C) Phân tích dự án:
4. Đánh giá, nhận xét các nội dung về phương diện kỹ thuật
– Địa điểm xây dựng
+ Xem xét, đánh giá địa điểm có thuận lợi về mặt giao thông hay không, có gần các nguồn cung cấp: nguyên vật liệu, điện, nước và thị trường tiêu thụ hay không, có nằm trong quy hoạch hay không.
+ Cơ sở vật chất, hạ tầng hiện có của địa điểm đầu tư thế nào; đánh giá so sánh về chi phí đầu tư so với các dự án tương tự ở địa điểm khác.
+ Địa điểm đầu tư có ảnh hưởng lớn đến vốn đầu tư của dự án cũng như ảnh hưởng đến giá thành, sức cạnh tranh nếu xa thị trường nguyên vật liệu, tiêu thụ.
– Quy mô sản xuất và sản phẩm của dự án:
+ Công suất thiết kế dự kiến của dự án là bao nhiêu, có phù hợp với khả năng tài chính, trình độ quản lý, địa điểm, thị trường tiêu thụ,... hay không.
+ Sản phẩm của dự án là sản phẩm mới hay đã có sẵn trên thị trường. + Quy cách, phẩm chất, mẫu mã của sản phẩm như thế nào. + Yêu cầu kỹ thuật, tay nghề để sản xuất sản phẩm có cao không. – Công nghệ, thiết bị:
+ Quy trình công nghệ có tiên tiến, hiện đại không, ở mức độ nào của thế giới.
+ Công nghệ có phù hợp với trình độ hiện tại của Việt Nam hay không, lý do lựa chọn công nghệ này.
+ Phương thức chuyển giao công nghệ có hợp lý hay không, có đảm bảo cho chủ đầu tư nắm bắt và vận hành được công nghệ hay không.
+ Xem xét, đánh giá về số lượng, công suất, quy cách, chủng loại, danh mục máy móc thiết bị và tính đồng bộ của dây chuyền sản xuất.
+ Trình độ tiên tiến của thiết bị, khi cần thiết phải thay đổi sản phẩm thì thiết bị này có đáp ứng được hay không.
+ Giá cả thiết bị và phương thức thanh toán có hợp lý, đáng ngờ không.
+ Thời gian giao hàng và lắp đặt thiết bị có phù hợp với tiến độ thực hiện dự án dự kiến hay không.
+ Uy tín của các nhà cung cấp thiết bị, các nhà cung cấp thiết bị có chuyên sản xuất các thiết bị của dự án hay không. Khi đánh giá về mặt công nghệ, thiết bị, ngoài việc dựa vào hiểu biết, kinh nghiệm đã tích luỹ của mình, Cán bộ thẩm định cần tham khảo các nhà chuyên môn, trong trường hợp cần thiết có thể đề xuất với Lãnh đạo thuê tư vấn chuyên ngành để việc thẩm định được chính xác và cụ thể.
– Quy mô, giải pháp xây dựng
+ Xem xét quy mô xây dựng, giải pháp kiến trúc có phù hợp với dự án hay không, có tận dụng được các cơ sở vật chất hiện có hay không.
+ Tổng dự toán/dự toán của từng hạng mục công trình, có hạng mục nào cần đầu tư mà chưa được dự tính hay không, có hạng mục nào không cần thiết hoặc chưa cần thiết phải đầu tư hay không.
+ Tiến độ thi công có phù hợp với việc cung cấp máy móc thiết bị, có phù hợp với thực tế hay không.
+ Vấn đề hạ tầng cơ sở: giao thông, điện, cấp thoát nước...
– Môi trường, PCCC: Xem xét, đánh giá các giải pháp về môi trường, PCCC của dự án có đầy đủ, phù hợp chưa, đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trong trường hợp yêu cầu phải có hay chưa. Trong phần này, Cán bộ thẩm định cần phải đối chiếu với các quy định hiện hành về việc dự án có phải lập, thẩm định và trình duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, PCCC hay không.