Từ việc tìm hiểu và phân tích những điểm tương đồng và khác biệt trên đây giữa đạo đức và pháp luật ta thấy, pháp luật và đạo đức có rất nhiều điểm tương đồng với nhau khi chúng cùng tham gia quản lý xã hội với tư cách là những công cụ quản lý. Chúng cùng mang tính giai cấp, tính xã hội, cùng có chung mục đích giữ gìn và ổn định trật tự xã hội, hướng con người trong xã hội vươn đến các giá trị Chân-Thiện-Mỹ. Pháp luật và đạo đức cũng có một số điểm khác biệt, song đó không phải là sự đối lập, mâu thuẫn xung đột với nhau mà sự khác biệt đó thể hiện điểm mạnh, điểm yếu khác nhau giữa pháp luật và đạo đức khi cùng thực hiện chức năng điều chỉnh các QHXH.
Thế mạnh của pháp luật là khả năng điều chỉnh rõ ràng, dứt khoát, theo ý chí của giai cấp cầm quyền đối với các QHXH cơ bản của đất nước. Sự điều chỉnh này thống nhất trên một phạm vi rộng theo những trình tự, cơ chế luật định, đặc biệt là sự đảm bảo thực hiện pháp luật bằng sức mạnh cưỡng chế nhà nước với hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật: Tòa án, Quân đội, Cảnh sát, Nhà tù…
Trong khi đó, thế mạnh của đạo đức lại là khả năng tham gia điều chỉnh tất cả mọi mối quan hệ xã hội, mọi góc độ tình cảm trong đời sống giữa cá nhân và nhà nước, cá nhân với cá nhân và cá nhân với chính bản thân mình. Bằng cơ chế điều chỉnh từ bên trong, đạo đức tác động đến đời sống tình cảm, danh dự, uy tín của con người để từ đó hình thành nhiều cách xử sự phù hợp với chuẩn mực chung của xã hội, thực hiện chúng bằng niềm tin nội tâm, sự tự giác và sức ép của dư luận xã hội. Trong QLNN, phương pháp quản lý có hiệu quả nhất là biết kết hợp các phương thức quản lý khác nhau trên cùng một đối tượng nhằm bổ sung, lấp đầy khoảng trống trong nhau. Tuy pháp luật và
đạo đức không phải là hai công cụ duy nhất được dùng trong QLNN, song đây là hai công cụ cơ bản đem lại hiệu quả tối ưu và lâu bền.
Vì vậy, tìm ra một phương thức kết hợp cả hai loại công cụ trên là một công việc vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật trong QLNN. Điều này là vô cùng cần thiết với Việt Nam hiện nay, khi Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân - Một mô hình QLNN bằng pháp luật. Tuy nhiên hệ thống pháp luật của ta vẫn chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ, ý thức pháp luật của một bộ phận nhân dân còn chưa cao, chưa đồng đều. Mặt khác, từng là một nước thuộc địa nửa phong kiến, người dân Việt Nam có chung một tâm lý là "xa luật"; "sợ luật", bởi pháp luật phong kiến thì hà khắc với hệ thống hình phạt dã man như: lăng trì, tùng xẻo, voi giầy, ngựa xéo...,bởi pháp luật thực dân đô hộ lại bóc lột sức lao động đến nghẹt thở, người dân bất bình đẳng, tự do, bị chà đạp lên nhân phẩm, danh dự, thậm chí cả tính mạng. Chính trong những đặc điểm, hoàn cảnh lịch sử đặc thù ấy, nền văn hóa Phương Đông - văn hóa làng xã với hệ thống các quy phạm đạo đức có điều kiện phát huy vai trò điều chỉnh các mối quan hệ giữa người với người trong cộng đồng xã hội. Từ tinh thần yêu độc lập, tự do; yêu quê hương, làng xã; yêu người, yêu ta... đã hình thành nên hàng loạt các quy phạm đạo đức để tham gia vào điều chỉnh hầu hết các mối quan hệ trong xã hội Việt Nam. Người Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, Phật giáo, vì vậy mà phương châm sống luôn là "đoàn kết hòa hảo"; "thương người như thể thương thân"; "uống nước nhớ nguồn";... Quản lý nhà nước đối với một quốc gia có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc như Việt Nam thì không thể xem nhẹ yếu tố văn hóa mà cốt lõi là đạo đức. Cùng với pháp luật, đạo đức sẽ đóng vai trò quan trọng, lâu bền đối với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn chúng ta đang tiến hành xây
dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. ở đâu còn
có con người, còn có lương tri thì ở đó sẽ luôn có sự hiện diện của đạo đức, có sự tham gia điều chỉnh với tư cách là công cụ quản lý xã hội hữu hiệu và không thể thiếu. Đây chính là lý do lý giải cho việc tất yếu kết hợp pháp luật và đạo đức trong QLNN ở Việt Nam hiện nay.