Sự cần thiết ra nhập Công ước La Hay

Một phần của tài liệu Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và Công ước La Hay 1993 về bảo vệ trẻ em (Trang 37 - 39)

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của việc giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam thì việc Việt Nam gia nhập Công ước La Hay là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi vì, khi gia nhập Công ước La Hay 1993 sẽ thúc đẩy quá trình hoàn thiện pháp luật về vấn đề nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, đồng thời giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn vào cộng đồng quốc tế, cùng phấn đấu với mục tiêu chung vì hạnh phúc của trẻ em.

Thứ nhất : Việt Nam là nước đang phát triển, tốc độ tăng trưởng dân số cao song mức sống lại thấp, điều kiện sống khó khăn, nhiều trẻ em cần được nuôi dưỡng nhưng bản thân ngân sách nhà nước lại rất eo hẹp không có khả năng trang trải, nuôi dưỡng cho số lượng lớn trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, trẻ lang thang, tàn tật. Do vậy nuôi con nuôi quốc tế được Đảng và Nhà nước ta quan tâm kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.

Do đó, số lượng trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài chiếm tỉ lệ lớn hơn so với các nước trong khu vực. Vì vậy, việc tham gia Công ước sẽ tạo

cơ sở pháp lý trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em Việt Nam sau khi đã được giải quyết cho làm con nuôi người nước ngoài.

Thứ hai, việc gia nhập Công ước sẽ tạo điều kiện cho chúng ta có cơ chế hợp tác quốc tế rộng lớn với các nước trong lĩnh vực nuôi con nuôi, khắc phục được hạn chế của các Hiệp định song phương về nuôi con nuôi chỉ điều chỉnh quan hệ nuôi con nuôi phát sinh giữa công dân hai nước kí kết, nhưng thực tế quan hệ nuôi con nuôi thường phát sinh giữa công dân nước ta với công dân các nước chưa kí kết hiệp định. Đồng thời, việc Việt Nam gia nhập Công ước La Hay 1993 sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí đáng kể cho việc đàm phán, kí kết hiệp định hợp tác nuôi con nuôi với từng nước.

Thứ ba, việc gia nhập Công ước La Hay năm 1993 sẽ có một số điểm thuận lợi đối với công tác hợp pháp hoá. Theo các quy định trong Chương IV của Công ước La Hay 1993, việc cho con nuôi sẽ được quyết định trên cơ sở các bản báo cáo về cha mẹ nuôi và con nuôi của các Cơ quan Trung ương. Qua các báo cáo này, các Cơ quan Trung ương sẽ đánh giá cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật của nước mình hay không. Nhờ đó, các điểm khác biệt giữa pháp luật các nước về từng loại giấy tờ cụ thể trong hồ sơ nuôi con nuôi sẽ được giải quyết. Ngoài ra, việc chuyển giao hồ sơ nuôi con nuôi thông qua Cơ quan Trung ương hoặc Cơ quan khác được uỷ quyền của các nước sẽ hạn chế được tình trạng giấy tờ giả mạo, giấy tờ không hợp lệ do các Cơ quan này phải thẩm tra trước các giấy tờ, tài liệu của nước mình. Các cơ quan có thẩm quyền về hợp pháp hoá sẽ không phải gặp phải nhiều khó khăn trong việc thẩm tra, xác minh giấy tờ như trước đây khi hồ sơ xin con nuôi do các cá nhân trực tiếp chuyển đến.

Thứ tư, việc tham gia và triển khai thực hiện Công ước, Việt Nam sẽ xây

dựng cơ chế giải quyết việc cho và nhận nuôi con nuôi chặt chẽ, minh bạch vì lợi ích tốt nhất của đứa trẻ. Người nước ngoài sẽ không trực tiếp đến Việt Nam để tìm kiếm trẻ em mà hồ sơ nhận con nuôi sẽ được cơ quan trung ương của nước nhận trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức được uỷ quyền chuyển đến cơ quan Trung ương của Việt Nam, sau đó cơ quan trung ương của Việt Nam làm đầu mối giải quyết, xử lý hồ sơ trong nội bộ. Người nước ngoài chỉ có mặt tại

Việt Nam khi nào thủ tục đã hoàn tất. Quy trình này sẽ hạn chế được những tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình cho nhận con nuôi quốc tế.

Một phần của tài liệu Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và Công ước La Hay 1993 về bảo vệ trẻ em (Trang 37 - 39)