II. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu tạ
1. Về phía Ban quản lý dự án 5 Bộ Giao thông vận tải
1.1. Cải tiến cách lựa chọn tư vấn:
Hoạt động tư vấn có ý nghĩa quan trọng và mang tính quyết định đến hiệu quả công tác đấu thầu và chất lượng của công trình xây dựng. Bởi chức năng của tổ chức tư vấn là thay mặt bên mời thầu để thực hiện các công việc như: lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, chuẩn bị hồ sơ mời thầu… tất cả các công việc đó đều rất quan trọng và quyết định đến chất lượng công tác đấu thầu ở các bước tiếp theo.
Tại Ban 5, do đặc thù của ngành xây dựng công trình giao thông vận tải, do tính phức tạp về kỹ thuật và công nghệ xây dựng nên việc lựa chọn tư vấn thường được thực hiện qua hình thức chỉ định thầu. Vì trong thời gian qua, các công tác phục vụ đấu thầu ở giai đoạn đầu vào của dự án (như công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập thiết kế kỹ thuật và dự tóan…) còn yếu về chất lượng, mà nguyên nhân lớn nhất thuộc về trách nhiệm của đơn vị tư vấn và các phòng ban chức năng của Ban QLDA, nhiều khi còn mắc những sai lầm sơ đẳng để giá dự thầu quá thấp dẫn đến phải thực hiện chào lại giá, hoặc giá thầu quá cao dẫn đến thất thoát. Vì vậy cần năng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm cũng như chế tài xử lý đối với các đơn vị lập thiết kế, khâu đầu vào của hồ sơ mời thầu.
Trong thời gian tới, Ban QLDA 5 dự định sẽ áp dụng hình thức lựa chọn tư vấn thông qua đấu thầu hạn chế hoặc đấu thầu rộng rãi để tăng cường tính cạnh tranh và tìm được nhà thầu tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm thật sự. Nhưng trong thực tế Việt Nam hiện nay, năng lực của các nhà tư vấn vẫn còn rất nhiều hạn chế đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông do vậy hình thức chỉ định thầu mặc dù không được khuyến khích áp dụng, nhưng trong thực tế hiện nay thì đó là điều khó tránh khỏi.
Khi lựa chọn tư vấn Ban 5 có thể dùng phương pháp dựa trên cơ sở chất lượng – chi phí để đánh giá các nhà thầu, phương pháp này như sau:
- Bước 1: Đánh giá đề xuất kỹ thuật về: kinh nghiệm (kinh nghiệm thực hiện các dự án trong cùng lĩnh vực với gói thầu; kinh nghiệm thực hiện các gói thầu tương tự…); phương pháp luận (sự hiểu biết chung về gói thầu, kế hoạch thực hiện dịch vụ tư vấn, sự hợp lý của tiến độ thực hiện các công việc, kế hoạch sử dụng nhân lực…); về nhân sự (trình độ học vấn chung của các chuyên gia tư vấn, số năm công tác, kinh nghiệm được thực hiện các gói thầu tương tự…). Sau khi đánh gía đề xuất kỹ thuật, nhà thầu nào đạt điểm tiêu chuẩn sẽ được đánh giá đề xuất tài chính.
- Bước 2: Đánh giá đề xuất tài chính:
Tất cả đề xuất tài chính của các nhà thầu đạt điểm tiêu chuẩn về kỹ thuật đều được mở ra để đánh giá, số điểm mà nhà thầu đạt được tỷ lệ nghịch với giá chào thầu. Thang điểm cho đề xuất tài chính bằng với thang điểm kỹ thuật, nhà thầu nào có giá thấp nhất thì cho điểm cao nhất.
Điểm tối đa x Mức giá thấp nhất của các nhà thầu Điểm tài chính của A = --- Mức giá mà nhà thầu A đưa ra
- Bước 3: Đánh giá tổng hợp :
Điểm tổng hợp = Điểm kỹ thuật x a + Điểm tài chính x b Trong đó :
a : là tỷ trọng điểm kỹ thuật trong tổng số điểm tổng hợp b : là tỷ trọng điểm tài chính trong tổng số điểm tổng hợp
a + b = 1 và a ≥ 70% b ≤30%
Tỷ trọng về điểm tài chính không được vượt quá 30% số điểm tổng hợp. Nhà thầu nào có điểm tổng hợp cao nhất sẽ được đề xuất trúng thầu.
Phương pháp này có ưu điểm là so sánh được đề xuất tài chính của các nhà thầu, chọn được nhà thầu có đề xuất kỹ thuật tốt nhất với giá hợp lý nhất.
Tuy nhiên nó cũng có nhược điểm là khó trong việc xác định baren điểm; và nếu xác định tỷ trọng điểm tài chính và điểm kỹ thuật không chính xác thì việc lựa chọn nhà thầu sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, vấn đề cũng đáng quan tâm là tư vấn giám sát. Tư vấn giám sát là một khâu quan trọng quyết định sự thành công của công trình xây dựng cơ bản, mà hiện nay chi phí tư vấn giám sát mới chỉ chiếm 0,6% gía trị xây lắp, nên chăng tăng chi phí tư vấn giám sát qua đó sẽ phần nào nâng cao được hiệu quả làm việc của tư vấn giám sát từ đó nâng cao chất lượng công trình xây dựng.