Phương hướng phát huy nguồn nhân lực nữ trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở Hà Nội hiện nay

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát huy nguồn nhân lực nữ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Nội hiện nay doc (Trang 60 - 64)

kinh tế - xã hội ở Hà Nội hiện nay

3.1.1. Phát huy nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tốc độ phát

triển kinh tế và chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Thủ đô

Quy luật phát triển của lịch sử loài người được C.Mác phát hiện ra cách đây hơn 150 năm bằng cách tìm ra sự thật giản đơn là trước hết con người cần phải ăn, uống, ở và mặc trước khi có thể lo đến chuyện làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo... Trong quan niệm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, điều kiện vật chất là yếu tố cơ bản đầu tiên để con người tồn tại và phát triển. Ngày nay, để có được những con người phát triển toàn diện và có điều kiện thuận lợi cho việc phát huy nguồn lực con người đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới đất nước thì việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế để ngày một nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các thế hệ lao động cần phải được coi là nhiệm vụ có ý nghĩa cấp bách và mang tính quyết định.

Đối với việc phát huy nguồn nhân lực nữ thì sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là sự phát triển kinh tế, càng có ý nghĩa quan trọng. Điều đó xuất phát từ thực tế là nền kinh tế quyết định rất nhiều cơ hội mà con người có thể nâng cao mức sống của mình nên có tác động mạnh mẽ đến sự bất bình đẳng giới. Khi kinh tế phát triển, thu nhập tăng lên, giảm đói nghèo thì bất bình đẳng giới cũng sẽ thu hẹp, điều đó đồng nghĩa với việc sự cân nhắc giữa đầu tư cho phụ nữ hay nam giới sẽ ít hơn. Phát triển kinh tế sẽ làm xuất hiện những thị trường lao động có thể giúp giảm bớt khối lượng công việc của phụ nữ. Tăng trưởng kinh tế thường đi kèm với việc mở rộng đầu tư vào kết cấu hạ tầng giúp giảm thời gian phụ nữ dành cho công việc hàng ngày, điều đó có lợi cho sức khoẻ, cho sự tham gia vào các hoạt động tạo thu nhập và giáo dục của phụ nữ.

Thực tế phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô đã cho thấy phát triển kinh tế gắn liền với việc cải thiện tình trạng của phụ nữ, đảm bảo hơn sự bình đẳng về giới. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong ít nhất hai thập kỷ tới càng khẳng định mối quan hệ gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát huy nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực nữ nói riêng.

Giai đoạn 2001 - 2010 Thành phố xác định mục tiêu tăng trưởng GDP là 10 - 11%/năm, đến năm 2010, quy mô GDP của thành phố sẽ tăng gấp 2,5 lần so với năm 2000. Thời kỳ tiếp theo (2011 - 2020) là giai đoạn tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH trong đó Trung ương yêu cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải đi trước cả nước (tức là trước năm 2020) về CNH, HĐH. Trong giai đoạn này trên cơ sở phát huy cao độ các nguồn lực, giải phóng triệt để sức sản xuất, tiếp tục mở rộng không gian kinh tế và phát triển các khu đô thị, các quận nội thành nên kinh tế Thủ đô sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Theo dự đoán, vào năm 2020 GDP bình quân đầu người của Hà Nội sẽ đạt 5.500 - 6000 USD, người Hà Nội có mức sống cao và được sống trong một thành phố hiện đại, văn minh nhưng vẫn lưu giữ được những giá trị truyền thống và bản sắc văn hiến ngàn năm kết hợp với tinh hoa, giá trị văn hoá nhân loại và thời đại. Đó là môi trường bảo đảm cho mỗi công dân Hà Nội có điều kiện phát triển toàn diện, đóng góp năng lực và trí tuệ của mình cho Thủ đô và đất nước.

Phát triển nguồn nhân lực là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Nội. Yêu cầu CNH, HĐH Thủ đô đòi hỏi nguồn nhân lực phải có quy mô và cơ cấu phù hợp, trong đó: phát triển và phân bố hợp lý nguồn nhân lực theo khu vực kinh tế nhằm khai thác và phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế; điều chỉnh cơ cấu nghề nghiệp và phân công lao động xã hội giữa các ngành phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thủ đô theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong quan hệ kinh tế quốc tế, Hà Nội cùng cả nước sẽ hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Với lợi thế của mình, Hà Nội sẽ tham gia trong phân công lao động quốc tế theo chiều sâu trên cơ sở các ngành công nghệ cao, đồng thời phát huy vai trò của một trung tâm tài chính, đào tạo, khoa học - công nghệ và trung tâm giao dịch quốc tế của khu vực.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập kinh tế thế giới đòi hỏi Hà Nội phải đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước, trở thành trung tâm đào tạo có uy tín của cả nước và khu vực. Yêu cầu cơ bản trong phát huy nguồn nhân lực là phát triển toàn diện chất lượng nguồn nhân lực trên các khía cạnh: trí lực, thể lực, tâm lực; phát triển nguồn nhân lực đồng thời phải góp phần tích cực xây dựng và phát triển toàn diện con người Thủ đô.

Sự phát triển kinh tế sẽ đem lại sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội Thủ đô, cùng với phát triển kinh tế là quá trình xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại, phát huy bản sắc văn hiến Thăng long - Hà Nội. Việc phát huy, phát triển nguồn nhân lực nữ cũng không nằm ngoài xu thế đó. Mục tiêu là tạo điều kiện cho phụ nữ được phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của mình trên các lĩnh vực đóng góp vào sự nghiệp phát triển Thủ đô; chăm lo phát triển nguồn nhân lực nữ đồng thời với việc xây dựng người phụ nữ Thủ đô thời kỳ CNH, HĐH với những chuẩn mực Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch.

3.1.2. Phát huy nguồn nhân lực nữ gắn với quá trình dân chủ hoá, nhân văn

hoá đời sống xã hội và thực hiện bình đẳng giới

Trong thời đại ngày nay, những năng lực và phẩm chất cần thiết của con người đủ sức đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội chỉ có thể có được khi con người được sống trong một môi trường chính trị - xã hội ổn định, tiến bộ. Đó là môi trường dân chủ, nhân văn, có khả năng kích thích tính tích cực của con người, khai thác có hiệu quả các giá trị truyền thống và hiện đại của con người.

Dân chủ gắn bó chặt chẽ với quyền sống của con người, với tự do và bình đẳng. Dân chủ là nhu cầu không thể thiếu được cho sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như của cộng đồng xã hội. Thực tiễn nước ta trong nhiều năm qua đã cho thấy, không thể có tự do và bình đẳng nếu xã hội mất dân chủ hoặc dân chủ bị hạn chế. Một xã hội muốn phát triển thì phải tạo ra được những điều kiện bảo đảm cho tự do của mỗi cá nhân. Muốn vậy, nhất thiết phải dân chủ hoá đời sống xã hội. Đó là một quá trình thực hiện và bảo đảm

thực thi trên thực tế quyền lực của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội đến ý thức, tư tưởng, tinh thần. Đối với một nước nghèo, kinh tế chậm phát triển như nước ta, lại chưa trải qua nền dân chủ tư sản thì dân chủ hoá XHCN là một sự nghiệp lâu dài, nhiều khó khăn thách thức. Dân chủ chỉ trở thành hiện thực trên cơ sở một nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội, pháp luật vững chắc, một nền văn hoá chính trị cởi

mở coi trọng các quyền con người, quyền tự do, trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân. Đẩy mạnh quá trình dân chủ hoá ngày càng sâu rộng sẽ tạo ra môi trường xã hội lành mạnh cho sự phát triển cá tính, nhân cách, tài năng và sức sáng tạo cho mỗi cá nhân.

Một môi trường xã hội mang tính nhân văn là một xã hội coi trọng con người, một xã hội biết tôn trọng và phát huy bản sắc độc đáo của từng cá nhân, tạo điều kiện cho mỗi người đều được cống hiến tài năng, sức lực của họ cho sự phát triển xã hội. Nhân văn hoá

đời sống xã hội là quá trình gia tăng giá trị con người trên tất cả các lĩnh vực, trong đó

mọi kế hoạch xây dựng và phát triển nhất thiết phải gắn với kế hoạch đầu tư cho chính sự phát triển về nhân cách, trí tuệ, tình cảm, niềm vui và hạnh phúc của mỗi người dân. Quá trình này chỉ thành công khi vừa bảo tồn và phát huy những di sản văn hoá tốt đẹp của dân tộc, của Thăng Long - Hà Nội, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, sáng tạo nên những giá trị văn hoá mới, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào cuộc sống toàn xã hội và mỗi con người, trở thành tâm lý và tập quán tiến bộ, văn minh. Đồng thời, phải kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư, tật xấu đang làm tổn hại đến đời sống tinh thần, tâm tư, tình cảm của người Việt nam nói chung và người Hà Nội nói riêng.

Sự nghiệp CNH, HĐH Thủ đô mà chúng ta đang tiến hành khó có thể thành công nếu người lao động chưa có ý thức xây dựng và thực hành nền văn hoá nhân văn - dân chủ. Bởi nền văn hoá nhân văn - dân chủ này chính là điều kiện quan trọng để nâng cao tính tích cực xã hội của người lao động trong bối cảnh nước ta đang thực hiện nền kinh tế thị trường với tất cả những tác động tích cực và tiêu cực của nó. Phát huy nguồn nhân lực gắn với quá trình dân chủ hoá, nhân văn hoá đời sống xã hội là nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi, không ngừng nâng cao tính tự giác, năng động, sáng tạo, tự chủ, phát huy sức mạnh bên trong của mỗi cá nhân kết hợp với sức mạnh của cả cộng đồng.

Dưới góc độ phát huy nguồn nhân lực nữ, một môi trường xã hội dân chủ, nhân văn phải được thể hiện là một môi trường bình đẳng về giới. Một xã hội chỉ quy định và bảo đảm quyền dân chủ cho công dân nói chung mà việc thực thi trên thực tế không tính đến sự khác biệt về giới sẽ xuất hiện sự hưởng thụ các quyền dân chủ không như nhau giữa nam giới và phụ nữ. Trong bối cảnh hiện nay khi sự bất bình đẳng giới đang ở thế bất lợi cho phụ nữ thì quá trình dân chủ hoá thiếu sự nhạy cảm giới sẽ khó có thể đem lại quyền làm chủ thực sự và đầy đủ cho phụ nữ. Một môi trường xã hội mà còn thiếu sự công bằng

giữa các cá nhân thì cũng chưa thể là một môi trường xã hội thực sự nhân văn. Điều đó sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của phụ nữ, đồng thời tác động đến sự phát triển của toàn xã hội. Các kết quả nghiên cứu đã khẳng định sự bất bình đẳng giới làm chậm tiến trình phát triển. Trong số những cái giá phải trả cho sự bất bình đẳng giới thì nặng nề nhất là những tổn hại về cuộc sống con người và chất lượng sống. Vô số bằng chứng từ các nước trên khắp thế giới đã chứng tỏ xã hội nào có sự bất bình đẳng giới gay gắt và dai dẳng thì xã hội đó phải trả cái giá đắt hơn bằng sự nghèo đói, suy dinh dưỡng, ốm đau và những sự bần cùng khác" 5. tr14. Bất bình đẳng giới cũng gây thiệt hại cho năng suất và tiến bộ kinh tế khi gạt bỏ một cách có hệ thống giới nữ hoặc nam trong tiếp cận với các nguồn lực, dịch vụ hay các hoạt động có hiệu suất cao.

Chính vì vậy, việc phát huy nguồn nhân lực nữ không thể tách rời quá trình dân chủ hoá, nhân văn hoá đời sống xã hội; lại càng phải gắn liền với việc đảm bảo sự bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội Thủ đô.

3.2. Những giải pháp chủ yếu nhằm phát huy nguồn nhân lực nữ trong quá trình

phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Nội hiện nay

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát huy nguồn nhân lực nữ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Nội hiện nay doc (Trang 60 - 64)