Nam hiện nay
Điều 2, Hiến pháp 1992 quy định: “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”[9, tr.13]. Đây là lần đầu tiên trong văn bản pháp lý cao nhất của quốc gia, chúng ta khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng mô hình nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là sự thể chế hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng NNPQ trong thời kỳ đổi mới được bắt đầu đề cập đến từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.
Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII, trong phần “Những nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới” đã nêu rõ nhiệm vụ thứ bảy của chúng ta là “xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân”. Nội dung chủ yếu của nhiệm vụ này là: Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện NNPQ Việt Nam, đó là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt trong đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng XHCN. Nhà nước pháp quyền Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng ta lãnh đạo. Tiếp đến là các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, lần thứ IX đều nhất quán và làm rõ hơn về mặt nội dung của nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đó là tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức. Đặc biệt Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X lần đầu tiên đã đưa ra 5 đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền XHCN trong đó nhấn mạnh đến đặc trưng QLNN bằng Hiến pháp, pháp luật “Đảm bảo cho Hiến pháp và các đạo luật giữ vị trí tối thượng trong điều chỉnh các quan hệ thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội” [2, tr.112]. Như vậy, có thể thấy quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đã từng bước được ghi nhận và hiện thực hóa bởi tính ưu việt vốn có của nó, đã trở thành một trong những nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH.
Nhà nước pháp quyền được các độc giả, các nhà lý luận chính trị nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng dù có nghiên cứu để nhận diện dưới bất kỳ góc độ nào thì đặc trưng cơ bản và hàng đầu của NNPQ đó là Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Pháp luật là tối thượng, là chuẩn mực cao nhất để điều chỉnh hành vi xử sự của con người [31, tr.141].
Tuy nhiên, khi vận dụng học thuyết về NNPQ để xây dựng vào các mô hình nhà nước khác nhau trên thế giới, phải tính các đặc điểm của đất nước, của dân tộc, của khu vực và phù hợp xu thế tiến bộ chung của thời đại. Đối với riêng Việt Nam, xây dựng NNPQ phải tính đến các yếu tố truyền thống, văn hóa dân tộc, trình độ dân trí, dân chủ, trình độ phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Sẽ là hợp lý và hợp logic khi đặt vấn đề “mô hình Nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện đại”, từ những luận giải về “ mô hình lý luận chung về Nhà nước pháp quyền”, “mô hình Nhà nước pháp quyền theo kiểu Phương Đông”, “mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN”, “Nhà nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” [33, tr.16-32].
Có thể nói NNPQ Việt Nam mà chúng ta đang xây dựng phải là một Nhà nước có tính toàn cầu (mang đầy đủ những giá trị phổ biến của tư tưởng NNPQ đã được nhân loại tích lũy trong quá trình lịch sử, đấu tranh đầy gian khổ), vừa mang tính khu vực (mang bản sắc văn hóa Phương Đông), lại vừa mang tính dân tộc (tức là phản ánh được truyền thống Việt Nam, phong tục, tâm linh của con người Việt Nam). Nói cách khác, NNPQ Việt Nam phải tiếp thu một cách sáng tạo có chọn lọc những giá trị như: sự thống trị tối cao của pháp luật trong đời sống xã hội, tính dân chủ, nhân văn, nhân đạo… của mô hình lý luận chung về NNPQ đã được loài người trải nghiệm để ứng dụng có sáng tạo vào Việt Nam phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Nhà nước Việt Nam là một bộ phận của nền văn hóa Phương Đông, vì vậy bên cạnh việc đề cao vai trò và tác dụng pháp luật (theo quan điểm của các Nhà nước Phương Tây), NNPQ Việt Nam còn phải phát huy tác dụng của các quy tắc xã hội khác như truyền thống, tôn giáo, tập quán tốt đẹp, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Không thể có một NNPQ ở Phương Đông mà trong đó lại không có lễ giáo hoạt động, xã hội Phương Đông mà không có lễ nghĩa sẽ là một xã hội đơn điệu, buồn tẻ. Vấn đề là ở chỗ chúng ta phải có định hướng loại bỏ các lễ giáo, phong tục lạc hậu, phản
tiến bộ, phát huy và củng cố những lễ giáo mang tính giá trị cao như tự do, độc lập, lẽ phải, công bằng và bác ái.
Lý luận và thực tiễn đã cho thấy, không có pháp luật, không có đạo đức tồn tại độc lập mà chúng tồn tại trong mối quan hệ hữu cơ gắn bó, tương trợ lẫn nhau. Đã qua rồi cái thời nhân loại “ mò mẫm” nghiên cứu nên theo “Đức trị” hay theo “Pháp trị”, vấn đề bây giờ là đưa ra một phương thức kết hợp hài hòa giữa pháp luật và đạo đức để đạt hiệu quả điều chỉnh cao nhất. Chỉ có dựa trên nền tảng các giá trị đạo đức, truyền thống tiến bộ của dân tộc, pháp luật mới dễ triển khai thực hiện và có sức sống lâu bền, dẻo dai trong cuộc sống. Chỉ có kết hợp hài hòa các giá trị của pháp luật và của đạo đức, mới có thể tác động tích cực nhất định tới con người, nhằm xây dựng con người có văn hóa pháp lý cao, có phẩm chất đạo đạo đức lành mạnh, có ý thức chấp hành tốt pháp luật và các quy tắc, chuẩn mực khác của cộng đồng xã hội.
Đặc biệt, trong hoạt động xét xử của tòa án, của các cơ quan bảo vệ pháp luật... sự gắn bó, kết hợp giữa pháp luật và đạo đức càng đóng vai trò quan trọng. Khi giải quyết những vụ án cụ thể, các hành vi VPPL phải xem xét cả nhân phẩm của người vi phạm pháp luật pháp luật. Nhiều trường hợp, tình huống cụ thể, thực tế của vụ án phải được đánh giá bằng cả các tiêu chí pháp luật và đạo đức, nếu không chúng ta rất khó xác định tính chất hành vi, mục đích tội phạm như thói lưu manh, côn đồ, trục lợi, vô liêm sỉ, tư lợi, đê hèn, bất nhân. Đặc biệt đối với việc ly hôn, nuôi dạy con cái, cấp dưỡng sau khi bố mẹ ly hôn… là những trường hợp không chỉ đòi hỏi ở các chủ thể về mặt trách nhiệm pháp lý mà cả về mặt đạo đức, trách nhiệm, lương tâm đối với con cái, xã hội.
Trong thực tế, ít khi có sự VPPL mà lại không vi phạm quy tắc đạo đức, vì vậy khi xét xử, ngoài việc căn cứ vào pháp luật là cán cân công lý, người làm công tác áp dụng pháp luật còn phải dựa vào đạo đức để xét xử đúng người, đúng tội. Chính vì vậy, một trong những yêu cầu đòi hỏi quan trọng về tiêu chuẩn của người làm công tác xét xử là đạo đức phải trong sáng, vô tư, nhân ái, bao dung, nhưng cũng hết sức lý trí và nguyên tắc. Luật pháp phải được xây dựng trên cơ sở đạo đức, song chính luật pháp lại là phương tiện duy trì và bảo vệ những giá trị đạo đức tốt đẹp, ngăn chặn, hạn chế, loại bỏ tập tục lạc hậu và bảo thủ. Đáp ứng những đòi hỏi đó chính là nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu
quả điều chỉnh của pháp luật trong QLNN. Sự kết hợp hài hòa yếu tố pháp luật và đạo đức chính là đã và đang tạo ra một hệ thống quy phạm thống nhất điều chỉnh có hiệu quả các QHXH.
Xuất phát từ lý luận và thực tiễn xây dựng NNPQ ở Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy rằng sự kết hợp pháp luật và đạo đức phải được thể hiện, được chứa đựng trong một hình thức tồn tại hợp pháp để cả pháp luật và đạo đức phát huy được vai trò trong điều chỉnh các QHXH, song lại không được vi phạm nguyên tắc pháp chế, vi phạm nguyên tắc hiến định là nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Nguyên tắc này vừa đảm bảo tính minh bạch, công bằng, vừa tránh được sự lạm quyền, tùy tiện trong hoạt động áp dụng pháp luật. Để làm được điều đó, sự kết hợp pháp luật và đạo đức phải được triển khai ngay từ khâu đầu tiên của hoạt động QLNN, đó là hoạt động xây dựng pháp luật. Khi các quan niệm, quan điểm, tư tưởng đạo đức, các phong tục, tập quán được “luật hóa”, chúng sẽ có sức mạnh kết hợp của cả pháp luật và đạo đức trong điều chỉnh các mối QHXH. Chúng thuận với ý dân, hợp với lòng dân, dần dần đi vào tiềm thức, thói quen xử sự hàng ngày của mọi người và được bảo đảm thực hiện bằng sự cưỡng chế của Nhà nước.
Nội dung kết hợp pháp luật và đạo đức trong QLNN ở Việt Nam được thể hiện ở những khía cạnh cơ bản sau đây:
Một là, hoạt động xây dựng pháp luật luôn đặt trên nền tảng những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Thực tiễn đã cho thấy, đạo đức có tác động mạnh mẽ đến việc hình thành các quy định trong pháp luật. Đạo đức như là môi trường cho sự phát sinh, tồn tại và phát triển của pháp luật, là chất liệu làm nên các quy định của pháp luật. Có thể nói, bất kỳ một hệ thống pháp luật nào bao giờ cũng ra đời, tồn tại và phát triển trên một nền tảng đạo đức nhất định. Những quan điểm, tư tưởng, chuẩn mực đạo đức đóng vai trò là tiền đề tư tưởng chỉ đạo việc xây dựng lên các quy định cụ thể của pháp luật.
Trong bất kỳ xã hội nào cũng tồn tại những quan niệm, quan điểm và các quy tắc nhất định, chúng luôn gắn bó chặt chẽ đối với đời sống con người. Đạo đức hình thành từ trong cuộc sống hàng ngày của con người, trên cơ sở thừa nhận của cộng đồng. Khi cộng
đồng thừa nhận một quan điểm, quan niệm nào đó, họ thực hiện nó một cách tự giác bằng lương tâm và tình cảm của họ. Chính vì vậy, khi pháp luật được xây dựng phù hợp với đạo đức, nó không chỉ được đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp nhà nước mà còn được đảm bảo bằng dư luận xã hội và quan trọng hơn, nó đã được đảm bảo bằng chính lương tâm, tình cảm của chủ thể. Ngược lại, nếu không được xây dựng trên cơ sở đạo đức, không phù hợp với đạo đức xã hội, pháp luật sẽ rất khó đi vào đời sống. Trong trường hợp đó, pháp luật khó có thể được thực hiện nhờ sự tự nguyện, tự giác của các thành viên trong xã hội. Ngược lại, có khi họ còn tìm cách chống đối, vi phạm pháp luật đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm như hôn nhân, gia đình, dân số, sinh sản...
Sự tác động của đạo đức đến hoạt động xây dựng pháp luật thể hiện ở chỗ: Trên cơ sở các quan điểm, tư tưởng đạo đức, nhà làm luật đặt ra các quy phạm pháp luật không trái với đạo đức xã hội, phù hợp với những quan điểm, tư tưởng đạo đức ấy và cao nhất là thể chế hóa chúng thành các QPPL. Nó cũng được thể hiện qua việc nhà làm luật thừa nhận một phong tục, tập quán đạo đức nào đó, biến chúng thành tập quán pháp, thừa nhận cách giải quyết các vụ việc cụ thể trên thực tế là tiền lệ pháp để áp dụng giải quyết các vụ việc tương tự về sau. Điều chỉnh hành vi con người bằng pháp luật, nhà nước không mong muốn gì hơn khi hành vi ấy trở thành thói quen trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày của họ. Chính vì vậy, pháp luật- công cụ để tổ chức quản lý xã hội phải được xây dựng trên cơ sở truyền thống đạo đức, phù hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc. Khi pháp luật phù hợp với đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chẳng những nó được thực hiện nghiêm chỉnh trong cuộc sống mà còn góp phần to lớn trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống đạo lý, hiệu quả điều chỉnh bằng pháp luật cũng nhờ đó mà được củng cố và mở rộng hơn.
Hai là, pháp luật ghi nhận, củng cố, bảo vệ những quan niệm, quan điểm, tư tưởng, chuẩn mực đạo đức truyền thống tiến bộ.
Là hệ thống quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, pháp luật tác động mạnh mẽ đến đạo đức, nó củng cố, bảo vệ và phát huy những quan niệm, quan điểm, tư tưởng đạo đức. Khi pháp luật được xây dựng trên nền tảng đạo đức, nó góp phần bổ sung, hỗ trợ cho đạo đức, nó đảm bảo cho các quan niệm, quan điểm, chuẩn mực đạo
đức trở nên phổ biến trong toàn xã hội. Pháp luật chính là sự thừa nhận một cách chính thức của Nhà nước đối với đạo đức. Nhờ đó, chúng được tôn trọng, bảo vệ và phát huy bằng các biện pháp Nhà nước. Khi những hành vi vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội xẩy ra, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Vì thế, đạo đức có thể được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh hơn, phát huy tính tích cực của mình trong việc điều chỉnh các QHXH, bảo đảm ổn định trật tự xã hội.
Việc pháp luật ghi nhận, củng cố, bảo vệ những quan niệm, quan điểm, tư tưởng, chuẩn mực đạo đức có thể diễn ra theo hai cách: Hoặc là ghi nhận trực tiếp, nâng lên và thể chế hóa thành pháp luật; Hoặc ghi nhận gián tiếp thông qua việc pháp luật quy định “ nghiêm cấm các hành vi trái đạo đức xã hội”. Với kỹ thuật lập pháp này các quan điểm, quan niệm, tư tưởng đạo đức được Nhà nước thừa nhận và đảm bảo thực hiện trên thực tế.
Ba là, QPPL loại trừ những quan niệm, tư tưởng, chuẩn mực đạo đức lạc hậu, không còn phù hợp với những lợi ích chung của cộng đồng xã hội.
Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cùng với việc ghi nhận, củng cố, bảo vệ các giá trị đạo đức tiến bộ, pháp luật giữ vai trò quan trọng trong việc loại trừ những quan điểm, tư tưởng, chuẩn mực đạo đức lạc hậu, phản tiến bộ ra khỏi đời sống xã hội.
Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội có tính bảo thủ tương đối mạnh mẽ, nó ăn sâu bám rễ trong tâm lý của mỗi người dân, nó trở thành thói quen xử sự lặp đi, lặp lại trong từng thành viên của cộng đồng cũng như cả cộng đồng. Có những quan niệm, quy tắc đạo đức đã từng tồn tại hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm, vì vậy không đơn giản mà trong một sớm một chiều người dân có thể từ bỏ nó, thay đổi nó mặc dù điều kiện thực tế cho sự tồn tại của nó đã mất đi.
Trong những trường hợp này, pháp luật là phương tiện hữu hiệu để loại bỏ chúng, bằng các quy định cụ thể, pháp luật cấm thực hiện những hành vi theo các quan niệm,