Thứ nhất, trong một số trường hợp, việc phân định ranh giới điều chỉnh giữa pháp luật và đạo đức chưa rõ ràng gây nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.
Như chúng ta đã biết, về cơ bản pháp luật XHCN và đạo đức truyền thống dân tộc có chung mục đích điều chỉnh. Tuy nhiên, cách thức, cơ chế tác động giữa pháp luật và đạo đức rất khác nhau dẫn đến phạm vi điều chỉnh cũng rộng hẹp khác nhau. Pháp luật chỉ có thể điều chỉnh những quan hệ cơ bản của quốc gia, của dân tộc, các quyền cơ bản trong đời sống xã hội với một cơ chế điều chỉnh thống nhất đó là tác động bằng lý trí, bằng ý chí và đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh nhà nước. Trong khi đó, đạo đức lại có khả năng thâm nhập điều chỉnh tất cả mọi mối quan hệ, đặc biệt là những quan hệ tình cảm hay góc độ tình cảm trong các QHXH. Yêu thương, chung thủy, kính trọng là những phạm trù tình cảm nằm lẩn khuất bên trong ý thức của con người. Bởi vậy mà không thể cân, đong, đo, đếm những giá trị tình cảm ấy, không thể đề ra giới hạn tối thiểu hay tối đa để định lượng trong điều chỉnh bằng pháp luật. Pháp luật không thể yêu cầu hay bắt buộc các chủ thể phải yêu thương, kính trọng, biết ơn lẫn nhau...
Tuy nhiên, trong một số quy định của pháp luật hiện hành, những chuẩn mực đạo đức đó được “luật hóa” thành quy định của pháp luật. Điều này rất mang tính hình thức bởi sau khi quy định ra như vậy lại không thể có một cơ chế kiểm soát hay biện pháp xác định nào cho những chuẩn mực pháp luật ấy. Chẳng hạn: “Vợ chồng chung thủy, yêu thương, quý trọng nhau” [14, Đ.18]; “con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn cha
mẹ” [14, Đ.35]; “cháu có bổn phận kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ngoại” [14, Đ.47].
Xét về mặt nội dung, sự quy định trên là hoàn toàn phù hợp với ý chí và nguyện vọng chung của nhân dân. Đây cũng là điều kiện cần phải có để duy trì một mô hình gia đình bền vững. Tuy nhiên, sau khi quy định như vậy, pháp luật lại không thể định lượng một cách cụ thể, chính xác vợ chồng yêu thương, kính trọng nhau, chung thủy với nhau là phải làm những gì? Con cháu biết ơn và phụng dưỡng ông bà là phải có những hành động cụ thể gì? Cách hiểu trong những trường hợp này hoàn toàn phải dựa vào cách ứng xử chung của phong tục, tập quán, của thói quen, nếp ứng xử trong cộng đồng để làm căn cứ đánh giá hành vi ấy có là yêu thương, kính trọng hay không? Đây là một việc làm rất khó xác định bản chất của hành vi bởi trong lĩnh vực tình cảm, hành vi chưa chắc đã phản ánh đúng mục đích, ý nghĩa thiết thực của nó. Chẳng hạn, người Việt Nam có triết lý: “Yêu cho roi, cho vọt, ghét cho ngọt, cho bùi” hoặc “Bằng mặt mà không bằng lòng”. Thật khó xác định các cặp vợ chồng có yêu thương, kính trọng nhau hay không? Khi nhìn hình thức bên ngoài, họ vẫn sống đầy đủ, yên ổn. Phải là những người “trong cuộc” thì mới có thể hiểu đằng sau vẻ mặt tươi cười, đằng sau mỗi bữa tối cùng ngồi quanh mâm cơm là những “ốc đảo” biệt lập cùng tồn tại trên một
thỏa thuận ngầm “góp gạo thổi cơm chung” vì sự nghiệp và con cái. Hoặc cũng rất khó
xác định một hành vi có phải là nuôi dưỡng, phụng dưỡng cha mẹ hay không khi có những trường hợp con cái cung cấp đầy đủ cho cha mẹ cái ăn, cái mặc, các phương tiện nghe nhìn, giải trí, các phương tiện y tế, thuốc men nhưng lại không bao giờ ăn chung, ngủ chung, trò chuyện cùng với cha mẹ vì bận công tác, vì không muốn mất thời gian vào những chuyện mà theo họ là không thiết thực ấy. Về vấn đề này, Khổng Tử- một nhà chính trị gia Trung Quốc đã nói một câu rất thấm thía: “Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã giai năng hữu dưỡng, bất kính hà dĩ biệt hồ”, nghĩa là: “Người con hiếu thảo ngày nay, nói có thể nuôi được cha mẹ. Đến như chó ngựa, người ta còn nuôi được. Nếu chẳng kính cha mẹ, sao có khác thế chăng?” [38, tr.57].
Như vậy, khi không thể định lượng được các phạm trù tình cảm này thì việc quy định các giá trị đạo đức đó thành luật sẽ bị mang tính hình thức. Nên chăng các
nhà lập pháp chỉ quy định những hành vi nào là không yêu thương, không chung thủy, không tôn trọng, không biết ơn, tức là phải có những chuẩn mực xử sự nhất định. Điều này trong Luật hình sự Việt Nam đã “Luật hóa” rất tốt truyền thống nhân đạo thành các quy định cụ thể như: nghĩa vụ phải cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm (Điều 102); các trường hợp giết người vì động cơ đê hèn (Điều 93), áp dụng hình phạt đối với phụ nữ có thai, người già, người mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ chưa thành niên (Điều 35, 46); hay các quy định khuyến khích kẻ phạm tội ăn năn hối cải, lập công chuộc tội, kẻ tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội (Điều 3, Điều 19).
Bằng cách “luật hóa” các tư tưởng đạo đức thành quy phạm cụ thể như vậy, chúng ta mới có thể phân định ranh giới điều chỉnh giữa pháp luật và đạo đức, tránh sự nhầm lẫn, tùy tiện trong việc thực hiện các quy định pháp luật cũng như việc xử lý bằng sức mạnh nhà nước đối với các hành vi vi phạm ấy.
Thứ hai, trong một số trường hợp việc pháp luật hóa các quan niệm, quan điểm, tư tưởng đạo đức còn chưa cụ thể khó thực hiện trên thực tế.
Về cơ bản, nhiều quan niệm, quan điểm đạo đức đã được thể chế hóa thành pháp luật một cách tương đối cụ thể, đảm bảo tính khả thi của pháp luật như tư tưởng nhân đạo trong Luật Hình sự, nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em trong Luật Hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự thể chế hóa đạo đức thành pháp luật lại quá khái quát, dẫn tới khó thống nhất cách hiểu và thực hiện quy định đó trên thực tế. Chẳng hạn trong Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại đều có quy định các giao dịch, hợp đồng “không được trái với đạo đức xã hội”. Trên thực tế, đánh giá một hành vi nào đó là trái hay không trái đạo đức xã hội không hề đơn giản. Cùng là một hành vi nhưng có các cách đánh giá khác nhau thậm chí đối lập nhau. Sở dĩ có điều này là bởi vì như phần trên đã phân tích, đạo đức thường không được quy định trong một văn bản nào nhất định, ở các địa phương khác nhau có cách giải thích tên gọi, tiêu chí khác nhau, sự nhận thức chung về một chuẩn mực đạo đức vì vậy không cùng hoàn toàn đồng nhất.
Trong điều kiện hiện nay, xã hội đang diễn ra sự thay đổi trong các quan niệm, quan điểm đạo đức, cái mới, cái cũ đan xen. Một số giá trị đạo đức mới đang dần dần khẳng định được vị trí của mình như tư tưởng làm giàu chính đáng, tư tưởng cạnh tranh
lành mạnh, tư tưởng làm chủ trong sản xuất, kinh doanh. Một số giá trị đạo đức cũ đang cần phải xem lại như quan niệm về lao động, làm thuê, bóc lột; quan niệm về một số ngành nghề như giúp việc gia đình, trợ lý giám đốc... Vì vậy mà dễ dẫn tới sự không thống nhất trong quan niệm, quan điểm đạo đức. Mặt khác, như trên đã phân tích, đạo đức thường không xác định về hình thức bởi vậy, hành vi đạo đức cũng như sự đánh giá về hành vi đó không phải hoàn toàn có sự thống nhất. Do đó, sự quy định thiếu cụ thể trong pháp luật hiện hành sẽ gây ra sự khó khăn cho các chủ thể trong thống nhất thực hiện và trong công tác xử lý vi phạm đó.
Hiện nay, trong tuyển dụng và đào tạo cán bộ công chức, pháp luật đặt tiêu chuẩn “có phẩm chất đạo đức tốt” lên hàng đầu. Đối với một số ngành, nghề đặc biệt mà việc hành nghề có gắn bó mật thiết với đạo đức của người thi hành công vụ, pháp luật đặt ra chuẩn mực “đạo đức nghề nghiệp”, ví dụ như các tiêu chuẩn về đạo đức đối với nghề y, với phóng viên báo chí và đối với những người hành nghề luật sư.
Đây là những quy định hết sức khái quát. “Phẩm chất đạo đức tốt” hay “có phẩm chất đạo đức” được hiểu là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là trung với nước, hiếu với dân, khiêm tốn, giản dị. Song ngay bản thân mỗi giá trị đạo đức này cũng đã là khái quát, được hiểu rất rộng và như trên đã nói, sự nhận thức về nó cũng như việc thực hiện chúng không phải luôn có sự thống nhất giữa mọi người, ví như việc xem xét chuẩn mực đạo đức “giản dị” của cán bộ, công chức trong điều kiện đời sống vật chất đang được cải thiện nâng cao rõ rệt.
Về vấn đề này, các nhà lập pháp Việt Nam hiện đại cần tham khảo kinh nghiệm của các nhà lập pháp trong lịch sử nước ta. Các nhà lập pháp triều Lê khi thể chế các quan niệm, quan điểm đạo đức thành pháp luật đã có sự quy định tương đối cụ thể. Chẳng hạn, tại điều 2, khoản 7, Bộ Luật Hồng Đức quy định về bất hiếu là "tố cáo, rủa mắng ông bà, cha mẹ, trái lời cha mẹ dạy bảo, nuôi nấng cha mẹ thiếu thốn, có tang cha mẹ mà lấy vợ, lấy chồng, vui chơi, ăn mặc như thường, nghe thấy tang ông bà, cha mẹ mà giấu, không cử ai, nói dối là ông bà, cha mẹ chết”. Còn tại khoản 9 quy định, bất nghĩa "là giết quan bản phủ và các quan đương chức tại nhiệm, giết thầy học, nghe thấy tin chồng chết không cử ai lại vui chơi, ăn mặc như thường, cùng là cải giá” [30, tr.36]. Như vậy, quan điểm của các nhà làm luật là khá rõ ràng, mặc dù trong xã hội, xét về mặt
đạo đức, nhiều hành vi khác có thể vẫn bị coi là bất hiếu, bất nghĩa song pháp luật chỉ xử lý các hành vi như đã nêu trên, các hành vi bất hiếu, bất nghĩa khác, pháp luật không phán xét mà dành “phần đất” cho các quy phạm xã hội khác điều chỉnh.
Khi đưa ra những dẫn chứng như trên, chúng tôi không đồng nhất với việc các giá trị đạo đức cán bộ, công chức phải luật hóa ra cụ thể. Đó là một việc không thể thống kê, liệt kê ra hết bởi khi nền kinh tế-xã hội thay đổi, thì các chuẩn mực giá trị đạo đức, các thang bảng giá trị đạo đức cũng thay đổi ít nhiều. Nhưng những giá trị căn bản, cốt lõi của đạo đức người cán bộ, người đảng viên thì cần phải được cụ thể hơn nữa. Có như vậy, ta mới có cơ sở, xem xét, đánh giá một cách khách quan, chính xác, tránh tình trạng lập lờ, né tránh, chạy theo thành tích khi đánh giá về đạo đức cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước hiện nay. Đây cũng là lý do tại sao trong các cơ quan Nhà nước của ta, một số VPPL nghiêm trọng của cán bộ, đảng viên được “che đậy”, “bảo vệ” vững chãi, nó chỉ thực sự phơi bày, bị xử lý khi có sự tố cáo, khiếu nại của quần chúng nhân dân, những người mà quyền lợi và danh vọng không màng tới họ.
Thứ ba, một số quan niệm, tư tưởng đạo đức lạc hậu vẫn còn tồn tại, hiện tượng suy thoái về đạo đức chưa được ngăn chặn hiệu quả trên thực tế.
Mặc dù pháp luật đã góp phần quan trọng trong việc loại trừ các quan niệm đạo đức lạc hậu, song do nhiều nguyên nhân, nhiều quan niệm, tư tưởng đạo đức cũ không phù hợp vẫn còn tồn tại. Chẳng hạn tư tưởng gia trưởng, tính cục bộ, thói cá nhân chủ nghĩa, tư tưởng coi thường lớp trẻ, già lên lão làng... vẫn có ảnh hưởng không nhỏ trong một bộ phận dân cư, kể cả trong cán bộ, công chức và đảng viên. “Thực tiễn cho thấy vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân lấy việc giữ chức này, chức nọ làm mục đích của mình với động cơ danh phận rõ ràng”, “Mong muốn thông qua cương vị, chức vụ để tìm cách vinh thân, phì gia”, “nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ còn là cái áo khoác bên ngoài cho toan tính, những thủ đoạn, cho hành vi đối phó nhau, thỏa hiệp nhau để chia ghế và giữ ghế” [41, tr.112]. Bệnh gia trưởng còn khá phổ biến trong sinh hoạt nông thôn kéo theo bệnh “gia đình trị”, trong một số cơ quan nhà nước.
Một số cán bộ thủ trưởng các cơ quan, tổ chức tự cho mình là “ông chủ” của cơ quan, tổ chức dẫn đến coi thường người khác, coi thường cấp dưới và nhân viên. Tình
trạng củng cố vây cánh, hiện tượng kéo bè, kéo cánh trong các cơ quan, tổ chức không phải là hiếm. Nhiều địa phương có xu hướng mạnh ai nấy làm, yêu cầu “có quy chế riêng”, không chú ý đến chỉnh thể thống nhất cũng như yêu cầu phát triển chung của cả nước. Trong xã hội, làm gì, ở đâu, bao giờ người ta cũng nghĩ đến trước tiên là vì lợi ích của bản thân. Rất nhiều trường hợp, vì lợi ích cục bộ, khi được giao soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, một số cơ quan luôn tìm cách giành thuận lợi về phần mình, khó khăn đẩy cho cơ quan khác hoặc cho chủ thể bị quản lý.
Các hiện tượng kể trên có nhiều nguyên nhân, có cả nguyên nhân về kinh tế, xã hội, có cả nguyên nhân trong bản thân pháp luật và quá trình tổ chức, thực thi, bảo vệ pháp luật. Cơ chế xây dựng pháp luật cũng làm cho hiện tượng cục bộ, địa phương chủ nghĩa có điều kiện để tồn tại và phát triển. Mặt khác, bản thân hệ thống pháp luật cũng còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết. Trong hệ thống pháp luật hiện hành còn thiếu nhiều quy định cần thiết, chẳng hạn chưa có các quy định về xử lý các hành vi kéo bè, kéo cánh, gây mất đoàn kết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị... Dẫn tới trên thực tế, nếu ở đâu đó có các hiện tượng nêu trên thường chỉ áp dụng các biện pháp kỷ luật về đảng mà chưa có các quy định của pháp luật làm cơ sở cho việc xử lý về mặt nhà nước. “Rất nhiều hành vi không phù hợp đạo đức, không “ổn” về phương diện đạo đức, song pháp luật lại bỏ trống, không xử hoặc chưa có quy định” [28, tr.31]. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nhiều nơi, nhiều chỗ chưa thật tốt. Dân chủ ở cơ sở chưa được phát huy đúng mức. Công tác quản lý, kiểm tra, giáo dục, rèn luyện cán bộ còn yếu. Chưa có cơ chế đảm bảo sự giám sát, thực hiện quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm của nhân dân đối với các chức vụ dân bầu. Công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức trong xã hội nhiều khi chưa được coi trọng đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên.
ở một nội dung khác, nhiều quan điểm, quan niệm đạo đức tốt đẹp của dân tộc mặc dù đã được pháp luật ghi nhận và bảo vệ nhưng vẫn bị xâm phạm. Các hiện tượng con cái có hành vi bất hiếu đối với cha mẹ, học trò vô lễ với thầy cô, chồng đối xử vũ phu, tàn ác đối với vợ con vẫn lác đác xảy ra trong xã hội. Sự thờ ơ, bỏ mặc, biệt lập, khép kín trong nếp sống sinh hoạt hàng ngày tại các khu dân cư đã và đang là những báo động về sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Xét trong mối quan hệ giữa pháp luật với đạo
đức, nguyên nhân của tình trạng nêu trên đó là sự pháp luật hóa các các quan niệm, quan điểm đạo đức nhiều khi chưa cụ thể nên rất khó thực hiện; các quy định của pháp luật chưa đầy đủ, chưa phù hợp và nhất là việc thực hiện các quy định của pháp luật chưa