1.4.2 Nhân tố vĩ mô.
Một số nhân tố vĩ mô ảnh hưởng đến hoạt động CVTD như môi trường kinh tế xã hội, yếu tố văn hóa, môi trường pháp lý, các chính sách kinh tế của nhà nước và sự liên hệ của các thành phần của hệ thống kinh tế.
Môi trường xã hội với các đặc trưng như yếu tố văn hoá, thói quen, phong tục tập quán, thu nhập bình quân đầu người ...tác động đến sự hình thành và phát triển của CVTD. Tại Việt Nam, người dân có thói quen tiết kiệm dành dụm để mua sắm nhà ở, sau đó mới nghĩ tới hưởng thụ. Bởi vậy, họ không có tư tưởng vay để sống sung túc hơn trong cảnh nợ nần. Yếu tố thu nhập có tác động trực tiếp tới CVTD. Những người có thu nhập cao thường có thói quen mua sắm, nhu cầu hưởng thụ cao hơn. Một yếu tố khác có ảnh hưởng tới CVTD là sự dịch chuyển cơ cấu dân cư. Dân số tập trung ở các đô thị ngày càng cao, cộng với thu nhập cao nên nhu cầu vay tiêu dùng tập trung chủ yếu ở các đô thị (20% dân số). Trong khi đó 80% dân số VN cư trú ở nông thôn, thu nhập thấp. Bởi vậy dẫn tới nhu câu vay tiêu dùng tại VN còn nhỏ.
Môi trường pháp lý là một nhân tố vĩ mô khác có tác động sâu rộng đến hoạt động CVTD tiêu dùng nói riêng, cho vay nói chung do ngân hàng cung cấp. Môi trường pháp lý tác động đến tính trật tự, ổn định và tạo điều kiện để hoạt động CVTD được diễn ra thông suốt, phát triển vững chắc, hạn chế những rắc rối có thể xảy ra tổn hại đến các bên tham gia quan hệ cho vay, thậm chí đến lợi ích của quốc gia.
Các chính sách của nhà nước cũng ảnh hưởng đến hoạt động CVTD. Thứ nhất là các chính sách và chương trình kinh tế. Nếu nhà nước tăng đầu tư hay đưa ra các biện pháp thông thoáng để khuyến khích đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài như hạ trần lãi suất cho vay, giảm các thủ tục giấy tờ, giảm thuế cho các công ty mới thành lập. Một mặt nhằm mục đích phát triển kinh tế, tăng GNP, mặt khác giảm thất nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động, tăng mức sống của người dân. Đây rõ ràng là một tiền đề thuận lợi để phát triển CVTD. Ngoài chính sách, các chương trình kinh tế như : thuế thu nhập, chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo vay vốn, cho vay tín chấp cho nông dân, chương trình phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa. Các chính sách này vừa có ý nghĩa rút ngắn khoản cách giàu nghèo, vừa tạo điều kiện để nâng cao mặt bằng dân trí. Những yếu tố này trước mắt, lâu dài đều ảnh hưởng đến cầu CVTD.
Sự liên hệ của các thành phần trong hệ thống kinh tế, mà cụ thể là mối liên hệ giữa các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và ngân hàng có ảnh hưởng nhất định đến CVTD theo cách riêng. Nếu sự phối hợp này là chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau thì CVTD có kết quả cao. Ngược lại, sự cố gắng đơn điệu của ngân hàng sẽ khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn. Sự liên hệ này, trước tiên phụ thuộc vào sự nỗ lực của các bên trong xây dựng các mối quan hệ, các ràng buộc về quyền lợi...Ngoài ra một sự trợ lực từ các trung gian như nhà nước và các định chế lớn khác là cần thiết.
1.4.3 Nhân tố vi mô.
Những nhân tố vi mô ảnh hưởng đến hoạt động CVTD của ngân hàng bao gồm các nhân tố khách quan như đạo đức người vay, nguồn trả nợ, tài sản đảm bảo và những nhân tố chủ quan từ phía ngân hàng như chất lượng cán bộ tín dụng, kỹ thuật và thủ tục thẩm định.
1.4.3.1 Nguyên nhân khách quan.
Các nhân tố khách quan nêu trên coa ảnh hưởng đến chất lượng CVTD và sự phát triển của nó. Trong các nhân tố này, đầu tiên phải kể đến là đạo đức người vay, được đánh giá dựa trên nnăng lực pháp lý và độ tín nhiệm. Đây là yếu tố tiên quyết tác động đến hành vi trả nợ. Vì rằng, nếu một người vay thực sự có nguồn thu nhập khả quan để trả nợ, thậm chí đưa ra được những nguồn
bảo đảm tốt nhưng được xem là không có trách nhiệm hoàn trả thì chác chắn không có thiện chí khi trả nợ. Và về nguyên tắc sẽ không có một khoản vay nào được cấp cho các khách hàng như vậy. Năng lực pháp lý là những năng lực được quy định cụ thể về mặt pháp lý mà người tiêu dùng cần phải có. Đây là cơ sở để hình thành nghĩa vụ trả nợ của khách hàng trong quan hệ tín dụng. Độ tín nhiệm là một yếu tố khó đo đếm, liên quan đến sự sẵn lòng và quyết tâm thực hiện đúng hợp đồng. Độ tín nhiệm được xây dựng trên cơ sở tính thật thà, liêm chính của người vay, được phản ánh khá rõ trong hồ sơ quá khứ của cá nhân xin vay.
Nguồn trả nợ là nhân tố có ảnh hưởng rất quan trọng dến hoạt động CVTD của ngân hàng nói riêng, cho vay nói chung. Phần lớn các món CVTD được quy định nguồn hoàn trả là thu nhập thường xuyên của khách hàng trong tương lai, ngoại trừ cho vay ngắn hạn. Khách hàng có thu nhập càng cao, việc thanh toán nợ càng ảnh hưởng ít đến các chi tiêu khác, đặc biệt các chi tiêu thông thường của người vay, và ít ảnh hưởng đến tình hình tài chính của gia đình, khoản cho vay càng an toàn hơn. Khi CVTD, việc quyết định mức cho vay nhất thiết căn cứ trên các nguồn trả nợ định kỳ, cần phải đảm bảo sao cho mức thu nhập giữ lại đủ nuôi sống cá nhân và gia đình.
Bảo đảm cho vay là thiết lập những cơ sở pháp lý để có thêm một nguồn thu nợ thứ hai ngoài nguồn thu nợ thứ nhất, góp phần làm tăng mức độ an toàn cho khoản cho vay của ngân hàng. Đảm bảo trong cho vay là một trong các điều kiện xét duyệt cho vay nhưng không phải là tiêu chuẩn quan trọng nhất. Thực tế, nếu hai yếu tố trên được khẳng định với mức độ chắc chắn cao, có thể bỏ qua yếu tố bảo đảm cho vay.
1.4.3.2 Nguyên nhân chủ quan.
Nếu có được tất cả các yếu tố khách quan thuận lợi nhưng ngân hàng không có hành động thật sự tích cực thì các yếu tố thuận lợi đó cũng thành lãng phí. Vì vậy, sự phát triển của CVTD chủ yếu do chính nội lực của ngân hàng quyết định. Nếu ngân hàng không có một định hướng toàn thể về phát triển CVTD thì cũng có nghĩa là không có một động lực nào từ phía ngân hàng dành cho hoạt động này.
Hoạt động CVTD có thực hiện được hay không là do người điều hành, đó chính là các CBCNV ngân hàng. Bởi vậy, trước tiên muốn hoạt động CVTD phát triển thì cần phải quan tâm tới đời sống của CBCNV ngân hàng. Nội quy làm việc và chế độ thưởng phạt nghiêm minh có tác động đến phong cách làm việc cũng như tạo động lực làm việc cho cán bộ nhân viên ngân hàng. Khen thưởng bằng vật chất sẽ khuyến khích cán bộ quan tâm và dành nhiều nỗ lực hơn, phát huy hết khả năng của mình.
Nếu như đạo đức người vay được xếp vào vị trí hàng đầu trong các nhân tố khách quan thì đạo đức cán bộ tín dụng được xếp vào vị trí hàng đầu trong nhân tố chủ quan. Nếu CBTD khồn có đạo đức nghề nghiệp thì dù có giỏi đến mấy cũng vô giá trị. Vì lợi ích cá nhân họ sẵn sàng làm tổn hại đến lợi ích tập thể. Tuy nhiên, đạo đức thôi chưa đủ, CBTD cần phải có trình độ nghiêp vụ cao, trình độ hiểu biết rộng thì mới thẩm định chính xác khách hàng và dự án vay vốn, từ đó đưa ra các quyết định cho vay đúng đắn.
Ngoài ra, yếu tố vốn của ngân hàng cũng giữ một vai trò quan trọng. Một ngân hàng cũng như một doanh nghiệp muốn tiến hành sản xuất kinh doanh phải có vốn. Vốn tự có của ngân hàng càng lớn thì khả năng huy đông vốn càng cao ( theo quy định của NHNN các NHTM chỉ được huy động tối đa không vượt quá 20% vốn chủ sở hữu), khả năng mở rộng địa bàn càng lớn (số chi nhánh được phép mở phụ thuộc vào vốn của ngân hàng ). Ngoài ra, vốn lớn, ngân hàng có khả năng thanh khoản cao, trường vốn, thực hiện cho vay các khoản lớn. Xu hướng chung của các NHTM trên thế giới hiện nay là sát nhập, nguyên nhân là để tạo ra một ngân hàng lớn mạnh hơn, cạnh tranh với các NHTM lớn khác. Không có ngân hàng nào với số vốn nhỏ bé có thể tồn tại được trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
CHƯƠNG II