phải do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú cấp chưa quá 06 tháng tình đến ngày Cục con nuôi quốc tế nhận hồ sơ. Tuy nhiên, theo quy định của một số nước, khi làm thủ tục xin phép nhận nuôi con nuôi tại nước nơi mình thường trú, người xin nhận con nuôi cũng phải nộp các giấy tờ như trên do đó khi đã nhận được giấy phép xin nhận con nuôi và hoàn tất hồ sơ để nộp tại Cục con nuôi quốc tế (Bộ Tư pháp) thì các giấy tờ đó bị quá hạn và người xin nhận con nuôi lại phải làm thủ tục xin lại các giấy tờ này, nên thời hạn chuẩn bị hồ sơ xin nhận con nuôi thường bị kéo dài, gây tâm lý chán nản cho người xin nhận con nuôi.

- Nên xem xét, bổ sung quy định đối với các nước mà khi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép nuôi con nuôi có kèm theo các giấy tờ của người xin nhận con nuôi đầy đủ như các giấy tờ quy định tại Nghị Định 68/2002/NĐ-CP và nếu các giấy tờ đó còn thời hạn thì chấp nhận đó là một bộ hồ sơ hoàn chỉnh, tránh việc người xin nhận con nuôi phải làm lại các giấy tờ, kéo dài thời gian chuẩn bị hồ sơ.

- Đối với các trường hợp hồ sơ xin nhận con nuôi của người nước ngoài thường trú tại các nước chưa ký Hiệp định về nuôi con nuôi với Việt Nam hay hồ sơ của Việt Kiều xin nhận họ hàng thân thích, nên đề nghị Cơ quan Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam cấp Giấy xác nhận Lãnh sự, xác nhận sự phù hợp với quy định của pháp luật nước ngoài về điều kiện, tư cách của người xin nhận con nuôi (tương tự như các trường hợp xin nhận con nuôi theo Hiệp định).

Thứ hai : Về đối tượng làm con nuôi; Nhà nước cần sớm ban hành văn bản nghiên cứu mở rộng đối tượng trẻ được xin đích danh. Bởi hiện nay, theo quy định của Nghị Định 68/2002/NĐ-CP thì đối tượng được cho làm con nuôi người nước ngoài là trẻ em đang sống trong các cơ sở nuôi dưỡng hợp pháp (trừ trường hợp ngoại lệ), theo đó đối tượng được tiếp nhận vào các cơ sở này được quy định tại Thông tư số 10/2002/TT-BLĐTBXH, bao gồm : trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi không có nguồn nuôi dưỡng, không có người thân thích để nương tựa hoặc trẻ em mồ côi nhưng người thân thích không đủ khả năng nuôi dưỡng và các đối tượng khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Nhưng lại không có cơ quan có thẩm quyền nào đưa ra văn bản hướng dẫn hoặc văn bản cụ thể nào quy định các đối tượng khác có thể được tiếp nhận vào các cơ sở, trung tâm bảo trợ xã hội.

Thứ ba : Pháp luật Việt nam đã cho phép tổ chức con nuôi nước ngoài hoạt động tại Việt Nam nếu họ đáp ứng đủ các điều kiện quy định. Tuy nhiên, Nghị Định 68/2002/NĐ-CP mới chỉ quy định cơ bản về điều kiện, trình tự và thủ tục lập Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam, nhưng quy chế hoạt động của các văn phòng này chưa được xác định rõ nét. Vì vậy, nhà nước cần đề ra quy chế hoạt động chung cho các tổ chức này, trên cơ sở đó các tổ chức này sẽ đề ra cho mình một quy chế phù hợp với quy chế chung nhằm thống nhất quản lý và

hướng các tổ chức này hoạt động theo đúng pháp luật, tránh được tình trạng hoạt động cạnh tranh không lành mạnh giữa tổ chức con nuôi nước ngoài của các quốc gia, gây tiêu cực, phản tác dụng trong thực tế, nhất là khi gia nhập Công ước La Hay 1993, Việt Nam sẽ phải chấp nhận sự hoạt động của Văn phòng con nuôi nước ngoài của các nước thành viên.

Thứ tư : Về phía Bộ Tư pháp, nên chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thụ lý và giải quyết hồ sơ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài ; tăng cường tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương làm tốt công tác giải quyết cho người nước ngoài nhận nuôi con nuôi Việt Nam. Bên cạnh đó, kịp thời đề nghị Nhà nước sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài để làm cho pháp luật Việt Nam hài hoà với thông lệ quốc tế cũng như pháp luật của các nước đã hoặc sắp ký Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi với Việt Nam. Nghiên cứu đề nghị Chính phủ mở rộng đối tượng trẻ được xin đích danh từ gia đình nhằm đáp ứng được nguyện vọng của cả người cho và người nhận con nuôi.

Thứ năm : Phải tăng thêm quyền cho Cục con nuôi quốc tế để cơ quan này có đủ thẩm quyền cần thiết để thực hiện một cách có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, mà trước hết cần phải phân định rõ thẩm quyền quyết định cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài giữa Cục Con nuôi quốc tế và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Có thể phân định thêm chức năng quyết định việc cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài cho Cục Con nuôi quốc tế.

Thứ sáu : Mở rộng việc kí kết hiệp định song phương về hợp tác nuôi con nuôi với các nước. Bởi theo Nghị Định 68/2002/NĐ-CP thì Việt Nam chỉ giải quyết cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở các nước đã kí kết hoặc tham gia điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi với Việt Nam. Đối với các nước chưa kí kết hoặc chưa tham gia điều ước quốc tế với Việt Nam thì chỉ giải quyết cho trẻ em làm con nuôi trong một số trường hợp. Do đó, Nhà nước ta cần mở rộng việc kí kết hiệp định về hợp tác nuôi con nuôi với các nước để có một cơ chế hợp tác quốc tế nhằm bảo vệ trẻ em Việt Nam được làm con nuôi, tránh cho trẻ em Việt Nam mọi rủi ro không đáng có khi làm con nuôi ở nước ngoài và tạo

điều kiện cho công dân các nước được nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Tuy nhiên, để hiệp định hợp tác nuôi con nuôi mà nước ta kí với các nước sau này đạt được kết quả tốt, Nhà nước ta cần có kế hoạch đầu tư ngân sách để tăng khả năng thu hút trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng, tạo nguồn giới thiệu cho nước ngoài. Đồng thời, cần tăng cường phát huy vai trò của ngành lao động – thương binh – xã hội và các cơ quan liên quan đến việc giải quyết nuôi con nuôi.

Thứ bảy : Nhà nước cần xem xét để sớm thành lập thêm các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, đồng thời hỗ trợ kinh phí, tăng cường trang bị cơ sở vật chất cho các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi suy dinh dưỡng để các trung tâm này có đủ điều kiện tiếp nhận trẻ vào trung tâm, đảm bảo “đầu ra” cho công tác giải quyết cho người nước ngoài nhận con nuôi.

Thứ tám : Cần kịp thời xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan hữu quan (như giữa Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và các cơ quan chức năng ở địa phương trong quá trình giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Tại địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cần chỉ đạo các ngành hữu quan (Tư pháp, Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an, Y tế) kịp thời xây dựng Quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận trẻ vào cơ sở nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn; xác minh nguồn gốc trẻ phục vụ công tác giải quyết cho người nước ngoài nhận nuôi con nuôi, nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện giải quyết tốt và hiệu quả vấn đề nuôi con nuôi quốc tế mà mục tiêu cao nhất là vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Như vậy, các giải pháp hoàn thiện pháp luật điều chỉnh quan hệ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau, do vậy các giải pháp trên phải được tiến hành một cách đồng bộ mới đem lại kết quả tích cực. Đồng thời, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn cả từ phía nhà nước và xã hội để thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thiện chế định nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

KẾT LUẬN

Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại thì việc bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em trong đó có quyền được làm con nuôi, được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình thay thế đối với những đứa trẻ bất hạnh là điều luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và bảo đảm thực hiện.

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài ngày càng tăng, trong đó số lượng trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi người nước ngoài chiếm một số lượng lớn. Ở góc độ nào đó thì đây là điều đáng mừng song bên cạnh đó đòi hỏi sự hoàn thiện của pháp luật để bảo đảm quyền lợi của trẻ em không bị xâm phạm.

Trong thời gian vừa qua, pháp luật Việt Nam về vấn đề nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài được quy định cụ thể và ngày càng hoàn thiện hơn. Các Hiệp định hợp tác nuôi con nuôi giữa Việt Nam và các nước đã được kí kết như Hiệp định hợp tác nuôi con nuôi giữa Việt Nam với Pháp, Italia, Đan Mạch, Ailen, Thuỵ Điển và gần đây nhất là Hiệp định hợp tác nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Bỉ. Tạo cơ sở pháp lí quan trọng để việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi. Song bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số khó khăn và bất cập cần sớm được tháo gỡ trong quá trình giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài . Như vậy, chúng ta phải có các giải pháp phù hợp để giải quyết những bất cập, khó khăn trước khi có thể tuyên bố gia nhập “Công ước La Hay 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi

Một phần của tài liệu Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và Công ước La Hay 1993 về bảo vệ trẻ em (Trang 51 - 57)