Ngôn ngữ nghệ thuật trong du ký trên Nam Phong tạp chí

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934) (Trang 54 - 61)

Chương II: Du ký trên Nam Phong tạp chí Bức tranh hiện thực rộng lớn

3.5. Ngôn ngữ nghệ thuật trong du ký trên Nam Phong tạp chí

Văn học là nghệ thuật của ngôn từ, hay nói cách khác ngôn từ chính là yếu tố, là chất liệu đầu tiên tạo nên các tác phẩm văn học. Một tác phẩm thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của nhà văn trong đó. Ngôn ngữ của du ký trên Nam Phong tạp chí mang những đặc điểm của ngôn ngữ văn xuôi đầu thế kỷ XX. Bên cạnh thứ ngôn ngữ hiện đại, trong sáng, ngắn gọn, súc tích, du ký vẫn còn sử dụng lối văn biền ngẫu, đăng đối, những câu văn hình ảnh, bóng bảy và các từ Hán Việt.

Sử dụng các câu văn biền ngẫu, đăng đối là lối viết văn “thịnh hành” trong văn xuôi trung đại. Đó là những câu văn dài, dàn trải có sự đối nhau nhịp nhàng

giữa các vế trong một câu hay giữa các câu trong một đoạn văn. Câu văn biền ngẫu đem lại âm hưởng du dương, thiết tha cho tác phẩm.

Đọc du ký, ta bắt gặp nhiều đoạn văn có âm hưởng như thế. Chẳng hạn như trong Trẩy chùa Hương, Phạm Quỳnh viết: “Là Trời, là Phật, là Thánh, là Thần, tuy danh hiệu có khác nhau, tùy tập tục của mỗi xứ, mà tính cách đâu cũng một, tức là một Đấng Đại từ Đại bi, cứu khổ cứu nạn, để những khi chán chê cuộc thế, tê tái nỗi lòng, có chỗ mà quy y cho an ổn, có nơi mà than khóc cho hả lòng. Đấng ấy mắt không trông thấy, tai không nghe thấy, mà trong lòng mong mỏi, trong dạ khát khao, trong trí tưởng tượng, trong bụng cầu nguyện, giữa những lúc cực chẳng đã, thế không sao, lại càng bồi hồi mà tin cậy, nóng nảy mà ước ao…” [31,82].

Hay một đoạn văn khác trong bài du ký Cuộc thưởng ca ở làng Hữu Thanh Oai, của tác giả Nguyễn Mạnh Hồng: “Thế nhưng mà, giữa lúc đêm thanh, cảnh tĩnh, ra đứng ngoài mũi thuyền mà trông lên vầng trăng len lỏi đám mây bay, nhìn xuống mặt nước nhấp nhô làn sóng gợn, và lắng tai nghe cái giọng những người điền phu, đã phụ hát đó, khi thì véo von như tiếng chim hót, khi thì ti tỉ như tiếng dế kêu; thôi thế cũng là thắng cảnh, lương thần, mà cũng tạm cho là thưởng tâm, lạc sự vậy” [31, 144].

Bên cạnh việc sử dụng lối văn biền ngẫu, các tác giả du ký còn dùng lối văn miêu tả hình ảnh, bóng bảy: “Mầu trời xanh biếc, rạng sáng dần dần; vài luồng gió thổi hiu hiu, mấy hạt sương sa lác đác, cỏ hoa, nụ lá, lóng lánh như dát kim cương ngọc thạch. Kìa chiếc nhạn, nọ đàn chim, ríu ra ríu rít trên cành, đón chào bạch nhật. Gà xao xác, chó sủa ran, gọi người tỉnh giấc hoàng lương mơ màng. Nào sĩ, nào nông, nào công, nào thương, người nào nghề ấy, tìm đường sinh nhai; đang trong cái cảnh êm đềm tịch mịch, bỗng biến ra một cảnh hoạt động lạ thường” [29,296]. (Ba bể du ký, Nhạc Anh Hoàng Văn Trung).

Tuy nhiên, lối viết ấy các tác giả sử dụng nhiều khi gây dài dòng. Ví như đoạn văn trong bài Du Ngọc tân ký của Tùng Vân: “Ngửa mặt trông lên, thấy một đàn hâu bay lượn, xem ra có ý thỏa thích nhẹ nhàng; sực nhớ đến thuở xưa

bà nữ kiệt nước Nam ta khi đóng quân ở đây, dưới thì bùn lầy, trên thì sa mù, con hâu hết sức bay, chỉ là là trên mặt nước; trong bụng tự nhiên thấy cồn cộn đau, hai hang lệ muốn tuôn đầy ra được, rõ thật là cảm thương người mà ngậm ngùi muôn thu; cho mới biết những người không có cảm tình đến lịch sử cổ kim, tuy có rủ nhau đi chơi chăng nữa, chẳng qua uống cốc cà phê, ngậm điếu xì gà, nhẩy lên xe cao su, bấm đồng hồ xem mấy giờ, mau mau đi cho đến nhà hát mà thôi, không bao giờ có cảm tình với cỏ hoa, cảm tình với non nước” [31,323].

Phạm Quỳnh cũng đã có những lúc viết những câu văn như thế: “Hết chuyện xa đến chuyện gần, hết việc nước đến nỗi lòng, khi thông, khi nối, khi nói, khi ngừng, có lúc giờ lâu mới cất tiếng mà tưởng lại càng lẳng lặng lại càng thấu hiểu mối tâm tình” [30,214].

Trong du ký, từ Hán Việt, từ cổ cũng được các tác giả sử dụng. Đây là hệ thống từ đã có sẵn trong ngôn từ của dân tộc, rất khó để sử dụng cho hay. Nếu sử dụng từ Hán Việt không khéo sẽ làm câu văn trở nên nặng nề, công thức. Còn từ cổ nếu lạm dụng dùng nó sẽ khiến tác phẩm trở nên khó hiểu, xa lạ với người đọc. Chính vì vậy, đòi hỏi tài năng sử dụng ngôn từ của các nhà văn.

Việc sử dụng lối văn biền ngẫu và những từ Hán Việt, từ cổ là một môtíp quen thuộc của những nhà văn giai đoạn giao thời. Các tác giả du ký cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, ta thấy trong du ký, việc sử dụng lối văn này không nhiều, mà nhìn chung ngôn ngữ du ký đã trở nên ngắn gọn, trong sáng, và đang tiến gần hơn tới ngôn ngữ văn xuôi hiện đại. Nói về ngôn ngữ du ký trên Nam Phong tạp chí, Nhà xuất bản trẻ cho rằng: “Vẫn có những câu văn biền ngẫu, đăng đối, nặng từ Hán Việt, những bài ngâm vịnh theo lối cổ, những trang viết tương tự như địa chí, địa bạ bên cạnh những ghi chép sinh động hấp dẫn, đôi khi pha chút hóm hỉnh và chêm cả những câu tiếng Pháp, rất gần gũi với cách hành văn của những nhà Pháp văn. Nhưng đa phần các bài du ký đã thể hiện một lối tiếng Việt trong sáng, nhuần nhị và cho thấy ở thời điểm này, văn chương quốc ngữ đã thực sự được định hình”.

KẾT LUẬN

Đầu thế kỷ XX, báo chí nước ta có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ tới Nam Kỳ, nhiều tờ báo lớn đã ra đời và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân. Báo chí ngoài chức năng là cơ quan ngôn luận, là nơi truyền bá rộng rãi chữ quốc ngữ, nó còn góp phần không nhỏ vào sự ra đời và phát triển của nhiều thể loại văn học trong buổi đầu hình thành nền văn học Việt Nam hiện đại. Cùng với tạp chí Đông Dương, tạp chí Nam Phong là một trong hai tờ báo lớn nhất, có ảnh hưởng nhiều nhất trong nước ta bấy giờ. Nam Phong tạp chí tuy còn một vài hạn chế trên phương diện chính trị, nhưng những đóng góp của nó cho nền văn học nước nhà trong giai đoạn giao thời (1900 - 1930) thì không ai có thể phủ nhận. Trong 17 năm hoạt động, tạp chí Nam Phong đã đăng tải nhiều thư mục liên quan tới văn chương, trong đó có mục du ký.

Trong văn học trung đại, thể du ký đã xuất hiện nhưng bước sang thế kỷ XX, với những tiền đề về lịch sử xã hội và những tiền đề mang tính chất nội hàm văn học, du ký mới thực sự phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu. Du ký là một thể tài đặc biệt của văn học. Trong một tác phẩm du ký, ngoài giá trị văn chương, người ta còn tìm thấy nhiều giá trị khác - những giá trị mang tính học thuật, như giá trị sử học, xã hội học, dân tộc học, phong tục học, văn hóa học, địa phương học. Qua những tác phẩm du ký trên Nam Phong tạp chí, người đọc không chỉ có được cái nhìn bao quát về hiện thực non sông đất nước, về con người trong thời đại mới; mà phần nào còn cảm nhận được những tâm tư, nỗi niềm ưu ái trước thời cuộc của chính các tác giả du ký - lớp người trí thức.

Để viết được những tác phẩm du ký thực sự thành công, ngoài việc khai thác triệt để những giá trị phong phú về mặt nội dung của tác phẩm, thì các nhà văn cũng đã cố gắng không ngừng phát huy và sáng tạo những đặc trưng nghệ thuật của thể du ký. Là nghệ thuật xây dựng không gian thời gian, sao cho đó

phải là thời gian - không gian thực có khả năng liên kết, xâu chuỗi các sự kiện cũng như xác định chính xác các nơi chốn, điểm dừng chân, tạo tính xác thực cho du ký; là nghệ thuật kể chuyện vừa đảm bảo tính khách quan trong việc trần thuật hiện thực, nhưng cũng vừa phải nêu bật tính chủ quan trong cảm nhận, đánh giá của các chủ thể sáng tác. Ngoài ra, viết du ký, các tác giả cũng không quên chú ý tới yếu tố kết cấu. Kết cấu của du ký là kiểu kết cấu ghi chép nối tiếp, tuy đơn giản nhưng vì thế nó càng đòi hỏi cao tài năng của mỗi người viết. Nhằm tránh sự đơn điệu, khô khan cho các tác phẩm du ký, các nhà văn còn khéo léo kết hợp nhiều thể loại trong một tác phẩm. Bên cạnh đó, ngôn ngữ cũng đóng vai trò không nhỏ cho sự thành công của các bài du ký. Ngôn ngữ du ký trên Nam Phong tạp chí, mặc dù còn một vài đặc điểm của ngôn ngữ văn học trung đại như sử dụng các từ cổ, từ Hán, lối văn biền ngẫu, các câu văn miêu tả bóng bẩy, hình ảnh; thì nhìn chung nó cũng đã trở nên ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, tiến gần hơn tới ngôn ngữ văn xuôi hiện đại. Với tất cả những đặc trưng nghệ thuật ấy, thể du ký đã tạo được những giá trị nhất định đối với nền văn học nước nhà đầu thế kỷ XX. Và ở mức độ nào đó, sự phát triển của du ký trên Nam Phong tạp chí nói riêng, thể loại ký văn học của giai đoạn giao thời (1900 - 1930) nói chung đã góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền văn học Việt Nam.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng du ký trên Nam Phong tạp chí vẫn được người đọc ngày nay tiếp nhận và đánh giá cao những giá trị của nó. Năm 2007, với sự ra đời của bộ Du ký Việt Nam - Tạp chí Nam Phong (1917 - 1930), độc giả và giới nghiên cứu có thêm nguồn tư liệu quý để tìm hiểu về thể tài văn học này. Nhằm giới thiệu một cái nhìn khái quát về thể du ký trên Tạp chí Nam Phong, chúng tôi đã chọn đề tài: Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí. Với giới hạn một khóa luận, chắc chắn chúng tôi chưa thể đi sâu tìm hiểu kỹ lưỡng các vấn đề liên quan tới thể du ký, mà chỉ với mục đích khảo sát sự ra đời, phát triển, các giá trị chính về nội dung và nghệ thuật của nó. Hi vọng, trong tương lai sẽ có những công trình nghiên cứu về vấn đề này một cách đầy đủ và chuẩn xác hơn.

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934) (Trang 54 - 61)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(64 trang)
w