5. Bố cục của đề tài
3.1.1. Không thời gian trong Số đỏ
Với Số đỏ, bối cảnh xã hội thành thị bao trùm không gian nghệ thuật. Nhà văn dàn dựng không gian nghệ thuật trong khí thở của đô thị. Bất cứ xã hội nào dù văn minh hay lạc hậu đến đâu, bao giờ cũng có không gian nhất định của mình. Đó là không gian hiện thực. Tác phẩm mở đầu bằng một vỉa hè phố Tây: mấy người bán nước chanh ế ẩm, ông thầy số ngồi ngáp ngắn ngáp dài, cô hàng mía mau mồm mau miệng... còn lũ ve sầu thì ca nhạc mùa, trong lúc đó từ sân quần vợt vang lại tiếng banh bồm bộp. Hai cảnh khác biệt nhau của hai thế giới: sân quần của kẻ giàu và quyền lực, với vỉa hè của đám dân nghèo, họ có biên giới là hàng rào cây chuối. Nếu như bối cảnh thành thị qua phần đầu chỉ là nét chấm phá, thì lúc Xuân tóc đỏ bước vào dinh cơ của bà Phó Đoan, người đọc khó đoán trước được đó là cả một một khoảng trời đang mở ra với nhân vật. Thay vì thế giới cư dân chật hẹp trong nhà lao hay vỉa hè phố, thế giới cư dân “thượng lưu” nhí nhố hơn, sinh động hơn, và rộng ra hơn là xã hội đang “hóa mình”.
Từ không gian của bình dân, thâm nhập vào không gian mới, không gian đa chiều của đời sống thành thị. Tác giả minh chứng hóa cụ thể và sâu sắc bức tranh xã hội qua từng địa điểm nói: tiệm ăn Hàng Buồm, câu lạc bộ Tây_Ta, sân quần vợt. Ngòi bút của Vũ Trọng Phụng tung hoành ngang dọc một cách hứng thú, mỗi nét vung lên là một lần giúp thêm thành thị điêu ngoa, bịp bợm.
Bức tranh Số đỏ diễu qua từ đầu đến cuối là bức vẻ xã hội đã được phóng lên, mang tính phúng dụ trong ý nghĩa toàn cảnh. Một trong những yếu tố cấu thành bức tranh rộng lớn đó là những vùng không gian hẹp, được tác giả dày công xây dựng, mang tính chất tiêu biểu và đầy sức thuyết phục. Hiệu may Âu hóa là một điển hình của không gian hẹp, nơi đây diễn ra cuộc “cải cách xã hội” bằng thời trang “làm tăng vẻ đẹp, không cốt che đậy”. Hay khách sạn Bồng Lai, nơi phụ nữ “giải phóng mình”. Không gian hẹp chú trọng khai thác ở nhiều cách biểu hiện, nơi chốn khác nhau, tạo cho mỗi địa điểm từng đường nét riêng, góp phần minh họa cho sự phong phú của câu chuyện. Tổng cục thể thao là nơi để nghe các “anh tài thể thao” khoe danh hợm. Sân quần của Hà Thành là nghị trường ngoại giao và chính trị, quần vợt... Trong giới hạn của không gian hẹp của tác phẩm, đáng chú ý là nhà cụ cố Hồng, đây là không gian xuyên suốt nhất, được lặp đi lặp lại nhiều lần, nhất là những chuyện xảy ra trong ngôi nhà này, đều có quan hệ dây mơ với diễn biến toàn cục của tác phẩm.
Cùng với việc xây dựng không gian nhà cố Hồng, nhà văn còn thành công trong bước tạo ra những cảnh tượng không gian phụ khác: nhà bà Phó Đoan, Sở nhà đoan, chùa, tiệm may Văn Minh... làm cho hình tượng không gian nổi bật và không bị đơn điệu, tạo nên sự hài hòa lẫn nhau tưởng không thể thiếu được, góp phần tạo nên chỉnh thể không gian của Số đỏ, xã hội thành thị Việt Nam.
Tóm lại, không gian nghệ thuật trong Số đỏ là không gian đa chiều, được kết cấu trên nền không gian rộng, tù phạm vi nhỏ đến bối cảnh lớn, hài hòa, phối dáng cho nhau, làm nên một không gian sinh động và hết sức thuyết phục.
Nếu không gian là một hiện thân tự nhiên cho bối cảnh xã hội của truyện, tất yếu không gian không thể tách rời khỏi thời gian. Vũ Trọng Phụng đã đan cài bao cảnh đời, bao số phận nhằng nhịt trong thời gian diễn ra chưa đầy năm tháng. Thời gian trong Số đỏ gấp gáp, hối hả, lăn vào những biến động xâu chuỗi, đột ngột và hoang tưởng. Nhà văn không chọn quá khứ làm đòn bẩy, trong khi đó tương lai đã có sự phác họa của hiện tại và thời gian chạy dồn dập của hiện tại trở thành cốt lỏi để xây dựng cốt truyện và các nhân vật. Hiếm có thời gian ngắn trong vòng năm tháng mà một tên ma cà bông chuyên nhặt bóng trong sân quần lại trở thành vô địch Đông Dương và cứu nguy cho cả dân tộc. Vì gấp gáp thế, thành đạt thế, nên bên trong nhịp điệu thời gian như là bóng ma khủng khiếp, thấp thoáng những toàn quyền vua, thống sứ, có sức điều khiển từ xa, xa lắm. Cho thấy nhịp chảy thất thường của thời gian xã hội trở thành trung tâm hình tượng của thời gian.
Nếu chú ý ta sẽ thấy những sự kiện xảy ra đến chớp nhoáng, con người thì hấp tấp, vội vã đến tưởng chừng không thể nào hơn. Nhà văn luôn kiến tạo ngôn ngữ chỉ thời gian với tinh thần các sự kiện đó. Trong tác phẩm, bên cạnh cái không gian ngậu xị, huyên náo, còn là những trạng từ, liên từ, phó từ, chỉ sự biến thiên của thời gian “bỗng”, “đột nhiên”, “vừa lúc ấy”, “đột ngột’... tác giả sử dụng như là một phương tiện hữu hiệu khi mô tả: “chợt có tiếng gõ cửa”, “Tuyết chợt nhìn ra xa”, “Xuân tóc đỏ bỗng thấy ông thầy số”... Thời gian và sự kiện trong tác phẩm trôi qua vùn vụt, chưa kịp ghi lại ấn tượng này đã có sự kiện khác ập đến, xô bồ và quấn quýt nhau chạy mãi, tưởng đứt hơi đi được. Sự chồng chéo lên nhau, những lớp sự việc, con người và ấn tượng mạnh, bộc lộ chiều hướng vận động của cơn giẫy giụa, ngắc ngoải...