1.2.2.1 Các nhân tố chủ quan:
● Các nhân tố thuộc về ngân hàng:
Cán bộ nhân viên ngân hàng .
Một trong những đặc tính của sản phẩm ngân hàng là hình thức dịch vụ mang hình thái phi vật chất mà cả quá trình sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm phải được tiến hành một cách đồng thời với sự tham gia của 3 yếu tố: Khách hàng- Nhân viên ngân hàng – Cơ sở vật chất trang thiết bị. Do đó nhân viên ngân hàng có tác động trực tiếp đến hiệu quả của ngân hàng cũng như hoạt động tín dụng của NHTM. Khi mà ngân hàng có một đội ngũ cán bộ nhân viên có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt thực hiện nhuần nhuyễn chính xác các công việc nghiệp vụ của mình thì ngân hàng sẽ có kết quả cao trong hoạt động và ngược lại. Hoạt động tín dụng là một trong những hoạt động cơ bản của ngân hàng, kết quả của hoạt động tín dụng có ảnh hưởng rất lớn tới toàn bộ mọi hoạt động khác của ngân hàng do vậy trình độ của cán bộ nhân viên tín dụng có vai trò quan trọng nhất định trong cơ cấu tổ chức cán bộ của NHTM.
Nhân viên tín dụng ngân hàng là đội ngũ trực tiếp xử lý các nghiệp vụ tín dụng như cho vay, bảo lãnh, chiết khấu… cho các khách hàng, xử lý các qui trình tín dụng từ việc xem xét hồ sơ cho vay, phân tích tín dụng, giải ngân, thu nợ, xử lý các rủi ro liên quan. Đội ngũ nhân viên có trình độ cao thì các hợp đồng tín dụng sẽ được xử lý tốt, ngân hàng có được một khoản cho vay thành công tránh được rủi ro và mang lại lợi nhuận cho ngân hàng. Trong đó có thể nói nhân viên giao dịch với khách hàng là hình ảnh của NHTM, bởi sản phẩm của ngân hàng mang hình thái phi vật chất khách hàng chỉ có thể đánh giá chất lượng của sản phẩm sau khi đã sử dụng nó do thế trước hết để xem xét có nên sử dụng sản phẩm dịch vụ nào đó của ngân hàng không
thông thường khách hàng sẽ lựa chọn theo cảm tính như thương hiệu, mức độ phổ biến, sự thuận tiện…đặc biệt là thông qua thái độ tiếp xúc của nhân viên ngân hàng- nhân viên giao dịch. Nâng cao trình độ nghiệp vụ năng lực cho cán bộ công nhân viên đang trở thành một nhu cầu chính đáng và cần thiết đối với toàn bộ hệ thống NHTM, là một trong những`chính sách phát triển nguồn nhân lực của ngân hàng Nhà nước.
Chiến lược kinh doanh
Là chiến lược quan trọng hàng đầu đối với NHTM. Mỗi NHTM có một chiến lược kinh doanh khác nhau trong hoạt động của mình bảo đảm cho ngân hàng hoạt động có hiệu quả nâng cao vị thế của mình trong hệ thống tài chính. Chiến lược kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động tín dụng. Khi ngân hàng có một chiến lược tín dụng phù hợp dựa trên cơ sở một chiến lược kinh doanh tốt, đúng đắn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả tín dụng. Nếu ngân hàng có một chiến lược kinh doanh tốt,có tính thực tiễn cao mà trong đó lại có chiến lược tín dụng không phù hợp thậm chí mâu thuẫn về mục tiêu đạt được, lúc đó ngân hàng sẽ gặp bế tắc trong việc lựa chọn mục tiêu cần hướng tới. Mặt khác trong trường hợp ngân hàng có một chiến lược tín dụng tốt nhưng chiến lược kinh doanh không đúng đắn thì hiệu qủa tín dụng cũng bị hạn chế.
Do vậy, người lãnh đạo của ngân hàng phải đề ra được một chiến lược kinh doanh dài hạn một cách phù hợp, linh hoạt dựa trên quan hệ tổng thể với các chiến lược kế hoạch khác.
Chính sách tín dụng
Chính sách tín dụng phản ánh cương lĩnh tài trợ của một ngân hàng trở thành hướng dẫn chung cho cán bộ tín dụng và các nhân viên ngân hàng. Nội dung cơ bản của chính sách tín dụng là các vấn đề liên quan tới việc cấp tín dụng như các chính sách về khách hàng, chính sách qui mô và giới hạn tín dụng, lãi suất tín dụng và phí suất, thời hạn, các tài sản đảm bảo và các tài sản
có vấn đề…Một chính sách tín dụng hợp lý sẽ thu hút được nhiều khách hàng, thu được nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên mỗi NHTM có một chính sách tín dụng riêng phù hợp với cơ cấu, mục tiêu, của mình trong từng giai đoạn. Thực chất chính sách tín dụng là chính sách khách hàng của NHTM. Chính sách tạo ra sự thống nhất chung trong hoạt động tín dụng nhằm hạn chế rủi ro và nâng cao khả năng sinh lời.
Qui trình phân tích tín dụng
Tín dụng là hoạt động sinh lời cao nhất nhưng cũng là hoạt động mang nhiều rủi ro cao nhất cho NHTM. Do vậy để hạn chế rủi ro ngân hàng phải xem xét, ước lượng khả năng sinh lời và rủi ro trước và trong khi tài trợ đó chính là quá trình phân tích tín dụng. Nội dung của phân tích tín dụng là thu thập các thông tin, phân tích và xử lý các thông tin nhằm xác định uy tín, tư cách pháp lý về khả năng tài chính, khả năng thanh toán, hiệu quả dự án,… của khách hàng trong quá khứ, hiện tại, tương lai. Hiệu quả tín dụng có được đảm bảo hay không tuỳ thuộc vào việc có thực hiện tốt hay không ở các bước và sự phối hợp giữa các bước trong quá trình phân tích tín dụng. Quá trình phân tích tín dụng phải được tiến hành một cách nghiêm túc để loại bỏ những khoản vay xấu gây thiệt hại cho ngân hàng nhưng đồng thời trong môi trường cạnh tranh gia tăng giữa các ngân hàng quá trình này cần có sự nhanh gọn và tiết kiệm chi phí.
Thông tin tín dụng
Thông tin tín dụng ảnh hưởng tới hiệu qủa tín dụng. Nếu NHTM có được những thông tin tín dụng tốt ngân hàng có thể đánh giá phân tích khách hàng một cách chính xác trong quá trình phân tích tín dụng lựa chọn những khoản vay tốt, an toàn đồng thời loại bỏ những khoản vay có vấn đề. Nắm bắt kịp thời chính xác các thông tin tạo điều kiện để ngân hàng nắm bắt được các cơ hội tốt trong kinh doanh, phòng tránh những rủi ro trong hoạt động. Thông tin
có thể đến với ngân hàng qua việc phỏng vấn trực tiếp đối với khách hàng, thông qua các thông tin có được từ báo cáo của người vay hay có thể mua hoặc tìm kiếm các thông tin qua trung gian (qua báo chí, cơ quan quản lý, bạn hàng, trung tâm tư vấn, đối tác). Việc xây dựng hệ thống thông tin tín dụng một cách hoàn thiện là cần thiết đối với mọi doanh nghiệp trong giai đoạn cạnh tranh cao hiện nay đặc biệt là đối với NHTM - một trung gian tài chính cung cấp các dịch vụ tài chính tiền tệ rất nhạy cảm với nhiều yếu tố như chính trị, luật pháp, kinh tế xã hội, chiến tranh và tâm lý…khi mà một sự biến động trong hệ thống ngân hàng sẽ gây ra những tác động ảnh hưởng tới toàn bộ đời sống kinh tế xã hội. Tuy nhiên ngân hàng cũng phải nâng cao trình độ phân tích xử lý đánh giá một cách chính xác các thông tin đó để ra các quyết định phù hợp.
Vấn đề kiểm tra, thanh tra
Rủi ro gắn liền với hoạt động của NHTM do vậy ngân hàng không thể loại bỏ nó mà chỉ có thể phòng tránh. Một trong những biện pháp hữu hiệu đó là ngân hàng phải thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra giám sát tất cả các hoạt động của mình. Quá trình kiểm tra thanh tra phải được thực hiện liên tục thường xuyên cho chính bản thân ngân hàng và cho khách hàng. Đối với khách hàng, ngân hàng thực hiện kiểm tra, kiểm soát hồ sơ vay vốn, các thông tin báo cáo, sử dụng vốn vay…của khách hàng trước và trong khi cho vay. Còn đối với bản thân ngân hàng đó là quá trình kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các khoản tín dụng, công tác huy động vốn, thanh toán… loại bỏ những tiêu cực có thể xảy ra trong chính bản thân ngân hàng. Kiểm tra kiểm soát góp phần làm tăng hiệu quả tín dụng của ngân hàng bởi nó giúp ngân hàng thực hiện được mục tiêu an toàn bên cạnh mục tiêu sinh lợi.
Cơ cấu tổ chức là cách thức bố trí xây dựng các phòng ban chuyên trách. Việc tổ chức các phòng ban hợp lý, bố trí đúng người đúng việc giúp ngân hàng đạt được hiệu qủa trong mọi hoạt động bởi nhân tố con người luôn là nhân tố trung tâm quan trọng hàng đầu của mọi quá trình sản xuất. Mặt khác sự phối hợp giữa các phòng ban một cách nhịp nhàng nhuần nhuyễn càng làm tăng thêm hiệu quả công việc đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, theo dõi quản lý tốt các khoản vốn huy động, cho vay. Mà hiệu quả tín dụng lại chịu nhiều ảnh hưởng từ công tác quản lý khoản tín dụng đó của ngân hàng. Do vậy cơ cấu tổ chức cũng là một nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả tín dụng.
Hoạt động huy động vốn
NHTM là một trung gian tài chính, một trong những vai trò quan trọng của nó là chuyển tiền từ những người muốn tiết kiệm sang những người có nhu cầu vay vốn. Để hoạt động tín dụng có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các cá nhân tổ chức ngân hàng phải có đủ vốn, phải không ngừng mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn, mở rộng thị trường, đa dạng hoá các hình thức huy động, phát triển các công cụ nợ mới nhằm thu hút mọi nguồn tiền gửi từ thị trường.
Cơ sở vật chất trang thiết bị
Cơ sở vật chất trang thiết bị cũng là một yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả tín dụng của ngân hàng. Đó là các công cụ, dụng cụ, phương tiện phục vụ cho việc quản lý, giám sát quá trình sử dụng vốn vay, tạo điều kiện thuận tiện thoải mái trong quá trình thực hiện giao dịch với khách hàng. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng mang tính thông dụng, sản phẩm đơn điệu do đó việc tạo ra các sản phẩm có tính khác biệt, độc đáo là hết sức khó khăn. Vì vậy ngân hàng phải tìm ra các biện pháp khác để thay thế. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị, đầy đủ hiện đại đã tạo điều kiện thuận lợi trong
việc cung ứng sản phẩm dịch vụ đến với khách hàng, tạo sự tin tưởng và thoải mái cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm của ngân hàng.
- Các yếu tố thuộc về khách hàng
Năng lực tài chính của doanh nghiệp
Khả năng tài chính của doanh nghiệp là khả năng đủ vốn để đáp ứng quá trình sản xuất kinh doanh cũng như khả năng thanh toán các khoản vay vốn của ngân hàng. Vốn của doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn đến khả năng vay vốn và trả nợ của doanh nghiệp. Nếu khách hàng có năng lực tài chính tốt sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc vay vốn, tình hình tài chính lành mạnh, rõ ràng thì qui trình phân tích tín dụng của ngân hàng sẽ được tiến hành dễ dàng, chính xác và nhanh chóng hơn. Đồng thời khi có năng lực tài chính tốt thì khách hàng sẽ biết cách sử dụng vốn vay một cách có hiệu quả, thu được lợi nhuận cao do đó khả năng thu hồi vốn của ngân hàng cao tất yếu hiệu quả tín dụng vì thế cũng có kết quả tốt.
Trình độ quản lý và năng lực sản xuất
Một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn nhưng trình độ quản lý yếu kém, năng lực sản xuất hạn chế thì vốn sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí vốn và kém vị thế cạnh tranh trên thị trường. Các sản phẩm dịch vụ của đơn vị được tiêu thụ kém, lợi nhuận mang lại thấp thậm chí là thua lỗ. Do thế khả năng trả nợ cho ngân hàng là hạn chế và nhiều khi là khách hàng không đủ khả năng trả nợ. Tuy nhiên một số doanh nghiệp có trình độ quản lý và năng lực sản xuất kinh doanh tốt thì các nguồn vốn doanh nghiệp huy động trong đó có vốn vay ngân hàng sẽ được sử dụng tối đa với hiệu quả cao, gia tăng được đồng vốn hiện có tại doanh nghiệp. Mang lại một kết quả hoạt động kinh doanh tốt cho doanh nghiệp, vốn quay vòng nhanh khả năng trả nợ cho ngân hàng là rất cao, quá trình vay vốn lại được tiếp tục. Nhờ những doanh
nghiệp này mà hoạt động tín dụng ngân hàng có hiệu quả cao đảm bảo được mục tiêu an toàn và sinh lời.
Sử dụng vốn đúng mục đích
Sử dụng vốn đúng mục đích tạo ra tính an toàn trong tín dụng. Một nguyên tắc tín dụng ngân hàng là khách hàng phải cam kết sử dụng tín dụng theo mục đích được thoả thuận , ký kết với ngân hàng trong hợp đồng tín dụng.Tuy nhiên một số khách hàng trong quá trình sử dụng vốn đã không thực hiện đúng nguyên này. Để chạy theo lợi nhuận nhiều khách hàng đã đem đầu tư vốn vay của ngân hàng vào các danh mục đầu tư có độ rủi ro cao bởi khi độ rủi ro càng lớn lợi nhuận kỳ vọng đem lại càng lớn.Vì thế khoản vốn cho vay của ngân hàng là khoản cho vay không an toàn. Độ rủi ro tiềm ẩn dẫn tới khả năng hoàn trả cho ngân hàng là thấp làm hiệu quả tín dụng giảm, ngân hàng dễ bị mất vốn. Do vậy việc kiểm tra, giám sát trước và trong khi cho vay đối với ngân hàng là rất quan trọng, góp phần hạn chế hiện tượng sử dụng vốn không đúng mục đích như đã thoả thuận.
Kiến thức của khách hàng trong việc vay vốn
Khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng lại thiếu những kiến thức cơ bản trong việc vay vốn như không biết cách lập hồ sơ xin vay, lập phương án, lập các báo cáo tài chính, thiếu các giấy tờ pháp lý cần thiết… việc này đã gây lên tình trạng kéo dài trong việc thẩm định, đánh giá, xây dựng hợp đồng tín dụng, giải ngân, để hoàn thành các thủ tục vay vốn ngân hàng và khách hàng phải tốn kém về thời gian, chi phí đi lại xác minh, thiết lập hợp đồng làm giảm hiệu quả tín dụng.
Ngoài ra còn do những yếu tố khác thuộc về bản thân khách hàng như sự chây lười trong việc trả nợ, cố tình kéo dài thời gian trả nợ, không trả nợ đúng hạn, làm sai các báo cáo tài chính, gian lận trong việc thiết lập các giấy tờ liên quan.
1.2.2.2 Các nhân tố khách quan:
Môi trường kinh tế:
Sự phát triển của tín dụng ngân hàng gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế. Khi nền kinh tế phát triển cao, ổn định nhu cầu vay vốn ngân hàng là rất lớn, vòng quay vốn nhanh, đồng thời tính an toàn cho khoản vay cũng cao hơn. Khi nền kinh tế phát triển thì các thành viên của nó là các cá nhân tổ chức cần nhiều vốn để sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư, tận dụng các cơ hội kinh doanh tốt, thu được lợi nhuận cao đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng là cao, doanh nghiệp lại càng có xu hướng mở rộng sản xuất vì thế nhu cầu vốn lại gia tăng…do vậy vốn nhàn rỗi được sử dụng một cách hiệu quả, vòng quay vốn nhanh. Hiệu quả tín dụng được nâng cao. Ngược lại khi nền kinh tế khủng hoảng, suy thoái đình trệ, cầu giảm qui mô sản xuất thu hẹp, các doanh nghiệp cắt giảm sản xuất, hạn chế vay vốn, khả năng trả nợ ngân hàng cũng khó khăn do lợi nhuận thu được ít, hiệu quả tín dụng ngân hàng bị giảm đáng kể.
Môi trường chính trị- xã hội và luật pháp:
Hoạt động của NHTM có ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế và nhạy cảm với các tác dộng từ môi trường kinh tế- xã hội- chính trị và luật pháp. Nếu môi trường này ổn định sẽ tạo điều kiện an toàn cho các nhà đầu tư yên tâm