Thực trạng gia đình Hà Nội với việc phát huy nguồn nhân lực nữ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát huy nguồn nhân lực nữ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Nội hiện nay doc (Trang 53 - 60)

Gia đình ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong việc phát huy nguồn nhân lực nữ. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất được nâng lên, các gia đình Thủ đô có điều kiện quan tâm, chăm sóc toàn diện hơn tới người phụ nữ cả về sức khoẻ, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn và đời sống văn hoá tinh thần. Cùng với sự phát triển của xã hội, quan hệ trong gia đình Thủ đô đang từng bước bứt ra khỏi những ràng buộc của những tư tưởng và hủ tục phong kiến đối với người phụ nữ. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình dân chủ, bình đẳng hơn đã mở rộng cơ hội phát triển tự do cá nhân cho cả nam và nữ. Năng lực làm chủ của phụ nữ trong gia đình được nâng lên đồng thời với việc phát huy vai trò của họ ở ngoài xã hội.

Bên cạnh những tiến bộ đã đạt được trong việc phát huy nguồn nhân lực nữ thì thực trạng gia đình Thủ đô đang nổi lên hàng loạt những vấn đề liên quan đến người phụ nữ mà dư luận xã hội quan tâm, cần sớm được khắc phục: hiện tượng ngược đãi, bạo hành đối với phụ nữ, các tệ nạn xã hội, tình trạng ly hôn có chiều hướng gia tăng, sự mất định hướng trong các giá trị gia đình, gánh nặng công việc gia đình tiếp tục cản trở sự phát triển toàn diện của phụ nữ.... Trong số các vấn đề đặt ra đối với việc phát huy nguồn nhân lực nữ trong gia đình thì vấn đề cơ bản là: Vị thế của phụ nữ chưa tương xứng với vai trò mà họ đảm nhiệm thể hiện ở sự bất bình đẳng trong phân công lao động gia đình và quyền quyết định trong gia đình.

Phân công lao động giữa vợ chồng là hình thức biểu hiện rõ rệt nhất về về mức độ giải phóng phụ nữ, về vị trí và vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Đặc điểm nổi bật nhất của các loại công việc gia đình là không trực tiếp tạo ra hàng hoá và thu nhập, song lại tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần to lớn đối với gia đình và xã hội. Đây là một bộ phận cơ bản của việc tái sản xuất nguồn nhân lực cho xã hội.

Theo khảo sát của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Thủ đô, thời gian của nam giới được sử dụng chủ yếu vào việc lao động sản xuất, trong khi thời gian của nữ được sử dụng vào cả hai nhóm việc là lao động sản xuất và nội trợ gia đình. Có sự khác biệt lớn về thời gian làm nội trợ giữa nam và nữ: có gần 50% người chồng không bao giờ làm việc nhà, 30% thỉnh thoảng và 15% thường xuyên giúp vợ; tính trung bình phụ nữ phải mất hơn 5h để làm các công việc gia đình, nhiều gần gấp 5 lần so với nam giới, phụ nữ có khoảng 3h30 để nghỉ ngơi, chỉ bằng một nửa thời gian nghỉ ngơi của nam giới. Sự

chênh lệch nói trên cho thấy đối với nam giới thời gian có thể không ảnh hưởng đến các công việc khác nhưng đối với nữ lại là vấn đề lớn. Để hoàn thành vai trò giới trong sản xuất và tái sản xuất, phụ nữ buộc phải rút ngắn thời gian nghỉ ngơi, hưởng thụ văn hoá và nâng cao trình độ. Vì vậy, so với phụ nữ, nam giới có nhiều điều kiện thăng tiến hơn trong xã hội, có tiềm lực kinh tế mạnh hơn và trở thành người có tiếng nói quyết định trong gia đình cũng như xã hội.

Điều đó cũng lý giải cho thực tế là tuy tỉ lệ nữ chủ hộ tăng lên từ khi gia đình được khuyến khích trở thành một đơn vị kinh tế, nhưng địa vị chung của phụ nữ trong gia đình lại không hoàn toàn bình đẳng với nam giới, nhất là trong việc quyết định, chi phối các nguồn lực trong gia đình. Kết quả khảo sát của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Thủ đô cho thấy hiện nay tiếng nói của phụ nữ trong các quyết định lớn của gia đình là chưa cao: tỷ lệ phụ nữ quyết định các khoản mua sắm lớn là 17%, tỉ lệ này đối với nam giới là 80%; đối với việc học của con, tỉ lệ vợ có tiếng nói cuối cùng là 38%, chồng 52%; đối với việc định hướng nghề nghiệp cho con thì tiếng nói của vợ giảm xuống còn 14% và tiếng nói của chồng gần như là tuyệt đối 78%.

Như vậy, trong khi thực hiện khối lượng công việc nội trợ và các công việc khác cao gấp nhiều lần hơn nam giới thì phụ nữ chỉ có tiếng nói quyết định trong những vấn đề quan trọng bằng một phần nhỏ so với nam giới. Hiện tượng bất bình đẳng về vị trí và vai trò của phụ nữ trong gia đình là do:

- ảnh hưởng của quan niệm phong kiến lạc hậu về vị trí, vai trò của phụ nữ trong công việc gia đình còn nặng nề, phổ biến, đánh giá thấp ý nghĩa của các công việc gia đình; nam giới thiếu động lực trong việc chia sẻ công việc gia đình. Vấn đề giải phóng phụ nữ trong gia đình chưa được đặt một cách tương xứng với yêu cầu đổi mới kinh tế - xã hội

- Thu nhập thấp của gia đình chưa cho phép sử dụng một cách phổ biến các dịch vụ xã hội cũng như các phương tiện giảm nhẹ gánh nặng nội trợ.

Tình trạng nêu trên có thể làm nảy sinh những mâu thuẫn sau:

- Mâu thuẫn giữa sự tham gia ngày càng nhiều hơn của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế - xã hội và quyền quyết định còn rất hạn chế của họ trong gia đình.

- Mâu thuẫn giữa đòi hỏi ngày càng cao trên thị trường lao động xã hội về tri thức và tay nghề với khả năng đầu tư rất hạn chế của phụ nữ cả về thời gian và trí tuệ cho việc

nâng cao năng lực cá nhân. Điều đó gây ra sự lãng phí về tiềm năng con người đối với toàn xã hội nói chung.

Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật, công nghệ và hội nhập quốc tế thì việc phụ nữ hoàn thành tốt công việc gia đình đồng thời khẳng định được vị trí của mình trong xã hội là một thử thách lớn hơn nhiều so với các thời kỳ trước. Vấn đề đặt ra là tạo điều kiện cho phụ nữ giải quyết hài hoà giữa công việc gia đình và công việc xã hội để tiếp cận nhiều hơn với những nguồn lực phát triển. Thiếu điều kiện này thì dù có quyết tâm đến đâu phụ nữ cũng khó có thể đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

2.3. Những vấn đề đặt ra đối với việc phát huy nguồn nhân lực nữ ở Hà Nội

hiện nay

Thực trạng nguồn nhân lực nữ và việc phát huy nguồn nhân lực nữ ở Hà Nội hiện nay cho thấy công cuộc đổi mới đất nước đang tác động mạnh mẽ và đặt ra những vấn đề mang tính cấp bách. Nghiên cứu phát hiện những vấn đề đó được coi là tiền đề quan trọng đối với việc đề ra các giải pháp tác động nhằm phát huy hơn nữa vai trò của nguồn nhân lực nữ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, việc khai thác, sử dụng nguồn nhân lực nữ chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng được yêu cầu hoàn thiện cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô

Điều đó thể hiện ở chỗ tỉ lệ thất nghiệp của lao động nữ còn ở mức cao, hiệu quả sử dụng lao động nữ thấp, sự phân bố của lao động nữ trong các nhóm ngành và trong nội bộ từng ngành bất cập với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xu thế phát triển của Thủ đô. Trong đó vấn đề rất đáng quan tâm là phụ nữ tập trung đông ở những lĩnh vực lao động sản xuất trực tiếp, kỹ thuật giản đơn, có năng suất, thu nhập thấp và thiếu ổn định.

Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng này là do chất lượng của nguồn nhân lực nữ còn nhiều hạn chế, nhưng nguyên nhân sâu xa là do trong quá trình sử dụng nguồn nhân lực nữ chưa có sự quan tâm đầy đủ, giải quyết hài hoà hai chức năng sản xuất và tái sản xuất xã hội của phụ nữ. Đối với một quốc gia thì sự bất bình đẳng như vậy gây lãng phí cho việc sử dụng nguồn nhân lực. Đối với mỗi cá nhân lao động nữ hoặc nam thì sự mất cân đối đó có thể làm giảm hiệu suất lao động. Nếu việc tìm kiếm và lựa chọn việc làm chỉ đơn thuần là xuất phát từ lợi ích, nhu cầu và năng lực của mỗi cá nhân thì vấn đề chưa

đến mức cấp bách. Nhưng khi điều đó liên quan đến điều kiện kinh tế, cơ may xã hội, thị trường lao động và dư luận xã hội thì việc phân bố lao động trở thành vấn đề kinh tế - xã hội rất đáng quan tâm. Với ý nghĩa đó, việc tạo ra cơ hội việc làm và sự phân bố lao động bình đẳng cân đối giữa nam và nữ là nội dung quan trọng trong sử dụng nguồn nhân lực nữ. Vấn đề đặt ra là phải giải quyết được mâu thuẫn giữa đòi hỏi ngày càng cao trên thị trường lao động xã hội về tri thức và tay nghề với khả năng đầu tư rất hạn chế của phụ nữ cả về thời gian và trí tuệ cho việc nâng cao năng lực cá nhân.

Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực nữ bất cập với đòi hỏi ngày càng cao của sự phát triển kinh tê - xã hội và bình đẳng giới.

Tuy Hà Nội có nhiều nỗ lực và đã đạt được những kết quả vượt trội so với nhiều địa phương trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, nhưng trí lực, thể lực, phẩm chất đạo đức - tinh thần của nguồn nhân lực nữ đang có những vấn đề trở ngại cho việc phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường vị thế của phụ nữ. Trong điều kiện nguồn nhân lực nữ dồi dào về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế thì quá trình sử dụng nguồn nhân lực nữ cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở Thủ đô tất yếu dẫn tới mâu thuẫn giữa hai xu hướng:

Để đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH cần phải sử dụng nguồn nhân lực nữ có chất lượng cao và sẽ dẫn đến hiện tượng dư thừa lao động, một bộ phận phụ nữ sẽ buộc phải đứng ngoài thành quả chung của quá trình phát triển.

Ngược lại, nếu quá coi trọng yêu cầu toàn dụng nguồn nhân lực nữ, cố giải quyết việc làm đầy đủ" cho lao động nữ mà không tính tới chất lượng và hiệu quả sử dụng thì sẽ không phát huy được vai trò của nhân tố con người cho mục tiêu CNH, HĐH.

Vừa đảm bảo được nhu cầu sử dụng nguồn lực con người cho CNH, HĐH, vừa thực hiện được mục tiêu tạo việc làm đầy đủ cho lao động nữ sẽ rất khó có thể giải quyết nếu đặt cả hai mục tiêu đó ngang bằng nhau. Để có lợi hơn cho sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước và tạo tiền đề giải quyết việc làm đầy đủ cho phụ nữ xét theo góc độ phát triển dài hạn, chúng tôi cho rằng cần phải quan tâm hơn đến chất lượng và hiệu quả sử dụng. Lấy mục tiêu chất lượng làm tiền đề và cơ sở cho việc thực hiện mục tiêu số lượng, thì đồng thời với việc sử dụng hợp lý lực lượng lao động nữ hiện có cần phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng nhu cầu CNH, HĐH.

Chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô còn có vấn đề chênh lệch về giới. Sự chênh lệch này tất yếu gia tăng khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới không chỉ trong lao động, việc làm mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Như vậy yêu cầu phát triển kinh tế và tăng cường tiến bộ xã hội ở Hà Nội đang đặt ra vấn đề là phải nâng cao toàn diện chất lượng nguồn nhân lực nữ đi đôi với việc giảm khoảng cách về giới, trước hết là trong giáo dục - đào tạo.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ là giải pháp, điều kiện cơ bản để phát huy thế mạnh của đội ngũ lao động nữ hiện chiếm số đông ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của Hà Nội. Đồng thời là biện pháp tích cực nhằm tăng cường bình đẳng giới, đẩy mạnh sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần vào sự phát triển hài hoà, bền vững của gia đình và xã hội.

Thứ ba, cơ chế hoạch định và thực thi các chính sách chưa tạo lập được môi trường thực sự bình đẳng cho sự tham gia và thụ hưởng của phụ nữ đối với các thành quả trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội

Phụ nữ và nam giới có nhu cầu, vai trò và trách nhiệm khác nhau; những khác biệt này có thể dẫn đến sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực, mức độ tham gia, thụ hưởng các nguồn lực và thành quả phát triển.

Các chính sách phải đóng vai trò xác lập một môi trường, thể chế để tạo ra quyền hạn và cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và nam giới, do vậy phải tính đến đầy đủ về nhu cầu, vai trò và trách nhiệm khác nhau của nam giới và phụ nữ. Chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước ta thừa nhận và tôn trọng quyền bình đẳng giới. Các chính sách chung của Thành phố hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử với phụ nữ, Thành phố cũng đã từng bước thực hiện lồng ghép giới trong việc hoạch định một số mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quan điểm về giới, bình đẳng giới chưa thực sự được cụ thể hoá thành một cơ chế thống nhất không chỉ trong việc hoạch định mà cả trong tổ chức thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ trong gia đình mà cả ngoài xã hội. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và tái sản xuất nhưng đang phải chịu nhiều thiệt thòi và đối mặt với hàng loạt rào cản trong việc tiếp cận, tham gia và thụ hưởng các nguồn lực, thành quả phát triển. Chính vì vậy đã hạn chế việc phát huy quyền làm chủ của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Sở dĩ có tình trạng này là do sự hiểu biết chưa đầy đủ về vấn đề giới, những tàn dư tư tưởng phong kiến, gia trưởng, trọng nam khinh nữ còn tồn tại trong các tầng lớp xã hội đã hạn chế việc nhận thức khách quan về vai trò và năng lực của phụ nữ, chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc xác lập cơ chế cụ thể đảm bảo việc thực hiện bình đẳng giới trong phát triển kinh tế - xã hội.

Yêu cầu phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội ở Hà Nội đang đòi hỏi phải giải quyết mâu thuẫn giữa những đóng góp to lớn của phụ nữ trong đời sống xã hội với việc bồi dưỡng, hưởng thụ chưa tương xứng. Vấn đề đặt ra là phải nâng cao tính tích cực xã hội của phụ nữ đi đôi với việc xác lập cơ chế bình đẳng giới trong các mối quan hệ gia đình và xã hội. Đó là yếu tố then chốt của một chiến lược dài hạn nhằm nâng cao bình đẳng giới và phát huy nguồn nhân lực nữ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chương 3

Phương hướng và những giải pháp chủ yếu

nhằm Phát huy nguồn nhân lực nữ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Nội

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát huy nguồn nhân lực nữ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Nội hiện nay doc (Trang 53 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)