Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên - Môi trường trong giai đoạn 2000- 2004 đã có gần 160.000 ha đất (chủ yếu là đất nông nghiệp) được chuyển đổi mục đích. Trong đó: Để xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị là: 100.000 ha; xây dựng cụm công nghiệp vừa và nhỏ là 35.000 ha v.v.. So với tổng diện tích tự nhiên thì chưa nhiều, những cái đáng quan tâm và diện tích thu này lại tập trung ở một số huyện, xã. Đã có những nơi bị thu hồi 50% - 70% diện tích. Thí dụ, phường Tân Phú, quận 9 Thành phố Hồ Chí Minh, tổng diện tích tự nhiên là 445 ha, bị thu hồi 210 ha (Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch UBND phường, trang web… Báo Đầu tư) ảnh hưởng đến 2000 hộ dân (toàn quận 9 bị thu hồi 2.249 ha ảnh hưởng đến 8.400 hộ dân). Ở những khu vực này việc làm, thu nhập, ổn định đời sống là vấn đề bức xúc. Theo số liệu của bà Nguyễn Thị Hải Vân, phó Vụ trưởng Vụ Lao động việc làm Bộ Lao động Thương binh - Xã hội thì tính đến tháng 12/2004 số người do thu hồi đất không có việc làm ở tỉnh Hà Nam là 12.360 người, ở Hải Phòng là 13.274 người; Hải Dương là 11.964 người; Quảng Ninh 997 người; Bắc Nih là 2.222
người (Thời báo Kinh tế Việt Nam số 138, 13/7/2005 trang 3, bài Việc làm cho nông dân khi thu hồi đất).
Theo bà Bùi Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội: "Hà Nội là thành phố có tốc độ đô thị hoá cao, mỗi năm có hơn 1.000 ha đất chuyển sang phát triển đô thị và công nghiệp. Tình trạng thiếu đất sản xuất, chưa có việc làm trở nên bức xúc (hàng năm có khoảng 13.000 người đến 15.000 người không có việc làm…) (xây dựng hệ thống nông nghiệp sinh thái- Thời báo Kinh tế Việt Nam số 165 ngày 19/8/2005, trang 7).