II. Một số kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý về hợp đồng mua bán hàng hóa
1. Kiến nghị về phía Nhà nước
Pháp luật nói chung và pháp luật về kinh tế nói riêng của nước ta, sau hơn 15 năm cải cách và đổi mới đã có một bước thay đổi về chất. Hầu hết các quy định pháp luật với tư cách là sản phẩm của cơ chế cũ đã bị xóa bỏ, một hệ thống pháp luật mới đã dần dần được hình thành và ngày càng được hoàn thiện. Đánh giá một cách tổng quát thì có thể nhận định rằng, các chế định pháp luật cần thiết cho sự ra đời và vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được xác lập ở nước ta. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình mới thì việc hoàn thiện pháp luật, nhất là pháp luật về kinh tế vẫn phải được tiếp tục trên nhiều phương diện. Phải bảo đảm việc kết hợp song song giữa nhiệm vụ ban hành các văn bản pháp luật và việc áp dụng, thi hành đúng các quy phạm pháp luật đã được ban hành.
Trong pháp luật về kinh tế, thì pháp luật về hợp đồng là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng, cần có được sự quan tâm đúng mức. Năm 1989, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế đã ra đời đánh dấu bước phát triển hết sức quan trọng của chế độ hợp đồng kinh tế trong quá trình chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Được áp dụng trong một thời gian khá dài, trong điều kiện nền kinh tế của nước ta có sự biến chuyển lớn nên pháp lệnh hợp đồng kinh tế đã là văn bản pháp luật được sử dụng nhiều và trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp khi kí kết hợp đồng. Theo đó, hợp đồng kinh tế là loại hợp đồng được ký giữa pháp nhân với pháp nhân, hoặc giữa pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh. Hợp đồng kinh tế là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên về việc thực hiện công việc sản xuất, trao đổi
hàng hóa, dịch vụ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và các thỏa thuận khác nhằm mục đích kinh doanh. Đây là một khái niệm vừa rất rộng, thậm chí còn có thể bị coi là một khái niệm “mơ hồ” (về đối tượng của hợp đồng), nhưng cũng lại rất hẹp về chủ thể ký kết (các bên ký kết).
Năm 1997, Luật thương mại ra đời cũng quy định những vấn đề về hợp đồng (trong đó có hợp đồng mua bán hàng hóa) - thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế và Bộ luật dân sự. Điều đó dẫn đến sự chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí trái ngược, triệt tiêu nhau giữa các quy định trong các văn bản pháp luật này. Đây chính là nguyên nhân làm cho các cơ quan thuộc tòa án cũng như các bên liên quan gặp khó khăn trong việc xác định luật nào điều chỉnh các giao dịch của họ.
Sau nhiều năm, với những thay đổi mang tính tất yếu của nền kinh tế thị trường, những quy định của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế và Luật thương mại 1997 không còn theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Vì thế cần phải có những thay đổi căn bản nhằm làm thu hẹp khoảng cách giữa luật Việt Nam và luật quốc tế, tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên tham gia vào hoạt động thương mại tại Việt Nam. Để đáp ứng các yêu cầu đó, năm 2005, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Bộ luật dân sự 2005 và Luật thương mại 2005 thay thế cho Bộ luật dân sự và Luật thương mại cũ đồng thời chấm dứt hiệu lực của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế.
Sự ra đời của những văn bản này đã khắc phục được các thiếu sót, bất cập, yếu kém của pháp luật hợp đồng nước ta. Nội dung của Bộ Luật Dân sự và Luật Thương mại đã mang tính liên thông, hỗ trợ lẫn nhau. Nếu xét về mặt đối tượng điều chỉnh thì Bộ Luật Dân sự có đối tượng điều chỉnh rộng hơn Luật Thương mại. Nhưng nếu xét về mức độ chi tiết của các điều luật về một số loại hợp đồng được cả hai văn bản luật này điều chỉnh thì Luật Thương mại lại có những quy
thương mại. Do đó, nếu tính chất của giao dịch giữa các bên là hoạt động thương mại thì các hoạt động thương mại đó phải chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại. Trong khi đó, Bộ Luật Dân sự được coi là một bộ luật chung, chứa đựng rất nhiều quy phạm pháp luật khác nhau. Do đó, có những hoạt động thương mại giữa các các bên mà không được quy định trong Luật Thương mại và các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ Luật dân sự. Cũng tương tự như vậy, đối với những hoạt động thương mại đặc thù, được quy định trong các luật khác thì quy định của văn bản luật đó lại được ưu tiên áp dụng, ví dụ hợp đồng vận chuyển hành khách bằng đường hàng không sẽ do các quy định của Luật Hàng không dân dụng điều chỉnh. Nói cách khác, thứ tự ưu tiên áp dụng quy định pháp luật là đi từ quy định pháp luật đặc thù đến quy định pháp luật chung. Nếu không có quy định đặc thù thì mới áp dụng quy định pháp luật chung.
Như vậy, quy định về pháp luật hợp đồng hiện nay so với trước năm 2006 là khá đầy đủ và có hệ thống. Vấn đề còn tồn tại là việc áp dụng, thi hành các văn bản đó ra sao. Như trên đã nêu, các văn bản cũ được ban hành từ thời điểm nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế kê hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, điều đó cũng đồng nghĩa với việc hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đã quen với việc áp dụng các văn bản này từ khi thành lập. Để thay đổi thói quen áp dụng văn bản pháp luật nào trong kinh doanh của các doanh nghiệp, Nhà Nước ta, cụ thể là các cơ quan chủ quản cần có các biện pháp tuyên truyền, thúc đẩy, nâng cao tầm hiểu biết về pháp luật của nhân dân nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Vấn đề này có thể được giải quyết bằng nhiều phương pháp như: thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng; mở các khóa học giảng dạy về pháp luật hợp đồng cho các doanh nghiệp….