Hình ảnh con ngườ

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934) (Trang 37 - 42)

Chương II: Du ký trên Nam Phong tạp chí Bức tranh hiện thực rộng lớn

2.2. Hình ảnh con ngườ

Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực đời sống. Trong bức tranh hiện thực ấy không thể thiếu đi hình ảnh con người. Trong các tác phẩm du ký cũng

vậy, hình ảnh con người đã được các tác giả khắc họa một cách chân thực. Du ký với đặc trưng của thể tài là ghi lại những điều mà người đi mắt thấy tai nghe, nên ngoài việc miêu tả, giới thiệu những về địa lý, lịch sử, phong cảnh, phong tục tập quán, thì việc khắc họa chân dung con người, cũng đòi hỏi yếu tố sự thật. Ba thập niên đầu của thế kỷ XX, là giai đoạn lịch sử đặc biệt của nước ta. Nó được coi là giai đoạn giao thời giữa cái cũ và cái mới, giữa phương Đông và phương Tây. Những cái cũ của thời đại trước chưa mất đi, những cái mới của một xã hội hiện đại thì đang trong sự manh nha, hình thành. Con người trong buổi Tân - Cựu giao thời ấy cũng có những đặc điểm riêng mang tính thời đại. Bởi vậy đọc những trang du ký trên tạp chí Nam Phong, người đọc dễ nhận thấy sự xuất hiện của những nhân vật thuộc nhiều thành phần, tầng lớp trong xã hội, từ vua chúa, quan lại, những ông đồ, thầy nho tới tầng lớp trí thức mới.

* Tầng lớp vua quan

Đó là hình ảnh của vua Khải Định, được tác giả Phạm Quỳnh nói tới trong

Thuật chuyện du lịch ở Paris. Hình ảnh vua Khải Đinh hiện lên trong suy nghĩ của tác giả và qua cả con mắt của những người Pháp: “Nghe đâu có đức Hoàng đế ta chuyến ngự du Âu Châu này, sắm được nhiều đồ quý vật lạ lắm, và thứ nhất là các “trang sức phẩm” ở Paris. Có ông Tây đã nói với tôi rằng: “Vua anh giàu thật!” Tôi nghĩ bụng: “Rõ ông này khen phò mã tốt áo”! ” [29,353]. Phạm Quỳnh không chỉ cho mọi người thấy Khải Định chỉ là một ông vua thích khoa trương, hợm của, mà còn là một vị vua bất tài, bù nhìn. Trong bài du ký Pháp du hành trình nhật ký, tác giả thuật lại chuyến du hành sang Pháp của vua Khải Định, trong đó có đoạn nói về ngày Hội Đông Pháp. Trong ngày hội ấy Khải Định với vai trò là người chủ lễ, khi được ông chủ Hội đem quyển “Kim Thư” ra xin chữ ký, trong khi ai cũng chờ đợi đức Hoàng thượng nghĩ một bài thơ Nôm hay thơ chữ, Đường luật hay tứ tuyệt gì thì mười năm phút trôi qua, ngài chỉ viết một câu chữ Hán rằng: “năm ấy, tháng ấy, Đức Hoàng đế Việt Nam đến ngự nhà Hội” trước sự thất vọng của mọi người.

Khác với hình ảnh vua Khải Định, hầu hết hình ảnh các vị quan lại xuất hiện trong những tác phẩm du ký trên Nam Phong tạp chí lại là những con người nhiệt tình, có công với nước với dân. Và dù họ là quan ta hay quan tây, thì cũng chiếm được lòng tin của người dân.

Đó là hình ảnh các quan địa phương như quan Châu sở được tác giả Nhạc anh Hoàng Văn Trung ngợi khen trong bài Ba bể du ký: “Ngài vốn là người lịch thiệp từng trải, có chân Bắc Kỳ tư vấn nghị viện; ngài khoản đãi ân cần, trân trọng, không những đối với bạn bè thân thuộc mà thôi, dù các bậc văn nhân lãm khách, chưa từng giao tiếp với ngài, mà nhân qua hạt ngài, ngài cũng lấy câu: “Tứ hải giai huynh đệ”, tiếp đón một cách đậm đà, hòa nhã như vậy. Tấm lòng bác ái ấy đáng nên kính phục thay” [29,295]. Là hình ảnh ông quan Trưởng giáo, là quản đốc trường Pháp - Việt Chợ Rã. Ông là người: “đã lấy cái tư tưởng cao thượng, không quản bàng quan dị nghị, đem hạt giống văn minh, rắc lên chốn rừng xanh núi biếc” [29,307].

Hay nữa là hình ảnh quan Phủ Bảy của tỉnh Long Xuyên trong bài du ký

Một tháng ở Nam Kỳ, qua lời kể của tác Phạm Quỳnh ông hiện lên là người trọng sự bình đẳng tự do, tình thân ái đôn hậu; là một nhà quan lại nhưng không có cái thiên kiến của bọn quan lại. Là quan Diệp Văn Cương “tuổi đã cao mà người còn mạnh mẽ tinh anh lắm. Hán học đã thâm, Tây học cũng rộng, thật là gồm Âu Á đúc một lò” [30,178].

Tầng lớp quan lại Tây cũng xuất hiện khá nhiều trong các bài du ký. Tiêu biểu như quan cai trị X - một vị quan tây “có tiếng là người thâm lắm, nhất là đối với quan lại bên ta. Thấy nhiều ông quan người mình nhu nhược và đê tiện quá ông cũng tức thay, và thường làm lắm cái thủ đoạn “chơi khăm”, kể cũng “điếng” cho bọn kia, mà bọn kia vẫn không hiểu, vẫn không biết phấn chấn, tự cường lên chút nào” (Pháp du hành trình nhật ký).

Hay là ông De Casanova “trước làm quan cai trị ở bên ta, nay về hưu trí. Ông này là người hiền hậu, đạo đức lắm, khi còn làm quan, đến đâu cũng để tiếng tốt trong dân gian” [31,629]. Ông P giáo học tiếng An Nam ở trường Đông

phương Bác ngữ, là “người tính khí ôn hòa điềm đạm, ra tư cách một nhà bác học chứ không phải một quan cai trị thuộc địa” [31, 499].

* Tầng lớp trí thức

Trong những tác phẩm du ký trên Nam Phong tạp chí, hình ảnh về tầng lớp trí thức được các tác giả nói tới nhiều hơn cả. Đó là những nhà văn, nhà báo, những danh sĩ.

Trong Một tháng ở Nam Kỳ, tác giả Phạm Quỳnh đã giới thiệu một loạt những tên tuổi nhà báo, những người chủ bút có tiếng đương thời như: ông Nguyễn Chánh Sắt chủ báo Nông cổ mín đàn, là một nhà trước thuật có tiếng ở Nam Kỳ. Ông Nguyễn Văn Của chủ bút Trung nhựt báo, là một bậc thân hào danh giá ở Sài Gòn. Và nhiều nhà báo khác như Lê Hoằng Mục, Nguyễn Tử Thực, Võ Văn Thơm, Lê Quang Liêm… Họ là những người trí thức mới của xã hội đều tự ý thức được ý nghĩa và trách nhiệm của nghề báo đối với quốc dân. Phạm Quỳnh với tư cách là một nhà báo, nên ông hiểu sâu sắc vai trò của mình. Khi đi thăm các bạn đồng nghiệp, tức là anh em làm báo ở Sài Gòn, Phạm Quỳnh đã có những giãi bày thật chân thành với họ: “… Huống bọn mình lại cùng theo đuổi một nghề, tức là cái nghề khua chuông gõ mõ trong quốc dân, đem những lời hay lẽ phải mà bàn bạc với bạn đồng bào, mong gây lấy một mối tư tưởng cảm tình chung, mưu cho nước nhà sau này được cường mạnh vẻ vang, có ngày được mở mặt mở mày với thế giới, thì cái mục đích cao sa ấy lại không đủ khiến cho ta đồng tăm hiệp lực mà cùng nhau đạt tới ru?” [30, 165].

Nhắc tới giới trí thức nước nhà, Phạm Quỳnh luôn tỏ thái độ ngợi ca, cảm mến. Bởi họ còn là những danh sĩ cao nhân, là những người có tư cách cao cả. “Cầm, kỳ, thi, họa, là những ngón chơi thường của những bậc ấy”. Là nữ sĩ Đạm Phương vừa biết làm thơ Nôm, vừa biết tiếng Pháp; là cao tăng Viên Thành thượng nhân trụ trì chùa Ba La Mật - một người có phong nhã tài tình, tư tưởng cao thượng.

Viết về hình ảnh con người, các tác giả du ký mới chỉ “chấm phá” ở một vài hình ảnh tiêu biểu. Các tác giả chủ yếu dừng lại ở việc khắc họa, miêu tả một

số hình ảnh đại diện cho tầng lớp trên của xã hội, mà chưa đi sâu tìm hiểu và khắc họa con người ở những giai tầng khác. Đây có thể coi là một hạn chế của các tác giả khi viết du ký.

Tiểu kết

Như vậy việc khảo sát một vài khía cạnh về nội dung của thể du ký trên

Nam Phong tạp chí đã cho thấy những giá trị phong phú của một tác phẩm du ký. Du ký không đơn thuần chỉ là một tác phẩm văn chương mà còn chứa đựng trong đó nhiều yếu tố lịch sử, địa dư văn hóa, giáo dục và đôi khi nó còn phản ánh cả phương diện chính trị - xã hội. Bức tranh hiện thực trong du ký phần nào đã cho thấy sự toàn cảnh về non sông đất nước, về con người Việt Nam đầu thế kỷ XX. Những giá trị mà nội dung du ký đem lại không chỉ có ý nghĩa với người đọc bấy giờ, mà nó còn thiết thực với cả người đọc hôm nay và mai sau.

Chương III. Những đặc trưng nghệ thuật của thể du ký trên Nam Phong tạp chí

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934) (Trang 37 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(64 trang)
w