6. Bố cục luận văn
2.1.1. Không gian làng quê gắn với sinh hoạt đời thường và những
hoạt mang tính cộng đồng.
Mỗi con người, mỗi xã hội đều có quá trình lịch sử nhất định nào đó, gắn liền với không gian, thời gian nào đó, cho dù là không gian, thời gian vật lí hay tâm linh. Trong thơ Anh Thơ, không gian làng quê có hai kiểu cơ bản: không gian cảnh sắc làng quê và không gian sinh hoạt cộng đồng. Không gian cảnh sắc làng quê gắn liền với những sinh hoạt đời thường bình dị của con người. Từ không gian nhỏ hẹp của một gia đình, đến xa hơn là không gian khung cảnh đồng quê mênh mông bát ngát gắn liền với hình ảnh con đường, bờ đê, ruộng đồng, đồi bãi, đàn trâu, lũ trẻ con thả diều, hình ảnh khách đợi đò, hình ảnh cô gái tát nước đêm trăng, hình ảnh cô gái lao động trên ruộng lúa, hình ảnh cánh cò...Không gian sinh hoạt cộng đồng gắn liền với lễ hội, phong tục cổ truyền.
Trong thơ Anh Thơ, không gian đồng quê gắn liền với hình ảnh về đồng quê, bờ đê, con đường, lũy tre xanh, ruộng cỏ..., Anh Thơ say mê dẫn dắt độc giả về đồng quê chiêm trũng – Bắc bộ. Không gian trải dài theo hình ảnh bờ đê trên đồng ruộng. Khung cảnh ở đây cũng rất sinh động, gắn với hình ảnh đàn sáo đen
mổ vu vơ, cỏ non tràn biếc thật đẹp, dịu mát, đàn trâu bò ăn cỏ ven đê..., không gian rất thoáng đãng, hiện lên cả ba chiều: cao, rộng, râu. Cái mênh mông của cảnh vật đất trời, nơi đồng quê lan tỏa cái cô đơn trống vắng vào cảnh vật lòng người.
Không gian ấy cũng được trải dài theo hình ảnh những cánh đồng lúa xanh non trải dài đến tận chân trời. Không gian ấy làm nền cho sự xuất hiện của đám người đi trẩy hội ven sông, ven đê mang nếp sống phong tục cổ truyền miền Bắc:
Lúa xanh đồng gợn sóng tại chân mây..., Dọc đường cỏ ven sông cùng trẩy hội..., Trong khi gió ngang đường tung phấp phới”. ( Ngày xuân )..., Ngoài đê thẳm, không người đi vắng vẻ/ Lũ chuồn chuồn dỡn nắng đuổi nhau bay ( Trưa hè ).
Hình ảnh lũ chuồn chuồn dỡn nắng làm cho không gian đồng quê thêm vắng vẻ, rợn ngợp. Không gian ấy bị thu hẹp lại trong những cơn mưa.
Ngược dòng bờ đê, ta trở về với không gian bến vắng, không một bóng người qua lại, chỉ có một cô lái đò ngồi đợi khách trên sông trăng: Trên bến vắng bờ tre ôm bực đá / Bờ đê cao không một bóng in người..., Ngồi mơ mộng đầu thuyền cô lái nhỏ/ Khua trăng vàng trong nhịp hát đò đưa...”(Bến đò ngày mưa), Ngoài đồng lúa một vài con vạc trắng/ Lướt ăn đêm thưa thớt tiếng kêu buồn...”
( Đêm trăng đông ). Cảnh vật trải dài rộng và tràn ngập ánh trăng đêm, gió thoảng, khói sương mù. Đối lập với không gian tĩnh lặng, huyền ảo của cánh đồng quê trong những đêm trăng, chúng ta lại được chiêm ngưỡng một không gian đồng quê thoáng đãng, ấm áp, cao rộng gắn liền với hình ảnh mưa bụi, hoa xoan tím, đàn sáo đen, lũ cò con, mấy cánh bướm trôi trước gió...Cảnh vật đồng quê hiện lên sinh động có hồn: “ Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng/ Đò biếng lười
nằm mặc nước sông trôi/..., Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng/ Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra/ Làm giật mình một cô nàng yếm thắm/ Đang cuốc cào ruộng cỏ rắp ra hoa...” ( Chiều xuân ). Không gian ấy làm nền cho sự xuất hiện đột ngột
khỏe khoắn tươi tắn của cô thôn nữ với công việc đồng áng. Không gian ấy cũng làm nền tảng cho cô thôn nữ tát nước trong những ngày đại hạn với tâm trạng chán nản : “ Trong đồng lúa một vài cô tát nước/ Cuốn dây gầu chán nản tát
đồng không ...”(Đại hạn). Không gian đồng quê, sông quê cũng làm nền cho sự
xuất hiện của các chàng trai cô gái tát nước đêm trăng cười đùa vui nhộn: “Múc trăng lên theo tiếng hát mơ màng..., Thấp thoáng bóng trên sông đào phía trước / Bọn trai làng bơi tắm nói cười vang...” (Đêm hè )
Trải theo bước chân của nữ sĩ Anh Thơ từ không gian, khung cảnh đồng quê, lần theo những con đê trở về thôn xóm, chúng ta được chiêm ngưỡng cảnh sắc làng quê miền đồng bằng Bắc bộ hiện lên thật đẹp. Không gian gắn liền với bức tranh thiên nhiên làm nền cho những sinh hoạt đời thường của con người và cả những sinh hoạt mang tính cộng đồng làng Việt cổ.
Không gian làng quê thanh bình với tiếng gà trưa xao xác, tiếng võng đưa kẽo kẹt..., gắn liền với hình ảnh đàn ruồi rạc nắng, hoa lựu đỏ vườn: “Trong thôn
vắng tiếng gà xao xác gáy/ Các bà già đưa võng hát thiu thiu/ Những đĩ con ngồi lê bắt chấy/ Bên đàn ruồi rạc nắng hết hơi kêu...” ( Trưa hè ), không gian làng
quê mênh mông, oi bức của buổi trưa hè dần bị thu hẹp trong những cơn mưa tầm tã, làm nền cho sự xuất hiện của cảnh vật, cuộc sống: nhà cửa bị gió cuốn xiu vẹo, lợn trong chuồng nằm ngủ quên trưa..., rất sinh động, rất tiêu biểu cho nông thôn miền chiêm trũng trong những ngày mưa gió : “Yên ổn nhất trong
gian chuồng êm cỏ / Lũ lợn nằm mát mẻ ngủ quên trưa ...” ( Mưa ); “ Khắp làng xóm nhà nhà xiêu tốc mái/ Mưa như tên vun vút bắn tung hoành...” ( Đêm giông tố ). Không gian ấy trở nên cao trong xanh lơ lửng, gắn với hình ảnh bờ cam, bụi chuối, tiếng chuông chùa từ xa xa vọng lại: “ Bụi chuối vàng run đón gió bay
qua..., Ngoài ngõ lội ông già lần bước gậy..., Trong bếp ướt mẹ cu ngồi sàng sẩy/ Mắt băn khoăn thỉnh thoảng ngước trông trời ...” ( Chiều thu ). Không gian thu
ướt át lạnh lẽo. Người phụ nữ vừa sàng sẩy gạo vừa băn khoăn ngước trông trời, Anh Thơ có cái nhìn rất tinh tế cảnh vật và con người ở làng quê.
Không gian làng quê gắn liền với những sinh hoạt mang tính cá nhân của mỗi nhà, mỗi người riêng biệt. Không gian bờ đê, cánh đồng, xóm làng làm nền cho sự xuất hiện của một đám cưới – hạnh phúc riêng tư cá nhân, hay một đám tang cũng thể hiện niềm đau buồn riêng tư: “ Tiếng pháo nổ - nổ qua vài tiếng
pháo/ Một ông già trịnh trọng rước hương đi/ Cười theo bước một ông già trâng tráo/ Mấy cô nàng bỏm bẻm nhai trầu thi/ Chú rể thẹn, ngập ngừng đưa bước chậm/ Quần chúp bâu sột soạt chưa phai hồ...” ( Đám cưới ), “Kèn trống nổi dàn hàng cờ đối lướt/ Theo gió chiều phất phới trắng sương tang...”( Đám ma ).
Trong yếu tố cá nhân của một đám ma, đám cưới hay một hoạt động riêng tư gia đình người Việt, công việc đồng áng, sinh hoạt làng quê..., chúng ta thấy được bản sắc văn hóa vùng miền, thậm chí khi so sánh lịch đại, chúng ta sẽ thấy được sự khác nhau trong nếp nghĩ, lối sống, cách ứng xử người Việt giữa các thời kì lịch sử của dân tộc. Nét văn hóa cổ truyền hiện lên từ một đám cưới hay một đám tang rất rõ nét: chú rể mặc quần chúp bâu, rước dâu gắn liền phong tục cổ, đám ma cũng vậy, hiện nay có rất nhiều nét văn hóa cổ truyền ấy có sự thay đổi.
Như vậy không gian làng quê không chỉ lấy bức tranh cảnh sắc làm nền cho sự xuất hiện của con người trong cuộc sống đời thường gắn liền với những sinh hoạt cá nhân riêng tư mà còn làm nền cho những sinh hoạt mang tính cộng đồng, phong tục, tập quán của người Việt. Đó là không gian gắn liền với lễ hội đình đám: “ Trong đường xóm trống chiêng vang nhịp nổi/ Trẻ con theo sư tử
rước vang ầm/ Ngoài đình sáng tiếng cười chen tiếng nói/ Gái trai làng ra họp hát trống quân ...” (Rằm tháng tám ). Một không gian thu trong xanh, gắn liền
với sân đình, đường xóm với sự xuất hiện của các sinh hoạt văn hóa truyền thống, chiêng trống lễ hội trung thu vang lừng, đội múa lân biểu diễn, gái trai làng hát trống quân. Không gian tươi vui, tràn ngập ánh trăng vàng. Không gian làng quê cũng làm nền cho lễ hội đêm rằm tháng giêng gắn liền với hình ảnh đình chùa, các bô lão yếm hồng, các cô nàng khuyên bạc và những trang sức sặc sỡ..., hiện diện trong lễ hội đêm rằm thật vui nhộn: “ Chùa mở hội người làng nô
nức tới/ Trong khói trầm trong ánh nến xôn xao/ Các bô lão yếm hồng tươi khoe mới/ Các cô nàng khuyên bạc sáng như sao..., Ngoài sân chùa trăng tươi tung ánh bạc/ Lũ trai tơ rộn rịp lượn ra vào/ Thỉnh thoảng họ lại Nam mô lên một loạt/ Rồi cười đùa các ả đến dâng hoa...” ( Đêm rằm tháng giêng ). Không gian lễ hội
đêm rằm vui nhộn, cùng với không khí nghiêm trang của giáo lí, mọi người cũng bộc lộ những nét tinh nghịch, trêu đùa..., rất hồn nhiên.
Trải dài rộng theo bước chân của nữ sĩ Anh Thơ, ta lại được chiêm ngưỡng không gian chợ quê rất vui nhộn gắn liền với các hình ảnh người buôn bán ra vào tấp nập, những người đánh bạc tụ tập, các cô gái chen nhau vào bói quẻ duyên tình: “Chợ đông quá! Chỗ này vài chiếu bạc/ Những chàng trai ô mới
mở dương vây/ Trên những giải lưng điều bay phấp phới/ Các cô nàng lơ lẳng nón quai thao ...” ( Chợ ngày xuân ). Qua vài nét cơ bản, chúng ta thấy khung
cảnh họp chợ ở làng quê thật vui nhộn.
Như vậy, không gian sinh hoạt cộng đồng trong thơ nữ sĩ được hiện lên rất phong phú, đa dạng. Không gian sinh hoạt cộng đồng không chỉ là cảnh vật sinh động mà thấm đẫm chất lễ nghi, phong tục tập quán cổ truyền bao đời. Những hình ảnh được kết tinh từ những cái bình dị, mộc mạc nhất trong thơ nữ sĩ hiện lên những cái thường ngày của con người như; cách ăn mặc, lối sống, nếp suy nghĩ…mang đậm bản sắc văn hóa làng quê. Nhận định về đóng góp của nữ sĩ Anh Thơ, Vũ Quần Phương cho rằng: “ Những thi sĩ lớp 1930 -1945 đã có nhiều
cống hiến đặc biệt thơ hiện đại Việt Nam.Và cũng chính họ đã từng là chủ lực trong nền thơ ca cách mạng sau tháng 8 – 1945. Anh Thơ thuộc vào lớp người đó…nhưng chị vẫn có những đóng góp riêng. Anh Thơ làm giàu thêm lòng yêu quê hương làng nước của người Việt Nam mình”.