Phương pháp kiểm kê trữ lượng

Một phần của tài liệu Công tác điều tra rừng ở Việt Nam (Trang 48 - 49)

1. Điều tra rừng cục bộ

1.9.Phương pháp kiểm kê trữ lượng

Mục đích của việc kiểm kê trữ lượng là thống kê, tổng hợp và phân tích trữ lượng rừng để phục vụ cho việc thiết kế kinh doanh rừng. Việc kiểm kê trữ lượng được tiến hành đối với tất cả các trạng thái rừng trong khu điều tra và được thống kê từ đơn vị nhỏ nhất là lô.

Các phương pháp kiểm kê trữ lượng gồm (1)Kiểm kê toàn diện là phải đo đếm toàn bộ cá thể đối với những đối tượng đặc biệt như rừng đặc sản quý hiếm hoặc rừng nghiên cứu khoa học; (2) Kiểm kê theo kiểu rút mẫu hệ thống được áp dụng phổ biến với mọi trạng thái rừng. Nguyên tắc chung của phương pháp rút mẫu hệ thống là (a) chỉ được rút mẫu hệ thống sau khi có số liệu kiểm kê diện tích. Có thể sử dụng số liệu tính toán sơ bộ về phân bố diện tích các trạng thái rừng trên ảnh hoặc trên bản đồ hiện trạng để tính toán định mức diện tích trong việc rút mẫu; (b) mẫu được rút theo phương pháp hệ thống đồng đều cho từng trạng thái rừng, nghĩa là định mức diện tích cho một ô hoặc một nhóm ô tiêu chuẩn hoặc mạng lưới ô

Quy cách ô tiêu chuẩn đối với (1) Rừng gỗ cần sử dụng ô tiêu chuẩn có diện tích 500m2 với dạng hình chữ nhật hoặc hình tròn thống nhất trong một khu điều tra; (2) Rừng tre nứa có thể lập ô tiêu chuẩn có diện tích 25 m2- 100 m2 hoặc mục trắc theo bụi.

Phương pháp triển khai tại thực địa được áp dụng một trong hai hình thức sau đây (1) Ở những nơi có diện tích các trạng thái rừng liên tục và điều kiện điạ hình cho phép sẽ sử dụng một lưới ô đo đếm có dạng hình vuông hoặc chữ nhật, đồng nhất về mặt quy cách cho một trạng thái rừng trong toàn khu điêù tra. (Quy cách của mạng lưới được tính toán trên cơ sở dung lượng mẫu và diện tích của trạng thái rừng tương ứng); (2) Ở những nơi các trạng thái rừng phân bố xen kẽ thì lấy định mức diện tích cần có cho một ô đo đếm của từng trạng thái làm chuẩn để tính toán lượng ô đo đếm cần thiết cho từng lô, sau đó rải số ô đó trên hệ thống tuyến đo đếm được mở riêng cho từng khoảnh (Quy cách hệ thống tuyến này giống như tuyến điều tra quy định ở trên)

Thu thập số liệu và tính toán trữ lượng rừng có thể thực hiện bằng cách dùng biểu thể tích và biểu trọng lượng, áp dụng chung cho hầu hết các lâm phần cây lá rộng và tre nứa. Tính toán trữ lượng bằng biểu thể tích và thu thập các nhân tố điều tra sau đây:

Đo đường kính thân cây (D1,3) cho tất cả cây trong ô đo đếm. Đường kính D1,3 được đo một lần theo hướng xuyên tâm ô đo đếm. Đối với rừng trồng và rừng gỗ nhỏ cần bắt đầu đo những cây có D1.3 từ 7cm trở lên và đo theo cấp kính là 2cm. Đối với rừng gỗ lớn bắt đầu đo những cây có D1.3 từ 10cm trở lên và đo theo cấp kính 2cm hoặc 4cm. Đối với rừng tre nứa cần bắt đầu đo những cây có D1.3 từ 2cm trở lên và đo theo cấp kính 1cm.

Xác định tên của những loài cây quý hiếm và cây có tổ thành từ 5% trở lên, lấy tiêu bản để giám định các loài chưa biết tên. Đánh giá phẩm chất cây dựa vào hình thái bên ngoài theo 3 cấp là tốt, trung bình và xấu.

Đo chiều cao thân cây gồm cả 2 chỉ tiêu là chiều cao vút ngọn và dưới cành. Số lượng ô đo chiều cao tuỳ thuộc mức độ biến động chiều cao và độ chính xác yêu cầu.

Tính thể tích bằng cách dùng biểu thể tích hai nhân tố lập sẵn trong "Sổ tay Điều tra Qui Hoạch rừng", Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội, 1995, để tra thể tích cây căn cứ vào tên loài cây, đường kính, chiều cao. Nếu chưa biết tên loài cây hoặc chưa có biểu thể tích lập cho loài đó thì sử dụng biểu thể tích 2 nhân tố lập chung cho mọi loài cây trong phạm vi toàn quốc trong số tay điều tra qui hoạch rừng nói trên (trang 139-141).

Kiểm tra độ tin cậy bằng cách dùng số liệu của toàn bộ các ô đo đếm để tính sai số theo biến động thực và dung lượng mẫu đã rút. Nếu sai số vượt quá cho phép thì cần tính lại dung lượng mẫu và phải đo đếm bổ sung.

Lập bảng biểu ghi kết quả là tài liệu gốc, sau khi được kiểm tra sẽ được tập hợp theo

từng trạng thái rừng để tính toán thống kê và tổng hợp số liệu về các nhân tố điều tra: Trữ lượng bình quân trên ha, trữ lượng lô, phân khoảnh và khoảnh sau đó tập hợp theo đơn vị tiểu khu.

Một phần của tài liệu Công tác điều tra rừng ở Việt Nam (Trang 48 - 49)